Home Góc nhìn CHẤT LƯỢNG THỊ DÂN

CHẤT LƯỢNG THỊ DÂN

by Lê Ngọc Sơn

Mấy hôm nay tôi có tham gia một vài hội thảo bàn nhiều đến đô thị. Khá nhiều thuật ngữ được nêu ra: “đô thị bền vững”, “đô thị hiện đại”, “đô thị kiểu mới”.v.v… Tôi cũng tham gia một hội thảo có tên “Các thành phố đang phát triển” của Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội. Nhưng thực sự khá buồn, khi mà, tôi cảm nhận rằng, người ta bàn nhiều đến việc xây dựng những đô thị hiện đại, làm sao để giải quyết nạn tắc đường… và xem đó như là những thách thức lớn của các đô thị Việt Nam hiện nay.

Ông Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), được mời đến để làm diễn giả của tọa đàm, nhưng việc đơn thuần của ông trong buổi đó là đọc các “tiêu chí” của “đô thị bền vững” mà Việt Nam đang mong muốn hướng đến. Nhưng thật buồn, những “tiêu chí” của ông nêu ra lại thiếu yếu tố “con người”, chủ nhân của những cái được gọi là “đô thị bền vững”. Ở một góc nhìn “bền vững” hơn, cái nhẽ ra đáng bàn là cần định hình những phẩm chất của một tầng lớp thị dân mới, sao cho xứng đáng là chủ nhân của những đô thị hiện đại. Nói cách khác, phẩm chất của những công dân đô thị cần được đặt ra, bức bách hơn là cả chuyện tắc đường.

Lần lại các báo cũ những năm đầu thế kỉ 20, người ta vẫn thấy những bài báo nói về những nhược tật  của những “thị dân phong kiến” vừa mới trở thành những “thị dân của thực dân Pháp”. Trên báo Phong Hóa (do nhà văn Nhất Linh quản lý), người ta còn tìm được những bức họa vui của một người đang tè bậy trên phố (tên là Lý Toét), bên chữ là cạnh “Cấm không được đái”, và nhiều người lúc đó hiểu là “đái được không cấm” (theo cách đọc ngược của lối viết Hán văn), và thế là cứ… vô tư tè. Nhưng rồi sao, một thế kỉ sau – thập niên đầu tiên của thế kỉ 21, thử tìm trên báo chí đương đại chúng ta vẫn thấy nhan nhản những bức ảnh như thế: vẫn là những tấm biển với nội dung tương tự, và vẫn là những hành vi kia. Có chăng, sự khác biệt nằm ở bề nổi: đô thị bây giờ nhìn hiện đại hơn đô thị của 1 thế kỉ trước, tất nhiên.

Ngày nay, chuyện xảy ra từ Bắc chí Nam, có những nơi hôm nay chị Hai xắn quần móng lợn ra ruộng lúa, nhưng vài ngày sau nghiễm nhiên là công dân của đô thị[1] hạng một, hạng hai, (thậm chí cả hạng đặc biệt như Hà Nội, Sài Gòn), vì có “dự án” xẹt qua nhà mình. Thế mới có chuyện, có những người dân sống trong những dãy chung cư rất hiện đại, nhưng vẫn giữ thói quen của cư dân tiểu nông bằng việc thổi bếp bằng than tổ ong với khói nghi ngút trời mây. Nhẽ ra một chuyện đáng ngạc nhiên, khi bạn đang đi trên đường bỗng dính một bã khạc nhổ của một người đi phía trước, thì mọi người lại xem là bình thường, bởi nó xảy ra…”thường ngày ở phố”. Nản.

Cũng có thể những người hoài cổ thường lục lại đống sách báo cũ của thời điểm đầu thế kỉ 20, ắt sẽ cảm nhận được đời sống tinh thần của thị dân lúc đó thật… sang. Người ta có thể chuộng nhạc cổ điển, cho dù đời sống vật chất không được sung túc như thị dân bây giờ. Nhìn thị dân bây giờ, có thể thưởng thức đời sống tinh thần đa dạng hơn, đủ đầy hơn, nhưng cái sang của chất thị dân thì tôi không dám chắc.

Chúng ta cần những bộ máy tính mới, cần những chiếc xe tiện nghi, cần tàu điện ngầm…, nhưng tất cả sẽ chẳng là gì nếu chủ nhân, những người vận hành nó kém về phẩm chất hành vi. Và như vậy, việc xây dựng những phẩm chất của công dân đô thị có lẽ cấp thiết hơn là chuyện xây dựng những con đường rộng, tòa nhà to, hay tàu điện ngầm hiện đại…

Lê Ngọc Sơn

Người Đô Thị, số 82

[1] Theo thng kê mi nht, trên thế gii, mi tun có thêm 1 triu công dân mi gia nhp đi sng đô th.

Facebook: http://www.facebook.com/profile.php?id=1578775709#!/note.php?note_id=438863255805

You may also like