Tên sách: Bốn học thuyết truyền thông
Tác giả: Fred S. Siebert, Theodore Peterson, Wilbur Schramm
Dịch giả : Lê Ngọc Sơn
Khổ sách: 13 x 20,5 cm
Số trang: 264 trang
1) Về tác giả:
Fred S. Siebert nguyên là chủ nhiệm khoa Truyền thông, Đại học Michigan và là tác giả cuốn Tự do báo chí ở nước Anh (Freedom of the Press in England, 1476 – 1776).
Theodore Peterson laf giáo sư danh dự của Đại học lllinois, nơi ông từng là chủ nhiệm khoa Truyền thông; đồng thời ông là tác giả cuốn Tạp chí Thế kỷ Hai mươi (Magazines in the Twentieth Century).
Wilbur Schramm là Hiệu trưởng trường Báo chí, người đầu tiên thiết kế chương trình đào tạo tiến sĩ ngành truyền thông đại chúng ở Mỹ; ông sáng lập Viện Nghiên cứu Truyền thông của Đại học lllinois, cũng là nhà sáng lập Viện nghiên cứu Truyền thông của Đại học Stanford, Giám đốc Cơ quan Truyền thông Tây – Đông, Trung tâm Tây – Đông (Honolulu).
2) Về tác phẩm:
Bốn học thuyết truyền thông đã xác định các loại hình mà báo chí thế giới phương Tây có:
- Thuyết Độc đoán hình thành từ các thế kỉ mà chế độ độc tài về chính trị cầm quyền từ thời Plato đến Machiavelli;
- Thuyết Tự do hình thành từ thời Milton, Locke, Mill và thời kì Phục hưng;
- Thuyết Trách nhiệm Xã hội hình thành từ thời kì cải cách truyền thông và trong những nghi ngờ của triết lí thời kì Phục hưng; và
- Thuyết Toàn trị Xô viết hình thành trong thời kì Marx, Lenin, Stalin và Đảng Cộng sản Liên Xô.
Mỗi chương trong bốn chương sẽ giới thiệu về tác phẩm, phong cách và ý kiến của các tác giả. Nhóm tác giả không áp đặt bất kì một quan điểm nào lên các vấn đề được bàn luận trong những chương tiếp theo, dù có đề cập tới những kết luận của mình.
3) Mục lục:
- Lời nhà xuất bản
- Vài lời gợi mở
- Lời mở đầu
- 1 Thuyết Độc đoán
- 2 Thuyết Tự do
- 3 Thuyết Trách nhiệm Xã hội
- 4 Thuyết Toàn trị Xô viết
- Tài liệu tham khảo
4) Điểm nhấn
…“Để nhìn nhận sự khác biệt của hệ thống truyền thông giữa các nước một cách toàn diện nhất, phải nhìn vào hệ thống xã hội mà chúng đang hoạt động. Để xem xét hệ thống xã hội trong mối quan hệ với báo chí, phải xem xét những niềm tin và quan niệm cơ bản của xã hội đó: đặc tính của con người, xã hội, đất nước, mối quan hệ giữa con người và đất nước đó, của tri thức và sự thật. Vì thế, những khác biệt của các hệ thống truyền thông là sự khác biệt của các hệ thống học thuyết, và cuốn sách này viết về những học thuyết và triết lí chính trị đằng sau các loại hình truyền thông ngày nay.”…(trích Lời mở đầu, Bốn học thuyết truyền thông, Fred S. Siebert, Theodore Peterson, Wilbur Schramm, Lê Ngọc Sơn dịch, NXB Tri thức, 2013).
Lê Ngọc Sơn: “Lá cải hoá” báo chí và sứ mệnh của truyền thông
(Phỏng vấn của Trần Ngọc Kha)
Bên cạnh những mặt tích cực mà truyền thông đang mang lại cho xã hội, đâu đó vẫn có những mặt trái mà công chúng đang ta thán. Nhân dịp Ngày Báo chí Việt Nam 21/6, xung quanh câu chuyện này, nhà báo Lê Ngọc Sơn, một nhà nghiên cứu truyền thông trẻ, và là người chuyển ngữ cuốn sách “Bốn học thuyết truyền thông” sắp ra mắt, do NXB Tri thức ấn hành chia sẻ với bạn đọc quan điểm như sau.
Truyền thông đang đi về đâu?
PV: Vì sao ông dịch cuốn sách “Bốn học thuyết truyền thông”?
Nhà báo Lê Ngọc Sơn: Báo chí nước ta đang phát triển mạnh và đa dạng. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn bộc lộ một số khuynh hướng không lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội. Giới học thuật truyền thông chỉ ra rằng: Trên thế giới hiện có 4 hệ thống truyền thông chủ yếu: Độc tài, tự do, xô viết toàn trị và trách nhiệm xã hội. Mỗi hệ thống lý thuyết này đều có một ưu, nhược tật riêng. Chúng ta cần biết những điều này để ứng dụng vào thực tiễn để phát triển. Và đó là lý do khiến tôi dịch cuốn sách này.
PV: Thưa ông, là một nhà báo, đồng thời là một nhà nghiên cứu báo chí trẻ, ông nhận thấy xu hướng vận động của các loại hình truyền thông hiện nay ở ta như thế nào?
Nhà báo Lê Ngọc Sơn: Với sự phát triển không ngừng nghỉ và khó dự đoán của kỹ thuật và công nghệ, truyền thông đang phát triển chóng mặt cả về phương diện thiết bị kỹ thuật lẫn thủ thuật. Các nhà truyền thông đang tìm mọi cách để thu hút và gây chú ý đối với đối tượng của mình. Tuy nhiên, chúng ta có một nền truyền thông đang giai đoạn quá độ để trưởng thành, do vậy đã bộc lộ những nhược tật của nó. Điển hình như vụ chàng trai không chân không tay có tên Nick Vujcic đến Việt Nam, công ty truyền thông tổ chức sự kiện này đã thành công trong thương vụ làm ăn này, hướng sự chú ý của công chúng đến với sự kiện, nhưng cũng chính họ lại thất bại về mặt “tinh thần truyền thông”, về “trách nhiệm đối với công chúng”. Bản thân Nick rất “ổn” nhưng công ty truyền thông đã “đẩy” anh lên quá mức cần thiết để tối đa hóa lợi nhuận cho mình, làm khuynh đảo giới truyền thông, phần nào dẫn đến làm lu mờ nhiều vấn đề khác cũng cần thiết hơn nhiều. Xưn nhiều một ví dụ khác, tình trạng các báo lá cải và những báo mạng đang đi theo hướng “cải hoá” hiện nay, để tăng lượng người truy cập, họ đang tìm mọi kẽ hở để lôi được bạn đọc về phía mình, bất chấp thông tin đó có hợp với thẩm mỹ, văn hoá, và chuẩn mực hay không… Những vấn đề trên đều có một điểm chung, không ít đơn vị truyền thông đang tìm kiếm lợi ích mà không cần quan tâm đến công chúng. Chức năng khai sáng của truyền thông dường như mờ nhạt.
PV: Ở những nước phát triển, có chuyện đó không, xét trên góc độ học thuật?
Nhà báo Lê Ngọc Sơn: Nửa cuối thế kỷ 19, ở các nước phương Tây báo chí phát triển đến độ xuất hiện những vấn đề nhiễu nhương, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của công chúng. Đến thập niên thứ 2 của thế kỷ 20, khi quảng cáo càng ngày càng trở nên quan trọng với các tờ báo, nó cũng được coi là một thế lực xấu làm ảnh hưởng đến đạo đức người làm truyền thông, và khiến cho các chủ bút phải che dấu những tin tức không có lợi cho các nhà quảng cáo lớn.
Cũng thời điểm đó, ở Mỹ, khi các đài radio mọc lên ồ ạt và hỗn loạn, các đối thủ cạnh trạnh phát sóng trên cùng một tần số, những người nghiệp dư làm lẫn tín hiệu của họ với những người phát sóng chuyên nghiệp, và sự hỗn loạn này được truyền đến một lượng thính giả ngày càng gia tăng. Theo yêu cầu khẩn thiết từ ngành công nghiệp phát sóng, Chính phủ Mỹ lúc đó miễn cưỡng vào cuộc để đem lại trật tự cho tần sóng. Vào năm 1927, Quốc hội đã thành lập Ủy ban Liên bang Radio để chỉ định tần số sóng và kiểm soát nội dung chương trình. Đạo luật truyền thông năm 1934 đã yêu cầu ngành phát thanh hoạt động vì lợi ích công cộng. Ở Anh, theo khuyến nghị của Ủy ban Hoàng gia, Đại hội đồng Báo chí đã được thành lập để khuyến khích tinh thần trách nhiệm xã hội và tinh thần phục vụ xã hội trong nền báo chí. Chức năng chính của nó là lên án và công khai các hoạt động hành nghề “có vấn đề” của các tờ báo, điều tra các đơn kiện, yêu cầu bồi thường nếu đơn kiện được chứng minh là đúng và phúc đáp trong trường hợp ngược lại.
Những sự kiện này đã củng cố cơ sở cho một học thuyết có tên “Thuyết trách nhiệm xã hội của truyền thông” ra đời. Theo thuyết này, truyền thông cần phụng sự những lợi ích chính đáng của công chúng và phụng sự sự phát triển của xã hội.
Vì một nền truyền thông có trách nhiệm
PV: Từng có chuyện có những bài viết tưởng chừng như khách quan đã gây tác hại rất lớn và gây ra sự bất bình cho những người được phản ánh. Ông nghĩ sao về chuyện này?
Nhà báo Lê Ngọc Sơn: Trong những năm 1945 – 1946, 9 nhà báo tốt nghiệp Harvard đã thành lập hội Nieman (Nieman Fellows), ủng hộ quan điểm của Ủy ban Khai phóng Báo chí cần tường thuật chính xác sự thật sự kiện và trong bối cảnh của nó. Sự thật rất khó để điều tra và áp lực của việc xuất bản một tờ nhật báo khiến họ khó có thể thu thập được tất cả mọi dữ liệu cần thiết cho một bài viết đề cập đến nhiều mặt của vấn đề. Tuy nhiên, họ cũng nhận xét rằng “Hằng ngày có cả tá sự kiện đăng trên mỗi tờ báo có thể khẳng định được một phần sự thật.” Nếu một thượng nghị sĩ nói rằng có thể sa thải một triệu viên chức nhà nước mà không ảnh hưởng đến hiệu của hoạt động của chính phủ còn tổng thống lại nói rằng “không thể có chuyện đó”. Vậy ai đúng? Hội Nieman nhận xét rằng “Rõ ràng trong một nền dân chủ, báo chí phải có chức năng trả lời câu hỏi đó và phải trả lời một cách xác thực.” Sự gia tăng của việc giải thích tin tức trên các tờ nhật báo và những cố gắng trong việc đặt tin tức trong đúng bối cảnh đã cho thấy một bộ phận ngày càng nhiều người hành nghề báo tán thành quan điểm rằng: Chỉ tường thuật tin là không đủ mà phải nêu rõ bối cảnh của sự kiện.
PV: Theo ông, công chúng – những đối tượng của truyền thông cần làm gì?
Nhà báo Lê Ngọc Sơn: Công chúng của truyền thông cũng giống như khách hàng mua một món thực phẩm vậy. Thực phẩm đó có sạch hay không phần lớn phụ thuộc vào nhà sản xuất và chế biến. Sản phẩm truyền thông cũng vậy, nhưng tác động có khi tệ hại hơn món thực phẩm kia. Bởi với một sản phẩm truyền thông, số người bị ảnh hưởng có thể nhiều đến mức không đong đếm được. Những “độc tố” này không làm con người ta chết, mà làm cho người ta chìm dần trong những vùng tối của nhận thức, mê muội trong những dục vọng thấp hèn…
Do vậy, bên cạnh việc các cơ quan quản lý cần có chế tài với những nơi thường sản xuất những sản phẩm truyền thông ru công chúng ngủ trong những “vùng tối”, khuyến khích những sản phẩm truyền thông có tính khai sáng, hướng thượng công chúng, khai phóng họ khỏi những vùng u mê của trí tuệ.
PV: Phải chăng ông kỳ vọng hơn vào truyền thông, định một mức chuẩn ở “ngưỡng trên”?
Nhà báo Lê Ngọc Sơn: Với những sự nhiễu nhương như trình bày ở trên, nhiều người cho rằng người làm truyền thông cần có “đạo đức nghề nghiệp”, tôi không dám dùng những khái niệm cao siêu đó, chúng ta chỉ cần truyền thông làm đúng bổn phận và có trách nhiệm xã hội là đủ rồi.
Thực ra, để hình thành một văn hoá truyền thông không phải là chuyện ngày một ngày hai. Ở những nước phát triển như phương Tây, họ oằn mình cả trăm năm nay để trăn trở với “Thuyết trách nhiệm xã hội của truyền thông”, nhưng bản thân truyền thông của họ cũng bị thao túng bởi những tài phiệt. Hiện nay chúng ta có nhiều người giỏi trong lĩnh vực này, nhưng vẫn chưa đủ. Họ cần phải xác định rõ hơn về trách nhiệm xã hội của truyền thông để hướng tới một nền truyền thông mang giá trị khai dẫn sự tiến bộ xã hội.
PV: Xin cảm ơn ông!