Home Góc nhìn GIƠ TAY HAY BẤM NÚT

GIƠ TAY HAY BẤM NÚT

by Lê Ngọc Sơn

(Một câu chuyện về trách nhiệm với dân)
Cách đây vài tháng, trong một lần gặp lại PGS.TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội, ông kể cho tôi nghe một vài mẩu chuyện dở khóc dở cười khi ông tham dự các kỳ họp Quốc hội. Ấn tượng nhất là chuyện, trong một lần cần lấy ý kiến đại biểu để thông qua một dự luật, ông Thanh thấy làm lạ vì vị sư ngồi cạnh (là đại biểu Quốc hội của một tỉnh) cứ chần chừ với cái… nút bấm. Ông Thanh thấy làm lạ, liền hỏi: “Ơ, sao ông không ấn nút đi” . Vị đại biểu quốc hội kia trả lời một câu ráo hoảnh: “Thì tôi phải xem các ông ấn thế nào thì tôi mới ấn theo thế chứ”… Ông Thanh vừa kể vừa thề thốt rằng câu chuyện có thật 100%. Thế mới biết, không phải vị đại biểu nào cũng nắm rõ hết nội dung các dự luật, và có chính kiến riêng để đại diện cho quyền lợi của những cử tri bỏ phiếu cho mình.

Tôi nhớ lại câu chuyện từng trao đổi với ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội [Mặc dù sau câu chuyện này, pác này đã chơi xỏ tôi, nói ra rồi không dám nhận là mình nói, định đòi cãi và kiện với cả với… máy ghi âm ☺]. Ông hào hứng kể cho tôi nghe “thành tích” của mình: Lúc bấy giờ, “phải khó khăn lắm” mới thuyết phục được những lãnh đạo cấp cao cho triển khai việc truyền hình trực tiếp các kỳ họp Quốc hội, và áp dụng hệ thống nút bấm điện tử, thay vì giơ tay biểu quyết theo kiểu… “cổ truyền”. Nghe ra thì hay, thay vì dướn cổ cả buổi để đếm số người tán thành hay không tán thành, bằng việc giơ tay, thì giờ đây áp dụng hệ thống điện tử, chỉ cần bấm một cái là kết quả hiển thị lên màn hình. Ấy thế nhưng, cũng không ít chuyện ĐÁNG NÓI xảy ra từ… cái nút.

Đã có chuyện, trong một buổi họp, hai lần biểu quyết cách nhau vài phút, nhưng tổng số đại biểu tham dự của hai lần là hai con số khác nhau. Giải thích hiện tượng này, một vị Đại biểu Quốc hội quả quyết: Một là “chứng tỏ có hiện tượng ấn nút hộ nhau”, hai là “máy tính có vấn đề”! Hèn chi lần nào biểu quyết (trung bình) số đại biểu đồng ý/tán thành cũng là 98%. Nhiều người biện giải cho hiện tượng này là “đặc thù Việt Nam nó thế”, người thì đùa rằng nghị sĩ của mình nghiện “YES” thay vì “say” “NO”:))

Thực ra, bấm nút hay giơ tay không quan trọng, mà quan trọng ở chỗ người dân cần biết vị đại biểu đại diện cho mình tán thành hay không tán thành những quyết sách có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Người dân cần được biết vị đại biểu họ cử ra đã và đang làm gì ở Quốc hội, có thái độ thế nào trước mỗi dự luật, quyết sách lớn lao… Mặt khác, khi người dân biết ai tán thành, ai phản đối… thì vị Đại biểu Quốc hội mà họ bầu ra cũng sẽ hiểu được trọng trách của mình trước mỗi động tác giơ tay hay cú bấm nút. Lịch sử sẽ đặt lên họ trọng trách. Và 500 năm sau, con cháu còn lý giải được nguyên nhân của đống sắt vụn nằm rải rác từ Hà Nội vô Sài Gòn: ai là người có công, ai là “tội đồi” trong việc thông qua siêu dự án “đường sắt cao tốc” của 500 năm trước!

Một vị Đại biểu Quốc hội tâm sự với tôi: Nhiều lúc có cảm giác phải vã mồ hôi khi đặt tay lên nút ấn, vì nếu ấn nút đồng ý thông qua những dự án lớn mà không cân nhắc kỹ, thì sẽ là một thái độ vô trách nhiệm với các thế hệ tương lai: “Chúng ta thông qua các đại dự án hiện tại, nhưng con cháu chúng ta mới là người trả những khoản nợ khổng lồ sau này”. Nghe mà thấm!

Hóa ra, chuyện bấm nút hay giơ tay cũng không hề kém phức tạp. Nhưng sẽ chẳng phức tạp, nếu một ngày cử tri biết được đại biểu của mình đã làm gì ở chốn nghị trường. Với những chủ trương làm xôn xao dư luận, trong một xã hội mà người dân làm chủ thực sự, cử tri phải biết được vị dân biểu của mình có “nghiện” “YES” ở Quốc hội hay không.

[Facebook: http://www.facebook.com/profile.php?id=1578775709#!/note.php?note_id=395901340805]

You may also like