Home Blog Phim Trung Quốc tràn vào Việt Nam qua ứng dụng OTT: Cảnh báo nguy cơ về giá trị văn hoá và chủ quyền không gian mạng

Phim Trung Quốc tràn vào Việt Nam qua ứng dụng OTT: Cảnh báo nguy cơ về giá trị văn hoá và chủ quyền không gian mạng

by Lê Ngọc Sơn

Chia sẻ về tác động văn hóa khi phim ảnh đổ bộ vào Việt Nam qua các ứng dụng OTT xuyên biên giới, chuyên gia Lê Ngọc Sơn (ĐH Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức) cho rằng, nếu không cẩn trọng, về lâu dài chúng ta bị chi phối áp đảo, xâm lấn về chủ quyền và không gian truyền thông trên mạng, đồng thời các giá trị văn hoá có nguy cơ bị tổn thương.

Với sự phát triển của ngành công nghệ nội dung số trên toàn cầu, thị trường Việt Nam đã xuất hiện các dịch vụ xem phim trực tuyến từ nước ngoài được cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam (truyền hình OTT). Các dịch vụ này được cung cấp trên nền tảng App Store và Google Play Store gồm: Netflix, iFlix, Apple TV, We TV, iQiYi. Đặc biệt là sự bùng nổ của phim Trung Quốc qua hai ứng dụng We TV (của Tencent) và iQIYI (của Baidu). Hai ứng dụng này đang cung cấp hàng chục ngàn bộ phim lẻ, phim bộ, phim truyền hình, game show Trung Quốc. Trong khi đó, nhiều năm nay các đài truyền hình Việt Nam đã đầu tư không ít tiền để mua phim Trung Quốc, Hồng Kông về phát sóng trên truyền hình theo thị hiếu của khán giả.

Phim Trung Quốc phát tràn lan ở Việt Nam mang theo hiểm hoạ chủ quyền

Cũng như nhiều quốc gia khác, pháp luật Việt Nam kiểm soát khá kỹ nội dung phim nhập khẩu, cả phim chiếu rạp và phim phát sóng trên truyền hình. Nhưng khi ứng dụng xem phim trực tuyến của nước ngoài của Mỹ, Trung Quốc ào ào cung cấp dịch vụ thì hàng nghìn bộ phim được cung cấp trực tiếp tới người dùng Việt Nam mà chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt nội dung. Việc này đương nhiên sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường truyền hình và người xem ở Việt Nam.

Trong các bài viết trước đây, ICTnews đã phân tích tác động không nhỏ của truyền hình OTT xuyên biên giới tới thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam. Còn về khía cạnh văn hóa thì sao, khi phim Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam trên Internet một cách quá dễ dàng sẽ có tác động thế nào tới văn hóa, lối sống của giới trẻ Việt Nam?

Trao đổi với ICTnews về vấn đề trên, Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn cho rằng: “Các bộ phim, hay tác phẩm văn hóa được nhiều nước coi như là một công cụ tiền trạm chiến lược để tiến công ra thị trường nước ngoài. Khoảng 20 năm trước, Việt Nam đã bị ảnh hưởng nhiều bởi chiến lược này từ Hàn Quốc. Khi đó Hàn Quốc đã đổ bộ vào thị trường Việt Nam ban đầu là bằng các bộ phim thu hút được công chúng Việt. Khi làn sóng phim ảnh và nhạc Hàn đã thành công và có tác động rất lớn tới giới trẻ Việt Nam thì tiếp đến là các trào lưu mà giới trẻ phải lao theo như: thời trang, mỹ phẩm, ẩm thực… thậm chí phim ảnh còn tác động tới cả ngôn từ, lối sống”.

Cũng theo chuyên gia Lê Ngọc Sơn, không có công cụ nào đi vào thị trường nước khác hiệu quả bằng con đường phim ảnh, ảnh hưởng của phim ảnh ngấm từ từ nhưng hiệu quả lại lâu dài. Khi đã mê những nhân vật trong phim rồi người ta sẽ học theo, nói theo, làm theo thậm chí là thay đổi cả xu hướng sống, phong cách sống giống như phim ảnh.

Chuyên gia Lê Ngọc Sơn cho rằng, để điều phối được công chúng, người ta chỉ cần nắm hai thứ: Nội dung thông điệp và kênh truyền tải thông điệp. Các bộ phim ở đây là nội dung thông điệp. Còn kênh truyền tải là các ứng dụng, websites, thậm chí có doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng bỏ tiền vào chi phối. Nếu không cẩn trọng với những sự núp bóng này, về lâu dài chúng ta bị chi phối áp đảo, xâm lấn về chủ quyền và không gian truyền thông trên mạng, đồng thời các giá trị văn hoá có nguy cơ bị tổn thương.

Chuyên gia Lê Ngọc Sơn trả lời phỏng vấn ICTnews từ CHLB Đức.

 

Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn phân tích: “Những nước có ảnh hưởng văn hóa lâu đời như Việt Nam thì phim ảnh lại dễ “trói chặt” công chúng hơn ở những bộ phim có nội dung có nhiều nét văn hóa tương đồng. Nếu Việt Nam không có biện pháp chọn lọc thông minh thì sẽ có nhiều nguy cơ, những nội dung liên quan đến chính trị, về chủ quyền sẽ được lồng ghép khéo léo qua các bộ phim đó”.

Vậy phải có biện pháp quản lý thế nào khi phim ảnh đang “xâm lấn” thị trường Việt Nam trên Internet? Chuyên gia Lê Ngọc Sơn nhận định rằng, về mặt quản lý cần phải có chế tài chặt chẽ để hạn chế những ảnh hưởng trong môi trường truyền thông mới hiện nay. Các cơ quan quản lý nhà nước về truyền thông – văn hoá của Việt Nam phải có biện pháp quản lý phù hợp với tình hình mới. Bởi vì với những nội dung lan truyền trên Internet rất khó ngăn chặn, sẽ không có biện pháp kỹ thuật nào có thể ngăn cản một cách triệt để. Mà nhà nước cần có một bộ chỉ dẫn cho người dân biết được nên theo dõi trang nào, những trang nào không nên xem. Đồng thời, phải có chiến lược đầu tư về điện ảnh trong nước, để có những bộ phim về lịch sử, khai thác những đề tài theo xu hướng của giới trẻ, cần phải lấp đầy chỗ trống về phim ảnh trong nước.

“Người ta áp đảo hay xâm lấn văn hoá qua phim ảnh là vì mình yếu. Biện pháp xử lý ở đây không phải là phạt hay không phạt, chặn hay không chặn những bộ phim đến từ bên kia biên giới, mà phải tìm cách làm cho nền điện ảnh của mình mạnh lên”, Nhà nghiên cứu Lê Ngọc Sơn phát biểu.

Minh Quyên

Bài trả lời phỏng vấn này được thực hiện bởi nhà báo Minh Quyên, đăng trên báo điện tử ICT News: http://ictnews.vn/vien-thong/so-hoa-truyen-hinh/phim-trung-quoc-tran-vao-viet-nam-qua-ung-dung-ott-canh-bao-nguy-co-ve-gia-tri-van-hoa-va-chu-quyen-khong-gian-mang-188977.ict

You may also like