Trần Hữu Dũng[1] I Từ khi Việt Nam bắt đầu thời kỳ đổi mới đến nay, nền kinh tế nước này ngày càng được thế giới lưu ý, có thể vì ba lẽ (1) chỗ đứng hầu như “thần thọai” của Việt Nam trong lịch sử thế giới cận đại, (2) tầm quan trọng của vùng đất này trong khu vực Đông Nam Á, và (3) những thành tích khá nổi bật của Việt Nam trong phát triển, nhất là khi phần lớn những thành tựu (và một số hụt hẩng) ấy được nhiều người xem như hậu quả của chính sách. Và tất nhiên, đối với đa số người Việt thì mối lưu tâm này là bẩm sinh, không cần giải thích. Những biến chuyển này đã là đề tài của nhiều nghiên cứu, từ các tổ chức quốc tế (như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Thế Giới) và vài quốc gia (đáng kể là Nhật Bản, Thụy Điển). Song, cho đến nay thì những công trình ấy chỉ được một số chuyên gia kinh tế biết đến vì nhu cầu nghề nghiệp, và nhất là những tài liệu trong nước thì phần tản mác, phần mang tiếng là nặng tính chính trị, ít được biết ở nước ngoài Trong bối cảnh ấy, đông đảo người đọc trông đợi những tác phẩm có khả năng cống hiến một cái nhìn toàn cảnh về kinh tế Việt Nam, nhất là viễn tượng tương lai của nước này, dưới lăng kính khoa học, với những phân tích khách quan, phi chính trị, tương đối chi tiết. Hai quyển sách xuất bản trong nước gần đây có cơ đáp ứng nguyên vọng này: Đánh Thức Con Rồng Ngủ Quên(2001) do Phạm Đỗ Chí và Trần Nam Bình chủ biên, và Thử Thách của Hội Nhập (2002) cũng do hai người trên chủ biên, cùng với Vũ Quang Việt.[2] II Quyển thứ nhất dài 600 trang, gồm 28 bài của 24 tác giả, quyển thứ nhì có 480 trang, gồm 18 bài của 15 tác giả. Tất cả đều là người Việt Nam. Ấn tượng nổi bật đầu tiên là sự có mặt đông đảo của kinh tế gia người Việt ở hải ngọai (16 người trong quyển trước, 8 người quyển sau), cùng chung với các kinh tế gia trong nước. Ấn tượng thứ hai của người đọc là cảm giác choáng ngơp trước độ rộng của các đề tài mà tập thể tác giả bàn đến, từ vĩ mô đến vi mô, từ lý thuyết sang thực hành, từ Trung Quốc to lớn đến Bến Tre xứ dừa. Tiêu biểu là những bài như Nhìn lại thập niên đổi mới 1989-1999 (quyển trước) của Phạm Đỗ Chí và Lê Việt Đức, cho độc giả một cái nhìn toàn cảnh về giai đọan bản lề này của Việt Nam, và bài Vấn đề phát triển trong công bằng thời đại toàn cầu hoá (quyển sau) của Trần Văn Thọ, hội nhập một cách tài tình và trung thực lý thuyết kinh điển cơ bản và những lưu tâm bức xúc trước một vấn đề ngày càng nổi cộm ở Việt Nam Và ít ai có thẩm quyền hơn Trần Quốc Hùng về tình hình kinh tế trong khu vực. Mọi người, ở bất cứ trình độ chuyên môn nào, đều sẽ học được nhiều qua hai quyển sách rất súc tích này. Hiếm thấy một loạt những thống kê kinh tế quan trọng về Việt Nam (và ai thắc mắc về độ khả tín của các số liệu này thì lại có bài của Vũ Quang Việt để đả thông) được chọn lọc, vừa phải và không tống ngốn, đưa vào giữa hai bìa một quyển sách như ở đây. Không thể nghi ngờ: đây là những phân tích kinh tế chuẩn mực, lý giải một cách trong sáng và cặn kẽ, do những chuyên viên biết họ đang viết gì. Độc giả có thể bỏ nhiều ngày để nghiển ngẫm từng trang. Theo lời dẫn của những người chủ biên thì đa số tác giả đã chưa từng gặp mặt nhau, và sự kiện này, tiếc thay, đã hiển hiện phần nào trong hai quyển sách. Rõ ràng là đa số bài đã đươc viết vào nhiều thời điểm khác nhau (có bài đã không cập nhật những con số khá cũ), cho những diễn đàn khác nhau, nhằm những mục tiêu khác nhau. Một khuyết điểm thường gặp trong những tuyển tập nhiều tác giả là sự không đồng đều về chất lương. Khuyết điểm này cũng có ở đây. Nhiều bài, nhiều đoạn, quá dài dòng văn tự. Trong lúc nhiều bài phân giải mạch lac, có hệ thống, thì một số khác thực sự chỉ là một bản “liệt kê đồ giặt” (laundry list) những biện pháp mà tác giả khẳng định nhà nước cần làm. Độc giả thấy rõ là lắm chỗ cần được biên tập chặt hơn, rút ngắn lại, loại bỏ những tản mạn nhiều cảm tính văn chương, sô vanh dân tộc, hơn là khoa học. [3] Gập sách lại, người đoc có hai cảm tưởng gần như tương phản. Một đàng thì mong các tác giả phối hợp nhau hơn, nhưng đàng khác thì lại muốn có nhiều ý kiến đa loại hơn Vì tác giả nào cũng muốn nói tất cả những gì mình muốn nói (mà họ có rất nhiều điều muốn nói!), người đọc bị ngụp lặn trong một đại dương đề nghị, điều nào nghe cũng hay, nhưng ít điều nổi bật. III Xem hai quyển này như là điển hình những “tinh hoa” trong nghiên cứu kinh tế Việt Nam hiện đại, người điểm sách xin góp thêm vài nhận xét. Thứ nhất, phần lớn phân tích và đề nghị về Việt Nam của đa số giới kinh tế (không chỉ trong hai quyển này) đều là khá “thông thường” ở chỗ gần như mọi người đều chấp nhận. Đến chừng mực nào đó, tiếp cận này là phản ảnh cái “agenda” và lối nhìn của các tổ chức quốc tế: Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Phát Triển Châu Á v..v.. Phần nào điều này là khó tránh vì đa số các nghiên cứu có tầm mức về Việt Nam là do các tổ chức này đỡ đầu (hoặc dựa trên những tài liệu của các tổ chức này) tất nhiên là cho những mục tiêu của họ (chẳng hạn như để làm tài liệu cho các chương trình cho vay và viện trợ). Song nói thế không có nghĩa là chúng không có những hụt hẫng đáng lo ngại tự căn bản, cụ thể là về phương pháp luận. Cái chính là tính phi lịch sử, phi thể chế [4] Quan trọng hơn, hướng nghiên cứu này cho ấn tượng có một sự thiếu “gắn kết”, nhất là ở Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa (như Trung Quốc), giữa quan tâm của những lý thuyết gia nội bộ (vẫn còn bức xúc truy tìm cơ sở kinh điển cho sự hội nhập mác xít và tự do kinh tế kinh doanh) và tiếp cận dựa vào kinh tế học thị trường như ở đây. Đó là một điều đáng tiếc, nếu đúng. Thứ hai, còn rất nhiều vấn đề căn bản cần đào sâu hơn, nhất là về những lợi thế, chướng ngại, và công cụ đòn bẩy mà thể chế đặt ra cho phát triển kinh tế, các vấn đề liên hệ đến những luồng vốn nước ngoài (xa hơn cái “toàn cầu hoá” chung chung), và lĩnh vực tài chánh và ngân hàng Hi vọng trong những công trình sau, các vấn đề này sẽ được đề cập nhiều hơn, do chính những tác giả này hoặc những người khác lưu tâm đến tương lai Việt Nam. Người đọc cũng muốn có những suy nghĩ sâu rộng hơn, thẳng thắn hơn, về bóng chiếu mà quá trình lịch sử Việt Nam sẽ rọi lên tương lai nước này, và cụ thể hơn, những thừa kế, tốt lẫn xấu, của thời kỳ cực điểm của khối xã hội chủ nghĩa ở Nga và Đông Âu đã để lại cho Việt Nam. Ôn cố tri tân. Mượn hình ảnh ví von của Phạm Đỗ Chí và Trần Nam Bình, muốn “đánh thức con rồng ngủ quên” thì có lẽ trước hết phải tìm hiểu tại sao con rồng đã ngủ, và hơn nữa lại ngủ quên. Thứ ba, như đã nói khi vào đầu bài điểm sách này, Việt Nam đang dần tích lũy nhiều kinh nghiệm (vi mô lẫn vĩ mô) mà thế giới nói chung, và những nước cần phát triển nói riêng, có thể học hỏi. Cụ thể, nhiều nhà kinh tế ngoại quốc đã có một số đóng góp lý thuyết quan trọng do những cảm hứng lấy từ “hiên tượng Việt Nam” (David Dollar về càch sử dụng viện trợ kinh tế, John McMillan về hạn chế của các nền kinh tế chỉ dựa vào sự tin cẩn cá nhân, Wing Thye Woo và Jeffrey Sachs về vấn đề chuyển tiếp so với Đông Âu, v. v.) Đối chiếu kinh nghiệm kinh tế giữa các quốc gia có những lịch sử khác nhau, những thể chế khác nhau, là cần thiết, và có thể xem đó như là trách nhiệm đóng góp của các nhà kinh tế Việt Nam cho kinh tế học nói chung. Nói gì thì nói, cuối cùng vẫn phải khẳng định: hai quyển sách này là hai tài liệu hữu ích, cần đọc, cho những ai quan tâm đến kinh tế Việt Nam.[5] 9/2002 Diễn Đàn [1]Để độc giả công minh phê phán, xin tự thú: người điểm sách là bạn và đã nhiều lần làm việc chung với vài tác giả có bài trong hai quyển này. Tuy nhiên, anh ta chỉ đọc hai quyển này sau khi xuất bản. [2]Tổ hợp xuất bản: NXB TP Hồ Chí Minh, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, và Trung Tâm Kinh Tế Châu Á – Thái Bình Dương (VAPEC) [3]Cả hai quyển cũng cần có danh mục cuối sách (index) [4]Xin xem bài Đoc Stiglitz của Trần Hữu Dũng, Diễn Đàn số 120. [5]Đươc bíết quyển “Đánh Thức Con Rồng Ngủ Quên” đã được dịch ra tiếng Anh và nhà xuất bản Routledge sẽ phát hành năm 2003.
|
Đọc “Đánh Thức Con Rồng Ngủ Quên” và “Thử Thách của Hội Nhập”
previous post