Home Thế hệ mới Không có cái gọi là “thất bại”…

Không có cái gọi là “thất bại”…

by Lê Ngọc Sơn

Nếu không biết trước các thông tin cá nhân, tôi sẽ gọi Nhã Uyên là em, bởi trông Nhã Uyên trẻ hơn cái tuổi mà chị muốn giấu. Đủ sức hấp dẫn để một thanh niên chưa vợ phải “ngẩn tò te”, đủ lý lẽ để một chàng phóng viên tâm đắc, và đủ vốn sống để nói những thứ về sự thành bại ở đời… Đó là những cảm nhận của tôi về Phạm Nhã Uyên, Giám đốc nhãn hàng nổi tiếng thế giới – Coca Cola VN …

Nói tiếng Anh chậm không có nghĩa là tư duy chậm

Ở một cái tuổi còn khá trẻ, nhưng nhiều người sẽ phải ganh tỵ với thành công của Phạm Nhã Uyên. Vị trí mà Nhã Uyên đang đảm trách ở Coca Cola Việt Nam khiến nhiều người làm thương hiệu và marketing phải mơ ước. Anh bạn của tôi, đang làm CEO cho một công ty lớn chia sẻ đầy ngưỡng mộ rằng: “Đó là bông hồng quyền lực “ở Coca Cola Việt Nam đấy!. Ấy vậy nhưng ai biết rằng, để có được ngày hôm nay, lúc mới ra trường, Nhã Uyên cũng như đa số sinh viên khác, vấp phải khó khăn lớn nhất là sử dụng tiếng Anh…

Hồi mới tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, công ty Nestle Việt Nam đã tổ chức chương trình Quản trị viên tập sự nhằm phát hiện và bồi dưỡng các tài năng về quản trị, và Phạm Nhã Uyên đã tham gia chương trình này.

Vòng sơ tuyển, nhờ bảng thành tích học tập vượt trội thời còn học đại học, nên Uyên vượt qua các đối thủ khác rất nhẹ nhàng. Nhưng bước vào vòng phỏng vấn trực tiếp, các ứng viên tham gia chương trình phải thuyết trình đề án của mình bằng tiếng Anh. Nhiều ứng viên khác nói một cách lưu loát, trong khi Uyên biết đây là điểm yếu của mình. Cô đã nói thẳng với nhà tuyển dụng: Tôi nói chậm hay kém lưu loát tiếng Anh không có nghĩa là tôi không có ý tưởng tốt.

Và pha “bật bàn” thông minh này đã chinh phục được những nhà tuyển dụng khó tính của Nestle, Nhã Uyên và một ứng viên khác được chọn về tập đoàn lớn này.

Hồi sinh viên, Nhã Uyên chỉ học tiếng Nga, nên việc nói chậm và diễn đạt không mấy lưu loát tiếng Anh là một điểm yếu mà chị tự nhận thấy. Đến lúc Uyên đi làm, các đồng nghiệp đều làm việc và giao tiếp bằng tiếng Anh trong mỗi cuộc họp. Chính vì vậy chị quyết định vừa đi làm vừa đi học thêm tiếng Anh.

Một lần nọ, trong chuyến đi tập huấn tại Ai Cập, Uyên tham giao làm việc nhóm với những đồng nghiệp quốc tế đến từ nhiều nước khác nhau. Uyên, là người trẻ nhất, lại làm việc với những “cây đa, cây đề” trong kinh doanh. Và thực tế, những ngày đầu vai trò của Uyên rất mờ nhạt.

Cô đã phải nói thẳng với các cộng sự của mình: Này các bạn, chúng ta đang làm việc nhóm, nên tôi có quyền được mọi người lắng nghe, và chúng ta cần tôn trọng và lắng nghe nhau. Tôi nói chậm tiếng Anh, không có nghĩa là tư duy tôi chậm. Cá tính của một cô bé thông minh được chấp nhận, và mọi người xí xóa cho việc nói tiếng Anh kém lưu loát của Uyên.

NhaUyen1.jpg

“Nhưng đó là hồi mới ra trường, người ta có thể thông cảm, và chấp nhận được vì họ nhìn thấy nỗ lực của mình muốn đuổi kịp mọi người. Còn nếu bây giờ mà vẫn còn hạn chế như vậy thì khó lòng có thể được chấp nhận”, Uyên thừa nhận.

Không có cái gọi là “thất bại”

Theo chị, yếu tố quan trọng nhất để làm tốt công việc mình là gì?

Nhã Uyên: Niềm đam mê là quan trọng nhất. Có yêu, có thích thì mới làm tốt mọi việc. Không có nó thì công việc nặng nề lắm. Nếu không có đam mê thì nó là gánh nặng, không thể ngồi trong văn phòng đến 8 – 9h tối nếu mình không thích nó. Trước tiên là phải thích nó. Còn kiến thức và kinh nghiệm sẽ đến từ từ. Có rất nhiều kiến thức mình phải học tập dần, mình học từ kiến thức đồng nghiệp, từ thị trường… và học ngay cả của những đối thủ.

Hồi còn là sinh viên, Nhã Uyên có nghĩ là ra trường sẽ làm cho những tập đoàn lớn?

Nhã Uyên: Lúc còn học đại học, mình có đi làm part-time cho Unilever, Intel, France Telecom… Hồi đó, mình nghĩ rằng nếu ra trường làm ở những tập đoàn lớn của nước ngoài sẽ có cơ hội học hỏi nhiều hơn, trưởng thành nhanh hơn. Nên ngay khi ra trường, mình đã nộp đơn vào các công ty nước ngoài.

Việc làm thêm thời còn là sinh viên có giúp gì nhiều cho chị lúc ra trường không?

Nhã Uyên: Mình thấy thời sinh viên có hai thứ giúp mình rất tốt cho công việc sau này: đi làm part-time và hoạt động Đoàn. Những cái đó giúp mình mạnh dạn, giao tiếp không e ngại. Mình tiếp xúc với môi trường chuyên nghiệp ngay từ lúc còn là sinh viên nên đã  có những kỹ năng mềm cần thiết để lúc ra trường có thể hòa nhịp ngay.

NhaUyen2.jpg

Đang làm ở Nestle thuận buồn xuôi gió, vì sao Nhã Uyên lại quyết định chuyển sang chỗ làm hiện nay?

Nhã Uyên: Nói chung có rất nhiều yếu tố để mình quyết định chuyển từ một công ty cũ sang công ty mới. Trước khi quyết định chuyển chỗ làm, phải xác định chỗ mới có xứng đáng để mình thay đổi và đón nhận một thử thách mới hay không.

Thực sự, ở thị trường Việt Nam, những công ty lớn không nhiều. Nói chung là không có quá nhiều sự lựa chọn. Mình chuyển từ Nestle sang Coca Cola vì môi trường mới có nhiều yếu tố phù hợp với bản thân mình hơn.

Cỏ vẻ Nhã Uyên rất tự tin với những việc mình đang làm?

Nhã Uyên: Uyên nghĩ thế này, ai cũng có những công việc không làm được như ý mình. Mình không muốn dùng hai chữ thất bại, vì nghe nó nặng nề quá. Mình nghĩ đó là một cơ hội để mình trải nghiệm học tập, và nó không hẳn là thất bại đâu. Qua những việc không như ý, sẽ làm mình trưởng thành hơn. Nên mình nghĩ  không nên gọi nó là thất bại.

Nếu mình thật sự yêu thích, mình dấn thân mình làm, mình có thất bại thì cũng ắt sẽ có thành công. Nếu mình cứ chùn chân, không dám hoặc muốn làm, cuối cùng hối hận, thì cái đó còn dở hơn cả sự thất bại. Người trẻ thì nên có một chút dấn thân, can đảm để thử mình, không nên ngần ngại. Với mình, không có cái gọi là thất bại, mỗi thứ đều là một bài học, một kinh nghiệm cho mình.

Giả sử như bây giờ có một công ty khác trả chị một mức lương hấp dẫn hơn mức lương hiện tại, chị sẽ lựa chọn như thế nào?

Nhã Uyên: Đối với mình, khi chọn một công việc, điều mình chú ý trước hết là công việc đó mình học hỏi được điều gì không; thứ hai là môi trường công ty đó có tốt hay không, đồng nghiệp có dễ thương không, sếp ở đó có phải là người đáng để mình đầu quân hay không; sau cùng mới là lương, những cái gì mình nhận được có đáng với cái mình bỏ ra hay không.

Do đó, nhiều lúc lương chưa hẳn đã phải là vấn đề!

Xin cảm ơn Nhã Uyên!

Lê Ngọc Sơn

(Thực hiện)

You may also like