Home Trần Hữu Dũng Về Susan Sontag

Về Susan Sontag

by Lê Ngọc Sơn

Diễn Đàn
148 – tháng 2/2005

images

 

Susan Sontag, nhà văn, nhà viết tiểu luận, nhà phê bình, người Mĩ đã qua đời vào ngày 28-12-2004 tại thành phố New York, thọ 71 tuổi.  Từ 1976, bà khám phá là đã bị ung thư, và đã can đảm vật lộn với chứng bệnh này (tình nguyện thử nghiệm mọi trị liệu, dù cực đoan và vô cùng đau đớn) trong gần ba mươi năm qua.  Tuy văn nghiệp của bà không thật đồ sộ (bốn quyển tiểu thuyết, một tập truyện ngắn, sáu quyển biên khảo, vài chục tiểu luận), song với những hoạt động trong nhiều môi trường nghệ thuật khác nhau (làm phim, dựng kịch, đạo diễn sân khấu), sự dấn thân trong nhiều trận tuyến văn hoá khắp thế giới, và dung nhan bắt mắt (mái tóc đen bồng bềnh pha vài luồng bạc trắng), Susan Sontag là một ngôi sao sáng trên bầu trời văn hoá Mĩ trong gần nửa thế kỉ qua.

 

I.

 

Nói đến Sontag là phải nói trước hết đến sức đọc huyền thoại của bà.  Bà thông thạo năm thứ tiếng và hầu như không một nhà văn nào trên thế giới, từ cổ chí kim, mà bà chưa đọc.  Trong căn hộ bà ở New York có hơn 15000 quyển sách, và chính nhờ bà mà những tên như Lévi-Strauss, Nathalie Sarraute, Antonin Artaud, Walter Benjamin, Roland Barthes, Elias Canetti… trở thành quen thuộc với độc giả Mĩ.  Ngược lại, nhiều tác giả ngoại quốc như Carlos Fuentes, Salman Rushdie … đã tìm ở bà một chiến hữu tinh thần, một người bạn tâm giao thân thiết.  Susan Sontag đúng là một trí thức của toàn thế giới.  Bà không chịu được tính địa phương, dù địa phương ấy là New York, Paris, hay Oxford.  Lí do bà thích sống ở Manhattan cũng vì nơi đó có lắm dân tứ xứ. 

 

Chính bản tính tuyệt đam mê mọi thể loại văn chương và nghệ thuật đã tạo cho Susan Sontag một sự mẫn cảm hiếm có.  Tính mẫn cảm ấy, và sự cẩn trọng tột độ với ngôn ngữ (có lần bà than thở là phải tốn hơn chín tháng để xong một bài tiểu luận vài mươi trang, cô đúc từ hơn nghìn trang bản thảo), cho Susan Sontag có những phán đoán vừa nghiêm túc vừa táo bạo, những ý kiến sâu sắc về nhiều đề tài thoạt nghe có vẻ bông lơn.

 

Bà mãnh liệt tin tưởng ở nghệ thuật tính của các nghệ thuật thị giác và trình diễn.  Trong bài “Ghi về ‘Giả tạo’” (“Notes on ‘Camp’”, 1963) Susan Sontag táo bạo khẳng định “cái đẹp trong cái dở”.  Theo bà, “camp” là “nghiêm trang về cái bông lông, bông lông về cái nghiêm trang”.  Một phát biểu tột độ “camp” là: “cái đó hay vì nó dở kinh khủng”.  Susan Sontag có thể viết về nghệ thuật ba-lê cổ điển sang trọng trong một câu, rồi chuyển mạch, so sánh nó với trang phục loè loẹt của các vũ công ở những sòng bạc Las Vegas trong câu kế tiếp.  Xuyên suốt trong lí luận của bà là một phong thái đạo đức, nhưng người đọc không hề cảm thấy bị “dạy đời”.   

 

Trong bài “Chống diễn giải” (“Against interpretation”,1964) Susan Sontag kêu gọi không nên diễn giải nghệ thuật, hãy đến với nghệ thuật bằng trực cảm với tất cả giác quan của mình (và đón nhận mọi thể loại nghệ thuật, từ văn chương đến phim ảnh, kiến trúc, âm nhạc, vv.).  Nhiều người cho rằng bài này là phác thảo một tuyên ngôn trí thức quan trọng nhất trong vài chục năm qua.  Căn bản, nó là một đề xuất mang tính hiện tượng học dựa trên chủ nghĩa hiện sinh.  Sontag lí luận rằng “một công trình nghệ thuật là một vật thể giữa đời sống, không chỉ là một văn bản hoặc một luận bàn về đời sống.”  Theo bà, phê bình một tác phẩm là đánh giá sự trải nghiệm, thay vì “phiên dịch”, hoặc suy diễn, tác phẩm ấy.  Nói cách khác, bà biện minh tiếp cận mĩ học trong nghiên cứu văn hoá, hô hào đặt phong cách (style) trước nội dung (content).

 

Đối với Susan Sontag, văn hoá là một lối hưởng thụ, và những người tự rào chắn hưởng thụ của họ trong vòng văn hoá “ưu tú”, văn hoá nghiêm túc, là vô hình chung giới hạn sự cảm thụ trọn vẹn của chính họ.  Nói cách khác, bà chú trọng đến tính nhạy cảm lẫn gợi cảm.  Susan Sontag bước ra ngoài truyền thống phê bình hậu chiến ở Mĩ, năng nổ bôi xoá lằn ranh giữa văn hoá cao và văn hoá bình dân.   Bà tiếp cận văn hoá đại chúng theo cách của một lí thuyết gia về phê bình, có nhiều tương đồng với các triết gia châu Âu hơn là các tác giả Mĩ cùng thời. 

 

Trong tinh thần ấy, sự “cởi mở” của Susan Sontag đối với những vấn đề giới tính là một đặc điểm không đáng ngạc nhiên (tuy bà không tự xem là một người tranh đấu cho nữ quyền).  Trong tiểu luận “Sự tưởng tượng dâm thư” (“The pornographic imagination”, 1969), bà khẳng định tính văn chương chính thống của dâm thư.  Sontag tiên phong đưa vào thụ cảm nghệ thuật những cảm quan của giới đồng tính ái.   Bà hô hào đi ngược lại cái xu huớng giới tính của người viết (có nhiều lời đồn đại là bà có những liên hệ đồng tính, nhưng bà luôn luôn “miễn phê bình”).  Sontag viết: “Hình thức thuần nhã nhất của sự quyến rũ giới tính (cũng như hình thức thuần nhã nhất của lạc thú giới tính) là sự đi ngược lại xu hướng của giới tính mình”.

 

“Về nhiếp ảnh” (“On photography”, 1977) là tác phẩm sẽ được nhiều người nhớ (và được giải thưởng phê bình toàn quốc năm 1978).  Trong quyển này bà có những nhận định sâu sắc về tác động xã hội và đạo đức của ống kính máy ảnh (hiểu cách trừu tượng).  Sau này bà cho biết là chính thực cuốn đó gói ghém những suy nghĩ về tính tân thời (modernity) hơn là về chính nhiếp ảnh.  Nhiếp ảnh, theo Susan Sontag, chỉ là một cách tiếp cận những lối cảm thụ và suy nghĩ đương đại.

 

 

II.

 

Susan Sontag bị ung thư khi chỉ vừa 43 tuổi (ban đầu là vú, sau lan ra các nội tạng khác).  Sự can đảm chống cự căn bệnh khủng khiếp này của bà trong hơn nửa đời còn lại là một tấm gương cho mọi người và, quan trọng hơn cho văn chương, đã hướng Susan Sontag vào những mảng đề tài mới, cụ thể là những suy nghĩ về bệnh hoạn và sự đớn đau.  Bà viết “Bệnh hoạn như ẩn dụ” (“Illness as metaphor” (1978), khai triển thêm qua “AIDS và những ẩn dụ của nó” (“AIDS and its metaphors”, 1989). Trong “Bệnh hoạn như ẩn dụ” Susan Sontag khảo luận về cách bệnh hoạn có thể vừa được “lãng mạn hoá” , vừa “quỷ quái hoá”.  (Vào thế kỉ 19, bệnh lao được xem là căn bệnh “quý phái” của những người “lãng mạn”, còn bệnh cùi, bệnh dịch, bệnh ung thư được xem như tai họa của xã hội hiện đại.) Susan Sontag khẳng định rằng một căn bệnh chỉ là một sự kiện, nó không là ẩn dụ của sự suy đồi văn hoá, xã hội hay đạo đức nào cả.   Nhìn kĩ, có thể xem ý kiến này như hệ luận tất nhiên của lập trường “chống diễn giải” của bà.

 

Vào những năm cuối đời, ám ảnh về đớn đau và nghệ thuật thị giác hoà quyện nhau trong các tiểu luận của Susan Sontag. Trong cuốn “Về cái đau đớn của kẻ khác” (“Regarding the pain of others”, 2003) bà suy nghiệm về cách mà những bức ảnh chiến tranh vừa tẩm thấm, vừa ảnh hưởng đến, quan điểm chính trị và nghệ thuật của người xem lẫn người chụp.  (Cũng nên để ý là trong cuốn này bà rút lại vài ý mà bà đã phát biểu trong “Về nhiếp ảnh” ).  Bài tiểu luận cuối cùng “Về sự hành hạ kẻ khác” (“Regarding the torture of others,” 2004) của bà, về việc Mỹ ngược đãi tù nhân ở Abu Ghraib, là tích hợp những quan tâm cả đời của Susan Sontag: sự làm người khác đau đớn qua những ẩn dụ dâm tính (thậm chí đồng tính), được phát hiện qua những tấm ảnh.

 

 

III.

 

Sontag viết bốn cuốn tiểu thuyết và một tuyển truyện ngắn.  Hai quyển “Người làm việc thiện” (“The benefactor”, 1963) và “Bộ đồ chết” (“Death kit”, 1967) viết vào khoảng đầu đời văn của bà, và không được đánh giá cao.  Dường như có sự dằng co trong nội tâm Susan Sontag, giữa phong cách trí thức và lòng đam mê, mà thể loại tiểu thuyết không thoả mãn được, ít nhất là vào lúc ấy. Thế nên bà ngưng viết tiểu thuyết trong gần 25 năm.  Mãi đến năm 1997, bằng lòng với mình hơn, bà mới trở lại viết “Người yêu núi lửa” (“The Volcano Lover”, 1992), rất ăn khách.  Sau đó là quyển “Ở Mỹ” (“In America”, 2000), bán cũng khá chạy.  (Tuy nhiên quyển này bị “lôi thôi” vì có nhiều đoạn hơi giống một quyển của một tác giả khác.  Sontag giải thích đó chỉ là trùng hợp tình cờ thường gặp ở những tiểu thuyết dã sử.)  Sontag tóm tắt mong muốn của bà là nói với độc giả: “hãy nghiêm túc, hãy nhiệt tình, hãy thức dậy”.

 

 

IV.

 

Không như nhiều trí thức khác, Susan Sontag được biết khá rộng rãi ở Mỹ, một phần cũng là do sự can đảm dấn thân của bà.  Bà không bao giờ ngần ngại tranh đấu cho công lí và nhất là tự do trí thức ở bất cứ đâu: từ vụ Salman Rushdie bị các Ayatollah ở Iran ra án tử, đến các nhà báo Trung Quốc bị giam, đến các người đồng tính ở Cuba bị ngược đãi, đến tình trạng ở Bosnia, ở Trung Đông, v.v. 

 

Song chính những phát biểu thẳng thắn của Susan Sontag về các vấn đề thời sự đã khiến nhiều người (thường là phái hữu nhưng đôi khi cũng phái tả) kịch liệt thù ghét, miệt thị bà.  Chẳng hạn như trong một bài năm 1965, bà bênh vực nữ đạo diễn Leni Riefenstahl (nổi tiếng với những cuốn phim tuyên truyền cho Quốc xã Đức), nhưng hai mươi năm sau đó bà lại cho rằng Quốc xã đã làm ô nhiễm nghệ thuật.  Bà cũng tán dương Cuba và Bắc Việt Nam vào cuối những năm 1960, và nói “giống da trắng là ung thư của lịch sử nhân loại”.  Song, năm 1982 khi các nhà cầm quyền Đông Âu bị dân chúng chống đối thì Susan Sontag gọi chính phủ cộng sản Ba Lan là “phát xít với bộ mặt người”.  Nhưng có lẽ Susan Sontag làm nhiều người giận dữ hơn cả khi bà viết về sự cố 11/9 ở Mỹ: “Dù nói thế nào về những thủ phạm (của sự cố ấy), họ không phải là những kẻ hèn nhát”.   Phần nào, chỉ trích Susan Sontag vì những câu này là không công bằng.  Nếu chịu khó đọc toàn bài bà viết thì sẽ thấy rằng ý kiến của bà rất tinh tế, ôn hoà, không bạo trực như vài câu trích dẫn.

 

Tuy nhiên, sự hay thay đổi ý kiến của bà chứng tỏ Susan Sontag không phải là một nhà tư tưởng lớn.  Mặc dù bà đọc rất rộng, nghĩ rất sâu, nhưng cơ bản Susan Sontag là con người của cảm tính.  Đối với Susan Sontag, cái quan trọng là phải can đảm, và tận tình, tranh đấu cho những mục tiêu mà bà cho là đúng ở một thời điểm nào đó.  Nhất quán trước sau không làm bà bận tâm.  Bà hãnh diện về vai trò của trí thức và luôn luôn tranh đấu cho tự do văn hoá.  Là nhà phê bình, nhưng cảm quan của bà gần với cảm quan của một nghệ sĩ hơn là một triết gia. Ngay những người không ưa Sonsan Sontag cũng nhìn nhận rắng bao giờ bà cũng bảo vệ ý tưởng của mình với nhiệt tình và phong cách

 

 

V.

 

Tuy khâm phục bà, nhiều nhà phê bình (như Gore Vidal, Paul Hollander, Roger Kimball) cho là Susan Sontag đã không tận dụng kiến thức kiệt xuất của bà.  Nhìn toàn bộ tác phẩm của Susan Sontag, có người (Irving Howe) cho là nó giống một tấm thảm “vá quàng”.  Không ít người cho rằng biệt tài của bà là viết những câu mới nghe qua thì rất “kêu”, rất thâm thuý (như “diễn giải là cách nhà phê bình trả thù nghệ thuật”, “nhiếp ảnh viên không chỉ là người ghi lại quá khứ, song còn là người phát minh nó”, “suy nghĩ là một hình thức cảm giác, cảm giác là một hình thức suy nghĩ”,v.v.) nhưng đọc lại thì rỗng tuếch, và vô lí.

 

Tất nhiên, không phải Sontag luôn luôn đúng (có ai thế đâu?), cũng không phải là bà có lập trường trước sau như một.  Đôi khi bà cũng hay làm dáng.  Song cái nhất quán, cái thực, của Sontag là bà luôn luôn tìm tòi, luôn luôn suy nghĩ, luôn luôn tin rằng trí thức phải thường xuyên tự xét, và “tái phát minh”.   Như nhà bình luận Leon Wieselter nhận xét, hình như Susan Sontag luôn luôn tìm cách quân bình giữa cái thiện và cái mĩ. Dù đồng ý với bà hay không (và có nhiều người dị ứng dữ dội với Sontag), tác phẩm của bà luôn luôn làm người đọc suy nghĩ.

 

Nhìn lại cuộc đời của Susan Sontag, rõ ràng đó là một người thông minh tuyệt vời, một người cực kì tò mò trong mọi lĩnh vực trí thức, một người bạn chí tình, một người luôn luôn tranh đấu cho tự do và công lí.   Cuộc đời ấy như một mảnh sao băng, vụt sáng trên bầu trời văn học Mĩ trong nửa cuối thế kỉ 20 và những năm đầu thế kỉ 21.  Nhưng liệu nó có để lại gì ngoài những hoài niệm và cảm mến của những người may mắn được biết bà?   Phải khách quan nói rằng, vào thời điểm này, câu trả lời vẫn là chưa rõ.

 

(kí Tiểu Hằng Ngôn)

19-1-2005

 

 

You may also like