Home Chuyện nghề Ngọn cỏ bìa rừng và “mưu sĩ dạo” ở châu Âu

Ngọn cỏ bìa rừng và “mưu sĩ dạo” ở châu Âu

by Lê Ngọc Sơn

(Tạp chí Kinh doanh & Thương hiệu) Giới doanh nhân và ngoại giao ở châu Âu biết đến Lê Ngọc Sơn như là một chuyên gia vận động hành lang (lobbyist) và xử lý khủng hoảng có uy tín. Khách hàng của anh là các doanh nghiệp lớn, các chính trị gia và những người nổi tiếng. Hơn một năm nay anh ít xuất hiện trên truyền hình và các báo trong nước bởi hầu như anh dành thời gian giảng dạy cho một số đại học, viết sách và chủ trì xử lý nhiều vụ khủng hoảng lớn. Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng anh cũng dành cho Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu một cuộc trò chuyện thân tình:

 

TRIẾT LÝ NGỌN CỎ & CHỌN BẤT ĐỊNH LÀ BẠN ĐỒNG HÀNH

Phóng viên: Theo anh, vì sao nhiều người nói nhắc đến anh là nhắc đến một chuyên gia quản trị khủng hoảng có tầm nhìn uyên sâu và khác biệt? Và phải chăng vì sự khác biệt đó nên một nhà tư vấn gốc Việt mới có cạnh tranh, tồn tại được ở châu Âu?

Chuyên gia Lê Ngọc Sơn: Tôi nghĩ chắc họ quý mình mới nói vậy thôi. Về phần tôi, tự thấy mình là tín đồ của hai trường phái triết học là chủ nghĩa khắc kỷ và chủ nghĩa phật giáo (đạo Phật). Hai chủ nghĩa này song tồn trong tôi với tư cách là những triết thuyết, chứ không phải như là tôn giáo. Bản thân đạo Phật và chủ nghĩa khắc kỷ có những sự chồng lấn về mặt nội dung, dù mỗi thứ có những khái niệm diễn đạt khác nhau. Điểm chung của nó là đều nhận ra điều cơ bản của thế giới này là khổ đau và cách để con người tìm ra được đường thoát khỏi khổ đau, đi đến bến bờ hạnh phúc. Đau khổ (hay diễn đạt dưới những từ khác nhau như “khó khăn”, “bất hạnh”, “nghịch cảnh”, “khủng hoảng”.v.v…) tồn tại trong cuộc sống của mỗi người như là không khí vậy: Có Ngày thì ắt phải có Đêm, có Sáng thì ắt có Tối, có Vui/Sướng thì ắt có Buồn/Khổ. Chúng ta song tồn cùng với khổ đau hay khủng hoảng, chứ không thể loại trừ chúng một cách tuyệt đối. Biết chấp nhận sự tồn tại của nó như một thứ “phải là”, bình tĩnh quan sát nó như ngắm nghía một vết xước trên da thịt, và tìm cách để những vết xước khác không xảy ra. Hay nói cách khác, tôi chọn làm bạn với sự bất định và tìm cách điều hướng kết quả của nó đáp xuống ở một điểm tích cực nhất có thể nào đó trên trục toạ độ cuộc đời mình. “Tu” thực chất là một khái niệm sang chảnh và có vẻ kỳ bí của hành động tôi luyện bản thân. Và cảnh giới cao nhất của nó là thấy hạnh phúc ngay trong cả khổ đau, hay khổ đau như là một chất liệu thiết yếu mang tính động lực, kích hoạt sự trưởng thành của mỗi cá nhân. Nó thúc đẩy ta thoát khổ đau khi tiến tới trạng thái mới mà ta gọi là chạm ngưỡng hạnh phúc. Nhìn ở góc cạnh đó, khổ đau (hay bất hạnh, hay khủng hoảng) lại là một món quà, và hạnh phúc là một hành trình chứ không phải là một đích đến!

Ông Lê Ngọc Sơn, chuyên gia vận động hành lang (lobbyist) và xử lý khủng hoảng.

Nói như vậy thì “đời là bể khổ” theo một cách nói định tính. Vậy với tư cách là một nhà nghiên cứu, nếu diễn đạt điều này theo hướng định lượng, anh sẽ “tính”  thế nào?!

Trong tư duy của người Việt, vòng đời của một con người trải qua 4 giai đoạn/ sự kiện chính: Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Nếu như “Sinh” (được xuất hiện trên cõi đời này) là một sự kiện mang tính tích cực nhất của một kiếp người, thì ba sự kiện sau (Lão, Bệnh, Tử) đều là những sự kiện mang tính tiêu cực (già đi, ốm đau, và chết). Có nghĩa là 75% các sự kiện trong đời sống của ta đều là khổ đau/ khủng hoảng. Mà ngay cả ở sự kiện đầu tiên của cuộc đời (Sinh) ta đã bắt đầu bằng những tiếng khóc chào đời, như là sự chỉ dẫn báo hiệu của việc tiếp nối chuỗi ba sự kiện tiếp theo. Nên ta nói, về cơ bản, “đời là bể khổ” cũng là vì vậy. Ai bỏ qua thực tế này chỉ rước thêm đau khổ cho chính mình, và làm cho cái 25% vui sướng kia bị thu hẹp lại mà thôi. Vậy chi bằng ta cứ chọn bất định/ khổ đau/ khủng hoảng là bạn và tối ưu hoá nó ở những khía cạnh tích cực.

 

Như những gì anh chia sẻ thì tôi như đang nghe triết học của sự khổ đau/ bất hạnh/ khủng hoảng vậy. Và thấy chẳng còn sợ sệt những điều tai ương, nếu nó có diễn ra…

Chúng ta phải chấp nhận xem sự tồn tại của những sự bất định như là chuyện phải đến thì cứ để nó đến. Mọi thứ vô thường. Khổ đau cho ta cơ hội được ngắm những vết xước xát đời mình. Tôi đã có những lúc ở dưới đáy hình sin của cuộc đời, đau khổ cùng cực, tưởng chừng như không ai trên cõi đời này bất hạnh hơn. Nhưng tôi chọn cách nghĩ và sống tích cực, giữ sự thiện lương để vượt qua nó.

 

Và ở góc độ này, với giới doanh thương, có lẽ các doanh nghiệp cũng nên xác định khủng hoảng là một điều đương nhiên có lúc sẽ đến?!

Đúng vậy. Các doanh nghiệp lớn ở phương Tây luôn có một quỹ dự phòng khủng hoảng (đâu đó độ 3% doanh thu hàng năm). Phải sẵn sàng cho các tình huống xấu nhất. Thực tế cho thấy, sự sẵn sàng và chuẩn bị kĩ có thể giúp giảm thiệt hại hơn là khi hữu sự mới tìm cách dập lửa, “phát bệnh mới vái tứ phương”.

 

Phải chăng mà vì thế nên anh luôn yêu cầu cao trong công việc? Nói thật, tôi có gặp một số nhân viên của anh và họ tỏ ra rất “sợ” nếu không hoàn thành công việc anh giao.

Tôi phân chia con người mình ra làm hai thế giới: thế giới của cuộc sống thường nhật, và thế giới của con người công việc. Con người thường nhật là mẫn cảm và bản năng. Còn con người của công việc là yêu cầu cao về sự chuyên nghiệp và chuẩn mực cao, đúng kiểu của một người khắc kỷ. Tôi không thích sự à uôm trong công việc. Nhất là với nghề xử lý khủng hoảng lại càng không cho phép sự à uôm, bởi sau mỗi công việc của mình là số phận hay sự nghiệp của thân chủ.

 

Là một chuyên gia xử lý khủng hoảng được nhiều nơi chào đón, những khách hàng như thế nào thì anh mới đồng ý giúp đỡ gỡ rối?

Trước hết phải cảm nhận được sự tử tế và phải làm điều tử tế. Con người ai cũng có những sai lầm, nhưng thiện khí và thiện tâm phải luôn là ngọn lửa không được tắt. Tuyệt nhiên không được vi phạm các chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Chỉ có thiện lương mới là chất liệu của bó đuốc đốt lên xoá tan sự lạnh lẽo của những đêm đông khủng hoảng.

 

Về bản chất của nghề này là ôm rước cái sự khổ đau và sự căng thẳng (stress) của thân chủ vào mình. Thậm chí vô tình rước kẻ thù của thân chủ trở thành kẻ thù của mình. Không đặt mình vào vị trí của khách hàng, thì không thể nào tìm ra được những giải pháp hữu ích rốt ráo. Hiện nay chúng tôi có ba đối tượng khách hàng chính: (1) các doanh nghiệp/doanh nhân; (2) các chính trị gia; và (3) những người nổi tiếng.

 

Được biết, anh cũng có sở hữu một doanh nghiệp có tiếng ở CHLB Đức về xuất nhập khẩu. Cách nào để một người gốc Việt có thể trụ vững ở môi trường kinh doanh khắc nghiệt như Đức và châu Âu?

Tôi là một người làm những thứ liên quan đến khủng hoảng, nên công ty xuất nhập khẩu của tôi và đồng nghiệp người Đức ra đời trong bối cảnh đó – khi khởi phát COVID-19 tại nước Đức. Để làm việc với người Đức và làm việc trong môi trường nước Đức thì điều cốt yếu là phải hiểu văn hoá kinh doanh của người Đức. Tôn trọng các cam kết và rạch ròi chuyện tình cảm. Tôi giúp một số doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng vào Đức, nhưng đáng tiếc là một số đối tác không tôn trọng cam kết, bất tín trong giao thương đã đẩy các mối quan hệ đi đến các hệ luỵ không đáng có. Với người Đức thì chỉ có hoặc theo những điều cam kết trên hợp đồng, hoặc không có thương vụ nào cả.

 

Nhiều bạn bè của tôi có quen biết anh có chia sẻ anh một trong những “triệu phú ngầm” nhưng giản dị và khá kín tiếng trong các thương vụ đầu tư…?

(Cười lớn) Chị thấy đó, bên cạnh tôi rất nhiều lời đồn. Tôi chấp nhận sống chung với nó như tâm thế chấp nhận sống chung với những điều đã nói ở trên. Nói thật, tôi luôn thấy mình là một cây cỏ, không có nhu cầu quá lớn về bất cứ tiện nghi hay vật chất gì, nên động lực kiếm tiền cũng không phải là ưu tiên lớn nhất.

 

Vậy ưu tiên lớn nhất của anh là gì?

Là một cuộc sống yên bình. Giản đơn sống đúng nghĩa như một ngọn cỏ bìa rừng. Những thứ gọi là khổ đau, cô đơn hay sự bất định đều là bạn.

 

“MƯU SĨ DẠO” Ở CHÂU ÂU

Phải chăng vì thế mà anh từ bỏ tất cả, kể cả cương vị Phó Tổng Biên tập của một tờ tạp chí uy tín hay những lời hứa hẹn (“quy hoạch”) trong chốn quan trường, để làm một “mưu sĩ dạo” ở châu Âu?

Về mặt cá nhân, tôi sợ ôm những thứ loẻng xoẻng vào người. Tôi từng nói, nhiều người muốn làm mặt trời vì chỉ thấy ánh hào quang của nó. Ít ai biết rằng, cái giá để làm mặt trời là phải tự đốt cháy mình cả triệu năm trời. Trong nghĩa đó, làm mặt trời chưa hẳn đã là lựa chọn tối ưu, và làm cây cỏ chưa hẳn đã là tối kiến. Cứ là ngọn cỏ giữa trời mà hồn nhiên đối diện với những ngọn gió đông. Trong nghĩa này, tôi thích câu của Nguyễn Công Trứ, một tiền nhân đồng hương: “Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”. Với lại tôi là trai Nghệ Tĩnh, trai vùng này thì thường lập thân và lập danh bằng mấy nghề sau: (1) Cầm bút và cầm phấn: nhà văn, nhà báo, nhà giáo; (2) Cố vấn/Tư vấn; và (3) Chính trị, quan trường. Tạng của tôi chỉ thích hợp làm được hai nghề đầu tiên mà thôi.

 

Phải chăng, vì được sinh ra từ một vùng quê Nghệ Tĩnh đầy khác biệt đó, sự can trường và dám làm điều khác biệt của anh được vun đúc?

Tôi vốn thuộc dạng “dân cùng đinh” sinh ra ở một làng quê vốn “nghèo trơ/xơ xác” được ôm ấp bởi cả biển lẫn núi ở Hà Tĩnh. Cái vị trí địa lý làng quê tôi cũng kỳ lạ: Nằm ở nơi có bề ngang hẹp nhất Việt Nam, giữa một bên (phía Tây) là dãy núi Trường Sơn sừng sững, và bên kia (phía Đông) là đại dương mênh mông. Nối Tây với Đông là dãy ngàn Hống (Hồng Lĩnh) và sông La. Nắng thì khét lẹt cả cỏ cây, còn mưa thì dầm dề, thối đất. Cái thế ép của núi và biển làm cho con người quê tôi cũng “lạ” hơn so với các tỉnh thành khác. Người quê tôi nói chuyện với nhau tông giọng nặng và âm lượng cũng to hơn các vùng khác. Có lẽ là để sinh tồn, họ phải vượt lên tiếng vỗ của những con sóng dữ ngàn đời, và gây chú ý cho mọi người trong những cuộc vượt hiểm nguy ở núi cao, rừng thẳm. Và cũng vì gian khó là thế, người quê tôi đoàn kết, yêu thương nhau hơn.

 

Từ làng tôi, nếu lấy một cái com-pa khổng lồ, quay một cái sẽ ra một vòng tròn của sinh quyển nhân học văn hoá, mà ở toạ độ nào cũng gặp các danh nhân từ cổ chí kim ở nhiều ngành nghề.

 

Xưa có vua Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan), Tả Ao, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Phan Đình Phùng… Đứng từ cửa nhà tôi, nhìn sang bên kia cánh đồng làng là quê của anh Phạm Nhật Vượng – tỷ phú nổi tiếng hiện nay của nước Việt. Và hàng ngàn, hàng vạn cái tên khác. Có thể nói, quẹt cái compa là vẽ ra cả những địa chỉ nhân học văn hoá rực rỡ.

 

Trong các danh nhân Hà Tĩnh từ cổ chí kim, tôi thích nhất hai vị cổ nhân: Một người là Tả Ao – nhà địa lý cổ học thế kỷ 15, người kia là La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723-1804)– quân sư và ẩn sĩ thời Quang Trung Nguyễn Huệ.

 

Và là một người con Hà Tĩnh, anh có dự định gì với quê mình?

Hiện tôi có giới thiệu một số doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng về quê. Thân thiên di thì vẫn cứ nay đây, mai đó. Chắc khi luống tuổi, tôi sẽ về quê sống hẳn. Phụng dưỡng cha mẹ già, viết lách, làm vườn, và ngắm cỏ hoa. Và nếu được thì mở dự án nho nhỏ giúp bọn trẻ nghèo ở làng quê.

 

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

 

Theo Nguyễn Thu Hà
(Tạp chí Kinh doanh & Thương hiệu)

Chuyên gia Lê Ngọc Sơn là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu bậc tiến sĩ về chuyên ngành truyền thông và xử lý khủng hoảng tại CHLB Đức. Anh là chủ tịch, sáng lập Mạng lưới Chuyên gia từ CHLB Đức về truyền thông và xử lý khủng hoảng (Berlin Crisis Solutions – BCS, www.bcs-experts.com). Anh viết và dịch nhiều sách: Bốn học thuyết truyền thông, Hiệu ứng lan truyền, Đối thoại chính khách, Những ngày đợi nắng…; giảng dạy cho nhiều đại học và tham gia trình bày nghiên cứu ở nhiều hội thảo khoa học lớn ở châu Âu. Chuyên gia Lê Ngọc Sơn nhiều lần được mời về tập huấn, xử lý sự cố cho nhiều bộ ngành và các doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong công tác truyền thông và xử lý khủng hoảng.

You may also like