Home Tản mạn BÊN KIA NHỮNG “TRIỀN RANH GIỚI MÀU XANH”

BÊN KIA NHỮNG “TRIỀN RANH GIỚI MÀU XANH”

by Lê Ngọc Sơn

truong-sa1Trong ký ức tuổi thơ của mình, tôi nhớ như in cái hình ảnh trên những cánh đồng bao la, phía xa xa là chiếc cầu vồng sau mỗi cơn mưa, và tôi cứ nằng nặc đòi nội bế đến chỗ có cây cầu 7 sắc. Rồi vào những đêm đầy sao, đòi nội nối những cây tre để bắc tới dải thiên hà. Hoặc ngộ hơn, là đòi đi hết cái triền màu xanh phía xa xa chia cách cánh đồng lúa và bầu trời ráng hồng mùa gặt… Lớn hơn một tý, tôi biết rõ bản chất của cầu vồng, của dải thiên hà, và cả cái triền ranh giới màu xanh kia. Nhưng, càng lớn càng thấy được chân lý: Cuộc đời còn nhiều những “triền ranh giới màu xanh” như thế…

1. Chuyện của một gã  mê đồ hi-tech. Dạo này tôi mắc một chứng “bệnh”, mà tôi thấy mỗi ngày mức độ có vẻ “nặng” hơn. Sếp tôi bảo: bệnh này triệu chứng của nó là túi tiền của khổ chủ vơi dần, và “gương tày liếp” là mấy anh đồng nghiệp lớn tuổi. Đó là thứ “bệnh” nghiện đồ công nghệ, đặc biệt là máy tính bảng (tablet). Một thứ “bệnh” xa xỉ với một công chức với mức lương “thường thường bậc trung”, như tôi.

Biết tin cô bạn đang học ở Mỹ sắp về, tôi và một anh bạn thân (cũng là tín đồ của  đồ hi-end) nhờ đặt hẳn 2 chiếc máy tính bảng đời mới. Đơn giản chỉ để khám phá cách làm thế nào để người ta tích hợp truyền thông đa phương tiện trên một cái thiết bị nằm gọn trong lòng bàn tay.

Người ta dự đoán tương lai gần, máy tính bảng cũng được coi là một loại hình báo chí. Nó tương đương với báo in, báo nói, báo hình, hay báo trực tuyến bây giờ. Đặc điểm sờ, chạm vào cái màn hình cảm ứng (từ 5-10 inch, tùy loại) làm cho người dùng có cảm giác như đang sờ vào tin tức, có lẽ giao thức và cách tiếp cận tin tức có nhiều ưu điểm khác biệt nên người ta mới gọi đó là một loại hình truyền thông mới chăng?

Và tôi luôn đặt ra các câu hỏi: Bằng cách nào, tin tức đến với các thiết bị  cầm tay như vậy? Làm sao người ta có thể  bán hàng (thương mại điện tử) trên cái máy cỏn con kia? Cơ chế bảo mật của từng hệ điều hành hoạt động như thế nào?.v.v… Hàng tỷ câu hỏi đặt ra. Và để tìm câu trả lời đích đáng nhất là phải bỏ tiền ra mua nó. Những máy tính bảng mà tôi “sưu tập” (và sau này là sự góp tiền của “hội những người cùng chung sở thích”), sau khi khám phá xong thì thường bán rẻ đi ít nhất một nửa.

Thực sự, tôi mê tìm hiểu cái thứ  công nghệ tân kì này, và những thứ liên quan đến nó (và nghề của tôi) đến mức mà: Một ngày nọ, biết tin Hiệp hội báo chí và  xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA) có tổ chức một cuộc Hội thảo về máy tính bảng dành cho các nhà báo, dù không được mời, nhưng tôi đã tìm cách có được một “vé” vào ngồi dự thính tại hội thảo này. Nhưng, thực sự cảm giác khá ngượng ngùng, khi gặp sếp – cũng là một người tôi coi như thầy của mình trong nghề. Trò không dám nhìn thầy, vì sợ có sự hiểu nhầm nào đó (biết đâu sếp nghĩ mình là tay không mời mà đến, chẳng hạn). Nhưng thực sự, tôi vẫn cố gắng để thu nhận tất cả những gì có thể từ buổi hội thảo này. May hôm đó là sếp không những không giận, mà còn đưa iPad ra chỉ cho tôi về các ứng dụng thú vị…:)

Sòng phẳng mà nói, tôi không mua những đồ công nghệ này với mục đích để làm sang (bằng chứng là tôi đi xe đạp) hay giải trí (bằng chứng là tôi không thích game). Đơn giản chỉ là thích tìm hiểu. Tôi muốn biết những thứ  ngoài giới hạn suy nghĩ của mình, những thứ mà trước nay chưa mấy người nói tới, nhất là liên quan đến nghề của mình.

2. “Chân trời của người nghiên cứu… toa-let”. Tôi có một anh bạn thân làm ở một viện nghiên cứu về nước sạch và cấp thoát nước cho nông thôn. Ngoài thời gian nghiên cứu của mình. Anh tranh thủ đi học tiến sĩ ở nước ngoài, nhưng không mấy ai biết. Ba năm sau anh bảo vệ thành công luận án của mình về… cách làm hố xí hợp vệ sinh giúp bà con nông dân. Là tiến sĩ (và bây giờ được phong là phó giáo sư) nhưng anh rất không ưa ai gọi mình kèm chức danh hay học vị. Anh chỉ xem tri thức là một chân trời mới cần khám phá và chinh phục, và anh học thêm để biết và ứng dụng thực sự cho công việc của mình. Anh thích mày mò, khám phá đến mức: trong căn nhà nhỏ của anh tại Hà Nội, toa-let ở mỗi tầng đều là một “phòng thí nghiệm”, và anh tìm ra được các con số về số lượng nước tiểu một người Việt bình thường đi mỗi ngày là 1,5 lít, phụ nữ có bầu thường là 2 lít… Những thí nghiệm tưởng chừng như nực cười và “điên”, nhưng nó lại giúp các chuyên gia nước ngoài biết đến anh, và anh thường xuyên được mời đi báo cáo trong các hội thảo. Anh tâm đắc câu nói của một chuyên gia từng phát biểu trên Báo SVVN: “Nghĩ như một triết gia, làm như một người thợ”. Những nghiên cứu của anh được ứng dụng đại trà ở nhiều vùng nông thôn, giúp người nông dân tránh được các dịch bệnh. Chân trời tri thức của anh không phân biệt sang hèn, đơn giản đó là những tri thức được ứng dụng vào cuộc sống. Thế nên, thực sự, ít ai nghĩ rằng, anh chàng chuyên đi nghiên cứu làm… hố xí hợp vệ sinh cho bà con nông dân ở các vùng, lại là một ông PGS.TS.

3. Chân trời mới của một “người thế kỷ thứ 19 còn sót lại”. Ngoài những giờ làm việc ở toà soạn, tôi có tham gia một nhóm đào tạo kĩ năng báo chí cho các bạn sinh viên mê viết báo. Nhóm này hoạt động phi lợi nhuận, nhưng có sự cam kết của người tham gia. Một hợp phần của dự án này là chương trình đào tạo tiếng Anh dành cho những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Đơn giản, tất cả cùng chung ý nguyện: Nếu những người làm truyền thông biết tiếng Anh, họ sẽ khám phá ra được những chân trời mới, và lan tỏa những “chân trời” đến cho người khác. Ai đó nói rằng, đọc một cuốn sách là sống thêm một cuộc đời. Người giỏi tiếng Anh, họ có thể sống thêm nhiều cuộc đời khác.

Hai người bạn vong niên của tôi: Janine Wilson (người Australia) và Pascal Germino (người Anh gốc Ý) là những người giúp đỡ rất nhiều về mặt chuyên môn cho dự án này có thể hoạt động. Ngoài công việc dạy tiếng Anh ở các trường Anh ngữ, hai người rất tâm huyết trong việc xây dựng chương trình học dành cho “dân” truyền thông. Janine thì lên chương trình, đề cương, sắp từng vị trí ngồi, chuẩn bị từng giáo cụ, thậm chí dự liệu cả thức ăn giữa giờ cho học viên. Pascal thì lo soạn đề thi đầu vào (placement test) để tuyển và sắp lớp cho học viên cùng trình độ. Janine dạy theo phong cách của một “ông đồ Tây”, còn Pascal thì dạy theo phong cách khá hào hoa của người Ý. Thực sự, đây là những dự án làm theo kiểu “vác tù và hàng tổng”, nhưng ai cũng háo hức, vì cùng hướng đến một ý nguyện chung.

Đổi lại, thi thoảng tôi và các bạn làm trong dự án phi lợi nhuận này hướng dẫn họ các thủ thuật sử dụng Internet, các thiết bị văn phòng. Tôi say sưa nói với họ về tiến triển vượt bậc của công nghệ, và chuyện công nghệ đã làm truyền thông thay đổi chóng mặt đến thế nào. Rồi tôi được dịp “chém gió” về máy tính bảng. Cô Janine tỏ ra ngạc nhiên từ hết ứng dụng này, đến ứng dụng khác trên các công nghệ tân kỳ. Về mặt sử dụng công nghệ, nếu nói theo ngôn ngữ của sinh viên hiện nay, thì Janine khá “low-tech”, và thật không ngoa khi cô tự ví von mình là “người từ thế kỉ 19 còn sót lại”.

Kết thúc dự án, các học viên  đã mua tặng cô giáo một điện thoại thông minh thế hệ mới (smart-phone) như một sự tri ân về những kiến thức và sự nhiệt tình của cô. Cô giáo hơn 65 tuổi này xúc động đến mức thốt lên rằng: “Các em đã mang tôi đến với thế kỉ 21”. Từ chia sẻ của các học viên, cô đã biết cách làm các bài giảng trên nền công nghệ, thậm chí là từ chiếc smartphone của mình.

4. Vậy nên, cứ khai mở những chân trời. Nới rộng những chân trời không phải là những việc gì to tát, vĩ đại. Đôi khi nó đơn giản như chuyện anh tiến sĩ mê việc đi làm hố xí, lấy việc giúp cho bà con nông dân thoát khỏi nguy cơ bệnh tật… làm niềm vui; Như chuyện gã nhà báo trẻ mê công nghệ để biết thích ứng với sự thay đổi của nghề báo; Những người mang đến chân trời tri thức cho người khác (như Janine, Pascal) cũng sẽ nhận được một chân trời khác từ chính những học viên của mình. Tri thức là vô tận bởi nó luôn được sản sinh. Do đó, nới rộng không gian ra xa hơn những gì mình biết [nên và cần] là một nhu cầu tự thân của mỗi người… trong biển tri thức ngày nay.

Lê Ngọc Sơn

Where there is no vision, the people perish (Proverbs 29:18)
(Bài đăng trên tạp chí Hồ Sơ Sự Kiện, số Xuân Quý Tỵ 2013)

You may also like