Diễn Đàn tháng 9, 2004
Cuối tháng 8, 2004 Bạn quý, Chỉ còn độ hơn hai tháng nữa thì bên này bầu cử tổng thống, hạ viện, một phần ba thượng viện, và thống đốc nhiểu tiểu bang. Nhìn từ thời điểm hôm nay thì triển vọng liên danh Bush-Cheney được tái cử không phải là thấp, và trong thư tháng sau tôi sẽ nói thêm về cuộc bầu cử sắp đến. Trong thư này tôi xin trả lời thắc mắc của nhiều bạn sống ngoài nước Mỹ: Nhìn nước Mỹ ngày nay (tỉ lệ thất nghiệp cao, ngân sách thâm hụt trầm trọng, chiến tranh vô nghĩa ở Iraq), con người ông Bush (dối trá, lười biếng, không mấy thông minh), và những chính sách cực kì phản động của chính quyền này về mặt kinh tế xã hội (phục vụ quyền lợi các đại công ty, bênh vực các nhà triệu phú, bỏ mặc người nghèo) thì tại sao không ít cử tri Mỹ (chắc chắn sẽ không dưới 40%) lại có thể ủng hộ Bush thêm một nhiệm kì nữa? Dĩ nhiên là có nhiều lí do (mà, vốn là người vô cùng “thận trọng”, tôi sẽ “tiết lộ” sau bầu cử), song tôi nghĩ có một bộ mặt của xã hội Mỹ mà những người không sống ở nước này khó có ấn tượng đầy đủ. Đó là vai trò của môi trường thông tin đại chúng (TV, báo chí…) ở Mỹ, và mức độ mà môi trường này đã bị phe cực hữu khuynh đảo trong những năm gần đây. Về truyền hình, đứng đầu (về mặt ảnh hưởng) là Fox News, của nhà tỉ phú người Úc Rupert Murdoch. Kênh (truyền hình cáp) này tự xưng là “công bằng và không thiên vị” (“fair and balanced”) nhưng thật sự thì trái ngược. Fox News gần như là cơ quan tuyên truyền, thậm chí nhồi sọ dân chúng, của đảng Cộng hoà và phe cực hữu. (Tôi để ý, mỗi lần nói đến Bush là họ luôn kèm chữ “tổng thống” hoặc “chỉ huy tối cao” – commander-in-chief.) Hàng đêm, từ giờ này sang giờ khác, những chủ chương trình như Bill O’Reilly, Sean Hannity, cứ lên giọng xấc xược ngu dốt xuyên tạc phe tiến bộ, đảng Dân chủ, bênh vực những chính sách bảo thủ, phản động nhất của chính quyền Bush. Có khi họ cũng mời các khách tiến bộ, nhưng họ hay chọn những người nhút nhát, ăn nói không mấy lưu loát, và nếu rủi gặp người hùng hồn cãi lại thì họ không ngần ngại cúp micrô! Thái độ vô lễ, thậm chí du côn, đó lại làm cho phe hữu khoái chí, hùng hổ thêm! Về bên truyền thanh, cùng bè với họ là Rush Limbaugh, cũng với giọng điệu như vậy, ba tiếng mỗi ngày, xoáy vào tai thính giả khắp nước Mỹ. Ảnh hưởng của Rupert Murdoch không chỉ giới hạn trên kênh TV Fox News vì ông còn là chủ tuần báo Weekly Standard và nhật báo New York Post. Weekly Standard là ống loa của tân bảo thủ, tuy số phát hành không nhiều nhưng có ảnh hưởng lớn đến chính quyền Bush, nhất là về đường lối ngoại giao. Còn New York Post là một tờ báo lá cải, mới đây bị hớ một cú làm ê ẩm mặt mày. Vào buồi sáng khi Kerry chọn Edwards làm ứng cử viên phó tổng thống thì báo này chạy tít lớn ngay trang đầu: (dân biểu) Dick Gephard là người được chọn! Nghe đồn là cú này do phe Kerry chơi xấu Murdoch, đưa tin vịt cho ông này. Cho đến gần đây thì kênh CNN tương đối là khách quan (chỉ khách quan thôi, thế mà bọn khuynh hữu đã nhạo CNN là Communist NewsNetwork), nhưng dần dà vì thấy Fox News ngày càng nhiều người xem, CNN cũng quay ra bắt chước Fox News, cho đảng Cộng hoà và phe cực hữu thêm nhiều cơ hội, nhiều “sô” hơn để công kích đảng Dân chủ và bêu xấu phe tiến bộ. Các hệ thống truyền hình kì cựu như ABC,CBS, NBC thì cũng không dám vạch rõ những gian dối của chính quyền Bush, một phần vì sợ viên chức chính phủ Bush tầy chay không tiếp xúc, một phần cũng sợ phe hữu tồ chức chiến dịch phản đối ồn ào. (Lẽ dĩ nhiên, quyền lợi kinh tế của họ cũng là quan trọng, chẳng hạn như công ty Walt Disney – công ty mẹ của hệ thống truyền hình ABC – đã rút lời hứa phân phát phim Fahrenheit 9/11 của Michael Moore vì áp lực của phe hữu.) Cũng nên nói thêm là các phương tiện truyền thông đại chúng Mỹ, nhất là truyền hình, ngày càng ít tin quốc tế. Những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Iraq, chống Bush, vói hàng triệu người ở châu Âu và các nơi khác, hoạ hoằn cũng chỉ được một vài phút trên TV Mỹ, và luôn luôn bị tường thuật qua giọng điệu chế nhạo, coi nhẹ những người tham dự. Đa số dân Mỹ hầu như không biết thế giới nghĩ gì về họ, và họ cũng không theo dõi tình hình thế giới (ngoài Iraq, mà “tin tức” từ đó thì lại qua lăng kính của bộ quốc phòng Mỹ.) Trong lúc phe hữu hùng hổ lấn lướt như vậy thì phe tiến bộ ở Mỹ lại yếu xìu, về tài chính cũng như khả năng tổ chức. Tuần báo đầu đàn của họ là The Nation thì “khô” và nghiêm trang quá mức (tuy rằng tổng biên tập, bà Katrina vanden Heuvel trông hao hao giống nữ tài tử Angelina Jolie!). Tôi vẫn mua tạp chí này hàng tuần, nhưng đó là vì bổn phận, muốn ủng hộ họ, chứ thực tình thì tôi ít khi “enjoy” đọc bài trong đó. Một tuần báo tương đối cũng tiến bộ là The New Republic thì vì vấn đề Iraq (khi có dịp, tôi sẽ kể bạn nghe hàng ngũ phe tiến bộ ở Mỹ đã bị chia rẽ vì vấn đề Iraq như thế nào) mà một thời cũng đâm ra ủng hộ Bush, tuy rằng mấy tháng sau này tờ này có vẻ “cải tà quy chánh”. Vài tạp chí tiến bộ khác (như The American Prospect, Dissent, The Progressive…) thì rất ít người đọc – vì nói thật, bài của họ khá dở, không thuyết phục được người ngoại đạo – nên không có ảnh hưởng gì. Bên radio thì vừa có hệ thống đài Air America do vài mạnh thường quân “tiến bộ” thành lập gần năm nay để có tiếng nói chống lại phe Rush Limbaugh, nhưng tài chính của hệ thống này đến nay coi bộ còn ì ạch lắm, và chỉ phát thanh ở một số thành phố lớn. À, bạn sẽ hỏi, còn báo in hàng ngày thì sao? Nói chung, nhóm này có khách quan hơn Fox News, nhưng cũng có khuynh hướng nghiêng về phía hữu hơn là vào hai ba thập kỉ trước, và ngày càng ít ảnh hưởng đồi với công luận Mỹ so với truyền hình. Tờ New York Times tương đối còn “khá” nhưng lại bị một số xì căng đan làm điêu đứng vài năm qua. Báo này mất uy tín rất nhiều khi kí giả Jayson Blair của họ bị phát giác là bịa tin, bị sa thải, rồi tổng biên tập Howell Raines bị liên lụy, mất chức theo. Nhưng quan trọng hơn là vụ kí giả cột trụ Judith Miller không biết vì bị phỉnh lừa hay cố ý (bà ta chơi thân với nhóm “tân bảo thủ”) thổi phồng nguy cơ “vũ khí giết người hàng loạt” của Saddam Hussein, cho Bush thêm cớ xâm lăng Iraq. May là báo này vẫn còn nhà bình luận (và cũng xin cho tại hạ khoe là đồng nghiệp) Paul Krugman mỗi tuần hai lần viết bài chống Bush hết sức sắc bén và kịch liệt. (Tôi đoán nhé: Krugman sẽ là người đầu tiên nhận cả Nobel kinh tế và Pulitzer báo chí!) Nhưng từ đầu năm nay, có lẽ vì bị áp lực của phe hữu, New York Times phải thuê nhà bình luận bảo thủ David Brooks viết mỗi tuần cũng hai lần để làm đối trọng cho Krugman. May cho “phe ta”, Brooks hơi … lười và nông cạn, không đọ sức nổi với Krugman. Tờ Washington Post cũng ủng hộ Bush trong vấn đề Iraq qua ngòi bút những nhà bình luận “tân bảo thủ” như Charles Krauthammer, Robert Kagan (tác giả “Về Quyền Lực và Thiên Đàng”), và bảo thủ George Will. Hai tác giả tương đối tiến bộ của báo này là E.J. Dionne và Richard Cohen thì lại quá “lễ độ”, không hùng hổ như bọn kia. Mary McCrory, người tiến bộ nhất, có lương tri nhất, văn phong lưu loát nhất, thì lại từ trần vào tháng 4 vừa qua. “Phe ta” có số con rệp là thế, bạn ạ! Trong lúc hai tờ báo tương đối khách quan như New York Times và Washington Post nhập nhằng như thế thì phía bên kia, (trang bình luận) tờ Wall Street Journal mỗi ngày phun lửa những luận điệu cực kì phản động, cực hữu, hiếu chiến. Vì nghề nghiệp, tôi phải đọc báo này (dù sao thì về tin kinh tế tài chính thì báo này vẫn là đầy đủ nhất) nhưng không có can đảm đọc trang bình luận của họ. Nhìn qua cái tít bài là tôi đã xây xẩm mặt mày, muốn đập phá bàn ghế, ít nhất cũng phải văng tục vài câu. Vậy mà Wall Street Journal vẫn có số lượng phát hành lớn nhất (độ 1 triệu 8) hơn cả New York Times (1 triệu 2) và Washington Post (khoảng 800 ngàn). Đấy, nước Mỹ là như thế đấy! (Một tờ báo ngày càng đáng đọc, theo tôi, là Los Angeles Times, nhưng báo này chưa thật sự là toàn quốc như những tờ kia.) Song cũng không nên đổ lỗi hoàn toàn cho guồng máy tuyên truyền mị dân của đảng Cộng hoà và phe cực hữu, và sự thiếu hiểu biết của cử tri Mỹ, nếu đảng Dân chủ và phe tiến bộ ở Mỹ thất bại kì này. Nói chung, về những giá trị văn hoá và xã hội (đối với vấn đề gia đình, giới tính, tôn giáo, vv) thì đa số dân Mỹ bảo thủ hơn dân Tây Âu, và đảng Cộng hoà của Bush đã khôn khéo đánh lá bài này, luôn cố thuyết phục cử tri là đảng Dân chủ và những ngừơi “phóng khoáng” (liberals) không chia sẻ những giá trị truyền thống của dân Mỹ. Thomas Frank, một tác giả cấp tiến, trong cuốn sách mới ra What’s the Matter with Kansas?: How Conservatives Won the Heart of America (“Kansas ra sao thế?: Cách những người bảo thủ chiếm quả tim của nước Mỹ”) đã lấy trường hợp bang Kansas, sinh quán của ông, làm ví dụ. Bang này ở vào miền Trung tây nước Mỹ, thu nhập bình quân không cao, đa số là nông dân, lao động trung lưu, bị thiệt hại nhiều bởi chính sách của Bush (và của những triều đại đảng Cộng hòa trước đây) vậy mà họ vẫn có khuynh hướng bỏ phiếu cho đảng Cộng hoà. Tại sao thế? Theo Frank, đó là vì đa số họ là bảo thủ về văn hoá, và dù không ưa chính sách kinh tế của Bush, dân Kansas và những nơi tương tự (mà báo chí Mỹ gọi là các bang đỏ (red states) để phân biệt với các bang xanh (blue states) nghiêng về đảng Dân chủ) vẫn có cơ lại bỏ phiếu cho Bush, vì họ nghĩ (có thể là ngộ nhận) rằng những giá trị văn hoá và xã hội của đảng Dân chủ và những người “phóng khoáng” là khác của họ. Thư đã dài nên xin chấm dứt nơi đây, hẹn bạn thư sau (nếu Diễn Đàn cho phép). Trần Hữu Dũng 12-8-04 |