Home Chuyện trò Đừng đưa “ngáo ộp” ra doạ người trẻ!

Đừng đưa “ngáo ộp” ra doạ người trẻ!

by Lê Ngọc Sơn

Là người làm công tác tổ chức cán bộ lâu năm, TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đang là Phó Chủ nhiệm của hai Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước về Đổi mới hệ thống chính trị của Việt Nam thời kỳ mới (KX 10/06-10) và Quản lý phát triển xã hội trong thời kỳ chuyển đổi của Việt Nam. Trò chuyện với phóng viên SVVN, ông nói về chuyện khuyến khích người trẻ quan tâm tới chính trị và các vấn đề thời cuộc của đất nước.

TVPhuc

SỢ NHẤT LÀ NGƯỜI TRẺ THỜ Ơ!

Thưa ông, là một cán bộ giảng dạy, rồi tham gia chính trường, giờ về hưu ông lại vừa làm cán bộ nghiên cứu, vừa đi dạy… Với tư cách là một người thầy, ông nhận ý thức của các học trò của mình hiện nay ra sao trước các vấn đề thời cuộc của đất nước?

TS Thang Văn Phúc: Nói tới điều đó là nói tới thái độ và ý thức chính trị của sinh viên hiện nay trước những vấn đề trong nước mà của cả thế giới. Tôi cho rằng đây là một vấn đề mà giới trẻ hiện nay quan tâm rất lớn. Không chỉ là những người tuổi “mười tám đôi mươi” đâu, mà kể cả những người tuổi sớm hơn (độ tuổi 15-16) đã quan tâm đến những vấn đề chính trị – thời sự nóng hổi của đất nước và quốc tế. Họ tham gia tìm hiểu các thông tin đó trên truyền hình, internet… Trong một bối cảnh mới, khi mà đất nước đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường và hội nhập sâu với thế giới, thông tin nhiều chiều xuất hiện, buộc người trẻ của Việt Nam mình phải tiếp cận, không thể đứng ngoài cuộc. Tôi rất mừng là đại đa số thanh niên, sinh viên của mình đều có những biểu hiện về thái độ của mình trong những sự kiện lớn, như những vấn đề về phát triển – hội nhập, chọn nghề, kể cả tệ nạn tham nhũng, tiêu cực của quan chức.v.v… Phải nói rằng, tất cả hiện thực xã hội, bao gồm tất cả các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hoá… đều đến và tác động đến với giới trẻ. Đây thực sự là một thách thức rất lớn. Đó là một sự thật, chứ không phải là việc mình hù doạ hay mình đặt vấn đề đó theo dạng đại ngôn đâu, mà nó là vấn đề rất hiện thực! Tôi có đứa cháu, dù đang nhỏ nhưng nó đã xác định sau này nó sẽ học trường gì, ở đâu, và tương lai sẽ làm gì và có trách nhiệm gì… Phải nói rằng, lớp trẻ của Việt Nam hiện nay có nhiều năng lực hơn cha ông, về khả năng tiếp cận, về sự năng động, sáng tạo… kể cả trong các vấn đề gai góc như chống tham nhũng sinh viên cũng vào cuộc (qua các đề tài khoa học mà tôi biết). Rõ ràng, những vấn đề đó là những vấn đề gai góc mà sinh ta đã dám tham gia… Đây là những điều đáng mừng.

Vậy nói ngắn gọn lại là, theo ông, ý thức chính trị của người trẻ hiện nay thế nào?

TS Thang Văn Phúc: Tôi cho rằng, có một bộ phận rất nhỏ người trẻ thì bị phàn nàn, nhưng đại đa số đều quan tâm đến vấn đề thời cuộc của đất nước. Điều đó có nghĩa là họ có ý thức chính trị của họ rất tốt. Chứ mà họ thờ ơ với các vấn đề thời cuộc thì mới đáng lo ngại, còn để họ xử lý cho đúng, cho tốt thì cần cả một quá trình. Đừng yêu cầu quá cao so với năng lực của người trẻ, miễn là những vấn đề đó nằm trong tầm bao quát của người trẻ. Đấy mới là điều quan trọng. Thờ ơ mới là vấn đề nguy hiểm. Thờ ơ với chính trị là thờ ơ với các vấn đề thời cuộc của đất nước, là thờ ơ với những vấn vấn đề sôi động của cuộc sống con người… thì đó mới là điều đáng sợ.

Xin đặt thẳng vấn đề với ông rằng có một thực tế là từ thế hệ tôi (những người sinh ra đầu những năm 1980s) trở về trước, 2 từ “chính trị” là 2 từ nhiều người sợ không dám nhắc đến. Như một con “ngáo ộp” vậy! Nhưng để khuyến khích giới trẻ có trách nhiệm hơn với các vấn đề của đất nước thì những chuyện đó phải được xem là bình thường…

TS Thang Văn Phúc: Đúng là nhiều người chưa hiểu được các nội dung, nội hàm của khái niệm “chính trị”. Khái niệm chính trị nếu hiểu đầy đủ thì đó là hệ tư tưởng, hệ thống tổ chức của nhà nước, các hoạt động đối nội – đối ngoại. Đó là những vấn đề lớn. Nhưng những vấn đề chính trị hiện nay lại không thể không gắn với các vấn đề kinh tế – xã hội. Nhiều khi chỉ vì những vấn đề xã hội mà họ phải vận động qua kênh chính trị, hoặc qua vận động xã hội… Tất cả những cái đó đều liên quan, gắn bó mật thiết đến nhau, gắn bó sát sườn với chúng ta. Ai mà bảo rằng chỉ có chính trị đơn thuần, hay chỉ có kinh tế đơn thuần… thì trong hành động của người đó chắc chắn sẽ gặp thất bại. Con người đang bơi trong một biển với đầy đủ các thông số của xã hội hiện đại với các cung bậc của nó… tạo nên một thế giới đa màu sắc, nên phải ứng xử với nó một cách linh hoạt.

Theo ý của ông thì càng khuyến khích các bạn trẻ quan tâm đến chính trị của đất nước thì càng tốt?

TS Thang Văn Phúc: Càng tốt. Tôi chỉ sợ rằng họ thờ ơ thôi. Chính trị là đời sống cơ mà! Giả sử bây giờ có một trận lũ lụt liên quan đến một cộng đồng nào đó, thì lãnh đạo các cấp, các tổ chức đều tham gia để xử lý hậu quả của cơn lũ. Đó cũng là chính trị, chứ đâu chỉ là vấn đề đời sống đơn thuần được. Ý thức được điều đó thì người ta sẽ sẵn sàng xả thân, sẵn sàng đóng góp. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, có những em học sinh sẵn sàng bỏ thi THPT để cứu người đó thôi. Để người trẻ quan tâm đến chính trị là để họ nhận thấy trách nhiệm của mình. Xin nhắc lại, tôi sợ nhất là sự thờ ơ và vô cảm.

Nhưng việc để người trẻ thờ ơ với chính trị, thì lỗi một phần là do người lớn?

TS Thang Văn Phúc: Rõ ràng là có yếu tố đó. Thực sự, nhẽ ra trong quá trình đào tạo, người ta đã phải dạy. Giáo dục cho họ biết địa vị pháp lý của bản thân con người trong xã hội, để họ ý thức được rằng bản than mỗi người sinh ra đều được điều chỉnh bởi các hệ thống pháp luật. Mà hệ thống pháp luật là của Nhà nước, thì đó là vấn đề chính trị. …

CHUYÊN NGHIỆP HOÁ VÀ SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI TRẺ

Và để làm được như điều ông nói trên đây, thì sẽ phải cần “giải thiêng” cho thuật ngữ…

TS Thang Văn Phúc: Đúng rồi. Chúng ta cần phải dân dã hoá, bình thường hoá, đời sống hoá khái niệm chính trị. Chính trị với tất cả những giá trị tư tưởng, những khát vọng để vươn tới một điều gì đó thực hiện lợi ích của dân tộc, của quốc gia. Chứ đâu phải là anh cứ lên hò hét, anh có vị trí này vị trí kia mới là chính trị đâu. Đừng coi đó là một phạm trù dành cho những ông già. Nếu nhìn sâu xa thì chính trị là những lợi ích. Anh là người đáp ứng được những giá trị cao nhất thì anh là người có giá trị cao, anh là người chính trị nhất! Ở nước ngoài họ xem chính trị là một nghề cơ mà!

Với tư cách là một nhà nghiên cứu, thì ông nghĩ rằng ở Việt Nam đã xem chính trị là một nghề chưa?

TS Thang Văn Phúc: Trong khi đề xuất Nghị quyết TƯ5 khoá X về cải cách hành chính, tôi và nhóm nghiên cứu đề xướng luôn là: Nền chính trị phải có những nhà chính trị hoạt động chuyên nghiệp. Công chức phải là những người công chức chuyên nghiệp. Những người hoạt động xã hội là những người chuyên nghiệp.v.v… Chừng nào xã hội chuyên nghiệp hoá sâu như vậy, thì tạo ra hiệu quả cao cho xã hội. Ví dụ ông Obama, Tổng thống Hoa Kỳ cũng thế thôi, ông ta cũng rèn luyện “kinh” lắm: từng học trường Luật, học diễn thuyết… Quá trình rèn luyện đó làm ông ta khẳng định và thuyết phục được nhiều người, và rõ ràng cho đến thời điểm này sự nghiệp chính trị của ông ta rất thành công. Phải có những người có tố chất để làm được điều đó. Chứ bây giờ có những người hoạt động chính trị mà nói thì chẳng nói được câu nào cho ra hồn, hoặc nói khiến người khác nghe không vào tai. Người làm chính trị phải là người biết diễn thuyết, biết nói những điều thu hút không chỉ năm, bảy người, mà phải thu hút hàng ngàn, hàng triệu người.

Với những yêu cầu mà ông nói thì rõ ràng cần một nền chính trị chuyên nghiệp hoá?

TS Thang Văn Phúc: Đúng rồi. Cái đó phải dần dần, cái đó là quá trình thôi, dần dần sẽ hình thành. Nhưng hướng là phải có nghề. Tại sao nước ngoài người ta yêu cầu Quốc hội là phải chuyên nghiệp, nghị sĩ phải chuyên nghiệp. Vì sao phải chuyên nghiệp? Vì họ là những người phải am hiểu để làm luật pháp, chính sách quốc gia. Bản thân họ, để hội tụ được tố chất đó, họ phải học tập, phải nghiên cứu, phải có kiến thức về pháp luật… thì mới làm ra luật được chứ. Luật pháp là công cụ để điều chỉnh các hành vi trong xã hội. Nếu sự điều chỉnh đó chính xác thì làm xã hội thuận, nếu chỉ trục trặc một khâu nào thì sẽ làm rối loạn, hoặc luật sẽ không vào cuộc sống. Thực tế là, những quy định, những chế tài của ta hiện nay vẫn còn chưa được đúng với khái niệm của luật, mà nó đang thiên về lời nói, về mong muốn…

Đang là Phó Chủ nhiệm của Chương trình Khoa học Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước về Đổi mới hệ thống chính trị của Việt Nam thời kỳ mới (KX 10/06-10). Trong đề tài này có nói đến việc tăng cường sự tham gia của người trẻ vào cơ ngũ chính trị không, thưa ông?

TS Thang Văn Phúc: Chương trình khoa học này triển khai trong giai đoạn 2001-2010, và nhóm nghiên cứu chương trình KX 10/06-10 đang trong quá trình tham gia xây dựng để làm đề cương, xây dựng cương lĩnh cho Đại hội Đảng lần thứ XI sắp tới. Trong Chương trình này có một đề tài riêng về cán bộ nhân sự. Cái này thì còn nhiều vấn đề, nhưng anh phải xác định được rằng, trong chế độ công vụ mới, chế độ nhân sự mới là thể hiện rõ bằng quy định. Một người được cơ cấu thì sẽ phải đạt được những tiêu chuẩn nào thì cơ cấu ở vị trí nào. Không phải thích cứ là cho vào. Cơ chế giới thiệu, tuyển chọn sắp tới có những điều chỉnh: Hoặc là sẽ đưa ra dân lấy ý kiến, đưa ra tổ chức lấy ý kiến. Ai giới thiệu nhân sự, thì người đó phải chịu trách nhiệm về con nhân sự đó. Nếu nhân sự thành đạt, thành công thì đương nhiên, nhưng nhân sự đó mắc khuyết điểm thì một phần người giới thiệu sẽ chịu trách nhiệm. Cái đó đang và sẽ điều chỉnh. Bây giờ đang thử nghiệm việc thi vào vị trí Giám đốc Sở, Vụ trưởng, Vụ phó… Thậm chí các nhà chuyên môn đang đề xuất thi từ vị trí Thứ trưởng trở xuống một cách công khai. Chứ không phải là công chức thì “đến hẹn lại lên” đâu! Việc thi cử này nói lâu rồi mà, thưa ông… À, cái đó phải từ từ, cái đó còn nhiều chuyện lắm! Phụ thuộc vào cơ chế nữa. Nhân sự của ta còn liên quan đến toàn bộ hệ thống về nhân lực của Đảng, về công tác tổ chức cán bộ. Bây giờ để tiếp tục làm cái đó thì phải là cả một quá trình xa hơn, chứ không thể nôn nóng được!

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

Lê Ngọc Sơn (Thực hiện)

You may also like