Sự lên ngôi của những kẻ “giả trân nghệ thuật”
Một thách thức lớn của văn hoá – nghệ thuật Việt Nam hiện nay là sự lệch lạc và đảo lộn các giá trị. Chúng ta đang có sự nhầm lẫn tai hại giữa nghệ thuật và giải trí dễ dãi, từ đó hiểu sai trầm trọng về nghệ thuật và làm hại cho nền văn hoá. Nghệ thuật mà cốt lõi là nghệ sĩ là những người sáng tạo đầy đam mê, có triết lý riêng biệt cho sự “vị nghệ thuật” và cả “vị nhân sinh”, thay vì “vị túi tiền” của mình như một số nhân vật giả trân nghệ thuật, mạo danh nghệ sĩ.
Không phủ nhận rằng giải trí là nhu cầu không thể thiếu, song nền công nghiệp giải trí ở Việt Nam dường như đang bị tầm thường hóa dần, bị lũng đoạn bởi sự nhầm lẫn của công chúng và sự ảo tưởng của một số cá nhân những kẻ giả trân đó. Nghệ sĩ thực thụ bồi đắp và làm đẹp nền văn hoá, làm phong phú sự sáng tạo. Những kẻ “giả trân nghệ thuật” sống ký sinh trên nền văn hoá và làm hỏng các giá trị cốt lõi của văn hoá Việt Nam. Những kẻ giả trân này trong nền công nghiêp giải trí đang được hiểu nhầm thành nghệ sĩ, thậm chí, họ vẫn gom đủ hồ sơ tiêu chuẩn để được nhận những danh hiệu “nghệ sĩ ưu tú” hay “nghệ sĩ nhân dân” mà họ dùng làm trang sức hơn là sự quý trọng một sự nghiệp.
Nghệ thuật có thể gia cường cho chất lượng của nền giải trí, nhưng giải trí lại có thể giết chết nghệ thuật. Chạy theo sự dễ dãi, một số sô diễn, chương trình truyền hình giải trí có thể làm giàu cho danh tiếng và hầu bao của những người làm trong lĩnh vực giải trí, nhưng lại vô tình giết chết người làm nghệ thuật có triết lý. Những nghệ sĩ thực thụ, trải qua khổ luyện và đào tạo bài bản, biết giữ mình, trở nên bị lép vế.
Giải trí dễ dãi cũng làm tầm thường hoá nhu cầu thẩm mỹ nghệ thuật của công chúng. Sẽ không ít người bị cuốn theo tiếng cười dung tục của những anh hề biết làm trò, tiếng hát của những anh thợ hát biết làm vừa lòng sự đại khái của đám đông. Dần dà, một phần công chúng trở thành đối tượng bị dẫn dắt và trục lợi bởi những kẻ giả trân từ nền công nghiệp giải trí, thậm chí bị chính những kẻ “giả trân nghệ thuật” này bỉ bôi (rằng họ sống mà chẳng cần đến khán giả).
Công chúng có thể tin vào thần tượng của mình để đi chữa bệnh bởi “thần y”, mua phải thuốc dởm do chính các thần tượng này quảng cáo, hay tin vào các trò mê tín di đoan do những vị này dẫn dắt. Thậm chí, những nhân vật giả trân này ngang nhiên văng tục như những kẻ thiểu năng về văn hoá, ăn nói bạt mạng mà vẫn được “công chúng” dung dưỡng và không ít phóng viên mảng giải trí lăng xê lên tận trời xanh.
Nhiều người thật ngạc nhiên khi xem vô số video cho thấy người diễn hài Hoài Linh múa may quay cuồng trong các buổi lễ hầu đồng, và ném những cục tiền có mệnh giá lớn vào những người tham gia các buổi lễ này, mà có khi người nhận đã được nhắm trước, là người quen, người thân, người cần nhờ vả chạy chọt…
Hầu đồng vốn là một nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu trong văn hoá Việt. Nhưng việc dung tục hoá và vật chất việc hầu đồng, sẽ cổ xúy một lối sống vật chất lệch lạc, bào mòn và hạ thấp giá trị tinh thần của nét đẹp văn hoá này. Vậy nên mới nói, nghệ thuật là thành tố quan trọng để thúc đẩy chất lượng của nền văn hoá, và nghệ sĩ phải có tầm khác biệt và triết lý sâu sắc mới làm giàu cho văn hoá Việt Nam, bằng không sẽ chỉ là những “công nhân khoan đục bê tông” của nền văn hoá.
“Mượn Phật ăn oản”
Như đã nói ở trên, nghệ sĩ chân chính thường có triết lý riêng của họ. Nhu cầu ” có triết lý” bắt đầu xuất hiện ở những kẻ “giả trân nghệ thuật” khi những người này có “sự thành công” nhất định. Thực tế, có một xu hướng nguy hiểm hiện nay cho nền văn hoá của ta, đó là không ít những kẻ giả trân của nền showbiz sau khi chiếm được không gian truyền thông, thu phục được sự o bế và tâng bốc của một số phóng viên mảng giải trí, vun đắp cho tên tuổi của mình trong các đám đông, và thu được bộn tiền… thì họ ngạo nghễ nghĩ đến việc lập ngôn.
Nghĩa là sau khi có danh tiếng và tiền bạc, những người này mong gây được ảnh hưởng lớn hơn và xa hơn bằng những triết lý nào đó, để thể hiện mình là bậc trưởng thượng. Ý muốn là tốt, nhưng đa phần phẩm cấp của những lập ngôn này quá thấp do xuất phát trên nền tảng thiếu vững chắc và ít thực tập đào luyện về mặt năng lực tư duy và tinh thần.
Thực tế, để lập ngôn cần 3 yếu tố quan trọng: (1) Ham chuộng trí tri; (2) Chất lượng tư duy, và (3) Có phẩm cách trí thức. Và để lập ngôn, nó phải là quá trình tu luyện đường dài và đắm sâu trong bể tu học. Phải thôi thúc, vật lộn và nhúng mình trong các cặp phạm trù, các hiện tượng học tinh thần. Ta không thể trồng hoa trên những mảnh đất hoang hoá, khô cằn. Không tu luyện, hoặc chỉ tu luyện bằng mồm, nhưng lại muốn nhảy cóc đi dạy thiên hạ thì chẳng khác nào diễn hề giữa chốn đông người.
Và cách thường thấy nhất, và dễ nhất là… vin vào Phật giáo. Qua nhiều năm tìm hiểu triết lý Phật giáo, tôi nhận ra rằng, không gì khó bằng việc hiểu được thấu triệt các quan điểm mang tính triết học của Phật giáo, nhưng cũng không gì dễ dàng bằng mượn Phật để đưa ra những diễn ngôn bùi tai, ma mị để dụ dẫn đám đông. Phật giáo hợp tạng duy tình của người Việt, và dễ bị “mượn Phật ăn oản” bởi những tay láu cá, nhất là khi những tay láu cá này lại có danh tiếng trong làng “công nghiệp giải trí”. Những sự diễn giải chuẩn xác, sáng tạo thì hiếm hoi, mà đa số là ăn theo, nói leo, diễn đạt nông cạn và tùm lum. Và đám đông là dễ bị dụ nhất! Những tay mơ nông cạn này muốn khoác chiếc áo ma mị để dẫn dắt đám đông. Đám đông đi từ sự âm u hiện tồn, sang sự âm u do những người hiểu Phật một cách nửa mùa thích lập ngôn ban tặng.
Và nếu không vin vào Phật thì sẽ vin vào những thứ “tương tự Phật”, như là “thiện”, “từ bi”, “nhà thờ Tổ” hay “Tổ nghiệp” chẳng hạn (mà “Tổ” là ai có khi người xây dựng “nhà thờ” còn chẳng biết). Nhưng nhu cầu có một sự ma mị, huyền ảo để làm công cụ điều phối tinh thần hoặc đánh lạc hướng sự chú ý của đám đông để phục vụ mục đích nào đó là có thật.
Thử quan sát những kẻ giả trân nghệ thuật đình đám nhất trong làng showbiz Việt hiện nay để thấy, ngoài tài sản kếch xù là những scandals, thì họ đã được đào luyện ở chiếc nôi nghệ thuật nào, tác phẩm nghệ thuật của họ là gì, đóng góp của họ cho nền văn hoá Việt Nam ra sao… hẳn nhiều người sẽ giật mình, thảng thốt đến sợ hãi… khi lờ mờ chạm đến câu trả lời. Những nhân vật này chỉ ký sinh trục lợi và làm tha hoá nền văn hoá, thay vì bồi đắp và tạo ra văn hoá.
Và những nghệ sĩ thực thụ, thì vẫn đang âm thầm cống hiến, dù bị đẩy ra bên lề bởi nền công nghiệp giải trí mải miết kiếm tiền.
Lê Ngọc Sơn
(Bài đã đăng trên Báo Điện tử Dân Việt ngày 19/06/2021)