Home Góc nhìn Lê Ngọc Sơn (Ilmenau, CHLB Đức): VÌ SAO CHÂU ÂU LO NGẠI VỀ SỰ ĐE DOẠ TỪ ISIS?

Lê Ngọc Sơn (Ilmenau, CHLB Đức): VÌ SAO CHÂU ÂU LO NGẠI VỀ SỰ ĐE DOẠ TỪ ISIS?

by Lê Ngọc Sơn
Lê Ngọc Sơn (Ilmenau, CHLB Đức): VÌ SAO CHÂU ÂU LO NGẠI VỀ SỰ ĐE DOẠ TỪ ISIS?
15.11.2015 19:26

(NguoiViet.de) LTS: Vụ khủng bố đẫm máu ở Paris một lần nữa khiến châu Âu rúng động vì sự tàn nhẫn có tổ chức của nó. Nhân dịp này, Tổng Biên tập NguoiViet.de có cuộc trò chuyện ngắn với nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn, thành viên Nhóm Nghiên cứu Quốc tế về Truyền thông Khủng hoảng, trường Đại học Công nghệ Ilmenau (CHLB Đức), và là nghiên cứu sinh về quản trị khủng hoảng và quan hệ công chúng tại khoa Khoa học Kinh tế và Truyền thông của đại học top đầu này của CHLB Đức:

Trong một chuyến thăm Paris tháng 3/2015

TRỤC XUNG ĐỘT VĂN HOÁ – TÔN GIÁO

Cảm ơn ông đã nhận lời trả lời phỏng vấn của báo NguoiViet.de, dù biết ông sắp phải chuẩn bị trình bày tham luận tại một hội thảo chuyên đề quan trọng. Thưa ông, cảm nhận của ông thế nào sau vụ tấn công khủng bố ở Paris, thứ Sáu ngày 13.11?

Chắc chắn là thế giới sẽ có nhiều sự thay đổi sau sự kiện này. Nó tương tự sau vụ 11.09.2001 khi khủng bố tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới của Mỹ, ngay sau đó các biện pháp trả đũa bằng chiến tranh tàn khốc ở Trung Đông như chúng ta thấy. Tổng thống Pháp, đã lên truyền hình và khẳng định vụ khủng bố là một hành động chiến tranh của những kẻ khủng bố, và Pháp thề sẽ đáp trả. Một nơi được coi là “kinh đô ánh sáng” như Paris, nơi được coi là trái tim các giá trị cốt lõi của nhân loại, thì chắc chắn không bao giờ có chuyện thoả hiệp hay nhượng bộ với cái ác. Như vậy, trong tương lai gần dấu hiệu của bạo lực khó mà giảm, không những thế có thể làm sâu sắc thêm các cuộc khủng hoảng khác.

Cụ thể là gì, thưa ông?

Chẳng hạn, nhà chức trách Pháp phát hiện ra một trong những kẻ đánh bom Paris vốn là người xin tị nạn và có hộ chiếu Syria, trà trộn vào đoàn người tị nạn . Điều này có nghĩa là cuộc khủng hoảng về người tị nạn có thể thêm bế tắc, và rất có thể chính sách với người xin tị nạn ở châu Âu (kể cả với những nước có chính sách khá “ưu ái” người tỵ nạn như Đức) sẽ có khả năng thay đổi

Đôi khi tôi có cảm giác ngày tận thế vậy, những chiến tranh liên miên, những cuộc khủng hoảng trầm trọng, những cuộc tấn công đẫm máu… Ông có kiến giải nào về nỗi lo này không?

Thực ra những sự kiện thực tế hiện tại đã được lường đoán trong lý thuyết (gây tranh cãi) của nhà khoa học chính trị Samuel Huntington, được đề xuất lần đầu tiên trong một bài giảng của ông năm 1992. Trong thuyết về sự va chạm của các nền văn minh (the Clash of Civilizations), ông cho rằng các đặc tính văn hoá và căn tính tôn giáo sẽ là nguyên liệu của các xung đột của thời hậu chiến tranh lạnh. Sau đó lý thuyết này được phát triển thành một bài báo khoa học, và kế tiếp là một cuốn sách nổi tiếng. Tư tưởng của ông khởi nguyên từ việc phân tích sự đa dạng của các lý thuyết về nguồn gốc của chính trị quốc tế thời kỳ hậu chiến tranh lạnh. Vài nhà lý thuyết bàn về dân chủ, tự do, quyền con người, hay kinh tế thị trường tự do kiểu tư bản. Một người học trò cũ của ông tên là Francis Fukuyama cho rằng đã đến thời kỳ cáo chung của lịch sử (“the end of history”), còn Huntington cho rằng thời kỳ của các ý thức hệ sẽ kết thúc, các quan hệ nhà nước sẽ trở lại trạng thái bình thường với đặc trưng của các xung đôt về văn hoá, mà trục chính của xung đột trong tương lai sẽ là giữa văn hoá và tôn giáo. Có vẻ như các lường đoán này của Samuel Huntington đang trở thành hiện thực.

Theo ông, điều lo nhất của châu Âu hiện nay là gì?

Thế giới đang lo ngại nhiều về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Theo một nghiên cứu của viện PEW (Mỹ) năm 2015, riêng ở châu Âu khi được hỏi về lo ngại đối với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, có đến 67% số người dân Pháp được hỏi trả lời rằng họ lo lắng, sau đó lần lượt là Tây Ban Nha (61%), Mỹ (53%), Anh (52%), Úc (48), Đức (46%), Balan (22%). Và rõ ràng nỗi lo của người Pháp là có căn cứ và đã xảy ra trên thực tế trong vài năm trở lại đây, số vụ tấn công vào nước Pháp là đáng kể hơn so với các nước khác ở châu Âu (Xin xem bảng số liệu).

 
Một số vụ tấn công của những kẻ cực đoan Hồi giáo vào châu Âu từ 2011 đến nay. Số liệu này do nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn tổng hợp từ số liệu chính thức trong các tường thuật báo chí.

Và điều đau đầu là các phần tử cực đoan ISIS lại tuyển mộ người từ chính các nước phương Tây. Có khoảng 700 tay súng tại Syria đến từ Pháp, 400 đến từ Anh, 270 đến từ Đức, 250 đến từ Úc, 250 đến từ Bỉ, 70 đến từ Mỹ.v.v… Một nghiên cứu nhỏ nhưng khá thú vị về các tweet ủng hộ ISIS trên Twitter trong năm 2015 đến từ đâu, thì kết quả cho thấy, đa số đến từ Ả Rập Saudi (866), Syria (507), Irắc (453), Mỹ (404) v.v..

Vì sao khủng bố ở châu Âu lại được quan tâm, trong khi các vùng khác trên thế giới cũng có khủng bố nhưng lại nhận được ít sự quan tâm hơn, thưa ông?

Theo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu (Global Terrorism Index), tổng số người thiệt mạng bởi khủng bố của các nước ngoài châu Âu lớn hơn rất nhiều. 80% số số người thiệt mạng xảy ra ở 5 nước lần lượt: Irắc, Afganistan, Pakistan, Nigieria, Siria… Mặc dù vậy, vì sao châu Âu được quan tâm nhiều hơn, theo tôi có vài lý do sau: Thứ nhất, các hệ thống truyền thông lớn của thế giới hiện nay đều thuộc về “phương Tây”, do đó lẽ dĩ nhiên là các thông tin xảy ra trên châu Âu sẽ được quan tâm nhiều hơn. Thứ hai, các cuộc tấn công vào Paris là các cuộc tấn công được coi là nhắm vào “kinh đô ánh sáng”, nhằm vào các nền tảng giá trị tự do mà loài người đã mất hàng nghìn năm mới giành được. Do vậy, với loài người tiến bộ, những vụ việc này sẽ được quan tâm nhiều hơn. Thứ ba, theo một lẽ dĩ nhiên bởi tâm lý, có lẽ đa số chúng ta sẽ đến Pháp nhiều hơn là đặt chân đến các nước “xa xôi” khác, có thể có bạn bè hoặc người thân ở đây, công việc làm ăn,v.v… thế nên về tình cảm họ sẽ quan tâm hơn đến các vụ việc xảy ra ở Paris.

VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG

Truyền thông đóng vai trò như thế nào trong cuộc khủng hoảng này thưa ông?

Rõ ràng là truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, đóng vai trò tích cực trong cuộc khủng hoảng này. Người ta thông báo với nhau, biết về về sự kiện này qua mạng xã hội. Ngay đêm thứ Sáu ngày 13/11, lúc mới xảy ra vụ khủng bố, Facebook kích hoạt chức năng “Đánh dấu an toàn”, cho phép mọi người biết họ ở trong vùng ảnh hưởng hay là đã an toàn chỉ bằng bấm một biểu tượng đơn giản. Đã có hơn 4 triệu người đánh dấu mình “an toàn” trong suốt vụ tấn công.  Chức năng này cũng thông báo tới mọi người trong danh sách bạn bè của người đó biết về tình trạng của người đó, và đã có hơn 360 triệu người nhận được thông báo dạng này trong thời điểm xảy ra vụ khủng bố ở Paris. Thực ra Facebook đã tạo ra chức năng này từ năm 2014 để giúp mọi người đánh dấu là mình an toàn trong các vụ thảm hoạ thiên nhiên, và cho đến sự kiện này ở Paris là lần đầu tiên chức năng này được sử dụng để giúp mọi người trong vụ tấn công bạo lực.

Theo ông, những kẻ đánh bom kỳ vọng gì, dưới góc độ truyền thông?

Những kẻ khủng bố muốn gieo rắc sự sợ hãi. Cứ càng thể hiện sự quy mô càng lớn của thiệt hại, sự đau thương,v.v… chúng càng coi đó là sự thành công của chúng. Tôi xin nhắc lại một ý mà tôi từng phát biểu, kể từ những năm 1970s, đã có những sự thay đổi đối đáng kể trong việc truyền thông về hình ảnh của chủ nghĩa khủng bố, với những sự vụ tấn công mang tính “đáng đưa tin” (“newsworthy”) và “ăn ảnh” (“telegenic”) hơn trước.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nhà báo Lê Ngọc Sơn hiện đang là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Khoa Khoa học Kinh tế và Truyền thông, Đại học Công nghệ Ilmenau (CHLB Đức). Ông là thành viên Nhóm nghiên cứu quốc tế về Truyền thông Khủng hoảng của Đại học này.

Trước đó, ông tốt nghiệp cử nhân báo chí, khoa Báo chí Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); Thạc sĩ về Quản trị công (khoa Chính phủ, Đại học Uppsala (Thụy Điển). Trước khi theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu, ông có kinh nghiệm 12 năm làm báo và đạt nhiều giải thưởng.

Ông cũng là tác giả và dịch giả nhiều cuốn sách bán chạy tại Việt Nam, là người sáng lập kiêm Chủ tịch Trường Đào tạo Truyền thông Ứng dụng IAMS, một tổ chức phi lợi nhuận trong lĩnh vực truyền thông, với những cố gắng không ngừng nghỉ nhằm đóng góp vào lĩnh vực giáo dục.

Lương Cường (thực hiện)

Ảnh: Kim Chi

(Đây là bài Tổng Biên tập báo www.NguoiViet.de phỏng vấn tôi về cuộc khủng hoảng mới ở châu Âu.
Không hiểu sao trong nước không vào được, nên post lên đây cho mọi người có thể đọc).

You may also like