Bài 1 của Chi Bảo đăng ngày 7/6/2021
Mến gửi Sơn,
Tôi đã đọc bài viết của Sơn sáng nay: “Lương tâm của nghệ sỹ và chuyện Hãy tự thắp đuốc mà đi”. Tôi xin đáp lại đôi lời.
Trước tiên, tôi quý Sơn bởi tấm lòng trăn trở với thời cuộc qua rất nhiều bài viết trước đây và ước mong đấu tranh cho sự phát triển văn minh của xã hội. Sau khi tôi có ý kiến về bài viết của Sơn được đăng trên Zing là thiếu lương tâm, Sơn đã nói rằng muốn bàn với tôi về vấn đề Lương tâm.
Sáng nay, khi tôi đọc bài viết của Sơn, thì ngoài chủ đề chính là “Lương Tâm” Sơn có thêm ý “Hãy tự thắp đuốc mà đi”. Với cá nhân tôi, đây là 02 chủ đề có liên quan nhau và rất hay, rất ý nghĩa để bàn luận lúc này. Nên tôi xin phép bàn với Sơn phần đầu trước, tức vấn đề LƯƠNG TÂM, còn phần thứ hai sẽ tiếp theo sau đó vì bài sẽ dài, e viết thêm người xem sẽ mệt. (Hoặc giả sử có điều kiện chúng ta có thể tổ chức một buổi toạ đàm? Sơn cứ suy nghĩ thêm về hướng này nhé).
Trở lại bài viết của Sơn, mở đầu là chuyện “Lương tâm của người nghệ sỹ”: Tôi đồng ý với Sơn về định nghĩa của Lương tâm theo từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê mà Sơn đưa ra, tôi chỉ xin mạn phép bàn thêm về từ này: Lương tâm không chỉ chứa đựng khả năng để con người có thể tự đánh giá và điều chỉnh hành vi của mình về mặt đạo đức. Ngay từ lớp vỡ lòng ta luôn được dạy về đạo đức, và những bài học để noi theo, tức là tự đánh giá và điều chỉnh bản thân cho tốt hơn. Nếu làm được thế thì con người chắc chắn phải hạnh phúc lắm. Sơn cũng biết con người hạnh phúc phải có chất liệu của sự bình yên, vui tươi, vững chãi, có tình thương. Nhìn lại người trẻ và ngay cả chúng ta, ta có đang như thế không? ta đưa ra nhiều lý do để biện minh cho sự bất an trong tâm hồn mình: vì người khác, vì thân phận, vì bất công, vì xã hội… thế còn vì ta ở đâu?
Những khái niệm và bài học về đạo đức hầu như đã được định nghĩa rất rõ ràng của cha ông ta từ bao đời, được trao truyền qua bao thế hệ cho đến ngày nay, có trong thơ ca, ca dao, tục ngữ và trong các từ điển. Tôi và Sơn và những người bạn trẻ (xin lưu ý: tôi dùng đối tượng trẻ và thêm tôi với Sơn trong bài này) không thể nói rằng chúng ta không biết hoặc không hiểu tận tường đúng không?
Vậy chuyện gì đang xảy ra? Tại sao ta hiểu mà ta làm không được theo những định nghĩa, những khái niệm ấy? Có ai dám tự hào ta đã làm được? Và có thật là ta làm không được? Chưa cần tìm những nguyên nhân sâu xa, ta có thể trả lời chắc chắn rằng: ta đã làm điều gì đó chưa hợp lý.
Trích lời Sơn viết: theo từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê (tr.600, NXB Đà Nẵng 2003): Lương tâm là yếu tố nội tâm chứa đựng 02 khả năng để con người có khả năng tự đánh giá và điều chỉnh hành vi của mình về mặt đạo đức. Đây là 02 khả năng cốt lõi của lương tâm.
Xin được hỏi: vậy, con người có khả năng “tự đánh giá” hành vi của mình về mặt đạo đức hay không? Hầu như phần nhiều sẽ trả lời là có. Tôi tin, và tôi cũng tin phần nhiều là chưa chính xác trong khả năng “tự đánh giá”. Muốn tự đánh giá được hành vi của mình, con người phải có khả năng thấu hiểu chính bản thân mình trước, phải hiểu và phân tích đúng những trăn trở và băn khoăn của đời mình. Thực tế có vậy không? Con người đang hiểu về mình rất ít, và cũng chẳng cần phải cất công hiểu về mình làm gì, vì mọi chuyện cứ đổ thừa cho người khác là xong. Đó là lý do cốt lõi, tại sao ngày nay ta luôn chìm đắm trong khổ đau để đi tìm câu trả lời tại sao thế này? Tai sao thế kia ..ở người khác. Có nhiều người thành đạt trong xã hội, họ luôn tự hào mình đầy bản lĩnh, cứng cõi, có gì khó khăn trong đời mà mình không vượt qua kia chứ? Nhưng rồi cũng có lúc ta thấy họ chợt tuôn rơi những dòng lệ thật đau lòng, họ đã khóc như trẻ thơ, chắc ngay cả Tôi và Sơn cũng đôi lần như thế? Con người mình yếu đuối hơn mình tưởng nhiều lắm Sơn ạ.
Vì từ khi lớn lên đến lúc thành tựu, ta điều được hướng dẫn là luôn khám phá và chinh phục thế giới bên ngoài, ta đã quá quen và có nhiều kinh nghiệm như thế rồi, cả thời gian và tài năng của ta đã dành hết cho con đường chinh phục cuộc đời. Nên ai làm gì, chỉ cần một cú liếc mắt là ta cũng biết, “ruồi đực hay ruồi cái bay qua” là ta đã biết mà. Và ta mang những hiểu biết và kinh nghiệm ấy để phân tích và đánh giá mọi suy nghĩ, hành vi của…đối thủ. Nên khi có chuyện gì xảy ra với chính ta ta còn mơ hồ và lạ lẫm lắm.
Thế làm sao mà ta có thể “tự” đánh giá ta cho công tâm cho hợp đạo đức? Nếu có, cũng chỉ để làm vừa lòng chính ta, xoa dịu cái bản ngã của ta mà thôi. Vì vậy tôi không tin vào khả năng tự đánh giá của chính mình.
Tôi đã từng có niềm tin mãnh liệt vào lương tâm chính mình, tôi đã từng tin vào khả năng của tôi biết bao lần, nên tôi rất tự tin vào bản thân. Vì nếu không có niềm tin vào chính ta sao ta có thể sống nổi? Vậy mà có ngày tôi được nhận ra cái khả năng ấy thật mong manh, mơ hồ không như tôi tưởng, tôi đã lạc lõng, thất vọng ê chề, đó là năm tôi 35, 36 tuổi.
Nhưng, con người có cần phải “tự đánh giá” không? Vì mỗi khi tâm ta phát khởi “ý muốn” thì lập tức cái bản ngã sẽ “chìu” lòng ta. Đánh giá, tức đưa ra thế nào là đúng, thế nào là sai và thường đi kèm với sự phân biệt, lựa chọn, đó cũng là do thói quen. Tức, khi ta đánh giá bất kỳ sự vật, hiện tượng nào ta thường có khuynh hướng phân biệt, tách rời bản chất của sự vật hiện tượng ấy, đó cũng là may lắm rồi, chứ thường sau khi phân tích, tách rời xong, ta thương yêu “bên” nào làm vừa lòng ta, ta khó mà đi về “phía” ngược lại, vì ta đánh ta đau lắm, ta thắng ta là chiến thắng vẻ vang nhất, ông bà đã cảnh báo rồi.
Ví dụ: như trường hợp anh Hoài Linh làm từ thiện vừa rồi, khi ta phân tích, đánh giá anh Hoài Linh. Ta chỉ thấy toàn hình ảnh và màu sắc đen tối, bao nhiêu từ ngữ xấu xa nhất ta đều ưu ái dành cho anh Hoài Linh. Ta còn lên án và kêu gọi loại trừ ảnh là người nghệ sỹ. Giả sử ta đồng ý rằng anh Hoài Linh xứng đáng bị như thế vì những gì ảnh làm trong 06 tháng qua. Thế còn 30 năm trừ đi 06 tháng qua thì sao? Ta lại nói rằng chuyện nào ra chuyện nấy (phân biệt)? Xin thưa, đó là toàn bộ con người của anh Hoài Linh, cũng như tất cả chúng ta đều có cái xấu và cái tốt. Cái tốt ta chơi ta hưởng, cái xấu ta để lại cho ai? Không cần ta phải bao dung như thế, không cần ta phải tốt đẹp như thế, thật ra đời này chỉ cần ta nhìn đúng: là ta chưa bao dung như thế, ta chưa tốt đẹp như thế. Đó mới là sự trung thực, là công tâm.
Chưa nói đến về bản chất sự vật, hiện tượng trong vũ trụ này luôn có 02 mặt đối lập không thể tách rời. Đây không phải là duy tâm hay đạo lý nào cao siêu, khoa học cũng đã chứng minh: nếu ta tách rời một đơn vị nhỏ nhất của nguyên tử là hạt, những electron nhỏ hơn, khi ta tác động một lực vào bên này thì bên kia cũng xảy ra hiệu ứng tương tự. Hoặc “hiệu ứng con bướm bướm” (Butterfly effect): một cơn bão chịu sự ảnh hưởng của một con bươm bướm nhỏ bé vỗ cánh ở một nơi nào đó rất xa cơn bão.
Vì thế ta không thể nào cố tách rời bản chất một sự vật, hiện tượng tất cả điều có liên quan mật thiết với nhau, có cái này mới có cái kia và ngược lại, như hai mặt của một bàn tay. Nhân tiện, ta cũng có thể thấy câu: “Nghệ sỹ và khán giả, ai nuôi ai” là câu hỏi kỳ lạ trên đời, vậy mà ta vẫn tranh cãi thì càng kỳ lạ hơn, tình trạng ta đang như thế, buồn lắm Sơn ạ.
Ta cũng biết về Đau Khổ của con người là do bất như ý mà ra, tức những điều không như ý muốn. Con người luôn chìu lòng chính mình bởi thế mới thường khổ đau hay câu bản chất con người vốn ích kỹ, đó là khuynh hướng. Nên khi tự đánh giá, ta thường chọn “vùng” an toàn, vùng êm ái, nhẹ nhàng và có lợi cho ta. Ta đâu có sai khi ta chọn, đấu tranh và hướng đến đều tốt đẹp, ai mà không thế, đó là hợp đạo lý. Nhưng ta sai khi ta không chấp nhận và ta muốn loại trừ những điều xấu ấy trong đối tượng và trong cả chính ta. ta là thế đó, cũng thường tình. Chỉ những bậc hiền triết, hay trí tuệ, có tình thương vô bờ mới làm được điều hợp vũ trụ, nhưng dù không làm được như ấy thì ít nhất ta cũng biết mình làm không được, chứ không phải nghĩ mình đang làm đúng. Đây mới là cái sai tai hại, là do chính ta lừa dối với lương tâm ta.
Vậy thay vì “tự đánh giá” về khả năng hành vi của mình ta hãy “tự nhận biết” những suy nghĩ, hành vi của chính mình trước được không? Nhận biết, tức là “thấy” , chưa cần đánh giá tức chưa thêm vào đó thái độ (thích hay không thích), thấy mình sai nói sai, thấy mình đúng nói đúng và đối với người khác cũng vậy. Vì làm như vậy, trước tiên ta đã công nhận cái tốt và xấu cùng tồn tại trong một bản thể không thể tách rời, điều này hợp với vũ trụ và hợp đạo lý hay nói cách khác hợp tình hợp lý. Thứ hai, ta “có thời gian” để bình tâm nhìn nhận vấn đề thấu đáo đúng với bản chất, sau đó ta mới quyết định, cái quyết định này dựa trên sự bình tâm và cũng dựa trên cái công nhận bản chất của nhau. Đó mới là điều cao đẹp và ý nghĩa của Lương tâm.
Trên đời này, khi ta nhận ra lỗi lầm thì tự khắc đó là thời điểm ta đã có sự chuyển biến kỳ diệu trong tâm can, đó là thời khắc hạnh phúc nhất trong đời, ta đâu cần đến bước “tự điều chỉnh” hành vi nữa. Bản chất nó luôn song hành và diễn ra cùng lúc, kết thúc của cái này là sự khởi đầu của cái kia. Tự nhiên vũ trụ là thế!
Sửa lỗi là một việc nên làm, nhưng nhận ra được bản chất của lỗi lầm mới là điều quan trọng và cần thiết nhất đời người, khi ta đã thấy rõ con đường thì không lo gì không đi được. Lúc đó ta có thể tự thắp đuốc mà đi hoặc chúng ta đi chung cùng nhau một ngọn đuốc cũng ấm lòng.
Cảm ơn Sơn và các bạn đã dành thời gian đọc bài viết này, xin hẹn tiếp ở phần 02: “Chuyện, tự thắp đuốc mà đi”
Bài 2 của Chi Bảo đăng ngày 7/6/2021 (ngay sau khi đăng bài 1):
Mến gửi em,
Ở phần đầu của bài viết hôm qua, anh dành thời gian rất nhiều để nói về lương tâm và nói rõ thêm hướng tiếp cận với lương tâm là nhận diện chứ không chỉ là đánh giá và điều chỉnh hành vi của mình so với đạo đức như theo từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê (NXB Đà Nẵng, 2003). Tuy nhiên, phần mở rộng này không có ý nói lên là trong từ điển còn thiếu, hoặc đề xuất của anh là đúng, mà điều này là cách anh đã chia sẻ rất nhiều trong các chương trình tâm lý trị liệu với vai trò một diễn giả. Anh rất mong được gặp gỡ các anh chị để bàn luận về chủ đề này trong một tương lai gần, hy vọng sẽ gặp em.
Anh được học và nghiên cứu nhiều năm về tâm lý trị liệu, trong suốt gần 15 năm qua anh may mắn được gặp những người thầy, người anh là các bậc thầy về tâm lý trị liệu, đều có chung một nhận xét: đối diện với lương tâm là điều khó khăn nhất. Làm thế nào để nhận diện và thấu hiểu lương tâm? Thấu hiểu tâm hồn mình? Đó có phải để giúp ta trả lời câu hỏi: ta là ai trong cuộc đời này? Em có công nhận với anh, để trả lời câu hỏi này, con người có khi đã đi qua đời mình?
Thế mà chỉ cần căn cứ vào định nghĩa của lương tâm em đã vội đưa ra 03 bảo bối để vẽ được chân dung của người nghệ sỹ, em gan lắm Sơn ạ. Gan dạ rất tốt và phải dũng cảm thì xã hội sẽ được nhờ.
Không biết bao lần em đã đối diện với lương tâm chính mình? Với anh, cần phải thật yên lặng trong tâm hồn để lắng nghe những thổn thức, réo gọi từ sâu trong tiềm thức hiện về, những thúc giục hành động cả điều tốt và xấu, một bãi chiến trường em à. Con người của mình kinh khủng hơn mình tưởng nhiều lắm, em có tin không? Anh lấy ví dụ: khi em gặp ai đó, em nỡ nụ cười, em bắt tay vồn vã, nhưng ngay thời khắc đó trong tâm trí em hiện lên điều gì, nó có đồng điệu với vẻ ngoài em đang là, hay nó khác? Em thử ghi nhận lại vài lần em sẽ hiểu chút ít về con người mình. Hoặc, khi em gõ những dòng chữ lịch sự, văn minh với anh, trong lòng em đang như thế nào? Em hãy ghi nhận lại, đó là những khúc dạo đầu của hành trình khám phá chính lương tâm mình.
Lương tâm mình nó rắc rối thế đó, người thông minh, nhiều kiến thức như em thì rắc rối chập chùng. Trên thế giới này, phần đông người bị stress, trầm cảm là người có nhiều kiến thức. Người lao động chân tay bình thường họ dễ có hạnh phúc hơn, họ cực nhưng không khổ, còn ta ít cực những khổ rất nhiều.
Bây giờ, anh em mình cùng nhìn lại rất nhiều vấn đề em nêu ra trong 02 bài viết về Nghệ sỹ và những câu hỏi dành cho chính anh.
Nghề nào cũng đẹp, cũng hạnh phúc phải không em? Và đều có mặt trái của nó, dù muốn dù không nó vẫn tồn tại song hành đúng quy luật vũ trụ. Những điều em nêu và gán một nhãn hiệu cho nó là sự thật trần trụi về giới gọi là “Showbiz Việt” anh đồng ý với em, đó là những đám bèo trôi trên dòng sông nhỏ, thế em có muốn khám phá những tảng băng lớn trên đại dương không? Và điều quan trọng là em có đủ lực và tấm lòng để dành cho cuộc hành trình này?
Nếu bài viết của em chỉ đăng trên FB hay bất kỳ phương tiện cá nhân nào, chắc anh không bao giờ có ý kiến, đằng này được đăng trên báo Zing, một tờ báo anh quý mến và có nhiều bạn trẻ theo dõi và em được giới thiệu là một chuyên gia về truyền thông, tức sự ảnh hưởng của em với người trẻ rất lớn, chính điều này làm anh lo lắng. Anh lo, người trẻ sau khi đọc bài này họ được gì? Lòng thù hận, sự cay nghiệt sẽ tiếp tục được dâng lên, họ buông những lời dành cho người đáng tuổi chú, tuổi anh mình… thật chua xót. Nếu Sơn có một đưa em như thế, anh hỏi thật em có lo không? (Anh rất muốn có dịp sẽ phân tích sâu về những cảm xúc giận hờn và sự nhân danh vì lòng tốt này, để thấy rõ những điều ta đang phản ứng cứ ngỡ là vì cái đẹp, không đâu, ta chẳng vì ai cả, ta chỉ vì xoa dịu chính tâm hồn ta mà thôi).
Em nghĩ anh đau lòng, bênh vực cho người lớn ư (anh Hoài Linh)? Đó là vì em chưa thấy và hiểu những gì anh đã làm cho người trẻ suốt 10 năm qua, phần đời còn lại của anh chỉ dành cho những trăn trở của người trẻ thôi Sơn ạ, người lớn họ tự lo được, không cần đến anh thương xót. Em nghĩ như thế cũng bình thường, phần đông cũng nghĩ như thế, đó là cách nghĩ hiện nay. Nhưng thử nghĩ thêm một cách khác xem sao, ta có thấy được gì thêm ngoài cách nghĩ ban đầu? Trong vai diễn, anh luôn tìm nhiều cách nghĩ khác nhau, nhìn trước nhìn sau, nhìn trên nhìn dưới, và cân nhắc rất nhiều với hiểu biết của mình rồi mới đưa ra quyết định cho vai diễn.
Anh không nói em hay người trẻ nghĩ khác về anh để thông cảm cho anh, mà để hiểu vấn đề gần với sự thật nhất, khi hiểu mình sẽ có một thái độ phù hợp hơn. Trở lại chuyện người trẻ và bài viết của em, em vì chuyện mặt trái của “Showbiz Việt” em đã góp phần làm cho các bạn trẻ hung hăng hơn ngay lúc thời điểm xã hội rối bời vì covid, mọi người trong gia đình quây quần bên nhau, cũng là dịp chia sẻ những khó khăn của nhau và cũng dành thời gian cho nhau. Sao em không chọn một thời điểm thích hợp hơn?
Em hỏi anh, tại sao anh lại rời đi khỏi cái em cho là ao cá vẫn đục kia, để thấy mình vô can? Chỉ người yếu kém mới làm thế Sơn ạ. Anh đã là một người nghệ sỹ, thì suốt đời anh vẫn là người nghệ sỹ, đó là sự thật, nếu em không tin em có thể chỉ cho anh cách nào thoát ra được không? Em có thể lấy đi giúp anh những hình ảnh, tâm tư, kỹ niệm suốt 25 năm nằm sâu trong tàng thức của anh? Em có giúp anh được không? Thế thì câu anh nói suốt đời này anh vẫn là nghệ sỹ là đúng và rất khoa học phải không? Chưa hết, dòng máu nghệ sỹ của anh đã trao truyền đến con anh rồi, đến cả người thân, bạn bè và bạt ngàn trong vũ trụ, anh có thể lấy ra được sao? Hãy nghĩ thật sâu Sơn ạ.
Anh chưa bao giờ nói anh là người tốt, và cố gắng làm người tốt không phải là mục đích đời anh. Rất rõ ràng thế nhé em. Mà anh thật hạnh phúc khi nhận ra nếu anh là người xấu, thì anh xấu chỗ nào? Đó mới là mục đích sống của anh và anh vẫn dạy con anh như thế. Đừng lo lắng về sự tốt xấu của bản thân con à, nếu con là người xấu, hãy cho ba biết con xấu chổ nào?
Vì vậy, 25 năm anh sống trong chiếc ao kia, dù trong dù đục đó vẫn là nơi anh sống, anh thở và anh đã uống những giọt nước ấy để trưởng thành, anh hiểu thế nào là lòng biết ơn cả điều xấu lẫn điều tốt. Nếu em cũng từng có tâm trạng giống anh, chắc em cũng hiểu từ bỏ những điều tạo nên mình là kẻ vô ơn?
Thế còn câu giã từ? Xem em là một người em thật sự anh mới hỏi: chiếc áo nghệ sỹ anh đang khoác trên mình có làm em bận lòng không Sơn? em thử đối diện với lương tâm chính mình về câu hỏi này. Hỏi cũng để trả lời: trong suốt hơn 15 năm anh gặp gỡ rất nhiều doanh nhân, các nhà khoa học, những chuyên gia, đâu đó chiếc áo này đã làm họ bận lòng. Hơn ai hết, với chừng ấy thời gian gần gũi với họ anh rất thấm và rất hiểu điều này, nhưng biết làm sao? anh đã là người nghệ sỹ rồi, dù ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào, anh là người nghệ sỹ, chỉ biết đến với họ bằng cả tấm lòng. Nhưng…
Anh thử một lần trong đời cởi chiếc áo ấy ra, để em và những người anh, người chị, người bạn của anh được thấy anh rõ hơn, gần hơn, Sơn à. Và cũng để anh được đến gần với những người bạn còn do dự trong cuộc đời này. Bởi những điều rất đơn giản: “đời sau sỏi đá cũng cần có nhau”.
Và bây giờ, nếu để nói một lần về nghệ sỹ, về bản thân nghề nghiệp của mình, anh xin thưa: Anh không có bất cứ một lời biện minh hay bào chữa nào về những điều em đã nêu trong 02 bài viết vừa qua. Cho phép anh chỉ nhân danh chính bản thân mình, được cúi đầu tạ lỗi trước mọi người về những lỗi lầm của người em, người anh, người chị trong nghề và có bản thân anh trong đó, đã mang đến cho xã hội sự bất an, và chúng tôi đã nhận lấy sự khinh miệt của xã hội đầy xứng đáng. Xin các cô chú, anh chị và các bạn niệm tình tha thứ cho sự thiếu sót và sai lầm này.
Đến đây, lòng đã hết những điều anh muốn nói với em, phần còn lại anh chỉ xin lắng nghe em mà thôi.
P/s: Cuối cùng, trong hàng trăm, hàng ngàn bài em đã viết, chỉ 01 bài thiếu lương tâm thì đâu có gì phải lo lắng đúng không em trai? Ngay cả Tom Cruise, người mà anh mến mộ cũng nhận đủ cả Quả cầu vàng và Mâm xôi vàng. Đời mà, có gì đâu.
Chúc em và gia đình mạnh khoẻ, bình an.
Tin cậy em.
Anh Bảo.
==DÀNH CHO NHỮNG AI KHÔNG THEO DÕI CUỘC HỘI LUẬN NÀY TỪ ĐẦU==
1. Xuất phát từ việc tôi nêu quan điểm bóc trần những mảng tối ở Showbiz Việt: https://lengocson.com/cuoc-giai-ngan-152-ty-hai-huoc-cua-hoai-linh-va-gia-tri-ao-o-showbiz/
2. Và Chi Bảo mắng tác giả thiếu lương tâm: http://bit.ly/2TPxeI7
3. Đây là bài tranh luận của Lê Ngọc Sơn với Chi Bảo về Lương Tâm Của Nghệ Sĩ Và Chuyện “Hãy Tự Thắp Đuốc Mà Đi”: http://bit.ly/2T1GnwJ
4. Đây là 2 bài Chi Bảo phản hồi: http://bit.ly/3fYuWig và http://bit.ly/3w5SGH8.
5. Đây là bài tôi phản biện lại 2 bài của Chi Bảo: “Diễn viên Chi bBảo và lỗ hổng tư duy chết người“, và anh đã gián tiếp chấp nhận mình sai và ngừng cuộc tranh luận này: http://www.facebook.com/1153176797/posts/10223427424331132/?d=n