Home Trần Hữu Dũng Thư từ Mỹ của Trần Hữu Dũng Mỹ, sau Katrina

Thư từ Mỹ của Trần Hữu Dũng Mỹ, sau Katrina

by Lê Ngọc Sơn
images

Diễn Đàn

155 – tháng 10/2005


Cuối tháng 9, 2005

Bạn quý,

 

Trừ khi bạn vừa đi nghỉ hè ở một nơi không TV, không báo chí (và tôi thật tình ganh tị với bạn!) thì hẵn bạn đã biết trận cuồng phong Katrina đã tàn phá miển nam nước Mỹ, cụ thể là các bang Alabama, Louisiana, và Mississippi, ven vịnh Mêhicô, vào cuối tháng 8 vừa rồi.  Nhiều người đã so sánh ngày 28/8 với ngày 11/9 (những con số có sự đối xứng đáng nhớ!) trong lịch sử quốc gia này.   Ngoài hình ảnh các khu nhà, vườn tược, tan hoang, phố xá, làng mạc ngập chìm trong biển nước… “quen thuộc” ở mọi thiên tai lũ lụt, kinh hoàng nhất có lẽ là cảnh mấy vạn sinh linh (hầu hết là da den) nhốn nháo hỗn loạn tại Superdome (và sau đó tại Convention Center) ở New Orleans, không được cung cấp một miếng bánh mì, một ngụm nước uống, trong mấy ngày liền.  Rồi những tin hãm hiếp (trong đó có một bé gái gốc Việt bảy tuổi, trời ơi!), cướp giật, bắn nhau, các xác chết nằm bên vệ đường, gục trên xe lăn, lều bều trên dòng nước cuồn cuộn, đục ngầu…   

 

Hậu quả của thiên tai này sẽ rõ hơn trong những ngày, những tháng sắp đến.  Tuy nhiên, có thể nói ngay là nó đã gây chấn động cho toàn nước Mỹ.   Một chi tiết cần kể lại: nếu theo dõi kĩ thì thấy có sự khác nhau trong cách tường thuật của TV, báo chí.  Các cơ quan truyền thông bảo thủ (như Fox NewsWall Street Journal …) thì hay nhấn mạnh đến sự hỗn loạn, bắn giết, hôi của, trấn lột .. sau Katrina, trong lúc những tường thuật “khách quan” hơn thì chú ý đến sự tàn phá, tình trạng vô tổ chức của công tác cứu trợ. Chỉ có một điều không ai phủ nhận: dường như hầu hết nạn nhân là người nghèo, đa số là da đen.  Do đó, từ ngày đầu, cách nhìn thiên tai này đã nhuốm màu chính trị:  Tại sao những người này không sơ tán?  Vì lệnh sơ tán không đến tai họ?  Hoặc họ biết nhưng không chịu đi?  Hoặc không có phương tiện đi?  Một số giả thuyết: Họ không đi vì sợ mất nhà, vì đợi phụ cấp xã hội (vào ngày 30 hàng tháng), vì ỷ y rằng sẽ không hề gì (như nhiều trận cuồng phong hầu như hàng năm ở vùng này), và cũng có lẽ, một phần, vì dân Mỹ ở miền Nam (cả da đen lẫn da trằng) lưu luyến với nhà cửa xóm giềng họ hơn dân những vùng khác.

 

Trong số nạn nhân thương tâm nhất có lẽ là người gốc Việt. Từ đầu thập niên 1980, nhiều người Việt đến định cư ở các thành phố Biloxi, Mobile, và vùng New Orleans, do khí hậu ấm áp và tương đối dễ mưu sinh.  (Theo thống kê chính thức, Louisiana có khoảng 25.000 người Việt,  Mississippi khoảng 6.000, và Alabama độ 5.000).  Đa số làm nghề ngư và đánh tôm.  Báo chí Mỹ đầy tin các tiểu thương gốc Việt bị hôi của, ngư dân bị mất tích ngoài khơi.  Đã trắng tay khi rời Việt Nam, sau nhiều năm chí thú làm ăn, nhiều gia đình lại bị Katrina làm trắng tay một lần nữa.

 

Khi tôi bắt đầu viết thư này thì tình trạng khẩn cấp ở New Orleans có vẻ đã qua, những người sơ tán đã bắt đầu lục đục trở về, nhưng rồi lại nghe tin bão Rita sắp đổ bộ!  Trong khi những mất mát cho cư dân ở vùng này và cộng đồng của họ sẽ còn lâu mới có cơ hàn gắn, có thể ghi lại ngay vài hậu quả về kinh tế, chính trị, và hình ảnh nước Mỹ sau Katrina.

 

 

Thứ nhất là kinh tế.  Không như sự cố 11/9 trước đây, tuy tổn thất có cao nhưng chỉ tập trung một khu trong thành phố New York, và phần lớn ảnh hưởng kinh tế là đến các dịch vụ tài chính, có thể khôi phục khá nhanh, Katrina tàn phá cả ba tiểu bang Alabama, Louisiana và Mississippi, một vùng kinh tế trọng điểm của Mỹ mà cơ sở hạ tầng là thiết yếu, cụ thể là về vận tải và nhất là năng luợng.  Số lượng dầu hoả sản xuất ở vịnh Mêhicô chiếm gần 30% tổng sản lượng dầu của Mỹ, gần phân nửa số nhà máy lọc dầu là ở vùng này. Lượng khí đốt thì khoảng 20%.  Khoảng 60% dầu hoả mà Mỹ nhập khẩu cũng đi qua các cảng trong khu vực.  So với New York (mà bây giờ cũng chưa khởi công tái thiết), xây dựng lại những cơ sở hạ tầng ở vùng vịnh Mêhicô sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian hơn.

 

Hơn hai tuần sau Katrina, bị áp lực công luận, Bush tuyên bố sẽ làm “bất cứ điều gì” để giúp nạn nhân và tái thiết New Orleans (dự đoán có thể hơn 200 tỉ đô la).  Nhưng lấy đâu ra số tiền này?  Phe bảo thủ đảng Cộng hòa nhốn nháo nói ngay là phải cắt những khoản chi khác của chính phủ, rồi Bush cũng hứa rằng sẽ không tăng thuế.  Vậy thì chỉ có cách là thâm hụt thêm ngân sách, tức là đổ gánh nặng cho thế hệ tương lai, hoặc là im ỉm rồi rốt cuộc không thật sự chi số đó (Bush hay có thói hứa ảo như vậy!).

 

Ngoài chi phí tái thiết (dài hạn), trước mắt Katrina sẽ làm tăng giá dầu hoả (nhất là nếu bão Rita cũng sẽ ập vào Texas như dự báo), tăng giá vật liệu xây cất, dẫn đến lạm phát.  Thất nghiệp cũng sẽ tăng (hiện là cao nhất trong hai năm qua), thuế sẽ ít đi, gây gánh nặng thêm cho ngân sách chính phủ các cấp.  Triển vọng quân bình ngân sách liên bang (vốn đã thâm hụt ngày càng trầm trọng) như vậy là thành mây khói.  Theo nhiều dự báo, Katrina sẽ làm thấp mức tăng trưởng của Mỹ ít nhất là 0,5% từ nay đến cuối năm.  Mặt khác, cũng phải nói là nhờ khoảng 2 tỉ USD mỗi ngày mà chính phủ liên bang tung vào cứu trợ, kinh tế Mỹ được một cú hích, ít ra là từ đây đến cuối năm.  

 

 

 

Khác với những thiên tai trước đây, ảnh hưởng của Katrina trên chính trị nước Mỹ có thể sẽ còn lớn hơn hậu quả kinh tế của nó.  Ai cũng than phiền là phản ứng của Bush quá chậm chạp, thậm chí hững hờ.   Mãi ba ngày sau cả nước Mỹ phát hoảng vì cảnh bão lụt chiếu đầy trên TV thì Bush mới chấm dứt tháng nghỉ hè của ông ta ở Texas để trở về Washington, và hai ngày sau đó thì mới đến viếng vùng bị nạn (và nói những câu giỡn cợt khiến dư luận bất mãn thêm).  Dick Cheney thì bận đi săn ở vùng rừng núi Wyoming, còn Condoleezza Rice thì đi xem kịch và mua giày ở New York!  Rồi báo chí phanh phui thêm: Michael Brown, cầm đầu Cơ Quan Quản Lý Cứu Trợ Khẩn Cấp Liên Bang (gọi tắt là FEMA) trước đây là giám đốc (và bị sa thải) cái gọi là “Hiệp hội Quốc tế về Ngựa Ả Rập”, được Bush bổ nhiệm chỉ huy FEMA chỉ nhờ là bạn nối khố của Joe Allbaugh, cố vấn thân cận của Bush.  (Cũng không may cho Bush, “quân sư” Karl Rove bị sạn thận, liệt giường trong thời gian này!)

 

Dư luận cũng chỉ trích chính phủ Bush là thiếu chuẩn bị.  Mấy ngày đầu thì Bush cố bào chữa là không ai tiên đoán thiên tai lớn cỡ này, nhưng rồi công luận nhốn nháo, kê ra hàng chục nghiên cứu, báo cáo, tiên đoán y chang như đã xảy ra, thì bọn Bush quay ra đổ lỗi cho người này, người khác.  Nào là chính quyền địa phương đã không cầu cứu sớm, nào là thị trưởng Ray Nagin của thành phố New Orleans đã ra lệnh sơ tán quá trễ và đã không điều động xe buýt để chỡ những người không có xe riêng (quả là có hình ảnh hàng trăm chiếc buýt vẫn còn nằm trong bãi đậu, ngập đến cửa kính), nào là bà thống đốc Kathleen Blanco của Louisiana đã không ra lệnh cho cảnh vệ quốc gia đến giữ trật tự, vv..  Chỉ khác với 11/9 là lần này Bush không thể đổ lỗi cho chính phủ Clinton đã kém chuẩn bị (tuy nhiên cũng tiện cho Bush là hầu như mọi quan chức cao cấp ở Louisiana đều là thuộc đảng Dân chủ, trong lúc Bush và thống đốc bang Mississippi – nguyên là chủ tịch đảng Cộng hòa – thì cứ khen nhau!).

 

Nhiều người cũng nêu lên vấn đề là sau mấy năm Bush cắt chi phí chính phủ liên bang (và giảm thuế cho người giàu!) Mỹ không còn tiền để trùng tu cơ sở hạ tầng.  Hơn nữa, khoảng 30% cảnh vệ quốc gia của Louisiana, mà nhiệm vụ chính phải là giữ trật tự, cứu hộ thiên tai như Katrina, thì lại bị Bush gởi sang Iraq. Ra vẻ cao thượng, Bush phân trần “bây giờ không phải là lúc đổ lỗi nhau”.  Tuy nhiên, trong hậu trường thì bọn Bush biện bạch: (a) Louisiana là bang nhận được nhiều tiền nhất để chống thiên tai, nhưng lại tiêu phí vào những việc vô bổ, (b) giả dụ Bush có ra lệnh sửa sang đê điều ở New Orleans khi mới lên cầm quyền thì công trình ấy cũng đã không xong kịp để chống Katrina.

 

Có lẽ chỉ trích mạnh mẽ nhất là rằng thái độ hững hờ của chính phủ Bush phản ảnh một thái độ kỳ thị người da đen, khinh rẻ dân nghèo.  Những người sống lâu ở Mỹ (và không còn choáng ngộp về cái hào nhoáng bên ngoài của nước này) hẳn đã biết Mỹ có một “giai cấp dưới” (“underclass”, như nhà xã hội học Gunnar Myrdal đã gọi).  Như đổ dầu vào lửa, một thống kê mới công bố cho thấy tỉ lệ dân nghèo của Mỹ đã tăng lên 17% trong thời Bush.  Những người ủng hộ Bush không dám công khai nói thẳng, nhưng hay ám chỉ rằng lỗi là tại người nghèo ở New Orleans không chịu di tản.  Có phải vỉ Bush vả đảng Cộng hoà không ưa người da đen?  Thật là quá giản dị để nói như vậy,  Đúng hơn, phải nói là họ không cần phiếu da đen (đã ít đi bỏ phiếu, mà khi đi bầu thì lại hầu như chỉ bỏ cho đảng Dân chủ).  

 

Làm sao có tiền để tái thiết New Orleans?  Về vấn đề này thì nội bộ đảng Cộng hòa đang xào xáo.  Có người thì cho rằng phải du di ngân quỹ từ những mục khác, người thì cho rằng không thể du di được nữa.  Có người lại cho là phải … cắt thuế thêm!  Ngoài vấn đề tiền, phe bảo thủ cũng chống lại việc thiết lập một cơ quan mới của chính phủ để điều hành việc tái thiết New Orleans.   Dù gì, khuynh hướng “thu nhỏ” chính phủ, nhất là chính phủ liên bang, của Bush và phe bảo thủ chắc sẽ phải ngừng (hay chậm lại) sau Katrina. 

 

Đáng nói là phe hữu lẫn phe tả đều nhất trí rằng chính phủ Bush đang đi vào một thời điểm bản lề.  Phe tả thì, tất nhiên, khẳng định là Bush hết cơn cứu vãn.  Phe hữu thì không đi xa đến thế, chỉ nói rằng nếu muốn tồn tại thì Bush phải nhanh lật ngược ván cờ.

 

 

Cuối cùng, có lẽ hậu quả sâu xa nhất của Katrina là nó đã thay đổi cái nhìn của dân Mỹ về chính nước họ.  Không như 11/9, lần này hầu như không ai có thể nói tốt về nước Mỹ.  Khác với 11/9, khi mà nước Mỹ cảm thấy bị xâm lược, rồi nhất trí chống lại kẻ thù (và có một kẻ thủ để trả thù) thì lần này kẻ thù chính là … thiên nhiên.  Katrina đã vạch toạt những ung nhọt do kỳ thị màu da, phân cực thu nhập, trong xã hội Mỹ.  Qua những gì họ chứng kiến ở New Orleans, báo chí và TV Mỹ bắt đầu nghi ngờ về những tuyên truyền bấy lâu nay của chính phủ họ về tình hình Iraq.  Có lẽ đây là lần đầu tiên mà đa số dân Mỹ thấy nước họ như đa số người nước ngoài thấy nước Mỹ bấy lâu này.  Tuy chừng mực có khác nhau, cảm giác chung của đại đa số người Mỹ hầu như là những gì xảy ra sau Katrina đã đem lại sự ô nhục cho cả nước.

 

Khi tôi đang viết thư này thì trận bão Rita, theo dự báo sẽ còn mạnh hơn cả Katrina, sắp ập vào Texas.  Liệu Mỹ có học được bài học Katrina?

 

Hẹn bạn thư sau,

 

Trần Hữu Dũng (kí Tiểu Hằng Ngôn)

Dayton

24-9-2005

 

You may also like