Home Những tác gia nên đọc HƯƠNG TRẦM THOANG THOẢNG BAY

HƯƠNG TRẦM THOANG THOẢNG BAY

by Lê Ngọc Sơn

Tản văn: Lê Nguyệt Minh

Đêm giao thừa. Trong cuộc hành trình về với đất Bắc xa xôi, khi anh bỏ lại cả một thành phố xô bồ và náo nhiệt những cuộc đời, để hành lý trở về với quê hương bản quán, sẽ là một làng quê yên ả nào đó giữa đồng bằng Bắc Bộ của anh.

Ngồi trên chuyến xe chung chuyển ra sân bay, không hiểu sao, giữa nắng cháy da thịt và những hồi còi hối hả của đường phố Sài Gòn, anh lại nhớ mê man cái màu vàng rực lên yên ả, xen lẫn chút hiu hắt của hoa cải đang bung lên màu tươi rói như chẳng sợ gì rét mướt của tiết trời mùa đông. Anh nhớ thuở xa xưa, mỗi khi theo mẹ ra mảnh ruộng ngay sát bên nhà, khi cắt một vài nắm cải về làm thức ăn trưa, anh không quên bẻ một cành hoa cải vàng phơi phới trên tay, vừa hấp tấp chạy trên bờ ruộng, vừa nghe được cả cái mùi hương hơi ngai ngái, nhẹ lay đang bay lên từ bàn tay bé nhỏ của cậu nhóc con thuở ấy.

Những cái Tết thường tới với anh chầm chậm, khi năm cũ sắp hết, trong tâm tưởng anh, màu hoa vàng của cải ngồng, trong cái mùi hăng hăng mê mẩn nhẹ tênh của thân cải được ngắt, luôn là những tín hiệu đầu tiên cho mùa xuân, cuộc hành trình về quê hương thăm mẹ sau một năm dằng dặc kiếm sống ở xứ người.

Anh nhớ nôn nao cảm giác hôm nào, giữa đêm giao thừa, anh mới đặt chân tới sân bay Nội Bài. Cái lạnh tê tái nhanh chóng thấm vào da thịt. Giữa tiếng chào mời, thăm hỏi lao xao cả khoảng hành lang lớn ở sân bay, anh lặng lẽ kéo vali đi chậm rãi quanh sân tìm kiếm một chiếc ta xi để về nhà. Anh sẽ đi trong mùa xuân đang gõ cửa. Lúc xe chạy chậm rãi qua những nẻo đường vắng, những mái nhà cong cong dưới khoảng đồng bằng kia, anh nghe rất rõ, mùi thơm đượm nồng của hương trầm thoang thoảng bay bay yên ả trong không gian, nghe được cả cái hơi lạnh, khô và rất dềnh dàng nhưng cũng đầy giục giã của trời đất. Một đôi trai gái đi hái lộc đầu năm, bay qua vai anh một chùm hoa đại thơm rất vội vã, mê mị và ám ảnh khó quên.

Anh không làm sao quên được, khi người lái xe xuýt xoa và thành kính thắp lên bát nhang nho nhỏ trên ca bin ba nén hương trầm và mở một bản nhạc Saxophone đầu năm. Mùi hương quyến luyến bay lơ lửng trong không gian của ca bin nhỏ. Lúc anh mở cửa xe, mùi hương ấy chóng vánh và đon đả tan ra ngoài trời kia, như hân hoan và chào mời cái giao đãi đầu năm của mùa xuân xứ Bắc.

Anh ở phương Nam đã mười năm, thật ít khi được chạm vào cảm giác thiêng liêng nên thơ ấy. Anh nghĩ, khi con người ta càng đi xa, càng nhớ day dứt khôn tả những nỗi nhớ vô hình, không nhìn thấy rõ ràng, nhưng như được nghe ngóng và chậm rãi, giống những mùi hương thơm của Tết quê nhà, mùi của cơm nếp mật bốc khói nghi ngút, khi mẹ chậm rãi ngồi dưới bàn trà và đơm những đĩa xôi đầy, thành kính đặt lên bàn thờ tổ tiên. Hay mùi dưa góp mẹ thường hì hụi làm từ trước đêm giao thừa, mùi thơm và tươi mát của su hào, cà rốt quyện lại nồng nàn trong vị đượm của tỏi, gừng và lá mùi. Anh càng không bao giờ quên, khi mỗi sáng mùng Một, lúc mẹ sai những công việc lặt vặt, có cái việc là anh phải sửa  soạn những đĩa dưa góp sao cho thật đẹp mắt để làm một trong những món “chống béo” trong bữa cơm ngày Tết. Anh dĩ nhiên là sẽ nhớ mãi cái cảm giác hít hà, xen chút bối rối khó tả khi mở cái nắp vại dưa góp ra, chao ôi bao nhiêu là màu xanh đỏ, trắng của rau củ được cắt tỉa gọn gàng đẹp mắt đang nằm chờ đôi bàn tay con trai vụng về của anh gắp ra từng chút từng chút một.

Sau này, mỗi khi ở Sài Gòn, khi anh thấy người ta phơi kiệu trắng đầy sân, giữa trưa nắng, báo hiệu Tết về, mà lòng anh chỉ thấy nôn nao nhớ món dưa góp rất truyền thống, rất nữ công gia chánh tinh tế của mẹ.

Anh đặt chân trước cửa nhà là ba giờ đêm mùng Một. Cả con phố quê nơi thị tứ nhà mình, đèn cao áp tỏa ánh sáng dịu dàng lắm, và đâu đó, anh thấy người ta bắn pháo hoa, vừa lóe sáng chớp nhoáng vừa nghe mùi pháo đôi chỗ trong không gian xực lên, khen khét rồi lại tan đi tan đi nhẹ nhàng trong hơi lạnh.

Nhà vẫn mở cửa. Trong nhà, anh thấy dáng mẹ đang thong thả thắp hương lên bàn thờ gia tiên. Đôi mắt bố sau bức ảnh, như ẩn chứa những lời muốn nói với đứa con xa nhà bao nhiêu năm. Anh ào vào nhà, ôm chầm lấy mẹ, và nói lời chúc mừng năm mới. Mẹ chỉ nhìn anh lặng lẽ, chỉ lên bàn thờ, nhỏ nhẹ: Thắp hương cho bố đi con!

Và mùi hương trầm thoang thoảng bay lên, trìu mến và thân thương lắm. Lòng anh như ấm lại và yên ả hơn sau những tháng ngày vất vả.