Những ngày đợi nắng của Lê Ngọc Sơn là một tập sách gồm những bài phỏng vấn. Tác giả là một nhà báo có chí hướng làm báo và rèn luyện nghề báo cho mình và cho các đồng nghiệp. Những bài phỏng vấn của Sơn không phải là hỏi và đáp, tuy có người hỏi và người đáp.
Các bài phỏng vấn Sơn làm và đưa vào tập sách đa dạng về nhân vật (chính khách, nhà khoa học, nhà quản lý), có người có ta (người Việt trong và ngoài nước, đại sứ nước ngoài ở Việt Nam), bám sát thời sự (có vụ đề án 112, có vụ giàn khoan HD 981). Nhưng dù là ai, ở ngôi vị nào, đương chức hay về hưu, họ đều trở thành nhân vật của Lê Ngọc Sơn.
Nghĩa là khi họ đồng ý nhận lời cho anh nhà báo trẻ này làm phỏng vấn mình là họ đã tin anh, đã thầm mặc định chịu sự đối mặt và tra vấn trước những câu hỏi của anh. Họ có quyền im lặng hoặc lảng tránh những câu hỏi của anh nhà báo, nhất là những câu hỏi dường như “tọc mạch” về đời riêng và những nỗi niềm riêng tư. Những riêng tư của những người từng tham gia chính trường, từng có vai vế trong xã hội không dễ một sớm một chiều thích nghi, chấp nhận được, nhưng họ đã nghe hỏi và đã trả lời.
Tác giả kí tặng độc giả
“Những ngày đợi nắng” được trưng bày tại Hội sách HN 2014 tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long (từ ngày 26/9-2/10)
Có thể do độ gần gũi quan hệ. Có thể do cách hỏi, cách đưa ra những câu hỏi. Mỗi bài phỏng vấn của Lê Ngọc Sơn, ngoài lượng thông tin cần và đủ trong phạm vi của đề tài và giới hạn của nhân vật, đưa thêm cho người đọc một cái nhìn về đời thường và người thường cho những người anh trò chuyện, hỏi han, vốn là những người hay giữ mình, hay giấu mình trước công luận và công chúng khó tiếp cận.
Gặp người và hỏi người, trong cuộc sống bình thường vốn đã khó, lên mặt báo càng khó. Không ít nhà báo chán và ngại gặp đối tượng của mình vì một bên muốn biết và hiểu, nhưng một bên giữ và tránh. Cũng ít nhà báo biết cách tiếp cận đối tượng để được tin cậy và bằng những câu hỏi buộc đối tượng tự nhiên trả lời như bộc bạch, tâm sự, hơn cả một bài phỏng vấn theo thể loại báo chí. Lê Ngọc Sơn chọn con đường gặp người hỏi người để vẽ mặt người cho người thấy người.
Ông Hà Quang Dự, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Bộ trưởng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban thể dục thể thao tới dự lễ ra mắt “Những ngày đợi nắng”
Như vậy, những bài phỏng vấn anh làm còn là chứng từ cho các nhân vật anh hỏi. Nếu khi họ sai khác với những điều đã nói khi trả lời phỏng vấn, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước nhà báo và dư luận. “Người là thật, phải thật với người”, câu này của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng tôi muốn nghĩ đúng cho nhà báo Lê Ngọc Sơn và cho các nhân vật anh phỏng vấn được quy tụ trong cuốn sách này.
Nhà báo Lê Ngọc Sơn (bên trái) và độc giả trong lễ ra mắt “Những ngày đợi nắng”
“Những ngày đợi nắng” đánh dấu tròn 11 năm Lê Ngọc Sơn bước vào nghề báo
Ngẫm ra, người đặt câu hỏi là ở trong bóng tối, và cách đặt câu hỏi sẽ đưa người được hỏi phơi ra ánh sáng tùy theo độ khôn, độ khó, độ tinh của người hỏi. Trong chừng mực nào đó, tôi đã thấy ra mặt của những người chịu cho Lê Ngọc Sơn hỏi và chịu trả lời anh.
Phạm Xuân Nguyên
(Theo GiadinhVietnam.vn)