Diễn Đàn
số 158 – tháng 1/2006
Bạn quý,
Sau trận bão Katrina mà tôi đã viết trong thư trước (tháng 10/2005), ba tháng nay nước Mỹ tương đối bình lặng trở lại. Trong bối cảnh tỷ lệ dân Mỹ tín nhiệm Bush không ngừng tuột dốc (tuy hơi nhích lên trở lại từ giữa tháng 12), một chuỗi sự kiện chính trị và báo chí có thể là mầm giống cho nhiều biến chuyển trọng đại trong năm tới.
Trước hết là vụ đề cử Harriet Miers làm thẩm phán Toà Án Tối Cao. Sau khi John Roberts được quốc hội Mỹ suôn sẻ chấp thuận cho làm chánh án Toà Án Tối Cao kế nhiệm William Rehnquist, thì bà Harriet Miers được Bush đề cử để thay thế bà Sandra O’Connor. Quyết định này của Bush đã bị phe bảo thủ (nhất là nhóm tân bảo thủ của William Kristol) phản đối kịch liệt vì họ cho rằng bà này không đủ điều kiện (chưa từng làm thẩm phán, mà cũng không chuyên về luật hiến pháp) để ngồi trên bục toà cao nhất nước. Nhóm này cũng cay cú vì lâu nay họ ủng hộ Bush phần lớn với kì vọng là Bush sẽ bổ một người bảo thủ (nhất là chống phá thai) vào Toà Án Tối Cao. Nay cơ hội ấy đến thì Bush không “nắm lấy thời cơ”, lại đề cử một người quá “yếu” về trí thức mà lập trường bảo thủ cũng khá mập mờ. Ai cũng biết rằng Harriet Miers được Bush “chấm” chỉ nhờ thân cận với Bush. Bị phe hữu phản đối dữ dội (trong lúc phe tả cười thầm), Bush buộc lòng phải để Harriet Miers “tình nguyện” rút lui, đề cử Samuel Alito thay thế. Tuy cũng rất bảo thủ, Alito có “trình độ” hơn Miers, và chắc sẽ được quốc hội chấp thuận. Sau vụ này thì Bush và phe bảo thủ cũng cố làm lành với nhau, nhưng tất nhiên là khó tình nồng nghĩa mặn được như trước.
Song “biến cố” gay cấn nhất trong hai tháng qua (nhất là đối với những kẻ ghiền tin chính trị như tôi) là vụ liên hệ đến bà Valerie Plame, vợ ông Joseph Wilson, nguyên đại sứ Mỹ ở nhiều quốc gia châu Phi. Chắc bạn đã biết ông Wilson là người mà CIA gởi qua Niger để kiểm tra tin Saddam Hussein mua quặng uranium bên ấy, hầu lấy cớ đánh Iraq. Không may cho nhóm diều hâu trong chính quyền Bush, ông Wilson không tìm ra bằng chứng nào cả, và viết báo công khai nói thế, khiến Bush phải ê mặt vì đã khẳng định trước quốc hội ý đồ ấy của Hussein. Để gỡ gạc rằng Wilson là không đáng tin, một (hoặc nhiều) nhân viên cao cấp trong chính phủ Bush rỉ tai một số kí giả rằng Wilson được gởi sang Niger nhờ sự chạy chọt của vợ (Valerie Plame) là nhân viên CIA. Vì lúc ấy bà này thuộc ngạch tình báo chìm, tiết lộ như vậy là phạm luật Mỹ (trớ trêu thay, luật này do chính Bush cha ký).
Việc này dẫn đến việc kia, Patrick Fitzgerald, nổi tiếng là công minh, được chỉ định làm công tố viên đặc nhiệm tìm thủ phạm tiết lộ lý lịch của Valerie Plame. Hạ tuần tháng 10, sau gần hai năm điều tra, Fitzgerald chính thức truy tố Scooter Libby (một diều hâu tân bảo thủ hạng nặng, trưởng văn phòng của Cheney và phụ tá cố vấn an ninh quốc gia cho Bush) về tội khai man trước bồi thẩm đoàn và cản trở công lí. Nhà Trắng khẻ thở phào vì trước đó họ đã lo rằng chính Karl Rove, “bộ óc của Bush”, sẽ bị đưa ra trước vành móng ngựa, và cũng phân bua là Libby không bị cáo buộc về tội tiết lộ bí mật (mà Fitzgerald vẫn chưa tìm ra thủ phạm). Song Fitzgerald cho biết rằng cuộc điều tra vẫn còn tiếp tục, nên cũng chưa chắc là Rove (hoặc ai khác nữa) sẽ thoát nạn. Dù gì thì Scooter Libby cũng phải buộc lòng từ chức. Cheney lập tức bổ nhiệm John Hannah và David Addington thay thế. Hai ông này cũng diều hâu không kém Libby.
Tuy cho đến nay chỉ có Scooter Libby bị chính thức buộc tội, vụ tiết lộ nghề nghiệp của bà Plame có thêm một kích thước mới vì nó dính líu đến nữ kí giả Judith Miller của báo New York Times. Dù không phải là người trong chính quyền, bà này có một vai trò quan trọng trong cuộc xâm lăng Iraq của Mỹ. Từ năm 2001, chẳng biết vô tình hay cố ý, Judith Miller nghe lời bịp của Ahmed Chalibi (một thủ lảnh lưu vong Iraq, thân tín của nhóm diều hâu tân bảo thủ Mỹ, nhất là Paul Wolfowitz), đã viết một loạt bài trên New York Times “tiết lộ” là Saddam Hussein có “vũ khí huỹ diệt hàng loạt”. Rồi, như có sắp đặt trước, chính các bài báo ấy được Cheney, Rice, Rumsfield sử dụng như là “bằng cớ” để biện hộ cho cuộc xâm lăng. Sau khi bị Fitzgerald cho ngồi tù gần ba tháng vì không chịu khai tên người tiết lộ lý lịch Valerie Plame, Judith Miller ra điều trần trước bồi thẩm đoàn (điều kiện được thả) thì mới lòi ra những “liên hệ thân thiết” giữa bà và Scooter Libby. (Bill Keller, sếp của Miller, dùng chữ “entanglement” (dính líu) để mô tả liên hệ này. Miller giận, doạ kiện sếp.) Vốn không ưa Miller vì tính hay “dẫm chân lên đồng nghiệp” của bà này, báo chí Mỹ (kể cả đồng sự của bà ở New York Times) rầm rộ dèm pha, “phân tích”, nói ra nói vào. Chịu không thấu, Judith Miller phải xin nghỉ việc.
Chưa hết, mười ngày sau khi công tố viên Fitzpatrick truy tố Libby thì kí giả Bob Woodward của tờ Washington Post (người nổi tiếng nhờ vụ Watergate) bị Fitzpatrick mời đến “làm việc”, phải thú nhận rằng cũng đã nghe một viên chức Nhà Trắng nói về bà Plame. Rồi sau đó một kí giả khác (Viveca Novak) của tuần báo Time cũng bị Fitzpatrick truy ra là trong lúc đi nhậu với luật sư của Karl Rove đã bật mí cho ông này nhiều chuyện nên giữ kín. Qua liên tiếp những tin như vậy, dân chúng ngày càng thấy rõ là không ít kí giả đầu đàn của Mỹ đã “tay trong tay” với chính quyền Bush từ lâu. Một mùi “khó ngửi” bắt đầu bao trùm các cơ quan ngôn luận hàng đầu của nước này.
Gần đây lại thêm một đám mây đen vần vũ ở chân trời của đảng Cộng Hoà liên hệ đến tham nhũng, cụ thể là vụ Jack Abramoff, một người chuyên “chạy chọt”, bị truy tố hối lộ hàng chục quan chức của đảng này. Dân biểu Tom DeLay phải từ chức thủ lãnh đảng Cộng hoà ở Hạ viện vì tội “rửa tiền” (và cũng dính líu đến Abramoff). Bill Frist, thủ lãnh đa số ở Thượng viện, cũng bị hoen ố vì nhiều vụ tiền bạc làng nhàng khác.
Sống ở Mỹ lúc này không thể tránh cảm tưởng là chính trị nước này sắp có những cơn địa chấn rất lớn. Bầu không khí hiện tại làm tôi nhớ những năm 1972-74, khi Watergate bắt đầu như một “vụ trộm hạng ba”. Lại giống hơn nữa với những vụ chính quyền Bush vừa bị phanh phui là Lầu Năm Góc rình rập các tổ chức chống chiến tranh, Bush kí mật lệnh cho phép tình báo nghe trộm điện thoại, đọc lén email của dân Mỹ mà không cần trát toà, và tin Mỹ gài các bài báo tuyên truyền cho Mỹ vào nhiều cơ quan công luận nước ngoài.
Nhưng thôi, thư đã dài. Hẹn bạn thư sau sẽ kể tiếp.
Trần Hữu Dũng (kí Tiểu Hằng Ngôn) 20-12-2005
|