Home Góc nhìn NGƯỜI TRẺ VÀ NHỮNG “GIẤC MƠ GÁNH GIÙM”

NGƯỜI TRẺ VÀ NHỮNG “GIẤC MƠ GÁNH GIÙM”

by Lê Ngọc Sơn

 Câu chuyện những người trẻ đứng trên phố hét to: “Tôi sẽ trở thành triệu phú trong năm 2016, vì tôi sẽ bất chấp tất cả..” có lẽ là một hậu quả của các đứt gãy giá trị sống ở thời mà các giá trị kim tiền đang ngự trị xã hội. Có lẽ, chưa bao giờ giới trẻ Việt Nam đứng trước nhiều áp lực, ngả rẽ, với đa dạng các hệ giá trị quy chiếu… như hiện nay. Chọn cho mình một lối đi riêng biệt, có bản sắc không phải là câu chuyện dễ dàng với không ít người trẻ.

Gánh giùm giấc mơ

Giới trẻ hiện nay đang dứng trước áp lực rất lớn từ gia đình, nhà trường và xã hội. Từ góc độ gia đình, người trẻ đang phải gánh giùm giấc mơ của thế hệ ông bà, cha mẹ. Họ ký thác toàn bộ những ước mơ dở giang ngày xưa mà mình chưa thực hiện lên vai của thế hệ kế tiếp. Nếu ngày trước, vì cuộc sống gian khó mà bố mẹ chưa thực hiện được giấc mơ học đại học, nay họ mong con cái mình thực hiện giấc mơ đó. Nhiều gia đình tảo tần một nắng hai sương, vay mượn bằng mọi giá để dồn vào cho con ăn học, thực hiện “giấc mơ đại học”. Xét từ khía cạnh xã hội, trong một xã hội trọng sự học như Việt Nam, khi một gia đình có con học đại học, thì gia đình kế bên trong khu phố cũng bằng mọi giá cho con đi học đại học cho “mở mày mở mặt”, cho dù biết rằng con nhà kia học xong đang… thất nghiệp nằm dài. Từ phía nhà trường, với căn bệnh trầm kha về thành tích như hiện nay, mỗi người trẻ học đường càng phải đỡ luôn gánh nặng gánh nặng về thành tích của người lớn. Có lẽ, sẽ không ngoa khi nói rằng, trong xã hội hiện đại bây giờ, có cảm giác nụ cười thiếu vắng trên đôi môi người trẻ thị thành, bởi một xã hội vận hành với những vòng cuồng quay áp lực đến khó hiểu như vậy, thay vì tươi cười hồn nhiên đúng lứa tuổi của mình, anh em trẻ phải gồng lên để đỡ những áp lực trên đôi vai của chính họ.

IMG_2910

Theo tác giả Lê Ngọc Sơn: Việc đứt gãy các hệ gía trị sống khiến người trẻ rất khó khăn để neo mình ở những dải lựa chọn đúng đắn.

Nếu như những người trẻ nông thôn phải vượt khó, vượt nghèo để học giỏi, tìm kiếm sự thành công, thì anh em trẻ chốn thị thành cũng vất vả không kém trong việc vượt… sự đủ đầy để bứt phá. Xét cho cùng, người trẻ đô thị bị áp lực không kém các bạn trẻ nông thôn, chỉ có điều khác là mỗi nhóm ở một chiều kích khác nhau. Nếu dễ thoả lòng, họ sẽ bị dính vào một chiếc “bẫy vô hình” có thể tạm gọi tên là “bẫy thoả mãn trung bình”: đạt đến một ngưỡng nhất định và dừng lại, rồi chính họ bị các bạn trẻ nông thôn để đằng sau trên con đường đua về tương lai phía trước. Điều này vô hình trung lại gia tăng thêm áp lực lên người trẻ đô thị.

Các giá trị đổi thay

Song song với những áp lực xã hội, trong kỷ nguyên thông tin bùng nổ, có lẽ chưa bao giờ giới trẻ đô thị lại đứng trước nhiều lựa chọn như bây giờ. Các biểu tượng và giá trị chuyển dịch một cách nhanh chóng, nới rộng hơn dải lựa chọn cho người trẻ. Nếu như trong chiến tranh, qua các hệ thống truyền thông – tuyên truyền, những lựa chọn chính của giới trẻ nửa thế kỷ về trước là trở thành những anh bộ đội, những anh hùng trận mạc giết giặc lập công. Thì trong thời bình, khi mà cơn bão thông tin khiến người trẻ nhận ra Lê Văn Tám chỉ là một hình ảnh cổ động không có thật, cộng hưởng với sự hội nhập của đất nước, sự hấp dẫn của thị trường và tính cạnh tranh của nó, chủ nghĩa cá nhân và cái ý thức về “cái tôi” của mỗi cá nhân trong xã hội đã có dịp trỗi dậy. Nhờ vậy, dải lựa chọn cho người trẻ được nới rộng, sân chơi của họ không chỉ bó hẹp trong nước (như thời thế hệ cha anh) mà ở bất cứ đâu trên thế giới này, miễn là họ có cơ hội và điều kiện theo đuổi những lý tưởng, mục đích và hoài bão của chính mình. Trong số họ, có những người thành công xuất sắc trong lĩnh vực học thuật, thể thao, kinh doanh, công nghệ.v.v… Tuy nhiên, cũng có không ít “người trẻ đi lạc” trong muôn vạn lối đi.

Điều tích cực của một xã hội mở là người trẻ đứng trước vô vàn lựa chọn, giúp họ dễ dàng hơn trong quá trình đi tìm cái tôi/ bản ngã của mình. Tuy nhiên, nếu thiếu vắng một sự hướng dẫn đúng đắn, có thể họ sẽ đi lạc trên con đường tìm kiếm các giấc mơ của chính mình: Cuộc ghé thăm của công nghệ khiến nhiều người trẻ giỏi có điều kiện thể hiện năng lực vượt trội. Ví dụ điển hình như trường hợp bạn trẻ Nguyễn Hà Đông, chỉ cần ngồi ở một ngôi nhà nhỏ ở Hà Nội có thể làm nên ứng dụng Flappy Bird kiếm bộn tiền, khiến giới công nghệ ở Silicon Valey cũng phải ghen tỵ. Tuy nhiên cũng có những người trẻ chếnh choáng với công nghệ và khẳng định mình bằng những cách tiêu cực: Không ít bạn tìm đến thế giới game để được đóng vai trong các trò chơi phong vương, phong tướng… như là một cách để trả lời câu hỏi “tôi là ai”, khẳng định vị trí và bản ngã của mình. Họ lạc lối trong chính men say mê dụ của cơn bão công nghệ. Họ chính là ví dụ tiêu biểu cho những nạn nhân của những (thứ nhẽ ra là) cơ hội viếng thăm.

Suy cho cùng, những người trẻ quyết tâm trở thành triệu phú chỉ bằng cách ra đường hò hét cũng chỉ là nạn nhân của một xã hội trọng giá trị vật chất, chỉ nghĩ rằng thành công là phải “có nhiều tiền” thay vì còn vô số các giá trị đích thực khác mà họ có thể lựa chọn. Ở phương diện này, đó là những người trẻ cần được thương, thay vì trách móc.

Lê Ngọc Sơn 

 

 

 

 

 

 

 

 

You may also like