Home Tản mạn HOA HƯƠNG THẢO VÀ CÁCH THIẾT KẾ MỘT GIẤC MƠ

HOA HƯƠNG THẢO VÀ CÁCH THIẾT KẾ MỘT GIẤC MƠ

by Lê Ngọc Sơn

Cách đây 1 năm, một ngày đẹp trời, vị giáo sư nguyên là thứ trưởng của một bộ gọi điện với giọng đầy nhiệt huyết:
– Sơn, chú nghĩ cháu nên giúp đỡ bạn này. Bạn muốn đi khắp thế giới để thể hiện tầm vóc người trẻ Việt.v.v… Chú cháu mình phải giúp nó, vì nó trẻ mà nghĩ lớn….
Thế rồi, nể lời giáo sư, mình gặp bạn ấy. Dù có mối quan hệ thân tình với ông giáo sư, nhưng mình phải từ chối cố vấn hay làm những điều xa hơn cho bạn ấy. Vì sao ư? Sẽ giải thích ở phía dưới đây!

Tự vấn: Ta là ai? Và ta muốn gì?

Mình thường đặt mục tiêu ít nhất 3 – 5  năm tới mình muốn mình như thế nào, là ai và làm thế nào để mình là cái mà mình muốn. Vài người trẻ ngạc nhiên là bằng cách nào mà anh sử dụng tiếng Anh hiệu quả vậy, trong khi nhiều người bỏ cuộc cả tỷ lần; Cũng vài người hỏi, làm thế nào từ một nhà báo có thể nhảy phắt sang lãnh địa học thuật? Câu trả lời nằm ở chuyện: chúng ta thiết kế giấc mơ của mình như thế nào, và làm thế nào để đạt chúng.

Thực sự, với một người tuổi không còn quá trẻ, học ngoại ngữ là một cực hình. Từ 2007, tiếng Anh phè phè, chỗ nào cũng bật hơi “s”/”x”. Nhưng, ngày nào cũng thế, cứ cuối giờ làm là thằng bé cắp cặp đến lớp tiếng Anh ngồi, trong khi các đồng nghiệp khác về ôm vợ ngắm con, hoặc đi ra quán nhậu. Mỗi ngày cật lực viết ra giấy cho đến khi nhớ khoảng chục từ mới. Điện thoại luôn cài phầm mềm để nghe các file đọc tiếng Anh, để vừa lái xe vừa nghe. Nhiều lúc không muốn nghe vì nhàm, nhưng vẫn phải cắm vào tai để duy trì khả năng bắt tiếng và quen với nhiều tông giọng khác nhau. Kể cả khi tiếng Anh lên được một chút rồi, thì vẫn duy trì thói quen đến lớp để nghe thầy Tây dạy, tấn công não trạng bằng cách cho nó quen dần với môi trường tiếng Anh, dần dần mọi phản xạ ngôn ngữ đến một cách tự nhiên. Thói quen này được duy trì ngay cả thời điểm trước khi đi làm nghiên cứu sinh. (Mặt bất lợi của việc này là, đã có nhiều lúc bị bạn gái mắng vì mải nhập tâm vào câu chuyện trong file nghe podcasts!!!)

Khi chán nản, bạn hãy vuốt ve một nhành hương thảo, nói chuyện với một người tâm đắc, và nghĩ về “triết lý con cá măng”.

Có những lần mình chán nản với những thứ áp lực của những hạng tiểu nhân sẽ tìm đến nhà ông anh giai. Ngồi nhâm nhi miếng bánh chị làm, thưởng thức vài ngụm trà anh pha, tán dóc vài chuyện tếu táo ở đời, và không quên vuốt ve rặng hương thảo mê dụ. Thấy lòng an nhiên và có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi những dự định của mình.

Thiết kế hệ thống động lực

Sẽ không tránh khỏi việc đôi lúc ta chán nản trên con đường thiên lý. Chọn cách thiết kế một lối đi riêng, đồng nghĩa với việc chọn cách sống cô đơn. Cô đơn không hẳn ở trạng thái thể lý mà là ở tâm lý, cô đơn đến ngay cả khi bạn ở giữa cả một chợ người.

Đến hàn huyên với “một ông anh” cũng là cách để củng cố thêm động lực chống chọi với những thử thách cuộc đời; nói chuyện với những bạn Tây cũng là cách để duy trì hệ thống động lực học tiếng Anh; Chẳng ai cấm ta vẽ vời đôi thứ đẹp đẽ trong trí tưởng tượng để neo giấc mơ của mình lên đó, và cố gắng mỗi ngày.

Thứ mà của một người trẻ ít nhất phải có đó là giấc mơ, ngay cả giấc mơ cũng không có, thì người đó đang sống một cuộc sống bên lề và vô vị. Chẳng ai đánh thuế giấc mơ, vậy hãy cứ mơ đi!

Ngửi mùi hương thảo có thể khuếch dụ xúc cảm và các giác quan của ta, xua đi những tà khí của những kẻ tiểu nhân chèn bước.

Khi có động lực, đừng quên một điều là dùng động lực đó để săn đuổi mục tiêu. Con cá măng có một đặc tính: khi nó đã săn đuổi con mồi, nó sẽ bắt đúng mục tiêu của nó, dù trên đường săn đuổi đó, có vài con mồi khác quyến rũ hơn. Mình có vài bạn sinh viên cũ, 2 năm trước nói là: em muốn học tiếng Anh, 1 năm trước gặp lại, em nói em muốn học tiếng Nhật, và 6 tháng trước em lại nghĩ là tiếng Đức sẽ hợp với em hơn. Và cho đến giờ, em vẫn mải mê săn bắt những “con mồi quyến rũ dọc đường” như thế!

Nhưng mơ thế nào?

Thực tế 10 năm làm báo cho giới trẻ, mình nhận ra rằng, dường như chiều kích giấc mơ của không ít bạn ở trạng thái khá cực đoan: hoặc là mơ những giấc mơ quá tầm vóc của mình; hoặc là mơ những giấc mơ bé mọn.

Quay lại câu chuyện của bạn trẻ muốn đi “vòng quanh thế giới”. Về phần cá nhân thì quý, nhưng về phần công việc thì khá thật vọng. Thứ nhất, bạn ấy đi vì… thích đi, mục tiêu không biết đi để làm gì; Thứ hai, bạn ấy không biết ngôn ngữ nào khác, ngoài tiếng Việt lẫn lộn lờ nờ. Tiếng Anh là thứ cơ bản, nhưng bạn còn không có, vậy thì đi bằng cách nào? Đó là cách quảng bá “tầm vóc” đất nước, hay là sự xỉ vả một thế hệ?

Một giấc mơ quá tầm với chỉ nên chiêm lãm nó, và nếu muốn đạt nó, cần phải có câu hỏi tự vấn: Để có được điều đó, ta cần phải làm gì? Cần có phương tiện nào để đạt được mục đích?!

Mình đã khuyên bạn trẻ kia, em hãy bắt đầu bằng cách học tiếng Anh chỉn chu, ít nhất cũng đủ vốn ngôn ngữ giao tiếp.

Khi chán nản, bạn hãy vuốt ve một nhành hương thảo, nói chuyện với một người tâm đắc, và nghĩ về triết lý con cá măng. Và rồi bắt đầu giấc mơ vừa đủ ôm, đủ với!
Đơn giản chỉ có thế thôi!

Lê Ngọc Sơn

Ilmenau, ngày tuyết trắng trời!
(20/1/2015)

You may also like