Tia Sáng
Xuân Bính Tuất 2/2006
Trong giới học thuật, những ai quan tâm đến kinh tế Việt Nam nói riêng và phát triển kinh tế nói chung hẳn không xa lạ với Joseph Stiglitz. Ông là một lý thuyết gia hàng đầu (được giải Nobel kinh tế năm 2001), và cũng đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ Clinton và Ngân Hàng Thế Giới. Stiglitz đã sang Việt Nam nhiều lần, theo dõi Việt Nam khá kỹ, và có nhiều nhận xét thiết thực về kinh tế nước ta. Cách đây hơn ba năm, trong cuốn “Toàn cầu hoá và những người bất mãn nó”,** viết ngay sau khi ông rời ghế kinh tế trưởng của Ngân Hàng Thế Giới, Stiglitz đã làm sôi nổi dư luận với những chỉ trích Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) khá nặng nề, đôi lúc hơi cá nhân, của ông. Trong cuốn này, viết chung với Andrew Charlton, ông có những đề nghị “tích cực” hơn.
Phụ đề của quyển “Công bằng thương mại cho tất cả” là “Làm sao thương mại giúp phát triển”. Khởi điểm của nó là sự bất công của các quy tắc mậu dịch toàn cầu hiện nay. Tuy đa số những chỉ trích này không hẳn là mới, Stiglitz và Charlton không giống những tác giả khác ở chỗ có tính xây dựng hơn. Hai tác giả đưa ra nhiều đề nghị cụ thể để hội nhập các nước đang phát triển vào hệ thống thương mại toàn cầu, tạo thêm cơ hội buôn bán cho các nước này, và giúp họ tận dụng những cơ hội ấy. Có vài đề nghị khá mới lạ và mạnh mẽ mà, nhờ “tay nghề” lý thuyết vững chãi của Stiglitz, có lẽ sẽ được nhiều tiếng vang.
Hai chương đầu của quyển sách duyệt qua căn bản lý thuyết cũng như kinh nghiệm phát triển của nhiều nước (nhất là ở Đông Á và Mỹ La Tinh). Hai tác gỉả khẳng định: Hẳn nhiên, trên lý thuyết, tự do hoá thương mại sẽ tăng phúc lợi. Song “định luật” này tuỳ thuộc một cách quyết định vào một số giả định mà nhiều nước, nhất là các nước cực nghèo, trên thực tế không hội đủ. Cụ thể, những nước này ngụp lặn trong nghèo đói, thất nghiệp, xã hội bất công bình, và thiếu nhiều loại thị trường cốt lõi (như thị trường bảo hiểm, thị trường vốn). Trong tình cảnh ấy, tự do hoá thương mại đã gây cho họ nhiều hậu quả trái ngược với tiên đoán của các mô hình kinh tế tân cổ điển. Hơn nữa, vì mỗi nước một khác, không dễ dàng đem bài học của nước này áp dụng cho nước kia.
Theo hai tác giả, muốn phát triển thì cần sự hoạt động hợp lý và nhuần nhuyễn ở bốn khâu: (1) thị trường hàng hoá, (2) thị trường vốn, (3) can thiệp của nhà nuớc (chính sách công nghiệp), và (4) thứ tự trước sau của các biện pháp cải cách. Phải phân biệt “tình trạng thương mại mở cửa” (trade openness), tức tình trạng rào cản nhập khẩu là thấp, và “tự do hoá thương mại” (trade liberalization). Thương mại là điều kiện cần để phát triển, nhưng không phải là đủ. Sự chọn lựa của một quốc gia không phải là giữa (a) hoàn toàn tự do thương mại, và (b) hoàn toàn đóng kín kinh tế, nhưng là kín/mở đến bực nào. Như Stiglitz luôn nhấn mạnh trong suốt các công trình nghiên cứu của ông: tự do hoá thị trường tài chính quá sớm sẽ có hại cho phát triển.
Phần chính của quyển sách tập trung vào những vòng đàm phán đa phương, tóm tắt kinh nghiệm những vòng đàm phán trước, và đi vào chi tiết từ vòng Doha. Stiglitz và Charlton đưa nhiều lý do tại sao một “Vòng Phát Triển” (Development Round) là cần thiết, và tại sao Doha đã không thoả mãn những kì vọng ban đầu.
Một nhận xét đáng chú ý của hai tác giả là Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) nên khuyến khích một môi trường phân tích kinh tế có chất lượng cao để soạn lập những đề án thúc đẩy phát triển, rồi đặt những đề án ấy lên đầu chương trình nghị sự. Cụ thể, họ đề nghị WTO phải chấp nhận một trách nhiệm chủ chốt, đó là thiết lập một lực lượng nghiên cứu kinh tế khoa học, khách quan, công khai, để phân tích hậu quả của các chính sách kinh tế cho (từng nhóm) các nước chậm tiến. Dựa vào những phân tích này, đề nghị nào gây thiệt hại cho các nước nghèo, hoặc đem lại những lợi ích quá đáng cho các nước đã giàu, phải được xem là không công bằng và đi ngược tinh thần của Vòng Phát Triển.
Stiglitz và Charton nhấn mạnh rằng mọi thoả hiệp đa phương phải công bằng trên luật pháp cũng như trên thực tế. Hai ông cho rằng nhiều nuớc nghèo không thể thụ hưởng những lợi ích của tự do thương mại vì thể chế của họ còn quá hụt hẩng. Nhiều nước có những thể chế rất yếu, dân của họ rất dễ bị tổn thương. Do đó, những thoả hiệp công bằng trên thực tế phải giúp các nước này vuợt qua những rào cản có tính thể chế ấy. Chỉ như vậy, hai tác giả khẳng định, các nước nghèo mới có thể tham dự một cách thật sự bình đẳng vào WTO. Theo hai tác giả, “công bình” cũng tuỳ thuộc vào điều kiện tiên khởi của quốc gia liên hệ. Các hiệp ước đa phương phải để ý đến hoàn cảnh cá biệt của mỗi nước.
Bốn chuơng cuối cuốn sách đề nghị một số vấn đề, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, cho một Vòng Phát Triển. Theo Stiglitz và Charlton, trước hết là phải mở rộng thị trường cho hàng hoá (thay vì chỉ chú trọng vào nông sản như hiện nay) của các nước đang phát triển. Họ cho rằng cấp bách nhất là phải hạ thấp rào cản chống lại các lọai hàng có hàm lượng lao động cao như dệt may, thực phẩm, và những hàng hoá dùng lao động không tay nghề (như thủy hải sản và xây cất). Họ cũng kêu gọi phải giúp xuất nhập khẩu lao động dễ dàng hơn.
Nổi bật hơn cả, hai tác giả kê ra một số vấn đề mà theo họ là không nên đưa vào đàm phán lúc này. Đứng đầu sổ là vấn đề quyền sở hữu trí tuệ. Đề nghị này có thể làm nhiều người ngạc nhiên nhưng, theo ý người đọc này, Stiglitz và Charlton đã có can đảm nói lên một sự thật mà ít người (thiếu uy tín nghề nghiệp của Stiglitz) dám nói. Hai tác giả cũng không quên kêu gọi cải cách thể chế, đặc biệt là cải cách để tiến trình đàm phán được trong suốt và dân chủ hơn.
Cuối cùng, Stiglitz và Charlton cũng nói đến tổn phí (có thể rất cao) của tiến trình thích ứng (adjustment process) từ tình trạng hiện tại đến một tương lai như phác họa trong cuốn này. Họ cho rằng vòng Doha hiện nay có nhấn mạnh đến sự chia sẻ những lợi ích của cải cách thương mại giữa các nước (đã, cũng như đang, phát triển), nhưng ít chú ý đến việc chia sẻ những tổn phí mà cải cách ấy tất phải có. Theo Stiglitz và Charlton, chính các nước nghèo, đang phát triển, hiện gánh chịu phần lớn những tổn phí này. Sự chia sẻ này cần được đem ra thương lượng để có sự công bằng hơn giữa các nước giàu và nghèo.
Đây là một cuốn sách đáng đọc. Những độc giả nghiên về lý thuyết và lịch sử sẽ thấy ở hai chương đầu một tổng quan mạch lạc và dễ hiểu về liên hệ giữa thương mại và phát triển (tuy rằng, cũng phải nói, nhiều đoạn đi hơi sâu vào lý thuyết, có thể “khó nuốt” cho những người “ngoại đạo” kinh tế). Cuốn sách cũng là một cẩm nang quý cho các quốc gia chậm tiến khi phải thương thuyết với các nước đã phát triển trên các diễn đàn quốc tế.
Tuy rằng hai tác giả có những đề nghị mới, đáng chú ý, nhưng theo ý người đọc này, họ vẫn chưa có câu trả lời thích đáng cho vấn đề cốt lõi: sự thiếu thốn một quyết tâm chính trị (phần lớn là về phía các nước đã phát triển). Nói cách khác, tuy Stiglitz và Charlton nhìn nhận rằng trong nội bộ các nước (nhất là các nước đã phát triển) có nhiều thế lực theo đuổi những đặc lợi kinh tế, đưa đến những chính sách phi lý như hiện nay (đi ngược quyền lợi chung của chính nước họ), đề nghị của hai ông không gỡ được nút chốt này. Trừ khi các đòn lực chính trị trong nội bộ các quốc gia được thay đổi, viễn ảnh mà Stiglitz và Charlton phác hoạ ở đây khó thành hiện thực. Rất tiếc!
Trần Hữu Dũng
CHÚ THÍCH
*“Fair Trade for All” của Joseph E. Stiglitz và Andrew Charlton, 2005, New York: Oxford University Press, 315 trang, 30 USD. **Xem “Đọc Stiglitz” của Trần Hữu Dũng, Diễn Đàn số 120, tháng 7/2002.
|