Ông chẳng thể bỏ được thói quen xếp chân lên ghế mỗi khi say sưa nói chuyện. Khuôn mặt khắc khổ của ông vẫn hằn in những nhọc nhằn như vốn trời bắt ông phải vậy. Những nếp nhăn đặc sệt của người nông dân. Nhưng người “nông dân” này khác với những người nông dân khác bởi ông đã từng là… bộ trưởng. Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ.
Người đàn ông có khuôn mặt buồn
Căn nhà của nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ nằm trong một con ngõ của phố Đội Cấn (Hà Nội). Cả ông và tôi ngồi nhâm nhi bia cỏ từ lúc mặt trời còn đứng bóng cho đến lúc phố sáng đèn. Ông lấy làm lạ là có một người trẻ như tôi tìm đến căn nhà nơi “cuối ngõ đìu hiu” của ông vốn đã lâu ít người qua lại.
Sinh ra ở Tĩnh Gia – Thanh Hoá, miền quê mà một thời rau má cứu đói cả vùng. Cái vùng nơi ông sinh ra chẳng có gì nổi tiếng, trừ một thứ, đó là cái nghèo. Nó nổi tiếng đến mức mà dân trong vùng đã rút ra chân lý: “Nhất gia (Tĩnh Gia), nhì xương (Quảng Xương)”…
Nhà ông vừa làm nghề biển, vừa làm nghề nông, ấy vậy mà quanh năm vẫn ở trong tình trạng đói ăn triền miên. Nhiều khi trong cái đói quay quắt, chàng trai, sau này được nhà văn Nguyễn Khải gọi là “gã gàn xứ Thanh”, nghĩ đến cách để thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Ông quan niệm, làm nông nghiệp chẳng phải là một nghề mà chỉ là công việc mang tính thói quen và “thiên chức” từ hàng ngàn đời nay của người nông dân. Làm nông sẽ trở thành một nghề khi và chỉ khi được đào tạo (nghề nông). Thế là chàng trai Lê Huy Ngọ đã thi vào một trường đào tạo về nông lâm. Và nghiệp làm nông gắn với ông từ đó.
Nhiều người nhớ đến một ông Bộ trưởng lăn lộn với nông dân, kể cả trong lúc người dân phải chịu cảnh khốn cùng nhất. Thật khó quên cảnh ông lội bộ hàng cây số đến những vùng lũ với bà con Thừa Thiên Huế trong cơn lũ lịch sử ở miền Trung năm 1999; những chuyến hộ đê cùng bà con trong bão tố của “ông nông dân”; cảnh ông đã khóc khi thấy những nông dân trồng vải ở Bắc Giang, Hải Dương bán thành quả mùa màng của mình với giá 1.000đ/1 cân, nhưng tiền công thuê người hái phải lên tới 70 – 80 ngìn đồng/ngày.
Đã có thời người thì nói ông Ngọ là “ngôi sao đang lên”, người lại nói ông giỏi PR bản thân mình. Nhưng chẳng ai dại gì đem tính mạng của mình ra đùa với những tai ương, những bất trắc hiểm nguy của thời tiết… để đánh bóng bản thân mình, nếu như đó không phải là người luôn có cái tâm hướng về những người nông dân nghèo khổ.
Chẳng phải thế là có chuyện lạ, khi cuối vụ mùa, không ít nông dân đã mang ngô, gạo giống mới… lên tận Hà Nội gõ cửa nhà ông Bộ trưởng để tặng làm quà, như một lời cảm ơn ông đã đưa giống mới về cho bà con trồng để được những vụ mùa bội thu. Những thứ quà cáp mà theo ông Ngọ là “hơn cả thứ cao lương mỹ vị khác ở trên đời”.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp làm tôi bất ngờ về khả năng am tường văn chương. Ông kể vanh vách từ nội dung của Rừng Nauy của Haruki Murakami đến phong cách của Vệ Tuệ, từ triết lý sâu xa của Phạm Quỳnh cho đến phong cách của Nguyễn Ngọc Tư… Ông Lê Huy Ngọ trong vòng vây báo chí. Ảnh: VietNamNet Ông bảo, “”đáng gờm” nhất đối với ông vẫn là Nguyễn Ngọc Tư, cô nhà văn trẻ nhưng “đanh ra phết”. Cái chi tiết khiến ông ám ảnh đến bây giờ khi đọc Cánh đồng bất tận là việc Tư miêu tả tiếng kêu thảm thiết của những con vịt bị chôn sống. Đó là thời điểm ông Lê Huy Ngọ, đang được làm nhiệm vụ phòng chống bệnh dịch cúm gia cầm. Nhiều hộ nông dân đã nuốt nước mắt vì mất trắng những đàn gia cầm khi “ở trong vùng dịch”. Có những đêm ông đã khóc. Hoá ra, cái tích sự của văn chương là có thật ở đời! Tôi thắc mắc về chuyện nhiều người nói ông có khuôn mặt buồn, khắc khổ. Ông bảo, tướng mạo trời sinh ra như vậy rồi, muốn khác cũng chẳng được. Trước khi làm Bộ trưởng ông vốn là một nông dân, rồi sau khi làm Bộ trưởng của nông dân ông cũng muốn tiếp tục trăn trở với nông nghiệp. Kiếp này xin làm người nông dân. Nghỉ hưu rồi nhưng ông vẫn cùng nhiều nhà khoa học như GS – Viện sĩ Đào Thế Tuấn về các vùng nông thôn nghiên cứu tìm hướng phát triển đời sống của bà con nông dân.
Nỗi đau bán ruộng!
Ông thấy cuộc sống của người nông dân ta hiện nay thế nào?
– Thực ra, trong sự phát triển chung của đất nước, đại bộ phận nông dân cũng đã cải thiện được cuộc sống của mình. Trước đây, lo được bát cơm ăn hàng ngày là nỗi lo lớn lắm, bây giờ đã được vơi đi. Tỷ lệ đói nghèo đã được giảm đi. Tuy nhiên nhiều vấn đề đang đặt ra là khoảng cách giữa thành thị và nông thôn tăng hai lần, giữa người nghèo và người giàu tăng tám lần… Trong số những người nghèo đói đa số là nông dân, và chủ yếu tập trung tại các tỉnh nghèo, huyện nghèo, xã nghèo. Đặc biệt, nhiều vùng nông thôn đang bị thiếu thốn về văn hóa – thông tin – giáo dục. Ở thành phố, chúng ta có hàng trăm tờ báo hàng ngày để lựa chọn, còn ở nông thôn để mua được một tờ báo chẳng dễ dàng gì. Đó thực sự là nỗi bức xúc của họ, và là nguyên nhân cơ bản sâu xa nhất tạo ra sự chênh lệch về điều kiện sống. Xoá đói giảm nghèo không chỉ chú ý đến bữa ăn của người dân, mà cần xoá đói cả về lĩnh vực tinh thần. Người dân nghèo ở thành thị hay ở nông thôn đều có quyền được hưởng các thành tựu của công cuộc đổi mới. Đó là một trong những băn khoăn nhất của tôi.
Tại sao ông lại chú ý đến việc “đói” thông tin của người dân nông thôn?
– Tôi về quê nhiều, nên thấy những khó khăn đó ở nông thôn. Tối đến mọi người quây quần bên bữa ăn, chờ xem chương trình thời sự 7 giờ tối trên truyền hình, nhưng ở quê cứ mất điện triền miên… Thông tin về được với họ ít lắm! Thông tin về với bà con để họ biết được chuyện gì đang xảy ra, họ đang ở đâu, làm cái gì, làm ra bán cho ai…
Thông tin đến với người nông dân không đơn thuần chỉ để giải trí, mà đó là thông tin để sản xuất, để xác định thị trường… Có bao giờ ông về một vùng nông thôn, và chứng kiến bữa ăn của một gia đình?
– Tôi hay đi công tác về vùng nông thôn, nên chuyện ăn cơm với bà con là thường xuyên. Nhiều hôm day dứt lắm. Chúng ta hay nói về an ninh lương thực, nói về việc nước ta đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Nhưng theo tôi, nên hiểu an ninh lương thực đó phải đến được với từng bữa cơm của người dân. Hiện vẫn còn những vùng vào dịp giáp hạt phải xuất gạo để cứu đói. Với những người khó khăn, người nghèo, để có 2 bữa cơm no cũng không hề dễ đâu! Một bộ phận không nhỏ nông thôn của ta vẫn thiếu cái để ăn.
Một bộ phận người nông dân đã phải bán đất, hoặc trả đất cho nhà nước vì cây lúa, củ khoai không đủ sức để nuôi sống họ. Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng này?
– Khát vọng muôn đời của nông dân là đất đai. Cải cách ruộng đất, khoán sản phẩm, bây giờ công nghiệp hóa họ vẫn mang khát vọng về đất đai. Đất đai là tài sản lớn nhất của họ… Bán đất, nhượng đất là một nỗi đau của họ (mới đây ông đã về quê để chuộc lại miếng đất cát ở quê cũ của ông để có chốn thờ cúng gia tiên – PV). Ấy vậy, mà giờ đây một bộ phận trả lại đất, bán đất, hoặc bỏ hoang ruộng vườn… thì chúng ta nên tự vấn chính những chính sách của mình. Ở đồng bằng sông Hồng bình quân mỗi hộ nông dân chỉ có 2 -3.000m2, ở đồng bằng sông Cửu Long, mỗi hộ có khoảng hơn 4.000m2. Ở Thái Bình, có gia đình mỗi người chỉ có 300m2 đất. Làm ăn vất vả, cực nhọc ruộng chỉ bằng mảnh chiếu, manh mún, trong khi giá cả vật tư tăng… thế nên dẫn đến việc họ chán nản với ruộng vườn. Lực lượng lao động nông thôn đổ ra thành phố mưu sinh ngày càng nhiều! Cách đây mấy chục năm, chúng ta di cư lên khẩn hoang mở mang Tây Bắc, Tây Nguyên… thì nay có một dòng mưu sinh ngược lại: Đang có một dòng di cư rất lớn người nông thôn ra các thành phố, các khu công nghiệp để làm việc. Họ thiếu các kỹ năng cần thiết nên dễ va vấp, cạm bẫy ở chốn phồn hoa. Thật đau lòng khi ở đồng bằng sông Hồng, có nơi lực lượng lao động chính của hầu như cả một làng đã bị nhiễm HIV/AIDS, ai dám chắc rằng những người trong các quán bia ôm kia không phải đa số xuất phát từ nông thôn?! Rất nhiều tệ nạn và cám dỗ mà họ phải đối mặt…
Là người có chuyên môn sâu về nghành kinh tế nông nghiệp, ông thấy việc làm kinh tế nông nghiệp của ta có vấn đề gì khi mà nông dân thì được mùa mà tiêu thụ thì chẳng được?
– Đó là một điểm yếu của chúng ta. Chúng ta sản xuất tự phát, làm theo phong trào, nhưng khi thị trường diễn biến xấu thì lại chặt – “Trồng theo phong trào, chặt theo thị trường” đang là hiện tượng xảy ra với vải Lục Ngạn, Thanh Hà, với cây điều ở Tây Nguyên… Trồng rồi chặt, chặt rồi trồng là một vòng tròn ám ảnh của người nông dân. Cho nên tới đây, chúng tôi cũng đề nghị là sẽ đẩy mạnh việc quan tâm đến thị trường, đầu ra cho sản phẩm. Một nền nông nghiệp mạnh là một nền nông nghiệp dựa vào tri thức, biết nắm bắt thị trường và trình độ tổ chức sản xuất.
Là thành viên biên tập Đề án nghiên cứu về Tam Nông (nông thôn, nông nghiệp, nông dân) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vấn đề nào theo ông là bức xúc và cần đưa ra bàn thảo?
– Tôi quan tâm nhất về vấn đề đất đai, người dân có thực sự được công bằng trong việc sử dụng đất đai cả trong sản xuất lẫn cả trong khi thu hồi? Đất đai Nhà nước thu hồi để làm các công trình phúc lợi thì nhà nước cần có chính sách đền bù hợp lý, sát với giá thị trường và giải quyết công ăn việc làm cho người dân, còn nếu thu hồi đất đai cho các doanh nghiệp thì phải đền bù theo giá thị trường, họ phải được tham gia ngay từ đầu quá trình thương thảo đó. Thêm nữa, tạo điều kiện để cho người nông dân tích tụ ruộng đất, tạo ra sản xuất hàng hóa lớn, mà trước hết cần tổ chức dồn điền đổi thửa, tạo ra sản xuất liền vùng, tổ chức về cơ giới hóa, chế biến và tiêu thụ nông sản cho nông dân… Cần thiết kế một nền sản xuất nông nghiệp bền vững; đào tạo về nghề nông một cách khoa học cho nông dân để họ sản xuất được nhiều hàng hóa hơn, có giá trị cao và bền vững. Xin cảm ơn ông!