Home Trần Hữu Dũng Paul Wolfowitz, chủ tịch Ngân hàng Thế giới

Paul Wolfowitz, chủ tịch Ngân hàng Thế giới

by Lê Ngọc Sơn


20393437-images517841_2

 

Bạn quý,Diễn Đàn

Số 150, Tháng 4-2005

 

 

Trong tháng 3 vừa qua, có lẽ hai sự kiện nói lên khá rõ chính sách ngoại giao của Mỹ là việc Bush đề cử John Bolton làm đại diện Mỹ ở Liên Hợp Quốc (LHQ) và Paul Wolfowitz làm chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB – World Bank) thay thế James Wolfensohn khi ông này mãn nhiệm vào tháng 6 năm nay.  Nếu bạn theo dõi chính trị Mỹ mấy năm gần đây thì hẳn bạn còn nhớ Bolton và Wolfowitz là hai nhân vật đầu đàn diều hâu tân bảo thủ (xem Trần Hữu Dũng, “Diều hâu Mỹ, ai là ai?” trên Diễn Đàn số 124, tháng 4/2003, và Trần Hữu Dũng, “Tân bảo thủ và chính sách ngoại giao Mỹ hiện nay,” Thời Đại Mới số 1, tháng 3/2004).

 

John Bolton?  Người đã từng tuyên bố rằng “không có cái gì gọi là LHQ cả”, rằng “nếu trụ sở LHQ ở New York có mất đi 10 tầng thì cũng không hề hấn chi”, rằng “ngày Mỹ rút khỏi hiệp ước thiết lập Toà án Tội phạm Quốc tế là ngày hạnh phúc nhất đời tôi”?  Trong một chính phủ chủ trương hành động đơn phương, John Bolton là kẻ quyết liệt chống đa phưong hơn ai hết. (Người đỡ đầu Bolton là cựu nghị sĩ cực bảo thủ Jesse Helms, luôn ngăn chặn Mỹ đóng niên liễm cho LHQ.)  Vậy mà Bush lại cử ông ta làm đại diện Mỹ ở tổ chức quốc tế này thì quả là một sự khinh miệt công khai, khó tưởng tượng.  (Cũng nên nói thêm là Bolton cực lực ủng hộ Đài Loan trở thành một quốc gia độc lập.  Bush nghĩ gì khi phái ông này đến LHQ trong khi cần sự cộng tác của Trung Quốc trong vấn đề Bắc Triều Tiên?)

 

Nhưng dù sao thì Bolton sẽ chỉ là đại diện Mỹ (và trước đây cũng đã có nhiều đại diện Mỹ như Daniel Patrick Moynihan, Jeanne Kirkpatrick, có ác cảm với LHQ), đề cử Paul Wolfowitz vào chức vụ điều hành Ngân hàng Thế giới lại là chuyện khác.

 

Chắc bạn còn nhớ thứ trưởng quốc phòng Wolfowitz? Ông ta là một cột trụ của nhóm “tân bảo thủ” trong chính phủ Bush, là “bộ óc” đàng sau chiến lược xâm chiếm Iraq, “vẽ lại bản đồ Trung Đông” bằng vũ lực của Mỹ.  Giao cho người như thế trọng trách giúp đỡ các quốc gia đang nghèo nàn, chưa phát triển, thì có khác chi giao trứng cho ác?  Hơn nữa, nhiều người còn nhớ Wolfowitz cũng là đồng tác giả “Defense Planning Guidance” của Lầu Năm Góc dưới thời Bush cha.  Tài liệu này kêu gọi Mỹ không cho bất cứ nước nào (cả bạn lẫn thù) đủ mạnh để thách thức địa vị độc tôn của Mỹ.  Chẳng trách khi nghe tin Wolfowitz được đề cử làm chủ tịch Ngân hàng Thế giới lắm người chỉ biết ngửa mặt kêu trời!

 

Khách quan thử hỏi, trước hết, Wolfowitz có khả năng và kinh nghiệm gì cho chức vụ ấy?  Những người phản đối việc đề cử này chỉ rõ là ông hiểu biết rất hạn chế về lĩnh vực kinh tế tài chính, ít quen thuộc và cũng không tỏ vẻ quan tâm gì đến các vấn đề phát triển.  Cho đến nay, Wolfowitz chỉ chuyên về quân sự và chiến lược.   Phe ủng hộ Wolfowitz thì nhắc đến mấy năm ông làm đại sứ ở Indonesia, kinh nghiệm thực tế về phát triển kinh tế có thừa!

 

Ai cũng nhìn nhận rằng Wolfowitz là một trí thức cỡ lớn, song những người không thích ông thì cho là ông quá ngây thơ, khả năng phán đoán đáng ngờ vực.  Không ai quên được những tiên đoán quá sai lầm của Wolfowitz về chiến tranh Iraq (rằng dân Iraq sẽ dâng hoa đón chào lính Mỹ, rằng Mỹ không cần đến mấy trăm ngàn quân để bình định Iraq, rằng tiền dầu lửa Iraq sẽ dư  trả kinh phí chiến tranh).  Về tài quản lí của Wolfowitz  thì, theo nhiều nhân viên của Lầu Năm Góc, cũng không có gì sáng chói.  Là thứ trưởng, đáng lẽ phải lo điều hành thì ông chỉ lưu tâm đến chính sách, bỏ mặc cho lãng phí, tham ô hoành hành trong chính Bộ Quốc phòng của ông.

 

Song, quan trọng hơn ngờ vực về khả năng và kinh nghiệm của cá nhân Wolfowitz là quan ngại về chính sách của Ngân hàng Thế giới dưới sự lèo lái của ông.  Điều mà mọi người đều tiên đoán là Wolfowitz sẽ dùng tổ chức này làm công cụ cho Mỹ  (mặc dù chính Wolfowitz phủ nhận ý định ấy).

 

Phe tân bảo thủ thì hi vọng rằng Wolfowitz sẽ giúp “phổ biến dân chủ” (như, theo họ, Mỹ đang làm ở Iraq).  Cụ thể hơn, họ khẳng định Bush đề cử Wolfowitz vì hiểu rằng “dân chủ không chỉ là bầu cử nhưng còn là sự phát triển thị trường, pháp trị, bảo vệ nhân quyền và quyền tư hữu, và mở cửa cho thương mại quốc tế”.  Mấy người này cho là WB có thể, và phải dẫn đạo, giúp thiết lập dân chủ kiểu đó.  Họ muốn WB đặt điều kiện là sẽ không trợ giúp các chế độ “độc tài” và “bạo chúa” (theo định nghĩa của họ), dù dân ở đó đói nghèo cách mấy.  Có người (như Adam Posen, trên Financial Times) viết thẳng thừng rằng Wolfowitz sẽ phục vụ quyền lợi Mỹ, biến WB thành một công cụ của Mỹ, và biết đâu nhờ vậy mà thế giới cũng được lợi lây!  Song đó lại chính là điều làm những người khác lo sợ: “Dân chủ” của tập đoàn Bush là thứ dân chủ thân Mỹ.   Và liệu pháp “xoá đói giảm nghèo” duy nhất của phe bảo thủ Mỹ là buông thả mọi kiềm chế thị trường, mặc cho tư bản thao túng.

 

Cụ thể hơn, người ta lo ngại là dưới quyền của Wolfowitz,  Ngân hàng Thế giới sẽ chú trọng hơn đến Trung Đông (và sẽ bỏ bê châu Phi dưới Sahara), giúp Mỹ tái thiết Iraq, và nhử chính quyền Palestine bằng mồi viện trợ để họ nhượng bộ Israel.  Oái oăm là, trước đây, lúc còn nghĩ rằng họ đủ sức nuốt Iraq một mình thì chính Mỹ đã bảo WB đi chỗ khác chơi, để họ “một mình một chợ”.  

 

Nhiều người cũng tiên đoán là dưới quyền Wolfowitz, có lẽ WB sẽ nghiêng về viện trợ không hoàn lại hơn là cho vay.  Thoạt nghe thì điều này có lẽ tốt cho những nước nghèo, nhưng sự thật là khi cho vay thì tính kinh tế của dự án được thẩm sát kỹ hơn, các yếu tố chính trị khó được đưa vào.  Trái lại, viện trợ không hoàn lại thì dễ bị “chính trị hoá”.   Nói khác đi, tuy các nước nghèo sẽ “khoẻ” hơn khi nhận viện trợ không hoàn lại (so với vay), chính WB lại có quyền hơn trong quyết định ai được cấp viện, ai không, và qua đó (Mỹ) có cơ hội can thiệp vào nội bộ các nước ấy hơn.

 

Về đời tư, nhiều người xầm xì về liên hệ “khá thân mật” mấy năm nay giữa Wolfowitz và bà Shaha Riza (cả hai đều li dị, có con riêng).  Bà này sinh ở Tunisia, lớn lên ở Saudi Arabia, có quốc tịch Anh, hiện là cố vấn trong Vụ Trung Đông và Bắc Phi của WB, và nổi tiếng là người tranh đấu cho nữ quyền Á Rập.  Liệu Wolfowitz và bà Riza có thể tách rời liên hệ cá nhân và liên hệ trong công việc khi bà làm dưới quyền ông?

 

Khác với Bolton, mà có lẽ Bush gửi đến LHQ để “thọc gậy bánh xe”, làm sao cho tổ chức này càng ít hiệu lực càng tốt, Wolfowitz được Bush gửi đến WB với sứ mệnh “tích cực” hơn: biến tổ chức này thành một công cụ của Mỹ. Hẳn là như vậy. Song, như Stiglitz tiên đoán, chính vì thế mà WB sẽ bị những người ghét Mỹ ghét lây, thành công đã khó lại càng khó thêm.  Tuy nhiên, với thế lực (vẫn còn) của Mỹ, và truyền thống là chủ tịch WB sẽ do Mỹ chọn, Paul Wolfowitz hầu như chắc chắn sẽ được Hội đồng Điều hành của WB chính thức chấp thuận.  Nhiệm kỳ Bush sao quá lâu!

 

Hẹn bạn thư sau,

 

(kí: Tiểu Hằng Ngôn)

Dayton

23-3-2005

 

You may also like