Về vụ này, trước tôi có bài phân tích cái chết của Tam là không hiểu về tính chính trị của một cuộc khủng hoảng. Tam chọn đội ngũ làm cùng sai trong trường hợp khủng hoảng của mình. Một đội ngũ hiếu thắng và hiếu chiến, nặng về khẳng định chính nghĩa của bản thân, mà xem nhẹ việc cứu chủ thì đó là một sự chết người của Tam.
Tôi định quên xừ cái tên doanh nghiệp này, nhưng nghĩ đến hình ảnh anh Tam Phạm thấy không đành lòng. Về cơ bản, tôi luôn muốn có những doanh nghiệp nội mạnh lên, cải tà quy chính, đóng góp cho đất nước phát triển. Kinh tế của chúng ta không thể phát triển, đất nước không thể mạnh, nếu chỉ trông chờ vào các công ty ngoại. Đó là những lý do tôi muốn phân tích thêm về case của ASANZO để những doanh nhân khác biết cách ứng biến, nếu gặp phải tình huống tương tự.
Khi đi giảng bài cho các lớp đại học hay tư vấn cho các doanh nghiệp lớn, tôi luôn nhấn mạnh một điều: Trong mọi cuộc khủng hoảng, CỨU CHỦ LÀ NHIỆM VỤ QUAN TRỌNG NHẤT của một người làm xử lý khủng hoảng. Chủ chết, hay bại là thất bại của người làm xử lý khủng hoảng. Trong trường hợp này, người nhận trách nhiệm xử lý khủng hoảng còn được hiểu là chiến lược gia, hoặc mưu sĩ.
Trong thẩm cục, ASANZO cần tính những bên nào liên quan (stakeholders) đến cuộc đại khủng hoảng của mình, và mỗi bên đó có tương quan như thế nào với mình. Trong trường hợp này, ta có thể vạch ra được các stakeholders cơ bản sau: Người tiêu dùng sản phẩm của Asanzo, báo Tuổi Trẻ, lực lượng truyền thông, các cơ quan chức năng (gồm Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Công An…). Vậy, với bối cảnh lúc đó, ai là nhân tố chính yếu có thể quyết định sinh mệnh của Tam và Asanzo? Rõ ràng ai cũng biết là cơ quan chức năng. Vậy thì hướng chiến lược phải là hướng đó, thay vì đi dồn thời gian và sức lực tẩn lại Tuổi Trẻ, trong khi đó thời gian để “dập cháy” đang cạn dần.
(Mở ngoặc ở đây một phát, rằng là tôi nói vậy không phải bảo vệ Tuổi Trẻ, nếu phóng viên Vân Trường sai trong việc đánh doanh nghiệp vì mục đích kiếm tiền thì phải bị trừng trị bởi toà soạn và pháp luật).
Binh pháp có câu: “Bất nhi tự bảo giả đa thắng, vụ sát nhi bất cố giả đa bại” (Tạm dịch: Người biết tránh đối đầu, cẩn thận phòng vệ, thì thường thắng nhiều, kẻ bất chấp mà hiếu sát thường bại nhiều). Tâm thế của đội của Tam hừng hực tẩn Tuổi Trẻ là sai lầm chết người trong bối cảnh đầy bất lợi của Asanzo. Nó vừa dập tắt mọi cơ hội đàm phán, ngoại giao, lẫn tiêu hao sức mạnh. Nói về quyết định tấn công đối thủ, Đỗ Phủ có thơ rằng: “Vãn cung đương vãn cường/ Dụng tiễn đương dụng trường” (Phàm đã giơ cung lên, thì phải dương cung cứng/ Phàm đã dùng tên, tên phải dài). Ý nói là quyết tẩn Tuổi Trẻ, thì tẩn chết bà nó đi. Đã xác định đập rắn, thì phải đánh dập đầu. Còn nếu thấy không đủ sức, thì tẩn làm khỉ gì, nó lại quật cho. Cá nhân tôi nhận định, có lẽ đội của Tam đã “ảo tưởng sức mạnh”. Nhớ rằng, ngay cả các cơ quan chức năng (những người có thể quyết định sinh mệnh của Tam và ASANZO) còn phải e dè Tuổi Trẻ, thì quyết định tấn công Tuổi Trẻ chắc chắn là tự lấy đá ghè chân. Tất nhiên, uy tín Tuổi Trẻ bị suy giảm ít nhiều, nhưng xét về đại cục thì mục đích cuối cùng của ASANZO vẫn không đạt được, và đưa về cho mình vô số điều bất lợi.
Lại Binh Pháp cũng dạy rằng, thấy đội hình của địch đang chỉnh tề, hừng hực khí thế, thì cách tốt nhất là tìm chỗ mà né, lấy hoà khí làm trọng. Tối kỵ đối đầu choảng nhau ở thời điểm đó. Tuổi Trẻ đánh các tuyến bài có lớp lang, các bài được chuẩn bị công phu, có chủ đích (tất nhiên rồi, loạt bài điều tra nào mà chẳng công phu chứ!). Vậy cho đăng loạt bài đó lên, chứng tỏ ý chí đánh của Tuổi Trẻ là đã rất mạnh. Như vậy, nhẽ ra Asanzo lúc đó cần định tuệ để nhìn nhận rằng dù “địch” có đúng, có sai, phải tránh đối đầu trực diện.
Theo như những gì đã diễn ra, Tuổi Trẻ (đại diện ở đây là Vân Trường) có sắp xếp một lối thoát cho Asanzo. Binh Pháp cũng dạy rằng: Khi đối phương chấp nhận mở một đường sống, hay nhường đường cho mình, thì đừng cậy thế leo thang làm căng. Đàn căng đứt dây, lời căng hỏng việc. Nếu lúc đó ASANZO có các bằng chứng tin nhắn của Vân Trường, hãy xem nó là một “món quà mang tính mặc cả” tặng Tuổi Trẻ, thay vì khiêu chiến. Khả năng loại bỏ được một địch thủ đáng gờm nhẽ ra phải chớp lấy ở thời điểm này. Ở đây phải phân định cho thật kỹ, mục đích đầu tiên và tối thượng là cứu Tam và Asanzo, chứ không phải để khẳng định chính nghĩa của facebookers được thuê. Vì thế nên ở bài trước tôi có nói, khi giải quyết khủng hoảng, đừng nặng chạy theo lối tư duy Đúng – Sai, quan trọng phải tìm được giải pháp dựa trên Sự Hợp Lý. Hi vọng anh Tam hiểu điều này.
Lão Tử có nói: “Tự tri giả minh”. Tạm dịch: tự thấy thì sáng. Suy cho cùng cái thất bại của Tam là do Tam không “tự thấy”, tự nâng cấp bản thân mình. Tam của thuở bốc vác hàng lậu ở Móng Cái, phải khác Tam của thời làm CEO Asanzo. Kỳ đức cần được nâng lên để xứng với y phục của một người làm chủ công ty.
Note: Bài chỉ mang tính chất bình luận khách quan. Mục đích duy nhất và tối thượng là để rút ra bài học cho các cá nhân và doanh nghiệp khác nếu mắc phải.
Lê Ngọc Sơn
(Sáng lập Mạng lưới Chuyên gia Berlin về Xử lý Khủng hoảng – Berlin Crisis Solutions – BCS; Viết từ Berlin, CHLB Đức)