Vừa qua, mình có tham gia một hợp phần của dự án Bên trong thành phố của Hội đồng Anh. Những tác phẩm này đã post lên các trang web của hệ thống Hội đồng Anh toàn cầu. Xin chia sẻ cùng các bạn:
Khu tập thể cán bộ cấp cao ở phố Vạn Bảo tập trung khá nhiều quan chức nghỉ hưu. Trong số họ, có người từng là Chủ tịch nước, có người là Bộ trưởng… một thời quyền bính dọc ngang, nhưng về hưu, trong cảm nhận của tôi họ là những người cô đơn đến lạ… Như một người trong khu tập thể này tiết lộ, cả năm họ chẳng gặp nhau, thậm chí nếu có gặp cũng chưa chắc đã chào hỏi. Nơi gặp gỡ duy nhất của họ là Nhà văn hóa của Khu, nhưng mỗi năm cũng chỉ họp vài lần, nếu có tâm sự gì thì cũng chỉ “dăm câu ba sợi” là xong. Cuộc sống cứ thế, ngày này qua tháng khác. Một buổi chiều tôi đã gõ cửa ba căn hộ và ghi lại những cảm xúc về họ…
1.CHUYỆN Ở NHÀ ÔNG VŨ MÃO
Căn nhà nhỏ ở gác hai của khu nhà N3 dành cho nguyên cán bộ cao cấp ở phố Vạn Bảo khá yên ắng. Nếu bước vào khu phố này, phải đi qua nhà ông Vũ Mão mới đến nhà ông Trần Xuân Giá (nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, ông Trần Xuân Giá hiện đang cho ông Đỗ Quốc Sam – người tiền nhiệm – thuê lại nhà này) và nhà ông Cao Sĩ Kiêm (nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước), cạnh nữa là nhà ông Hà Quang Dự (nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao), hay đối diện phía bên kia cái sân con con là nhà của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
[youtube=http://www.youtube.com/watch?v=bnho3gNWGzo]
Có người tâm sự rằng, ở khu phố này, “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, ít liên hệ với nhau, nên những lúc rỗi ông chỉ làm thơ hay viết nhạc làm thú vui. Bước sang năm Đinh Sửu này, ông chính thức bước vào hàng ngũ của những người ở tuổi “xưa nay hiếm”. Ấy vậy nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, khí chất và tính cách của một nguyên lãnh tụ Đoàn lại trỗi dậy. Cứ trò chuyện được dăm câu, ông lại đọc thơ, rồi chán đọc thơ, ông chuyển sang hát… Nhưng ít ai biết rằng đằng sau cái vẻ vui tươi kia, là một con người có nhiều khoảng lặng cuộc đời… Ông làm thơ, viết nhạc như để xoa dịu những niềm đau đã trải và cảm ơn đời bởi những niềm vui đã qua… Giọng ông buồn buồn khi kể tôi nghe về tuổi thơ đầy sóng gió của mình:
Hồi nhỏ, cả nhà ông ông sống trong một căn nhà khá hẹp. Nhưng đời sống tình cảm khá thiếu thốn, bố mẹ cãi nhau suốt ngày. Rồi năm ông lên 4 tuổi, năm 1943, hôn nhân của bố mẹ đổ vỡ. Hai năm sau họ đều có gia đình riêng. Cậu bé Vũ Mão về ở với bố trong sự thiếu thốn tình thương của mẹ. Nhiều đêm trong giấc mơ, cậu bé thầm gọi mẹ. Tỉnh dậy, nước mắt tràn mi. Rồi sống với bố và dì, cậu bé Vũ Mão không khỏi tủi thân. Những trận đòn của dì vẫn còn in đậm trong ký ước của cậu bé cho tận gần… 70 năm sau: Có những lúc/lòng con trăn trở/ nỗi niềm đắng cay, cha mẹ chia tay/ cuộc đời này nào ai có hay/ từ ấu thơ con đã vắng tình mẫu tử…(trích bài thơ Hoài Vọng Ngân). Buồn lắm, với cậu không có sự lựa chọn nào khác. Cho đến năm 1957, sau khi học thiếu sinh quân ở Trung Quốc trở về, qua một kênh liên lạc, ông đã được gặp mẹ tại hồ Thiền Quang. Mẹ ôm chầm lấy ông mà phân bua: Con ơi ngày ấy/ nhà ta nghèo lắm/ cha là công nhân, nay đây mai đó/ làm mướn làm thuê/ mẹ long đong chạy chợ/ một ngôi nhà tranh bé nhỏ ngoại ô/ bà nội và ba gia đình cùng chung sống/ đông đúc, chen chúc/ căng thẳng, xúi bẩy/ nghi ngờ… Hồi đó, cậu bé 4 tuổi nào đâu hiểu được sự tình. Chỉ biết bỗng dưng một ngày gia đình tan đàn sẻ nghé, và niềm đau đứa con lãnh đủ mà thôi! Từ chuyện đớn đau của gia đình mình, ông rút ra bài học rằng: Hạnh phúc là phải biết thứ tha, bỏ qua những nghi kỵ, dỗi hờn…
Tổng kết lại tuổi thơ của mình, ông tự nhận mình là một người bất hạnh. Nhưng chính nhờ vậy ông mới có động lực để vươn lên. Tôi cảm nhận được vị cay xè trong đôi mắt của một ông già đang ngẫm suy về thời niên thiếu của mình, một thời niên thiếu thật đặc biệt, ít giống các quan chức khác mà tôi biết. Nghe ông kể về cuộc đời của mình, tự dưng tôi muốn vin vào hai câu thơ này để cảm: Cảm ơn người đã làm ta đau/Để ta thấy đời thênh thang rất lạ!
– Một tuổi thơ không mấy yên bình đã dạy cho ông điều gì?, tôi hỏi
– Dạy cho mình biết khổ là thế nào để mình không làm cho người khác phải khổ vì mình. Suốt mấy chục năm, trải qua nhiều cương vị, làm thủ trưởng khá nhiều cơ quan, tôi khá nghiêm nhưng có sự đồng cảm với anh em!
Trong 3 ngôi nhà mà chúng tôi đến thăm, có lẽ căn nhà nhỏ của ông ở khu tập thể này được trang hoàng tỉ mỉ nhất. Một góc tủ là những cuốn thơ và nhạc ông đã xuất bản, để hễ có khách quý đến thăm là ông đề từ và tặng; phía góc nhà là tượng bán thân của ông do một nhà điêu khắc kỳ công để tạc; còn phía trên tường đối diện cửa ra vào của phòng khách là bức ảnh lớn, mà theo ông Vũ Mão, là được mấy thợ thủ công của Lâm Đồng thêu trong 6 tháng liền…
Một đời xông pha, những cám dỗ của đời người ông đã nếm trải và vượt qua. Sự rủn rui của số phận, sự trớ trêu của thói đời… đủ để cho ông nhận thấy một điều đơn giản ở con người mình: “Quá tin người”. Vởi vẻ mặt buồn rầu, ông kể với tôi rằng, chính vì quá tin người mà ông đã gặp những khó khăn, những người mà ông từng nâng đỡ sau đó đã quay lưng lại với chính ông…
Hồi ông chuyển từ Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn sang làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Vũ Mão được mệnh danh là người dám quyết đoán. Có người nói rằng, chất phong trào nổi sôi trong máu của một cán bộ đoàn đã giúp ông làm nên những chuyện đột phá như vậy. Chuyện kể rằng, ông Vũ Mão là người cải tiến hình thức biểu quyết bằng tay sang biểu quyết bằng máy, đặt tiền đề cho ứng dụng công nghệ vào các hoạt động của Quốc hội. Rồi tới đó là chuyện ông khởi xướng việc truyền hình trực tiếp trên toàn quốc về các phiên chất vấn Bộ trưởng tại nghị trường… Những chuyện này mới và “sốc” đến mức, theo ông Vũ Mão, làm phật ý nhiều người nhưng rồi cuối cùng ông cũng kiên trì thuyết phục được… Thực sự đó là những đột phá nổi bật nhất mà những người quan tâm đến hoạt động của nghị trường khó có thể quên được…
Giờ, khi đã về hưu, ông bỏ qua những thị phi của người đời, bỏ qua những nghĩ suy của chuyện chính trị, để sống cảnh an nhàn của một người già. Rỗi thì ông viết nhạc, làm thơ, hoặc đi chơi golf cùng mấy ông bạn già ngày xưa cùng là “chiến hữu”…
Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, vợ ông cứ chạy ra chạy vào rót nước mời khách. Rót xong rồi vào nhà trong ngay. Mấy chục năm nay bà đều vậy…
BOX: Vài thông tin về ông Vũ Mão
*Sinh năm 1939, tại Hà Nội
*1960-1964: Sinh viên Đại học Thủy lợi HN
*1964-1971: Giảng viên Đại học Thủy lợi HN
*Từ 1982: Bí Thư Thứ nhất Trung ương Đoàn
*Từ 12/1987: Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
*Từ 2002: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội
*Năm 2007, về hưu
2.ĐỐI THOẠI NGHIÊNG
Có lẽ trường hợp của ông Cao Sĩ Kiêm là trường hợp đầu tiên trong lịch sưr Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với một Thống đốc Ngân hàng. Đó là một vết sẹo lớn còn ám ảnh người đàn ông này cho đến nay. Hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia. Ông Kiêm đang sống cùng vợ chồng người con gái tại căn nhà của chính mình ở dãy N của khu tập thể này. Trong vai trò là một kí giả, tôi đã có nhiều dịp đến thăm ông, những câu chuyện chúng tôi trao đổi nhiều khi đơn giản chỉ là gỡ gạc những mẩu quá khứ của ông. Và thực sự, trong cuộc trao đổi này với ông, tôi muốn gọi nó là một cuộc trao đổi nghiêng – Nghiêng thực sự, nếu xét ở cả khía cạnh tuổi tác, và cũng nghiêng thực sự nếu xét về sức nặng của thông tin…
[youtube=http://www.youtube.com/watch?v=Pe76ThtDBDY]
Nhiều người đặt “dấu hỏi” rằng, căn nhà 49 Lý Thái Tổ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) có “ma” không một vài đời Thống đốc gần đây nhất vị nào cũng bị thay hoặc gặp tai tiếng vì… “sự cố”. Tôi đã mang những thắc mắc này đến tâm sự với TS Cao Sĩ Kiêm, người đã có hơn 10 năm làm “ông chủ” căn nhà này (Thống đốc Ngân hàng Nhà nước). Ông cho rằng cuộc đời của mình như một quả bóng: “càng bị nhấn xuống nước thì lại càng bật lên”…
Thưa ông, cơ duyên nào khiến ông đến với ngành ngân hàng?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Tôi trước đây học ngành nông lâm, sau một thời gian ngắn thì chuyển qua ngân hàng. Mới đầu thì chỉ học sơ cấp, sau đó xung phong lên tỉnh miền núi Bắc Cạn. Rồi cũng ở miến núi, kết nạp Đảng. Lúc đấy tôi còn trẻ lắm, mới 17-18 tuổi. Đến năm 1966 tôi về Thái Bình, đến năm 1981 sang làm công tác Đảng, làm Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình. Khi anh Mười (nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười – PV) làm Thủ tướng, anh gọi tôi lên bảo với là phải lên ngân hàng, “nghề của anh là ngân hàng”. Lúc đó mình nói là mình đang làm ở địa phương quen rồi. Tôi chưa làm vĩ mô ngày nào, nên tôi sợ không làm được. Lúc đó anh Mười nói rất thẳng thắn là vì tôi trẻ mới đưa vào cương vị này, còn khó thì phải phấn đấu thôi. Rồi mình cũng phải nhận lời, thời điểm đó là tháng 5 năm 1989.
Có vẻ cương vị Thống đốc Ngân hàng sẽ đầy khó khăn đối với một người “chưa làm vĩ mô ngày nào”?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Tôi đưa ra 3 điều kiện: Một là trước hết cho tôi xây dựng cơ chế luật lệ để tiếp cận với thị trường, tiếp cận với bên ngoài. Thứ hai, cho tôi hoàn chỉnh việc xây dựng nhà máy in tiền (Lúc đó mình toàn phải in nhờ Liên Xô, Trung Quốc cho nên nó rất bị động). Thứ ba, là phải cho tôi toàn quyền công tác cán bộ.
Anh Mười chấp nhận và sau đó thì bắt tay vào làm hai Pháp lệnh luôn (Pháp lệnh về ngân hàng nhà nước và tổ chức tín dụng). Pháp lệnh xong thì một năm sau mình nắm được tất cả con người, nhân sự. Sau đó không lâu thì việc xây dựng nhà máy in tiền cũng hoàn thành (hiện đại nhất vùng Đông Nam Á ở thời điểm đó).
Như ông nói thì quả là một khối lượng công việc đồ sộ trong một thời gian không dài. Nhưng nói thật, trong 3 việc ông muốn “tự chủ”, thì trên thực tế việc được toàn quyền quyết định về nhân sự có được như ý ông muốn không? (Vì ngành ngân hàng là một ngành ai cũng muốn nhảy vào)
Ông Cao Sĩ Kiêm: Toàn quyền chứ. Thực tế, ông Mười rất quý tôi. Ông bảo: Được, cứ làm rồi ông cho! Và thực tế, tất cả cán bộ là tôi lựa chọn hết. Trước đây đề bạt một Phó Thống đốc là hàng mấy năm, mấy tháng. Nhưng lần này, khoảng độ hai tuần, tất cả hộ sơ được duyệt hết. Ông Mười duyệt một lúc 4 người luôn! Nói chung là tôi được rất ưu đãi và tạo điều kiện làm việc.
Lần đầu tiên đặt chân vào làm chủ căn nhà 49 Lý Thái Tổ, cảm giác lúc ấy của ông lúc đó như thế nào?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Cảm giác lúc đó là công việc rất nặng nề! Nhưng tôi suy nghĩ thế này: Lúc khó nhất thì lúc đó mới cần mình phát huy nhiều nhất, nên không thể nản lòng. Và lúc căng thẳng nhất thì tôi thấy mình suy nghĩ tốt nhất.
Ông có đồng ý không, nếu có ý kiến cho rằng: Cuộc đời ông gắn với 2 việc (1 việc thành công nhất và 1 việc tai tiếng nhất). Việc thành công nhất là đã giảm lạm phát từ 700% xuống còn 2-3% những năm 1990. Và việc tai tiếng nhất là vụ EPCO Minh Phụng¸ khiến ông phải thôi chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước…?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Đúng vậy!
Ít nhất đã có 2 đời “ông chủ” căn nhà 49 Lý Thái Tổ hoặc bị thay, hoặc bị dính phải tai. Ông nghĩ sao khi có người bảo rằng: 49 Lý Thái Tổ là căn nhà có ma?
TS Cao Sĩ Kiêm: Tôi không tin vào điều đó. Những người đi trước là những người rất ý chí, ông Nguyễn Lương Bằng – làm Thống đốc, sau làm Quyền Chủ tịch nước, và nhiều vị khác đều có chức tước cao trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Nhưng thời kỳ ấy là thời kỳ bao cấp, các ông lên làm Thống đốc không có vấn đề gì thay đổi cả. Chứ nếu mà có ma thì thời trước các ông này đã nghỉ sớm. Nhưng đến bắt đầu cơ chế thị trường thì cơ chế sẽ khiến người đứng đầu phải xuống rất nhanh nếu có rủi ro, vì ngân hàng là phương thức rất nhạy cảm, nhất là khi nền kinh tế chuyển đổi, chưa ổn định.
Chính sách tiền tệ là chính sách mà có thể tác động đến nhiều đến những lĩnh vực khác. Nó phải như là một đầu tàu, có tính chất đổi mới, mà bước vào công cuộc Đổi mới thì chúng ta chưa có kinh nghiệm, chưa có mô hình, chưa có con đường sẵn thì quản lý sẽ gặp sai sót. Và những người đứng đầu phải trả giá rất đắt cho những sai sót này.
Vậy thì trong vụ EPCO-Minh Phụng, sai lầm xương máu của ông là gì?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Tôi có cái sai là không kiểm tra được, đội ngũ kiểm tra của mình yếu quá, hoặc làm việc thiếu chắc chắn… Thành ra khi kiểm tra không phát hiện ra được thì xảy ra như thế. Lỗi chính vẫn là nó (Tăng Minh Phụng). Tôi đã vạch ra cho anh con đường đi, anh phải đi bên phải đường, anh thích chạy sang bên trái đường mà bị “xe” chẹt anh thì anh phải chịu chứ. Số bây giờ chả là gì, nhưng lúc đó là lớn lắm, 2-3 nghìn tỷ lúc đó là hiếm lắm, mà lại không thu hồi được. Bây giờ có thể thanh minh cho EPCO-Minh Phụng được, cái đó do mình gây nên, do cơ chế của mình gây nên.
Cho nên khi nói chuyện với mấy đồng chí lãnh đạo, tôi chia sẻ rằng kinh nghiệm xương máu của tôi là kiểm tra chặt chẽ. Làm cái gì cũng phải kiểm tra cẩn thận. Chứ còn mình rất tốt, rất có đạo đức, có năng lực, quyết đoán nhưng mà mình lơ là kiểm tra, không nắm được sẽ làm hỏng dưới, thì mình là người cuối cùng phải chịu hậu quả thôi.
Khi nghĩ chức Thống đốc, cảm giác của ông lúc dó ra sao?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Lúc đó cũng buồn lắm, nhưng tớ có một quan niệm thế này, cuộc đời mình như quả bóng: Đẩy thì nó bẹp xuống nhưng bỏ tay ra nó lại nẩy lên. Cho nên, tôi luôn luôn bắt mình phải suy nghĩ để có một sức bật, vượt qua trong mọi tình huống. Nên khi thôi ngân hàng, thậm chí đến bây giờ hơn 60 tuổi rồi mà tôi vẫn tham gia rất nhiều, để chứng minh sức bật, năng lực và chí khí của mình. Con người có năng lực có suy nghĩ thì môi trường nào anh cũng có thể phát huy được.
Nhưng nói như vậy cũng không có nghĩa là ông chưa từng nghĩ đến việc buông xuôi mọi thứ?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Cũng có lúc đấy. Nhưng những lúc bế tắc, mình nghĩ bế tắc mà mình buông xuôi thì cũng hỏng. Chẳng hạn sau khi mà mình nghĩ ở ngân hàng, thời kỳ đó thực sự rất căng thẳng.
Ông có nghĩ rằng làm lãnh đạo của một cơ quan nắm tiền nhiều nhất nước, lợi lộc sẽ rất cao (nhất là ở cương vị Thống đốc)?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Làm Thống đốc, có nhiều mối quan hệ: Quan hệ vay vốn, quan hệ giải ngân…, rất nhiều thứ lợi lộc có thể cũng nhiều. Nhưng mình phải nghĩ đến lâu dài, thêm nữa là thế nào rồi cũng nhận ra, anh em trong tập thể cơ quan cũng theo dõi rất chặt, chỉ cần sơ suất tý là họ phát hiện ra. Cho nên khi tôi làm chủ một cơ quan có tiền nong rất nhiều như vậy, khả năng mang lợi thì rất lớn nhưng tự nhủ mình không thể làm những việc trước mắt được.
Ngôi nhà mà ông đang ở là…?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Nhà tôi đang ở là tôi mua đấy. Lúc mới mua còn cây cối, cỏ mọc ngập đường. Nói thực, năm tôi mới lên Hà Nội, mấy cậu trong cơ quan bảo đi tìm cho tôi một căn nhà cỡ ấy trăm cây, cơ quan bỏ tiền ra mua. Nhưng bây giờ ngành ngân hàng có nhiều rắc rối, kiện cáo linh tinh. Thứ hai nữa là mình vừa lên chưa làm được cái gì cả, không muốn dây dưa vào chuyện ấy nhà cửa…
Vậy khi còn làm Thống đốc, món quà lớn nhất mà ông từng nhận là gì?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Lúc đó không có chuyện quà lớn, nó chỉ là cái bút, quyển sổ. Tiền thì không có. Nếu đi nước ngoài thì tổ chức nước ngoài mời đi có thể cho một ít tiền đi đường, không nhiều chỉ một vài nghìn USD. Muốn tiêu tiêu, không thì dành dụm thôi! Còn trong nước thì không có, tôi không nhận tiền của cấp dưới…
Điều đó sẽ không dễ tin lắm đâu, thưa ông?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Thời chúng tôi làm không như bây giờ đâu. Bây giờ những tặng phẩm để chiếm lòng tin thường là đất cát, nhà cửa. Ví dụ như nó cho hẳn cả một cái nhà, nhưng những kẻ chạy chọt không đứng tên người được tặng, mà những kẻ chạy chọt bảo nó sẽ cho người khác đứng tên. Đấy, cách là như thế. Bây giờ lại có cả thị trường trong chức vụ. Nó bỏ tiền để mua được một chức vụ nhất định được khoảng 1 tỷ, năm sau sau kiếm được 4 tỷ thì nó đã lãi 3 tỷ. Có thằng nó trắng trợn nói với tớ thế cơ mà! Nghe xong tôi rất rợn người!
Có cán bộ nào đặt một số tiền lớn và bảo: “cho tôi chức Vụ trưởng vụ này” không, thưa ông?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Không, lúc đó thì không có, lúc đó làm rất vô tư. Tôi có thể đề bạt một lúc nhiều người mà không có một tý gì. Lúc đó lại là khác, và uy tín của mình là chỗ ấy, vì không cầu lợi. Bởi thế nên mặc dù nghỉ ngân hàng được chục năm rồi mà từ trung ương đến địa phương anh nào cũng rất quý, rất tôn trọng.
Có một thực tế là bây giờ một số lãnh đạo các Bộ, sau khi về hưu thì họ nhảy vào một tập đoàn nào đó rất mạnh để làm cố vấn hoặc chuyên gia. Nghe nói ông đã từng giúp đỡ nhiều doanh nghiệp vươn lên. Vậy ông có ý định sẽ làm cố vấn hay chuyên gia như nhiều người khác không?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Tôi đã tạo điều kiện giúp đỡ hầu hết các doanh nghiệp có máu mặt ở Việt Nam, như Bitis, Cà phê Trung Nguyên… Tôi sẽ không làm cố vấn hay chuyên gia vì bận quá nhiều việc. Với lại làm thế là trái với quy định của Chính phủ…
Hiện nay công việc của ông thế nào?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Tôi cũng khá bận rộn. Bận nhưng vui, vì những kiến thức mình đang sử dụng là những kiến thức mà mình đã có, và đang phát huy rất tốt. Những lúc rảnh rỗi tôi thường chơi nhạc và thi thoảng làm vài vần thơ…
3.VÀ CHUYỆN VỀ MỘT NGƯỜI TRẦM TƯ…
Lọt thỏm giữa nhà ông Vũ Mão và ông Cao Sĩ Kiêm là nhà ông Hà Quang Dự. Ông dự cũng từng một một cán bộ cao cấp, từng là người kế nhiệm ông Vũ Mão làm Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, sau đó là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao. Tuy nhiên về chủ quan, tôi dám chắc rằng không nhiều lắm những người trẻ nào hiện nay biết đến ông Dự. Ông sống ít ồn ào ở khu tập thể này, cũng giống như ông Dự ít ồn ào với giới truyền thông. Khi chúng tôi đến thăm gia đình ông cũng là lúc 2 vợ chồng ông sắm sửa để sang Úc để thăm người con gái út…
[youtube=http://www.youtube.com/watch?v=XYfBKzfNa1s]
Nếu chỉ tiếp xúc qua, ít ai biết được ông là người dân tộc Tày, bố của ông Dự từng là Bí thư huyện ủy Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Cảm giác đầu tiên là ông thật, thật như những điệu then của đàn tính, thật như những tình cảm của người vùng cao.
Năm 1964, ông Dự bước vào học trường Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội), nơi đây qua một người bạn thân, ông đã “phải lòng” với em gái của người bạn, và sau này người đó là phu nhân của ông Dự…
Ông kể cho tôi nghe câu chuyện ông bỗng dưng bị thôi chức đột ngột một cách “khó hiểu” với nhiều người, và lý giải nguyên do. Câu chuyện về những cán bộ ngày xưa buôn tiền bị bắt, nhưng ông đã “cứu” và bây giờ vẫn thênh thang quan lộ .v.v… Tôi thì ít quan tâm đến những chuyện đó mà chỉ muốn nghĩ đến đời sống hiện tại của ông. Gặng hỏi mãi, ông kể: “Hiện nay, tôi vẫn thi thoảng đi làm theo kiểu thời vụ, nhận lời giúp các công ty bạn bè nhờ thiết lập mối quan hệ với chỗ nọ chỗ kia, hoặc nhiều giám đốc bây giờ văn chương câu cú kém lắm, các đề án họ làm xong thường đến nhờ tôi sửa cho cẩn thận. Những kiến thức chung về kinh tế mình không phải không biết, những nguyên tắc về hợp đồng mình sửa giúp họ, mỗi vụ thế cũng đủ chi cho vài bữa nhậu. Đấy, 2 vụ như thế là đủ tiền vé máy bay của 2 vợ chồng đi Úc, chứ lương bộ trưởng hưu là 4,7 triệu, của vợ là hơn 2 triệu ở Hà Nội sống chật vật lắm. Tôi không gắn mình với một tổ chức nào, làm tự do, ai nhờ thì làm không thì thôi. Được cái mình sống nhân hậu với bạn bè nên họ vẫn quý. Tết được tặng dăm ba chục chai rượu quý là thường. Phong bì bây giờ vẫn có, ngày xưa đương chức nhận phong bì lo lắm, bây giờ thì thoải mái. Có những phong bì có khi 5 triệu, 10 triệu. Đó là việc họ bày tỏ sự tôn trọng những gì mình đã làm cho họ, và cũng là những tình cảm thật. Ở tuổi tụi tôi vẫn có thể cống hiến được, đã “chín” và quen bầm dập rồi, nên nhìn thấy đâu là cái hay và đâu là cái dở…”
Bây giờ về hưu, bạn thân nhất của ông trong khu tập thể là ông Vũ Mão, người hàng xóm và là tiền nhiệm của mình thời còn làm việc. Hai ông thi thoảng vẫn gặp nhau đối ẩm thi thơ…
Căn nhà của vợ chồng già buồn lắm nếu không có các cháu ở quê lên đây ăn học, vì cả hai đứa con gái đều định cư ở nước ngoài: một ở Đức và một ở Úc… Những bữa cơm đơn giản nhưng vui đủ để là những niềm vui nho nhỏ của ông. Ngoài thú chơi là sưu tập rượu, theo lời ông, với nhiều loại rượu khác nhau, ông Hà Quang Dự còn làm thơ. Thơ của ông thường về thế sự, hoặc có loại thơ về tình yêu. Có thể mỗi người có một cách cảm khác nhau về thơ của ông, nhưng trên hết người ta vẫn thấy ở ông một con người với nhiều cảm xúc ưu tư với đời, với người, với trần thế…
4.LỜI KẾT
Chúng tôi rời dãy nhà N3 cũng là lúc mặt trời xế bóng, những sợi nắng cuối chiều rọi xuống những thân cây cao ở khuôn viên cũ, khiến mặt đường hằn dấu những bóng cây. Mấy đứa trẻ con sau những trò đùa tinh nghịch tranh thủ ngồi bệt dưới những bóng râm. Chiều muộn, vài chiếc ô tô (có lẽ của những gia đình khác trong khu tập thể này) chạy xẹt qua con đường nhỏ trong khu tập thể để về nhà. Cuộc sống của những quan chức về hưu ở dãy nhà N3 mỗi người có một thân phận riêng, nhưng những buổi trời chiều thường gợi nhắc cho bất kỳ thi sĩ nào những đoản khúc chiều trác tuyệt. Và có thể đâu đó trong khu tập thể kia, có người đang làm thơ…