Đối với tôi, lên máy bay về Việt Nam, hay đi xe đò về lục tỉnh, chỉ là “về quê” một cách dễ, và chỉ là một phần của cuộc hồi hương. Khó hơn, thật hơn, là “về quê” trong tâm tưởng mình.
Tuy rằng cho đến hôm nay, tổng cộng số năm tôi sống xa Việt Nam đã gần gấp đôi số năm tôi sống trong nước (tôi đã ra nước ngoài từ khi bước vào đại học), tôi không bao giờ nghĩ tôi là gì khác hơn là người Việt Nam, ba má gốc gác Bến Tre, sinh trưởng ở Mỹ Tho. Mỗi lần về nuớc, không gì làm tôi hãnh diện hơn khi có người trong nước thật sự không tin là tôi ở ngoại quốc về! Tôi (và nhiều bạn tôi) không bao giờ dùng chữ “Việt kiều” để gán cho mình. Nhiều lúc tôi quá trớn, mang dép lẹp xẹp ra ngồi trên lề đường uống cà phê, chỉ chỏ “Việt kiều thứ thiệt” đi qua đi lại, làm mấy đứa cháu tôi phải la, không dám đi chơi với tôi vì tôi… quá quê mùa!
Mới đây, khi được một tờ báo trong nuớc phỏng vấn, anh bạn quý mến của tôi là GS Cao Huy Thuần (hiện ở Pháp) có nói: “Trước hết, tôi không phải là “Việt kiều”, chưa bao giờ tôi nhận tước hiệu này. Rất đơn giản, tôi là người Việt Nam ở nước ngoài. Người Việt ở nước ngoài hay người Việt ở trong nước đều đóng góp giống nhau về bản chất. Đóng góp là đóng góp…”. Tôi rất tâm đắc với anh Thuần về điểm này. Song anh ấy nói về sự đóng góp, tôi đi xa hơn, muốn nói về tâm tưởng. Bởi vì, nghĩ cho cùng, chung quy cũng là cách mỗi người nhìn về liên hệ giữa mình và quê hương, lịch sử, đồng bào mình. Nơi mà hiện tại mình có cái nhà, cái văn phòng (và ngưòi trả lương mình!) chỉ là bề mặt, là tạm bợ, dù có là bao nhiêu năm đi nữa. Mục đích công việc của mình, mảnh đất gói ghém niềm yêu thương của mình, cộng đồng mà mình vẫn canh cánh theo dõi, quan tâm, mới là cái rễ, cái “chất” của mình. Nói đùa cho vui: tôi e có người hiện sống trên nước Việt Nam, chưa bao giờ ra ngoại quốc, mà còn “Việt kiều” hơn chúng tôi!
Tôi cũng không bao giờ nghĩ là tôi phải yêu nước. Mỗi người đều sinh ra trong một hoàn cảnh riêng của mình, lớn lên với gia đình, hàng xóm, bạn bè, những kỷ niệm vui buồn, đuợc dạy dỗ về nguồn gốc tổ tiên, văn hoá mình, được rót vào tai vào óc một “ngôn ngữ mẹ đẻ”. Tất cả những thứ đó trở thành người ấy, như dòng máu, như tim gan người ấy. Có ai nói rằng mình yêu máu mình, yêu tim gan mình, yêu da thịt mình đâu? Tôi muốn đất nước này giàu mạnh, “người mình” ấm no, xã hội có công lý, không phải vì tôi yêu nước Việt, thương đồng bào tôi, như tôi đã được dạy, nhưng vì đất trời sông núi này là tôi, người Việt là tôi. Nếu tôi là người Ấn, người Nhật, người Ai Cập, thì chắc tôi cũng nói như thế về đất Ấn, đất Nhật, đất Ai Cập. Một “hệ luận” của tư duy này là ý nghĩ rằng người Việt ta không thua ai mà cũng chẳng hơn ai. Chúng ta không nên sô-vanh mà cũng chẳng tự ti. Tôi thương các em, các cháu ở vùng sâu, vùng xa nước ta đang thất học, thiếu thốn trăm điều, nhưng tôi cũng không quên hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới ngày nay còn sống nghiệt ngã hơn nữa.
Con người trọn vẹn là con người với (không phải “có”, vì ai mà chẳng “có”?) một quê hương, với một dòng máu, chia sẻ một văn hoá, có cùng ký ức với nhiều người khác (tôi không nói đến những gì trọng đại đâu: ký ức đó có thể chỉ là một câu vọng cổ, một làn gió bấc, một múi sầu riêng, một nụ cười e ấp sau vành nón lá của một người con gái bận áo bà ba, nhiều năm về trước). Tôi chỉ muốn là một người trọn vẹn như thế thôi.
Sống xa quê huơng, chúng tôi có một thiệt thòi là không được tiếp dưỡng hàng ngày, hàng giờ bởi sức sống của cộng đồng dân tộc. Chúng tôi phải cố theo dõi tin tức, phải trau dồi tiếng Việt (nhất là viết! Ôi thật là như đi nhổ răng!). Riêng đối với tôi thì việc này lại thập phần khó khăn, mỗi ngày tôi phải lên lớp, phải nghiên cứu, thuyết trình dùng toàn tiếng Anh, lướt qua hàng trăm tờ báo tiếng nước ngoài để tuyển chọn bài cho Arts & Letters Daily, xong rồi phải đọc hàng mấy chục tờ báo (ra ngày càng nhiều!) tiếng Việt trên mạng, rồi viết bài tiếng Việt. Kể lể như vậy không phảỉ để than, vì tôi cảm thấy sung suớng được làm như vậy, chỉ tiếc là tôi chỉ có 24 tiếng mỗi ngày, như mọi người.
Tôi vẫn tự nhắc mình rằng, bao nhiêu người ở nước ta, thậm chí trên cả thế giới này, không có cơ hội, cái may mắn như tôi từ lúc sinh ra đến giờ. Và những người có phước như tôi sẽ là có tội nếu không tận dụng hết khả năng (dù rất nhỏ, trong trường hợp tôi) để làm cái gì đó cho kẻ khác. Song, thật tình, khi làm như vậy thì tôi chỉ là hết sức ích kỷ mà thôi. Bởi vì, như tôi nói ở trên, không phải tôi “hi sinh” vì yêu nước hay giúp đỡ ai, mà chỉ vì một hạnh phúc tuyệt vời cho cá nhân tôi, qua người khác.
Bởi vậy, đối với tôi, lên máy bay về Việt Nam, hay đi xe đò về lục tỉnh, chỉ là “về quê” một cách dễ, và chỉ là một phần của cuộc hồi hương. Khó hơn, thật hơn, là “về quê” trong tâm tưởng mình. “Quê” đó không chỉ là một đất nuớc bên kia đại dương, nhưng còn là một ký ức, những hình ảnh của những người đã khuất (trong đó có chính tôi, thời thơ ấu). Chuyến “về quê” này tôi “làm” hàng ngày, mãi mãi, dù ở đâu.
Trần Hữu Dũng