Nạn lạm phát bằng tiến sĩ được một số “lò” đào tạo trong nước cổ xúy… phản ánh một trạng thái mà các nhà xã hội học gọi là “thiếu vắng chuẩn mực xã hội”, “loạn chuẩn”, hay “lệch chuẩn” ở nước ta.
“Những chiếc xe mất lái”
Emile Durkheim (1858-1917), một trong những cha đẻ của ngành xã hội học người Pháp đã đưa ra khái niệm anomie để giải thích về một hiện tượng thường thấy ở các xã hội đang chuyển đổi: các cá nhân đối diện với việc thiếu vắng các chuẩn mực và giá trị xã hội. Trong tác phẩm học thuật kinh điển mang tên Suicide (Tự tử, 1897), ông giải thích về việc trong xã hội nào để cho các ham muốn cá nhân lấn át những chuẩn mực chung của xã hội, tình trạng anomie ở xã hội đó sẽ rất trầm trọng. Ông dùng khái niệm này để giải thích tình trạng tự tử gia tăng trong các giai đoạn bùng nổ kinh tế. Theo đó, khi kinh tế phát triển, những nhu cầu của các cá nhân đã được đẩy lên vượt ngưỡng, và tiến tới mức khó xác lập độ hãm.
Phát triển khái niệm này, nhà xã hội học người Mỹ Robert Merton, người bị ảnh hưởng của Durkheim cũng dùng khái niệm anomie để giải thích hiện tượng xã hội. Theo ông, bất cứ xã hội nào cũng có những chuẩn mực được hầu hết các thành viên trong đó chấp nhận, chẳng hạn như kiếm được nhiều tiền. Những giá trị đó được nội tâm hóa vào đời sống mỗi cá nhân, như là những lý tưởng và mục đích cần đạt được trong cuộc sống của họ. Để giúp mỗi cá nhân đạt được mục đích đó (kiếm được nhiều tiền), thì xã hội trang bị các phương tiện khác nhau cho cá nhân: sự công nhận xã hội, học hành… Nhưng các phương tiện này là hữu hạn, nên một số cá nhân thích “nhảy cóc” hoặc “đi đường tắt”, viện các cớ khác nhau để đạt được mưu cầu của mình, chẳng hạn, làm việc phi pháp để trục lợi, đạt mục đích kiếm được nhiều tiền.
Đứng trước các yêu cầu của hệ thống chuẩn mực đã có, theo Robert Merton, cá nhân sẽ có nhiều cách thích ứng, một trong các cách đó là “thích ứng biến cách”. Nghĩa là các cá nhân ý thức được mục tiêu vươn tới của cộng đồng, của nền văn hóa, nhưng lại không chấp nhận các cách thức thường có. Ví dụ điển hình cho cách thích ứng (và gây loạn chuẩn) này là việc không ít nghiên cứu sinh biết rằng mục tiêu của xã hội là cần có những tiến sĩ để đóng góp cho tri thức nước nhà, nhưng thay vì bằng thực học, lại chọn con đường dễ dàng là chạy chọt mua điểm hay đạo văn.
Chính những cá nhân này, cộng với sự tiếp tay của những người có trách nhiệm, đã đẩy xã hội bước tiếp vào vòng xoáy loạn chuẩn. Những tiến sĩ giấy này, làm việc một số năm nhất định, lại tạo ra những tiến sĩ giấy khác. Họ hình thành những “vòng ảnh hưởng” của riêng mình, loại trừ những tiến sĩ thật ra khỏi. Và cứ thế, “xã hội” như những chiếc xe mất lái, tuột dốc không phanh: vốn loạn chuẩn sẽ tiếp tục loạn chuẩn.
Ảnh TL
Chính sự thiếu vắng chuẩn mực trong giáo dục đã triệt tiêu những lý tưởng và hoài bão về phát triển lành mạnh bản thân mỗi cá nhân. Về sâu xa nó tạo nên sự tụt hậu, sự rối ren, thay vì đem lại một “trật tự ngầm” và đà tiến lên cho một xã hội. Nhìn cái cách đào tạo tiến sĩ ồ ạt, và sự dễ dãi qua các đề tài, chất lượng nghiên cứu sinh (ít nhất là về mặt ngoại ngữ) không khỏi làm những người quan tâm đến giáo dục nước nhà nghĩ đến một cuộc loạn chuẩn hoặc thiếu chuẩn cho giáo dục Việt Nam.
Giáo dục phải tạo ra và duy trì các chuẩn mực
Chính sự thiếu vắng chuẩn mực trong giáo dục đã triệt tiêu những lý tưởng và hoài bão về phát triển lành mạnh bản thân mỗi cá nhân. Về sâu xa nó tạo nên sự tụt hậu, sự rối ren, thay vì đem lại một “trật tự ngầm” và đà tiến lên cho một xã hội. |
Chính chuẩn mực là yếu tố sống còn trong nhiều xã hội phát triển, điển hình như xã hội Đức. Nhiều người ngạc nhiên khi đến Đức, bước vào giảng đường hoặc các phòng nghiên cứu, các giáo sư được kính nể khác thường.
Ở Đức, một đất nước văn minh và phát triển hàng đầu thế giới, trong xã giao, bạn sẽ nghe rõ người ta giới thiệu về một ai đó có học hàm, học vị, sẽ là: Đây là Ngài/ Giáo sư X, đây là Ngài/ Tiến sĩ Y (gọi bằng họ để thể hiện sự tôn trọng tối đa), chứ ít khi xưng tên kiểu “cá mè một lứa”. Nếu theo tâm lý đám đông của ta mà nhận xét thì người Đức thật là hám danh, thích bằng cấp. Nếu vậy, đó là một sự nhầm lẫn rất lớn.
Nước Đức là một xã hội nổi tiếng kỷ cương, các chuẩn mực rất rõ ràng, chính các chuẩn mực là sợi dây rường néo để dẫn dắt xã hội phát triển. Nền giáo dục nổi tiếng là khắt khe về chất lượng đã góp phần rất lớn vào việc gia cố các thành tố này, giáo dục góp phần định hình và duy trì chuẩn mực xã hội: ngay sau khi học bậc tiểu học, học sinh đã được định hướng nghề nghiệp và phân loại, những em muốn theo hướng học nghề sẽ chọn vào các trường phù hợp, còn những học sinh thực sự giỏi và có đam mê sẽ theo các thang bậc để lên trường chuyên. Đến bậc thạc sĩ và tiến sĩ, theo hệ thống phân loại của Đức, thì đó phải là những người rất xuất sắc về học vấn trong ngành của họ.
Cứ càng học lên, đầu vào và đầu ra được thắt lại, số lượng không còn là vấn đề. Phải là những “cột cờ” nổi bật được chọn từ “bó đũa” thì mới có cơ hội bước tiếp vào lĩnh vực học thuật bậc cao hơn. Do vậy, để đạt được các học vị và chức danh học thuật ở Đức là điều không hề đơn giản. Đó là lý do mà xã hội Đức rất trọng những người có chức danh học thuật và học vị cao, dù những người này không phải là đại gia giàu có.
Chính giá trị này (sự kính trọng, sự tôn vinh) lại là động lực để chính các cá nhân trong xã hội phấn đấu đạt tới (nếu như có năng lực, ước muốn hay nhu cầu). Thêm nữa, hệ thống doanh nghiệp công nhận các chuẩn mực này, vậy nên họ thiết kế hệ thống lương thưởng phù hợp: tiến sĩ (thường là) thu nhập cao hơn thạc sĩ, thạc sĩ thu nhập phải cao hơn (cử nhân)… Doanh nghiệp có thể có bất cứ lý do nào viện cớ không nhận một tiến sĩ hay thạc sĩ, nhưng sẽ là lạ lẫm nếu doanh nghiệp trả lương cho một tiến sĩ hay thạc sĩ với mức của một cử nhân. Và tất nhiên, người có học sẽ có thu nhập cao hơn người không có học. Hệ thống luật pháp về lao động được thiết kế để ủng hộ và khuyến khích những triết lý này.
Chính các chuẩn mực và giá trị lành mạnh này đã giúp tạo ra một tình huống win – win – win, ba bên cùng có lợi: cá nhân được thoả mãn chí hướng, công sức được đền đáp xứng đáng, thăng tiến bằng nỗ lực; đất nước/ xã hội có thêm người tài thực sự (điều đó giải thích vì sao Đức là đất nước của các phát minh); doanh nghiệp có thêm nhân lực chất lượng cao.
Do vậy, thật đáng buồn khi nghĩ về các “lò sản xuất học vị” hàng loạt ở ta. Những hiện tượng này chỉ khuếch đại thêm sự loạn chuẩn của xã hội, thay vì đóng góp nhằm tạo dựng các thang bảng giá trị thật. Muốn chiếc xe xã hội ổn định lộ trình, giáo dục cần phải tiên phong làm gương tạo ra những chuẩn mực.
Lê Ngọc Sơn – Nghiên cứu sinh Đại học Công nghệ Ilmenau – CHLB Đức