Căn phòng nhỏ dành để tiếp khách của Tổng Giám đốc Yahoo VN Vũ Minh Trí nằm tít tận tầng thứ 31 của tòa nhà Trung tâm Thương mại Sài Gòn. Anh kể câu chuyện về thành công và những thất bại của mình với phóng viên SVVN, từ những ngày còn là một sinh viên ngành Hóa dầu (Đại học Bách khoa TP.HCM) đi làm part-time cho đến khi trở thành CEO. (*)
2 cuốn sách & 1 thái độ sống
Các cựu sinh viên ngành Hóa dầu của Đại học Bách khoa TP.HCM (khóa 1990-1995) không lấy làm lạ khi nghe tin Vũ Minh Trí trở thành Tổng Giám đốc của Yahoo tại VN. Chàng sinh viên học ngành Hóa dầu ngày xưa thường tham gia những công việc part-time liên quan đến marketing.
Tổng Giám đốc Yahoo VN nhớ lại rằng, thời sinh viên anh chẳng viết tốt, vẽ cũng chẳng hay nhưng khi cùng cả lớp làm báo tường, thì kết quả lớp anh luôn có một tờ báo đẹp và nội dung tốt. Thời còn đi làm part-time, trong những bạn làm việc, nhóm nào có Minh Trí là nhóm đó luôn có những kết quả vượt trội… Từ đó anh nhận thấy ở mình có tố chất lãnh đạo nhóm, và anh xác định cho mình rằng: cần phải tận dụng những “lợi thế thiên bẩm”.
Sẽ có người làm những việc với chuyên môn sâu hoặc sẽ biết nhiều lĩnh vực, do vậy phải nắm chắc mục tiêu rõ ràng để tối ưu hóa các cơ hội đang đến, chứ không phải để cơ hội hướng mình đi theo một thứ có sẵn. Riêng về phần mình, anh muốn phát triển theo hướng trở thành một người biết nhiều lĩnh vực.
Năm 1995, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petro VN) “săn” những sinh viên xuất sắc về làm việc cho mình. Vũ Minh Trí đã về Petro VN, nơi mà nhiều người thời điểm đó tin là “công việc trong mơ”, và thực tế đó là công việc nhiều người phải ước mơ. Nhưng về làm được một thời gian, chàng trai trẻ thấy công việc ở đây không hề phù hợp với mình, và có cái gì đó khá tù túng và bức bách.
Bức bách không phải vì công việc gò bó, hay kỷ luật gắt gao… mà vì anh tự thân nhận thấy cái “tạng” người của mình không hợp với công việc này. Và với anh, lúc đó “Hóa dầu” không phải là một ngành để nuôi giữ giấc mơ một ngày sẽ hóa giàu nữa, mà anh muốn tìm việc đúng với sở trường của mình.
Một ngày rỗi. Buồn. Chán với công việc hiện tại. Trí nằm đọc cuốn sách “Chiếc neo nghề nghiệp”. Cuốn sách nói đến việc, về bản chất, mỗi người sinh ra đều phù hợp với một loại công việc nào đó phù hợp với tính cách của mình. Cơ bản là biết khám phá bản thân mình…
Cuốn sách thứ hai có tác động lớn đến Trí là cuốn “The 7 Habits Of Highly Effective People” của tiến sĩ Stephen Covey. Trong cuốn sách này tác giả nói rằng, để làm được một việc thành công cần định hướng một cách rõ ràng, tự vấn và xác định lại rằng mình muốn “làm cái gì?” và “trở thành ai”?
Chính điều đó đã củng cố thêm cho chàng trai trẻ quyết tâm chuyển hướng công việc sang làm “cái mà mình thích”, bất chấp những thử thách trước mắt. Vũ Minh Trí quyết định thử sức mình ở những lĩnh vực mới, từ việc nhận lời làm việc cho các tập đoàn như Procter & Gamble (P&G), rồi British Petroleum (BP), British American Tobacco (BAT) hay Sony Ericsson. Trong quá trình làm việc tại các tập đoàn này, anh đã giữ các vị trí quản lý cấp cao về Tiếp thị Nhãn hiệu, Phát triển Kinh doanh, Phát triển và Đào tạo, và Tiếp thị Thương mại…
Không những thương hiệu các công ty trên được biết đến rộng rãi ở Việt Nam, mà thương hiệu “Vũ Minh Trí” cũng được định danh và nổi lên trong làng CEO nội…
Bắt đầu ở điểm kết thúc
Nếu gặp Vũ Minh Trí, chắc hẳn ai cũng khen anh là một người trẻ gặt hái được nhiều thành công. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là anh chưa từng “nếm mùi” thất bại, và thực tế cho đến tận bây giờ, những bài học đớn đau trong kinh doanh vẫn thấm thía với anh: Đó là hồi còn làm ở Petro VN, anh nảy ra sáng kiến là áp dụng mô hình các quầy kem Wall ở các cây xăng, như ở nước ngoài. Theo dự án này, ở mỗi cây xăng sẽ có một cửa hàng bán tạp hóa. Hăng hái, anh đề xuất mở cấp tập hàng loạt cửa hàng như vậy ở nhiều nơi…
Nhưng đi liền với sự vội vã của dự án này, là sự chóng đến của sự thất bại, bởi chưa đong đếm và tính toán tới văn hóa và thói quen của người tiêu dùng Việt Nam. Rồi sau là sự thất bại với sản phẩm xà bông tắm Camay… Sau mỗi thất bại là những cú stress nặng nề với chàng trai trẻ, nhưng triết lý làm việc “bắt đầu ở điểm kết thúc” đã giúp anh đứng dậy sau những cú ngã của mình, biết đâu là lỗi và đứng lên từ việc “vá lỗi” đó, hơn là việc dừng lại và stress vì nó…
Nhiều người đặt câu hỏi tại sao năm 2008 “gã khổng lồ” Yahoo lại chọn Vũ Minh Trí làm Tổng Giám đốc tại VN mà không phải là những nhân vật nổi trội khác (làm việc cho những công ty lớn) ở thời điểm đó. Bởi Yahoo nhắm vào 2 tiêu chí người đó phải là người am tường về thị trường Việt Nam, và đã có tạo nên những “câu chuyện thành công” ấn tượng. Và lúc đó, Vũ Minh Trí trong vai trò là Tổng Giám đốc Sony Ericsson VN được các chuyên gia săn đầu người của Yahoo nhắm đến…
Năm 2006, Vũ Minh Trí nhận lời mời về làm Tổng Giám đốc của Sony Ericsson VN, trong làng điện thoại di động, lúc đó Sony Ericsson chiếm thị phần không đáng kể ở Việt Nam. “Gia tài” mà anh tiếp quản lúc đó là một công ty mỗi tháng thua lỗ hàng triệu USD, vốn liếng đang cạn dần, thậm chí trụ sở làm việc còn đi… “ăn nhờ, ở đậu”.
Tiền quảng cáo của Sony Ericsson chẳng đáng là bao so với những “ông lớn” Nokia, Samsung. Và vị Tổng Giám đốc lúc đó đã chọn chiến lược “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”: Quyết định không “đụng độ” các “ông lớn” trên mặt báo và trên tivi. Trí hướng chiến lược quảng cáo đến các cửa hiệu và đào tạo nhân viên bán hàng tại các điểm bán lẻ, để họ thấy một chức năng quan trọng nổi bật và chiếm ưu thế của điện thoại Sony Ericsson.
Anh cho rằng: Cứ 30 người xem tivi, có thể có 10 người bước vào cửa hiệu, nhưng sẽ khó xác định được họ có mua hay không; nhưng nếu 30 người ấn tượng bởi cửa hiệu, khoảng 10 người tò mò bước vào xem, thì sẽ bán được ít nhất 1 điện thoại. Như vậy là hiệu quả có thể “lượng hóa” được, trong khi chi phí quảng cáo tại cửa hiệu lại rẻ hơn quảng cáo trên tivi. Và quả thực sau đó không lâu, hiệu quả đã có thể đong đếm được: Doanh số tăng 600% trong một thời gian ngắn…
Vũ Minh Trí cho rằng, nhẽ ra, với những gì anh đã làm được cho Sony Ericsson, anh có quyền ở lại để thưởng thức và tận hưởng thành công, nhưng nghĩ đến lời mời của “gã khổng lồ” Yahoo lại đang như kích thích “bản năng chinh phục” của anh.
Lê Ngọc Sơn
————-
(*) Chief Executive Officer – Tổng giám đốc
Vũ Minh Trí
– Sinh năm 1973, tại Biên Hòa (Đồng Nai). – Tốt nghiệp đại học ngành Hóa dầu, ĐHBK TP.HCM, lấy bằng sau Đại học tại Học viện Công nghệ Châu Á. – Tháng 4/2008, trở thành Tổng Giám đốc Yahoo Việt Nam. – Sở thích: Đi dạy học, đi chùa và tin vào thuyết nhân quả của đạo Phật. – Quan niệm kinh doanh: Cạnh tranh và làm việc theo phương thức Win-Win Plus(+)… nhiều đối tác có lợi, chứ không đơn thuần như phương thức Win-Win truyền thống. – Kế hoạch: Năm 45 tuổi đi dạy học hoặc tham gia lĩnh vực giáo dục, đào tạo. |