Home Trần Hữu Dũng Đọc “Biện hộ cho toàn cầu hoá” của Jagdish Bhagwati

Đọc “Biện hộ cho toàn cầu hoá” của Jagdish Bhagwati

by Lê Ngọc Sơn

images

Bài viết cho Diễn Đàn tháng 4/ 2004

 

Jagdish Bhagwati, 2004, In Defense of Globalization, New York: Oxford University Press, 308 trang, 28 đô la Mỹ.

 

Tuy ít được biết ngoài giới kinh tế gia các nước dùng tiếng Anh, Jagdish Bhagwati (70 tuổi) một giáo sư gốc Ấn Độ, hiện dạy ở đại học Columbia (Mỹ), là một người rất được nể trọng trong giới kinh tế gia chính thống, đã có nhiều đóng góp quan trọng vào lý thuyết kinh tế ngoại thương từ những năm 60 đến nay.  Ông là người ôn hoà, chín chắn, được hầu hết đồng nghiệp và sinh viên mến phục.

 

Không giống đa số những người hay bình luận lớn tiếng về toàn cầu hoá, Bhagwati sinh trưởng ở một nước nghèo, đã được đào tạo chuyên môn thuần thành (tốt nghiệp thủ khoa đại học Cambridge).  Từ khi ra trường, ông đã có nhiều kinh nghiệm sống và làm việc ở các quốc gia kém phát triển, giữ liên lạc thường xuyên với quê hương ông (anh ruột của Bhagwati hiện là chánh án tối cao pháp viện Ấn Độ), và cũng không xa lạ với hoạt động của các tổ chức quốc tế (từng làm cố vấn cao cấp cho UNCTAD và WTO)

 

 

I

 

Như ở tựa đề quyển sách, trong tác phẩm này Bhagwati duyệt qua những chỉ trích thường nghe về toàn cầu hoá và giải thích tại sao phần lớn những chỉ trích ấy là sai.  Bhagwati xếp các người chống toàn cầu hoá làm hai nhóm. Một nhóm muốn “giết” hẳn toàn cầu hoá, còn nhóm kia thì muốn toàn cầu hoá được sắp xếp lại, tiến hành cách khác, cho những mục đích mà họ cho là đúng hơn.  Bhagwati từ chối đối thoại với nhóm thứ nhất mà ông cho là quá cực đoan, giáo điều, không gì thuyết phục họ được.  Cuốn sách này là để trao đổi với nhóm thứ hai mà đa số, Bhagwati nhìn nhận, thật sự có thiện chí và sẳn sàng nghe những phản biện, những phân tích khoa học khách quan.

 

Quyển sách nói đến ảnh hưởng của toàn cầu hoá trong hầu hết mọi lãnh vực: từ thương mại, công nghệ,  môi trường, lao động, trẻ em, đến phụ nữ, văn hoá, thể chế chính trị.  Dù rằng, đọc kĩ, Bhagwati thật sự là  biện hộ cho tự do thương mại (khác với tự do đầu tư, chẳng hạn, mà ông dè dặt hơn về lợi ích), quyển sách vẫn là một cẩm nang quý báu cho những người ủng hộ cũng như những người chống toàn cầu hoá, thật tâm muốn kiểm điểm, rà soát lý luận của mình.  Bhagwati luôn cố gắng trình bày trung thực quan điểm của những người mà ông không đồng ý.  Nói tóm tắt, đây là phản biện quan điểm cho rằng toàn cầu hoá  là nguyên do của mọi tệ hại thời hiện đại.  Bhagwati không phải là người cực đoan cho “laissez-faire”.  Như Bhagwati  nhấn mạnh, tự do thương mại (free trade) không đồng nghĩa với “laissez-faire”.

 

Đối với Bhagwati, tự do thương mại không là một cứu cánh nhưng là một phương tiện “xóa đói giảm nghèo”.  Song, như “laissez faire” có thể để lại những hậu quả không tốt, tự do thương mại cũng thế.  Tuy nhiên cách đối phó hữu hiệu với các hậu quả xấu của toàn cầu hoá, hoặc những “méo mó” nội bộ khác, là dùng những biện pháp giải quyết tận gốc (cải cách thể chế nếu cần).  Trừ vài trường hợp (chẳng hạn như nước lớn, có mãi lực cao) thì cách điều chỉnh tốt nhất những méo mó trong cơ cấu kinh tế không phải là can thiệp vào thương mại, như thuế quan hoặc hạn ngạch.

 

Bhagwati đồng ý là có nhiều phương diện (ví dụ y tế, môi trường, hay lao động) cần tiêu chuẩn toàn cầu, song ông cho rằng những vấn đề ấy nên được giao cho những tổ chức quốc tế (như WHO) bàn cãi, không nên dùng các biện pháp thương mại (kể cả cấm vận) để áp đặt. Cụ thể, Bhagwati chống lại việc các nước giàu (nhất là Mỹ) muốn dùng WTO cho những mục tiêu ngoại vi, ví dụ như thu lệ phí bản quyền (sở hữu trí tuệ).  (Bhagwati cũng cho rằng đa số luật về quyền sở hữu trí tuệ là thái quá, bất công cho nước nghèo.)

 

Bhagwati có những đề nghị thoạt nghe có vẻ “hợp ý” những người ủng hộ toàn cầu hóa, nhưng xem kĩ thì lại không khác những người chống toàn cầu hóa.  Chẳng hạn như ông khẳng định rằng thương mại sẽ dẫn đến tăng trưởng, và tăng trưởng là cách tốt nhất để nâng mức sống của dân nghèo.  Song, Bhagwati nhấn mạnh, muốn thế, người thu nhập thấp phải có tiếng nói trong đời sống chính trị.

 

Đối thủ của Bhagwati không chỉ là các chính phủ tham ô, bất lực, bất tài ở các quốc gia chậm tiến nhưng cũng gồm, không kém, nhiều thành phần ở các quốc gia tiền tiến (công đoàn, nông dân, chính trị gia kiếm phiếu, v.v.).  Bhagwati cũng không quên chỉ trích sự độc đoán thiếu dân chủ, đạo đức giả, của nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO).  Cách hoạt động của họ lắm lúc rất mờ ám, và họ ít khi chịu khó tìm hiểu nguyện vọng thật sự của dân các nước nghèo.

 

Tuy Bhagwati ủng hộ toàn cầu hoá và cải cách kinh tế, ông cảnh giác là đừng nhầm lẫn tốc độ tối hảo và tốc độ tối đa.  Ông lưu ý là tốc độ thực hiện những cải cánh xã hội phải nhanh hơn tốc độ toàn cầu hoá.  Bhagwati không tin tưởng ở “liệu pháp sốc”. 

 

Đặc biệt, Bhagwati nhấn mạnh sự khác biệt giữa thương mại hàng hoá và dịch vụ, và các luồng vốn quốc tế.  Cụ thể, trái với sự hồ hởi của ông đối với tự do thương mại, Bhagwati cho rằng các quốc gia nghèo cần kiểm soát đầu tư (nhất là đầu tư gián tiếp) nước ngoài,  khi cơ cấu tài chính và ngân hàng của họ còn phôi thai, chưa phát triễn vững chắc.

 

Một điều thích thú cho độc giả người Việt là Bhagwati đơn cử nhiều nghiên cứu về Việt Nam để chứng minh quan điểm của ông (chẳng hạn như về ảnh hưởng của mở cửa kinh tế đến lao động trẻ em).

 

II

 

Muốn biết một nhà kinh tế nề nếp sẽ biện hộ cho tự do thương mại ra sao thì không gì hơn là đọc quyển sách này.  Bhagwati viết dễ hiểu, dí dỏm.  Ông là một kho giai thoại vô tận, một học giả thông thạo mọi ngõ ngách của môn kinh tế ngoại thương hiện đại.  Tuy nhiên, Bhagwati không phải là một lý thuyết gia có những ý kiến cách mạng độc sáng (có lẽ vì thế mà Bhagwati vẫn chưa được giải Nobel, dù năm nào trong giới kinh tế cũng có lời đồn là đến phiên ông).   

 

Tuy không nói ra trong quyển này, căn bản lý thuyết cho các phân tích và đề xuất của Bhagwati là dựa vào hai định lý (đã được chứng minh trong toán kinh tế) về (1) “cái tốt bậc nhì” (second best), và (2) cách can thiệp tối hảo (optimal intervention).   Hai định lý này rất hữu ích trong việc xếp hạng các nền kinh tế bị “méo mó” (distortion), và xác định biện pháp tốt nhất để điều chỉnh những méo mó ấy (chẳng hạn như có những công ty độc quyền, hay môi trường bị ô nhiễm quá mức).

 

Theo quy tắc “cái tốt bậc nhì” , khi nền kinh tế (thị trường) có những méo mó thì, trừ khi tất cả chúng biến mất cùng lúc ( đó là “cái tốt bậc nhất”), không chắc là càng ít méo mó càng tốt.  Ví dụ nền kinh tế có hai công nghiệp độc quyền thì, theo quy tắc này, loại bỏ một độc quyền chưa chắc sẽ làm tăng phúc lợi chung (dù rằng nếu loại được cả hai thì chắc chắn là tối hảo).

 

Dựa trên quy tắc trên, Bhagwati bác bỏ ý kiến cho rằng khi chưa có tự do thương mại toàn cầu thì các hiệp ước song phương, các khu vực mậu dịch tự do, chắc chắn sẽ nâng cao phúc lợi quốc gia.  Nhiều độc giả sẽ ngạc nhiên khi thấy Bhagwati năng nổ chống lại các tự do hoá thương mại cục bộ (giữa vài nước) không kém hăng say ủng hộ tự do thương mại toàn cầu.  Nhưng đây là một cái bẫy của Bhagwati mà chính ông có thể bị vướng.   Thử đặt thẳng câu hỏi: nếu phải lựa chọn giữa một thế giới chằng chịt những hiệp định song phương, và một thế giới triệt để “phản toàn cầu hóa” như lập trường những người chống đối, thì ông sẽ chọn thế giới nào?

 

Định lý thứ hai là về cách tốt nhất để nhà nước điều chỉnh thị trường.  Theo định lý này, muốn điều chỉnh một méo mó kinh tế thì phải nhắm càng gần chỗ méo mó càng tốt.  Lấy một ví dụ thật đơn giản: giả sử nền kinh tế hiện là hoàn hảo mọi mặt trừ một méo mó duy nhất là em Tư không đủ tiền đi học.  Biện pháp can thiệp tối hảo trong trường hợp này là tặng học bổng cho chính em Tư, và chỉ em thôi.  Nếu thể chế (xã hội, phong tục, luật pháp) không cho phép giúp riêng Tư thì biện pháp thứ hai có thể là giúp gia đình em (nhưng như vậy là cũng kém tốt rồi, vì cha em Tư có thể dùng một phần số tiền đó để cờ bạc chẳng hạn). Và nếu thể chế lại cũng không cho phép tặng tiền cho gia đình em Tư, thì biện pháp thứ ba có thể là tăng ngân quỹ trường em (để hạ học phí cho tất cả học sinh, trong đó có Tư), nhưng như vậy thì lại càng kém tốt hơn nữa vì biện pháp này sẽ giúp những em không cần giúp (gây một méo mó khác), hoặc là trường có thể dùng tiền ấy vào những mục đích khác không dính líu đến học sinh.

 

Cải cách xã hội trước hoặc song song với toàn cầu hoá là một ứng dụng của nguyên tắc “can thiệp tối hảo” như nói trên bởi lẽ, nếu tệ nạn là thuộc loại xã hội hay thể chế thì biện pháp điều chỉnh tốt nhất phải là biện pháp xã hội, hoặc thể chế, không phải thương mại. Tương tự, nói rộng ra cho toàn cầu, cũng không nên dùng tổ chức thương mại hoặc tiền tệ quốc tế để áp đặt những mục tiêu xã hội, y tế, hoặc lao động cho các quốc gia.

 

Song, có thể hỏi Bhagwati:  trong một bối cảnh mà những xơ cứng thể chế không cho phép thực hiện những cải cách xã hội cần thiết để hỗ trợ toàn cầu hoá, thì có thể chăng can thiệp vào tự do thương mại là giải pháp nếu không là tốt nhất thì cũng tốt hơn không làm gì cả?

 

Nói chuyên môn kinh tế hơn một chút, lý luận của Bhagwati có thể đưa đến nhiều nghịch lý (dù chỉ quy chiếu trong nội bộ khung lý thuyết của ông).  Hãy xem trường hợp này: hiển nhiên, độ mở (openness) của các nền kinh tế là khác nhau, và tốc độ tự do hoá thương mại thích hợp cho mỗi nước cũng rất khác nhau, như vậy thì mỗi nước phải có một chính sách riêng cho nước đó (nhất là, như Bhagwati nói, rất đúng, cải cách xã hội phải đi trước toàn cầu hoá).  Vậy chắc là có thể, có thể, trong một kịch bản nào đó (vì những rào cản xã hội và kinh tế chẳng hạn), một nước có nên làm chậm lại tốc độ toàn cầu hoá của mình?

 

Sang qua vấn đề đầu tư ngoại quốc (nhất là đầu tư gián tiếp) thì quan điểm của Bhagwati là gần với quan điểm của phe chống toàn cầu hoá hơn, và ông nghiêng về chủ trương phải kiểm soát luồng vốn xuyên biên giới.  Song chính trong phần này (hơi nằm ngoài lãnh vực chuyên môn của Bhagwati) mà quyển sách của ông gây nhiều thất vọng.  Phân tích của ông quá sơ sài (chỉ 10 trang trong 308 trang), không đủ chú trọng đến những nguyên do khác nhau của khủng hoảng tài chính, và do đó biện pháp thích hợp của mỗi nước cũng phải khác. 

 

 

III

 

Về phương pháp luận, một nhược điểm của kinh tế tân cổ điển là nó có thể được mở rộng để hội nhập mọi giả định, mọi thông số.  Và chính vì thế mà sức tiên đoán của nó rất yếu (trong tay một nhà kinh tế tân cổ điển hạng khá, bất cứ kịch bản nào cũng có thể được chứng minh là “có thể xảy ra”).  Nhược điểm đó có trong quyển sách của Bhagwati.

 

So với Joseph Stiglitz trong “Toàn cầu hoá và những người bất mãn nó” (xem Diễn Đàn số 120, tháng 7/2002) thì Bhagwati có cái nhìn rộng hơn, tinh tế hơn, ít cảm tính cá nhân hơn.   Tuy vậy, chắc sẽ có ít người đọc quyển sách của Bhagwati hơn của Stiglitz.  Sách Stiglitz là “best seller” vì nó gãi đúng chỗ ngứa phe chống kiểu toàn cầu hoá mà họ cho là IMF (và các nước giàu) áp đặt.  Bhagwati mỉa mai cho rằng tựa sách của Stiglitz đáng lẽ phải là “IMF và Stiglitz”.  Ông cũng nêu vài điểm đáng để ý, ví dụ như đa số các nước nghèo không phải bao giờ cũng tùng phục IMF như Stiglitz tưởng.  Theo Bhagwati, Stiglitz là một nhà kinh tế rất giỏi về lý thuyết, nhưng về chính sách thì hơi xoàng!

 

Trần Hữu Dũng

26/3/2004

 

 

 

You may also like