Trần Hữu Dũng[1] Intellectual Property, Open Economy, and Development. Summary: This paper surveys the fundamental economics of intellectual property rights (IPR), especially patents, in the context of an open, developing economy. First, it discusses the basic nature of intellectual property, and the reason intellecual property rights should be granted and enforced by the state. Next, effects of IPR in an open economy are considered, with special attention paid to trade, FDI, discrimination, and globalization. Finally, the paper examines the connection between IPR and economic development Phản ảnh xu thế ngày càng quan trọng của nền “kinh tế tri thức” trong đó trí tuệ là nòng cốt, quyền sở hữu trí tuệ[2] (QSHTT) đã trở thành một vấn đề nổi bật trong nội bộ nhiều quốc gia,[3] và đầu mối của nhiều tranh chấp quốc tế.[4] . Ở cấp vi mô, vấn đề QSHTT “bốc nóng” phần lớn là do đòi hỏi của các nhà sản xuất.[5] (nhất là các công ty đa quốc gia) vì nhiều thúc bách . Thứ nhất, sở hữu trí tuệ là một lợi thế độc quyền ngày càng quan trọng, khi những lợi thế khác (như khả năng chia cắt thị trường) ngày càng yếu. Thứ hai, đa số nghiên cứu phát minh ngày càng tốn kém, mà sao chép,[6] mô phỏng[7] lại ngày càng dễ dàng[8]. Vì những biện pháp bảo mật thông thường không còn công hiêu, tư doanh cần hậu thuẩn của nhà nước để bảo vệ sở hữu trí tuệ. Thứ ba, hầu hết công ước quốc tế về QSHTT là đã khá lâu đời, có nhu cầu cập nhật, bổ sung để ứng phó với những công nghệ, những hoạt động kinh tế mới. Ở cấp vĩ mô, vai trò của QSHTT trong các tranh chấp quốc tế là do sự khác biệt quyền lợi giữa những nước đã phát triển, công nghệ cao, và những nước chưa phát triển, cần du nhập và mô phỏng công nghệ nước ngoài. Đối với đa số các nước đã phát triển thì QSHTT là cần thiết cho tiến bộ công nghệ, lợi cho kinh doanh, tốt cho xã hội. Hơn nữa, theo họ, QSHTT (nhất là bằng phát minh) cũng là tốt cho các nước kém phát triển: nó khuyến khích phát minh ở các nước ấy, thu hút đầu tư từ ngoài, du nhập công nghệ mới. Do đó, nói chung, lập trường của các nước đã phát triển là QSHTT phải rộng rãi và được thực sự bảo vệ. Các quốc gia đang phát triển thì nhìn vấn đề có hơi khác. Dù rằng, nói chung, QSHTT sẽ khuyến khích phát minh, trên thực tế thì hầu hết phát minh công nghệ đều từ các quốc gia tiền tiến, do đó sự thắt chặc QSHTT sẽ gây khó khăn cho các nước kém phát triển, đang cần mô phỏng công nghệ. Các nước này cũng lo ngại rằng chế độ QSHTT sẽ bị các nước giàu lạm dụng: đăng ký bản quyền những tác phẩm văn hoá cỗ truyền, những gen đặc chủng, có thể thương mại hoá Hơn nữa, thực thi chế độ QSHTT sẽ lấy nhiều nhân lực và ngân sách có thể dùng vào những hoạt động phát triển khác. Nói tóm lại, nhiều nước cho rằng QSHTT như được ấn định bởi các quốc gia tiên tiến sẽ gây khó khăn cho phát triển của họ, và chỉ có lợi cho nứơc giàu,. I. Vài vấn đề căn bản của quyền sở hữu trí tuệ (1) Tại sao phải có QSHTT? Nhìn từ triết học, có hai quan điểm khác nhau về “sở hữu trí tuệ”. Quan điểm thứ nhất thì cho rằng tác phẩm, sáng kiến là do công sức, tài ba riêng của cá nhân sáng tạo, do đó QSHTT phải là thuộc cá nhân ấy. Quan điểm thứ hai thì cho rằng sản phẩm trí tuệ là tài sản chung. Hầu như mọi sáng kiến hay khám phá đều là hun đúc của tiền nhân, đóng góp của xã hội. Người sáng tạo chỉ là một thực thể ngẫu nhiên phát hiện những kết quả đó. Theo quan điểm này, cá nhân người ấy có thể được tôn vinh, khen thưởng, nhưng quyền sử dụng sáng tác phẩm không thể giới hạn cho riêng ai.[9] Nhìn từ kinh tế học, nhất là kinh tế tân cổ điển, thì sự cần thiết của QSHTT (và quyền tư hữu nói chung) phải được phán xét trên căn bản phúc lợi cộng đồng.[10] Mazzoleni và Nelson (1998) kê ra vài lý do chính: Một là, QSHTT sẽ khuyến khích người có óc sáng chế. và dọn đường cho những phát minh tiếp theo. (Ðó là vì muốn được cấp bằng sáng chế thì người phát minh phải công bố chi tiết phát minh của mình, dựa vào những thông tin này người khác có thể đưa ra phát minh kế tiếp). Hơn nữa, nếu người phát minh được cấp quyền sở hữu một cách rộng rãi thì sẽ yên tâm tìm những phát minh liên hệ. Thiếu quyền đó nhiều phát minh sẽ có cơ trùng lặp, lãng phí. Hai là, QSHTT là một cách dùng lơi nhuận để thúc đẩy người phát minh đi vào sản xuất [xem David (1993)]. Một số thị trường (nhất là các sản phẩm và dịch vụ mới) sẽ khó xuất hiện nếu doanh nhân không đươc khích động sản xuất. Do đó, dù nghĩ thế nào về căn bản triết lý của sở hữu trí tuệ, tiếp cận kinh tế khẳng định quyền sở hữu trí tuệ là phải có vì phúc lợi chung. Một mặt, xã hội cần những biện pháp cụ thể để khuyến khich sáng tạo, mặt khác quá chặc chẽ thì sản phẩm trí tuệ sẽ không được xã hội tận dụng. Tiếp cận này sẽ được dùng trong bài này. (2) Tại sao QSHTT phải do nhà nước, thay vì thị trường, quyết định? Công nhận rằng xã hội nên khuyến khích và tận dụng những tác phẩm của trí tuệ, câu hỏi tiếp sẽ là: tại sao việc đó cần một thứ quyền do nhà nước cấp phát? Có thể chăng chính cạnh tranh kinh tế sẽ thúc đẩy những hoạt động sản xuất này, cũng như các sản xuất khác? Thực vậy, nhiều tác giả cho rằng thị trường hoàn toàn tự do sẽ có nhiều cách khuyến khích và đưa lợi ích của phát minh.vào thực tế. Chẳng hạn, nhiều phát minh, sáng tác chỉ cần động cơ lợi nhuận thúc đẩy Hơn nữa, nhiều phát minh có bản chất không thể bắt chuớc, sao chép, và do đó QSHTT do nhà nước cấp phát là không cần thiết. . Song, đối với đa số các nhà kinh tế thì QSHTT là cần thiết vì một khác biệt căn bản giữa sản phẩm trí tuệ và sản phẩm hiện vật, ở chỗ: khi sản phẩm trí tuệ được người này sử dụng thì mức hữu ích của nó cho người khác vẫn không suy giảm [tính “phi kình địch” (nonrivalriness)]. Với sản phẩm có đặc tính này, phúc lợi xã hội sẽ tăng theo số người sử dụng, song cơ chế thị trường (trong đó chỉ người mua là đươc phép sử dụng) lại không thể phân bố nó một cách tối hảo. Do đó, QSHTT (qua công khai hoá phát minh, cho mọi người sử dụng miễn phí sau một khoảng thời gian nhất định) là một giải pháp cho những thất bại thị trường vì bản tính của sản phẩm trí tuệ. (3) Đặc tính kinh tế của QSHTT Dù đồng ý rằng nhà nuớc có trách nhiệm cấp phát và bảo vệ QSHTT, vẫn còn nhiều câu hỏi cần giải đáp. Quan trọng nhất là: để tối đa hoá phúc lợi cộng đồng, thời hạn hiệu lực của quyền ấy nên là bao lâu? Rồi, có nên phân biệt đối xữ (và nếu nên, phân biệt ra sao?) giữa nhãn hiệu, bản quyền, bằng sáng chế, bí mật kinh doanh? Giữa các ngành công nghiệp? Những câu hỏi này có liên hệ qua lại, nhưng để tiện theo dõi, xin phân tích riêng rẽ từng vấn đề. (a) Thời hạn hiệu lực. Có lẽ quyết định căn bản nhất về QSGTT là thời hạn hiệu lực của bằng sáng chế, tức là thời gian mà người có bằng đó được độc quyền sản xuất. Thời gian này càng dài thì độc quyền càng lâu, mà độc quyền thì như ai cũng biết (trừ vài ngoại lệ[11]) sẽ làm suy giảm phúc lợi xã hội. Song, nếu thời hạn hiệu lực quá ngắn thì (trên lý thuyết) sẽ không cho người có tài cán đủ động lực để phát minh. Như vậy, một chế độ QSHTT lý tưởng phải dung hoà hai tiêu chí: (a) đủ lâu để gián tiếp khuyến khích phát minh với con mồi lợi nhuận, (b) không nên quá lâu, trì hoãn tận dụng tối đa sáng kiến đó, gây lãng phí cho xã hội. (b) Loại phát minh. Cách phân loại và qui chế QSHTT sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến loại phát minh. Một chế độ QSHTT chỉ nhằm các chỉ tiêu kinh tế trước mắt sẽ thiên vị những “phát minh vặt,” có lợi ích thương mại lập tức, hơn là những phát minh căn bản không gây lợi nhuận ngay, song có tiềm năng dấy thêm nhiều phát minh khác, quan trọng hơn về lâu về dài. (c) Ngành công nghiệp. Trên thực tế, QSHTT có thể được luật pháp bảo vệ qua bốn hình thức chính: bản quyền, bằng sáng chế, thương hiệu, bí mật kinh doanh. Tuy mọi ngành công nghiệp đều cần QSHTT, song mỗi ngành có khác nhau về nhu cầu QSHTT, và mức quan trọng tương đối giữa bản quyền,bằng sáng chế, thương hiệu, và bí mật kinh doanh. Bảng 1. Mức tuỳ thuộc của từng khu vực công nghiệp vào QSHTT
|
Bằng sáng chế | Dược phẩm, công nghệ sinh học, chủng loại sinh vật |
Bản quyền | Văn hoá phẩm: sách, băng, phim ảnh, CD, phần mềm |
Thương hiệu | Sản phẩm có giá trị nhờ uy tín, và đầu vào có chất lượng cao |
Bí mật kinh doanh | Tổ chức quản lý, tiếp thị … |
Vì sự khác biệt này, tùy chính sách phát triển công nghiệp, nhà nước có thể cấp phát và bảo vệ không đồng đều các loại SHTT khác nhau, cũng như phân biệt công nghẽ mô phỏng và công nghệ sáng chế.
(d) Danh nghĩa và thực tế Trên thực tế, cường độ của QSHTT tuỳ thuộc đặc tính của toàn bộ nền kinh tế, kể cả đuờng lối và công cụ điều tiết của chính phủ. Thêm vào đó, QSHTT tuỳ thuộc vào mức độ nhà nước chú trọng việc tôn trọng nó (có đủ kiểm soát viên, công an, toà án…). Nói cách khác, cường độ của một chế độ QSHTT trên pháp lý có thể là rất khác trên thực tế.[12]
II. Quyền sở hữu trí tuệ trong một nền kinh tế mở
QSHTT là một bộ phận luật pháp có ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt kinh tế, đặc biệt là những giao lưu quốc tế (1) xuất nhập khẩu, (2) đầu tư nước ngoài (FDI), (3) licensing. Tiếc thay, ảnh hưởng này rất khó xác định vì có rất nhiều biến số. Phần chính là nó tùy thuộc (1) lý do công ty nước ngoài chọn FDI, thay vì xuất khẩu hoặc licensing, (2) cơ cấu công nghiệp (nhất là lối cạnh tranh giữa các công ty khách và chủ ), và (3) khả năng bắt chước của nước chủ nhà. (Thêm nữa, cũng cần nhắc lại, trong QSHTT còn có sự khác nhau giữa bằng sáng chế, bản quyền, thương hiệu, và bí quyết kinh doanh).
(1) Ảnh hưởng của QSHTT đến khối lượng xuất nhập khẩu
Liên hệ giữa QSHTT và xuất nhập khẩu là một đề tài đuợc nhiều chú ý. Ảnh hưởng này tuỳ vào hai yếu tố chính (1) khả năng bắt chuớc và (2) cơ cấu công nghiệp.
(a) Nếu khả năng bắt chước là kém thì thắt chặc QSHTT sẽ không làm thay đổi mức sản xuất trong nước, và do đó sẽ không ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu. Đàng khác, nếu khả năng này là cao thì thắt chặc QSHTT cho nước ngoài sẽ tạo thêm “chướng ngại” cho các nhà sản xuất trong nuớc, do đó sẽ ảnh hưởng nhiều đến khối lương ngoại thưong. Smith (1993) chia các nước ra làm bốn loại, theo hai tiêu chuẩn (1) cường độ QSHTT, (2) khả năng bắt chước, và phát hiện một số kết quả kinh lượng trình bày trong Bảng 2:
Bảng 2. Liên hệ giữa QSHTT, khả năng bắt chuớc, và khối lượng ngoại thương
QSHTT mạnh | QSHTT yếu | |
Khả năng bắt chước cao | Các nước đã phát triển (Mỹ) (kết quả không rõ rệt) |
Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhỉ Kỳ,Venezuela |
Khả năng bắt chước thấp | Không có nước nào QSHTT tăng lên thì nhập khẩu sẽ kém đi |
Các nước nhỏ, chưa phát triển (kết quả không rõ rêt) |
Theo Maskus và Penubarti (1997), nếu khả năng bắt chước chưa cao, thì thắt chặc QSHTT sẽ làm tăng nhập khẩu, do đó sẽ làm tăng thế độc quyền của các công ty ngọai trong thị trường nội. Vì thế, theo hai tác giả này, cùng lúc với thắt chặc QSHTT, các quốc gia kém khả năng bắt chuớc cần tăng nổ lực chống độc quyền. Tiếc thay, các nước nhỏ, nghèo, lại ít có khả năng thực hiện điều đó.
(b) Ảnh hưởng của QSHTT đến ngoại thương cũng tuỳ vào cơ cấu công nghiệp. Nếu công ty ngoại phải cạnh tranh với nhiều công ty nội thì QSHTT không nhiều ảnh hưởng. Song nếu thị phần của công ty ấy đã sẳn lớn thì thắt chặc QSHTT sẽ làm thị phần đó lớn thêm. Nhưng ảnh hưỡng chung đến thị trường thì lại khó tiên đoán, bởi lẽ nó có hai hiệu ứng tương phản. Một mặt, QSHTT càng chặc thì thế lực thị trường của công ty ngọai càng mạnh, song mặt khác nó cũng làm thị trường nhỏ lại vì sự rút lui của các công ty bé. Ảnh hưởng tối hậu sẽ tuỳ vào hiệu ứng nào là mạnh hơn.
(2) Ảnh hưởng của QSHTT đến đầu tư trực tiếp từ ngoài (FDI)
Nói chung, QSHTT càng chặc chẽ thì càng giảm mô phỏng và càng khuyến khích FDI. Tuy nhiên ảnh hường này tùy vào lọai công nghệ: cũ hoặc mới, có dễ bắt chước hay không.
Đối với các công nghệ “cũ” (đã chuẩn hóa) thì FDI tuỳ thuộc phần lớn vào giá phí đầu vào, tầm cở thị trường, cước chuyên chở, và những lợi thế vị trí khác, do đó thắt chặc QSHTT sẽ không có ảnh hưởngđáng kể đến FDI những công nghệ ấy. Đối với các công nghệ tân tiến thì thắt chặc QSHTT sẽ thu hút FDI, khuyến khích chuyển giao công nghệ, nhất là loại dễ bắt chuớc. Lý do là bằng phát minh, bản quyền và thương hiệu sẽ làm tăng giá trị của “tài sản tri thức”, và cách khai thác loại tài sản đó hữu hiệu nhất là trong nội bộ xí nghiệp (thay vì qua cơ chế thị trường).[13] Trong phương diện này, cũng nên xem đến yếu tố khác (loại công nghệ, trình độ bắt chước, mức độ cạnh tranh) trong nước. Ngoài ra, một chế độ QSHTT rộng rãi và thực thi cũng khuyến khích các công ty nước ngòai tìm kiếm công nghệ thích hợp với địa phương.
Ảnh hưởng của QSHTT đến mức độ cho thuê công nghệ (licensing) cũng là đáng chú ý. Theo nhiều mô hình, chặc chẽ hoá QSHTT sẽ tăng mức độ licensing (thay vì FDI hoặc xuất khẩu) của các công ty ngoại cho các công ty nội, vì lẽ QSHTT càng mạnh thì phí licensing càng thấp (vì dễ trừng phạt các công ty nhận license song lại tiết lộ bí mật). Tuy nhiên cũng có người cho rằng các công ty nước ngoài sẽ nghiêng về FDI thay vì cấp license vì họ ngại tiết lộ bí quyết công nghệ do thủ tục licensing đòi hỏi
(3) Phân biệt người phát minh và loại công nghệ
Dễ hiểu, QSHTT phải thiên vị người phát minh trong nước, so với người phát minh nước ngoài. (Sự phân biệt đối xử đó có lợi cho ai — người sản xuất hoặc người tiêu dùng? — lại là một vấn đề khác.) Tuy rằng hầu hết các thoả hiệp quốc tế không cho phép phân biệt đối xử giữa người trong và ngoài nước, song, trên thực tế, không khó tìm những đặc tính tiêu biểu để phân biệt đối xử theo quốc tịch. (Chẳng hạn như bắt buộc hồ sơ xin giấy phép phải viết bằng tiếng Việt.) Như vậy, ý nghĩa đầu tiên có thể là nhà nước sẽ không cho người nước ngoài QSHTT mạnh bằng cho công dân mình. Chúng ta cũng muốn khuyến khích các phát minh hữu ích và thích hợp với nước ta, hơn là những phát minh hữu ích cho mọi quốc gia. Những phát minh có giá trị chung sẽ có nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế thúc đẩy.
Những nhận xét trên đưa đến nhận định: trong quyết định cấp QSHTT cho các công ty nước ngoài, một yếu tố quan trọng là khả năng mô phỏng, sáng tạo trong nước. Phải có một chế độ về QSHTT thế nào để khuyến khích những sáng tạo, mô phỏng của người trong nước, và bảo vệ QSHTT của họ trong các thị trường hải ngoại. Song, khả năng đó tuỳ thuộc vào ngành công nghiệp và trình độ công nghệ của chúng ta. Vậy nó liên hệ đến giai đoạn phát triển (điểm này sẽ được bàn thêm dưới đây). Và cũng đừng quên rằng một ngày nào đó, chính các nhà phát minh Việt Nam cũng cần được bảo đảm QSHTT ở nước ngoài.
(4) QSHTT và Toàn Cầu Hoá
Một xu thế hiện đại là ngày càng nhiều thảo luận giữa các nước nhằm cắt giảm các rào cản thương mại, đồng bộ hoá luật lệ, thuế má, và nhất là chế độ QSHTT. Để có một lập truờng hợp lý trong các thương lượng này, chúng ta cần chú ý đến khác biệt giữa lợi ích quốc gia và lợi ích quốc tế của QSHTT, và ảnh hưởng của QSHTT đến chênh lệch giàu nghèo giữa các nước. Cũng đừng nên quên rằng các nước đang phát triển còn muốn bảo tồn những kiến thức và nếp sống cổ truyền (tốt), chống lại khuynh hướng thương mại hoá, ngăn ngừa văn hoá đồi trụy ngoại lai. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy tác động của QSHTT trong những mục đích này rất khó xác định
Đồng bộ hoá QSHTT sẽ làm giảm đi tầm quan trọng của QSHTT trong quyết định của các công ty về nơi đầu tư và cách kinh doanh (nhất là giữa FDI và chuyển giao công nghiệp). Nói cách khác, những quốc gia đang tiến hành thắt chặc QSHTT sẽ thấy lợi thế so sánh của mình mạnh thêm, trong khi những quốc gia đã có QSHTT khá chặc chẽ thì lại thấy lợi thế của mình kém đi.[14]
III. Sở hữu trí tuệ và phát triển kinh tế
(1) SHTT và phát triển
Dùng QSHTT như một “công cụ” để phát triển quốc gia không phải là một ý mới. Chính các nước hiện nay đã phát triển cũng đã tích cực sử dụng công cụ này trong quá khứ. Chẳng hạn như từ năm 1790 đền 1836 thì Mỹ (lúc ấy là nhập khẩu công nghê) chỉ cấp bằng phát minh cho cư dân Mỹ. Đến 1836 thì chính sách này mới được nới lỏng, và chỉ sau 1861 Mỹ mới cấp QSHTT cho công dân nước khác.[15]Tương tự, một phần chiến lược “bắt kịp” nổi tiếng của Nhật cũng là dựa vào du nhập công nghệ nước ngòai, qua một chế độ QSHTT cố ý nâng đỡ phổ biến tri thức hơn là sáng tác. Gần đây hơn (từ 1960 đến 1980) Đài Loan và Hàn Quốc đã khá lỏng lẻo trong vấn đề bảo vệ QSHTT, phần chính cũng là để các nhà sản xuất của họ dễ bắt chước công nghệ nước ngoài (qua mô phỏng và “công nghệ ngược”[16]). Chỉ từ sau nửa cuối thập kỷ 1980, vì áp lực của Mỹ, các nơi này mới mạnh mẽ bảo vệ QSHTT. Công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ cũng đã phát triển tương đối khá vì trong đạo luật về QSHTT năm 1970 của họ công nghê này đã được đặc biệt quan tâm.
Dù nhiều quốc gia đã có kinh nghiệm như nói trên, tác động thực tế của QSHTT đến phát triển không phải là dễ phân tích. Một mặt, bảo vệ tài sản tri thức sẽ khuyến khích phát minh và canh tân công nghệ như đã nói, song thắt chặc QSHTT cũng sẽ tăng giá thành, gây thêm khó khăn cho mô phỏng, và nhiều lạm dụng khác. Hơn nữa, trong ngắn hạn, thắt chặc QSHTT có thể gây nhiều tổn phí kinh tế và xã hội. “Công nghiệp sao chép” có thể là công nghiệp đang dùng nhiều lao động, đóng cửa các công nghiệp này sẽ làm tăng thất nghiệp
Khi trình độ phát triển trong nước còn thấp thì bảo hộ công nghệ sáng chế là không có ích lợi trực tiếp, song bảo đảm nhãn hiệu, thương hiệu nước ngoài sẽ có ích lợi gián tiếp ở chỗ nó tạo cảm tình cho các công ty nuớc ngoài mà không hại gì cho ta. Mặt khác, QSHTT cho các công nghệ mà ta có thể mô phỏng thì có thể lỏng lẻo hơn, tạo cơ hội cho những nhà sản xuất nội địa. Lẽ dĩ nhiên, chúng ta cũng cần một quyền sở hữu đáng kể nhằm bảo vệ các người mô phỏng trong nước chống sao chép.
Nghiên cứu kinh lượng (điển hình là Park và Ginarte (1997)) cho thấy một nền kinh tế mở tăng trưởng nhanh cũng là có QSHTT ngày càng chặc chẽ[17]. Lý do có thể là vì một nền kinh tế mở cần QSHTT để tăng chất lượng hàng hoá để cạnh tranh. Hơn nữa, công ty trong những nền kinh tế mở sẽ ít ngần ngại chấp nhận phí tổn chuyển giao công nghệ và thích ứng nó vào hoàn cảnh địa phương. Đáng kể hơn nữa, QSHTT, độ mở của kinh tế, FDI, và sự tích luỹ vốn con ngưới hầu như cộng tác với nhau để tăng năng suất và tốc độ tăng trưởng
(2) SHTT và thu nhập
Ảnh huởng đến mức độ thu nhập: Theo nghiên cứu kinh lượng học của Maskus và nhiều người khác thì có một liên hệ rõ rệt giữa mức độ thu nhập của một nước và cường độ QSHTT ở nước ấy. Tuy nhiên chiều liên hệ thay đổi tuỳ theo mức độ thu nhập đang có. Ở những nước có thu nhập còn rất thấp thì hầu như QSHTT có lỏng lẻo đi một ít thì thu nhập lại cao hơn. Ở những nước có thu nhập trung bình thì thu nhập tăng lên thì QSHTT cũng cao hon. Và những nước đã phát triển, có thu nhập cao nhất thì qui mô và cường độ của QSHTT cũng là lớn nhất.
Ảnh hưởng đến chênh lệch thu nhập trong nước. Ở đa số các quốc gia đang phát triển, những người có thu nhập thấp chỉ có thể sữ dụng những loại hàng hoá tân thời (chẳng hạn như phần mềm máy vi tính) bằng cách sao chép “lậu”.. Vì thế, thắt chặc QSHTT (nhất là trên thực tế thi hành) sẽ giúp duy trì, hay có khi mở rộng thêm sự chênh lệch nghèo giàu.
IV. Kết luận
Xin có vài kết luận như sau:
(1) QSHTT có căn bản là kinh tế, không phải chỉ là một thứ luật pháp. Phải tiếp cận nó theo tư duy kinh tế, tức là ý thức đến sự đánh đổi giữa những mục tiêu đặt ra. Ðiều oái oăm là QSHTT ngày càng khó bảo vệ (công nghệ sao chép ngày càng cao, tổn phí bắt chước ngày càng hạ) thì các nước phát triển lại càng áp lực các nước kém phát triển bảo vệ QSHTT
(2) Như vậy, một chính sách về QSHTT phải (a) cân nhắc nên cho QSHTT vào công nghiệp nào, nên bảo vệ luật về QSHTT khắc khe đến mức nào … (b) được xem như một bộ phận của toàn bộ chính sách kinh tế, đặc biệt là gắn liền với chính sách thương mại và đầu tư nước ngoài.
(3) Đối với một nước nghèo, mở cửa, cần phát triển như nước ta, QSHTT có liên hệ đến nhiều lãnh vực rất khác nhau, và có nhiều mục đích rất khác nhau. Ðặc biệt, trong các thương thảo quốc tế, QSHTT có thể được dùng như một lá bài để đòi hỏi những nhượng bộ từ nước khác, cũng như để tránh các nước khác trả đũa về hàng xuất khẩu của ta.
(4) Trong ngắn và trung hạn, phải để ý đến ảnh hưởng của TRIPS[18] ở chỗ nó sẽ phân phối thu nhập từ những nước đang phát triển sang những nước đã phát triển.
(5) Ðối với câu hỏi: một nước kém phát triển như Việt Nam thì chặc chẽ hoá QSHTT có sẽ đóng góp nhiều cho tăng trưởng hay không, thì câu trả lời vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có một sự đồng thuận trong giới kinh tế rằng sự đóng góp ấy cần có những điều kiện hỗ trợ. Quan trọng nhất là: (a) vốn con người phải khá phát triển (b) thị trường đầu vào phải mềm dẽo, (c) cơ cấu công nghệ hạ tầng phải đủ tốt, (d) nền kinh tế phải mở, (e) có chính sách bảo dưỡng cạnh tranh.
(6) Trong một thế giới đầy dẫy chênh lệch giàu nghèo giữa các quốc gia, và trong mỗi quốc gia, QSHTT không thể không phản ảnh nhu cầu san bằng (trong chừng mực nên có) những chênh lệch bất công đó. Nói cách khác, nó không thể chỉ là để phục vụ quyền lơi người sản xuất hay người phát mình.
(7) Trong chừng mực mà ta dựa vào chế độ QSHTT để khuyến khích người nước ngoài nghiên cứu và phát triển công nghiệp thích hợp cho Việt Nam, cũng không nên quên rằng những nước có hoàn cảnh tương tự như ta cũng sẽ thụ hưởng thành quả của những phát minh ấy. Do đó, ta phải nhất quán với họ, kêu gọi đóng góp của họ, vào những luật lệ về QSHTT của ta.
Trần Hữu Dũng
Tháng 3, 2003
Gởi cho Tạp Chí Nghiên Cứu Kinh Tế
(10/3/2003)
Tham khảo
Alford, William P, 1995, “Tasselled Loafers for Barefoot Lawyers: Transformation and Tension in the World of Chinese Legal Workers,” 141 China Quarterly 23.
Alford, William P. 1995, To Steal a Book is an Elegant Offense: Intellectual Property Law in Chinese Civilization, Stanford University Press.
Clement, Douglas, 2003, “Creation Myths: Does innovation require intellectual property rights?” Reason, March.
David, Paul A., 1993, “Intellectual Property Institutions and the Panda’s Thumb,” trong Global Dimensions of Intellectual Propert Rights in Science and Technology, chủ biên M. B. Wallerstein, M. E. Mogee, và R. A. Schoen. Washington: National Academy Press.
Economist, 2001, Special Report: Patents and the Poor, June 23-29, pp. 21-23, 40-42.
Maskus, Keith E., 2000, Intellectual Property Rights in the Global Economy, Washington D.C.: Institute for International Economics
Mazzoleni, Roberto, và Richard R. Nelson, 1998, “Economic Theories about the Benefits and Costs of Patents,” Journal of Economic Issues 32, 1031-52.
Park, Walter C. và Carlos Ginarte (1997), “Intellectual Property Rights and Economic Growth,”Comtemprary Economic Policy 15, 51-61.
Pollard, Stephen, 2002, “If it were not for copyright protection, India’s innovative software industry would not even exist,” Independent, September 17.
Rapp, Richard T., và Richard P. Rozak, 1990, “Benefits and Costs of Intellectual Property Protection in Developing Countries,” Journal of World Trade Law 24, 75-102.
Smith, Pamela J., 1999, “Are Weak Patent Rights a Barrier to US Exports?,” Journal of International Economics 48, 151-77
Chú Thích
[1]Department of Economics, Wright State University, Mỹ. Email: [email protected].
[2]Bằng sáng chế (patents), bản quyền (copyright), thương hiệu (trademarks), bí mật kinh doanh (trade secret)
[3]Tranh luận về sở hữu trí tuệ không phải là mới . Ngay từ giữa thế kỷ 19 (1850-1875), ở Âu Châu đã có một tranh luận kịch liệt giữa những người cho là SHTT sẽ cản trở thương mại và những người (như John Stuart Mill) cho rằng cần có QSHTT để khuyến khích phát minh.
[4]Tháng 9/2002, tại Geneva (Thụy Sĩ) có hội nghị lớn của “TRIPS Council” của WTO, nhằm đi đến một hiệp ước quốc tế về sở hữu trí tuệ.
[5]Phần lớn, nhưng không phải là tất cả. QSHTT cũng có ích cho người tiêu dùng: giảm đi số hàng nháy, hàng giả, v..v..
[6] CD, video, phần mềm
[7] Máy móc, công thức hoá học, dược phẩm, mẫu mã trang trí
[8] Nhờ tiến bộ trong công nghệ thông tin, internet, công thuật ngược (reverse engineering)
[9] Xem Alford (1995) về quan niệm của văn minh xưa Trung Quốc về vấn đề này.
[10]Vì SHTT có nhiều loại (bản quyền, nhản hiệu, bằng sáng chế, bí mật kinh doanh) với những đặc tính khác nhau, bài này sẽ chú trọng đặc biệt đến bằng sáng chế.
[11]Nhưng đôc quyền nhiều khi cũng tốt (khi nó giúp phát triển hiệu ứng qui mô). Hơn nữa, những cái hại của độc quyền có thể đuợc kìm hãm bằng những biện pháp khác (và ít có công nghiệp nào là thuần tuý độc quyền như trong các mô hình kinh điển
[12]Một vài vấn đề khác: (1) Hiệu ứng của chế độ bằng phát minh là ở giả dụ rằng người phát minh (hoặc cơ sở nghiên cứu) là tư nhân. Những hiệu ứng này sẽ khác trong những quốc gia mà những đơn vị này là nhỏ, yếu (2) Lý do của bản quyền không khác gì mấy lý do của bằng sáng chế tuy rằng trong trường hợp bản quyền, ý muốn ban thưởng nhiều hơn là nhằm khuyến khích ngườii sáng tác. Khác với bằng sáng chế, bản quyền không đòi hỏi đăng ký hoăc thủ tục giấy tờ (dù điều này không phải luôn là như thế), do đó khi một quốc gia có luật bản quyền thì ảnh hưởng của nó sẽ sâu rông hơn luật về bằng phát minh
[13]Gần đây, Thái Lan đã thu hút nhiều FDI từ Nhật Bản với chiêu bài: FDI ở Thái Lan không bị mất QSHTT, khác với Trung Quốc.
[14]Sự xích lại gần nhau do tiến trình đồng bộ hoá QSHTT (ngoài mức tăng QSHTT tuyệt đối) sẽ có lợi cho các công ty nhiều năng động sáng tạo. Giảm sự chênh lệch QSHTT tương đối thì sẽ làm vơi gánh nặng trên các công ty vì họ sẽ không tốn nhiều nguồn lực theo dõi QSHTT của từng nước. Do đó các công ty sẽ có thể dồn nỗ lực nghiên cứu và phát triển (R&D) vào những khu vực mà mức thu hoạch toàn cầu là cao nhất. Tăng mức QSHTT tuyệt đối thì sẽ tăng “hiệu ứng qui mô” (scale effects) của mọi hoạt động liên hệ đến QSHTT.
[15]Về vấn đề bản quyền cũng thế: Mỹ đã rất lâu không cho các tác giả ngoại quốc bản quyền. Cho đến khi bị Anh trả đũa, không cho tác giả Mỹ tác quyền, thì Mỹ mới chịu cấp bản quyền cho dân nước khác.
[16]“Reverse engineering”: tách tháo máy móc thiết bị, hoặc phân tích các hoá phẩm, để học hỏi bí quyết công nghệ, công thức chế biến.
[17] Nếu nền kinh tế là đóng thì liên hệ này không rõ ràng.
[18] “Agreement on Trade-Related Aspects of Intellectual Property Rights”: Thoả Thuận về Những Phương Diện của Quyền Sở Hữu Trí Tuệ Liên Hệ đến Thương Mại.