Home Chuyện trò KHI ĐAM MÊ TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC SỐNG

KHI ĐAM MÊ TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC SỐNG

by Lê Ngọc Sơn

Động lực qua góc nhìn của chuyên gia kinh tế – TS. Alan Phan chia sẻ câu chuyện từ chính cuộc đời mình…

Thay đổi tư duy, thay đổi cuộc đời

Thưa ông, trong cuộc đời của mình có những bước ngoặt nào khiến ông nhớ mãi?

TS. Alan Phan: Trước 30/4/1975, tôi là một doanh nhân khá có tiếng ở đất Sài Gòn. Lúc đó là chủ một vài công ty, dưới có khoảng 20 ngàn nhân viên. Có thể nói như vậy là thành công. Nhưng rồi sự kiện 30/4/1975 xảy ra, đó cũng là một biến cố xảy đến với gia đình tôi: Một ngày đẹp trời mọi thứ biến mất. Gia đình tôi ra Hạm đội 7 và lên tàu qua đảo Guam.

Tôi nhớ cái cảm giác của tôi lúc đó. Lúc đó tôi mất hết, vài triệu đô la là số tiền lớn vào thời đó. Với không ít người, đó là là cứ shock khá đáng kể. Nhưng với tôi, trong buổi sáng, một mình bên bãi biển, tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm. Tôi mất hết nhưng điều lạ là thấy sự thanh bình tuyệt diệu. Lúc trước ở Sài Gòn, sáng sớm 6h hai cô thư ký đã đến bàn đủ thứ công việc. Nhưng hôm đó 4h sáng ngồi ở bãi biển Guam. Không ai quấy rầy, không có chương trình, không có gì để làm cả ngày,  thấy sao lòng nhẹ nhõm, sao đời hạnh phúc như thế này. Trong khi đó bà vợ cũ của tôi thì nằm khóc thút thít vì mất hết tiền bạc, sản nghiệp. Khi qua Mỹ, tôi rời trại tị nạn sớm nhất. Và lúc ấy trong túi chỉ có vài trăm đô la. Chính xác là 4 trăm đô la, một bà vợ, một đứa con và ở tạm căn hộ đằng sau của một nhà thờ.

Lúc đó tôi không buồn bã chuyện mất mát, mà lấy một tập giấy hí hoáy kế hoạch xem bây giờ phải làm gì để kiếm tiền, làm thế nào để có một sự nghiệp khác. Bắt đầu lại – đó là thái độ của tôi với biến cố đó của đời mình.

Làm moderator trong buổi đối thoại giữa SV Hà Nội với Alan Phan. Không thích cái tên chương trình lắm, nhưng cũng vui

Làm moderator trong buổi đối thoại giữa SV và doanh nhân trẻ Hà Nội với Alan Phan. Không thích cái tên chương trình mà BTC đặt lắm, vì nó có vẻ hơi “nổ”, nhưng cũng vui….

Ông đã chứng kiến những ai thiếu động lực và bỏ mặc cuộc đời mình cho bão táp số phận cuốn đi chưa?

Kể đâu xa, trong gia đình tôi, tôi có người em trai và người em gái. Có thể nói, sinh ra trong một môi trường gần như giống nhau, cũng bố mẹ đó, cách nhau khoảng 3-4 tuổi. Có thể nói là không khác nhiều lắm. Tuy nhiên mỗi người một số phận khác nhau. Em trai tôi thua tôi 5 tuổi, lúc đó cậu ấy vừa mới tốt nghiệp ngành luật sư. Nó thấy đời tự nhiên hụt hẫng, mất mát tất cả mọi thứ khi qua Mỹ chỉ vì không còn được hành nghề luật sư nữa. Cái bằng đó vô dụng, bao nhiêu năm học tập mất hết. Có thể nếu bắt đầu lại nó cậu yếu thế, khó khăn. Cho nên thái độ của cậu ấy rất tiêu cực. Lúc đó cậu bắt đầu bỏ bê, hút sách, nhậu nhẹt… Vì cậu nghĩ đời cậu bỏ đi. Và thực sự khi đã nghĩ mình là bỏ đi, thì cuộc đời bỏ đi thật. Với lối tư duy như vậy, con người ta có thể đoán được cái kết cục của cuộc đời. Đó là một thái độ khác dù chúng tôi cùng trong một gia đình, cùng đối diện với một biến cố. Trong khi đó cô em gái tôi ngược lại. Cô cũng không có gì tích cực lắm. Trước đó cô hành nghề luật sư tương đối tốt, nhà cửa cũng rộng rãi ở Sài Gòn. Khi mất hết, cô qua Mỹ và đi học lại. Lúc đó Chính phủ Mỹ cho vay đi học. Cô nhận thấy mình nói tiếng Anh Mỹ không giỏi lắm thì không học luật sư nữa, mà học kế toán. Mấy chục năm sau, cô là nhân viên cao cấp của hãng kiểm toán KPMG, đời sống thoải mái, có thể nói khá giả hơn người bình thường.

Còn tôi, sau biến cố, tôi bận rộn với chương trình mới của mình. Mình nghĩ đến việc trước mặt, nghĩ cách làm thế nào để đời sống phong phú, hào hứng. Lúc đó, tôi có dịp để chứng tỏ lại mình. Bây giờ bắt đầu như một trang giấy mới, rất thoải mái. Thái độ của mình quyết định định mệnh của mình.

Như vậy, để nói rằng, ba anh em nhưng ba số phận khác nhau, tất cả đều thay đổi nhờ thái độ sống lạc quan hay bi quan…

Theo ông, đâu là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của những người trẻ mới lập nghiệp?

Theo tôi, có hai yếu tố chính để quyết định sự thành công hay thất bại của các bạn trẻ khi lập nghiệp. Thứ nhất là phải có đam mê: Một thực tế là không có gì dễ dàng trong hành trình cuộc đời của mỗi chúng ta, trừ những người có số may mắn, còn lại đều phải làm việc cật lực. Cuộc sống sẽ luôn có những khó khăn này đến khó khăn khác, nếu mình không đam mê sẽ dễ bỏ cuộc. Cho nên cần đam mê công việc như một cái sở thích. Ví dụ, với tôi, việc kinh doanh giống như sáng sớm tôi đánh tenis: lúc thì đánh thắng, lúc thì thua, không quan trọng, quan trọng là mình được chơi một trò chơi. Đó là cái đam mê. Ông Edison ông làm ra bóng điện, ông làm cả ngàn lần thất bại, nhưng ông làm hoài rồi cũng có được một phát minh lịch sử – đó là tạo ra được bóng điện, và chúng ta giờ đây không thắp nến mỗi đêm là nhờ một anh chàng đam mê như thế. Có đam mê thì mới theo đuổi công việc đến cùng. Không có đam mê thì không có thành công bền vững và lâu dài. Thứ hai là kiên nhẫn: Không kiên nhẫn thì thế nào, tới một lúc nào đó mình xoa tay thôi quên nó đi. Phải biết chờ thời. Cũng như mình đi trên đường đời mình không biết khúc ngoặt ở đằng trước là gì, nhưng đôi khi khúc khoặt có thể đem đến cả một tương lai tươi sáng mà mình không thể tưởng tượng được. Ví dụ, Năm 1968, sau 5 năm lấy bằng Master ở nước ngoài thì tôi về Việt Nam, lúc đó tôi nghĩ mình chỉ thích làm nghề dạy học, không biết mình thích kinh doanh. Một đêm tôi hẹn hò với một cô đào, nhưng đến giờ hẹn chờ mãi không thấy cô ấy đến. Tôi nhìn qua bên cạnh thấy một người Mỹ lật bản đồ Sài Gòn, tôi hỏi có cần giúp không? Từ mối quen biết  này, đã tạo dựng cho tôi một sự nghiệp sau đó.

Thế nên, mình không thể ngờ được bước ngoặt ở tương lai của mình, nó sẽ đưa mình đi tới đâu. Có thể tươi sáng, nhưng cũng có thể đi xuống hố. Nhưng mà cứ phải tiếp tục đi, xuống hố thì lại leo lên, đi tiếp. Tới một lúc nào đó, trong cái phút bất ngờ nhất, mình tự nhiên trở thành “người hùng của thời thế” cũng không biết chừng. Cho nên đam mê và kiên nhẫn tiếp tục đi, tiếp tục cuộc chơi.

Hãy xem thất bại là bạn…

Nhưng có một thực tế là không phải người trẻ nào cũng biết được mình đam mê cái gì, và kiên nhẫn cho điều gì, nhiều người muốn khởi nghiệp và khởi sự nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu…

Tất nhiên mình cần phải biết mình đam mê điều gì chứ: Mình có thể trở thành một anh nông dân làm vườn, một kỹ sư, chứ không phải lúc nào cũng cần là đại gia, có nhiều tiền… có những điều hạnh phúc rất là giản đơn. Nhưng mình phải biết cái mình muốn là gì, chứ không phải mình chạy theo cái trào lưu của xã hội. Cái xã hội đưa ra có phải mục tiêu của mình không, nếu không phải mục tiêu của mình thì phải xắn tay áo lên đi tìm. Không có gì trở ngại, lo lắng, nhưng phải biết mình muốn gì. Khi biết mình muốn gì thì bước tiếp là phải đặt kế hoạch. Đặt kế hoạch không phải viết ra vài ba trang giấy rồi nói “đây là kế hoạch của tôi”. Kế hoạch là phải thật chi tiết, rõ ràng. Khi kinh doanh chẳng hạn, mình biết rõ thị trường thế nào, mình muốn như thế nào, sản phẩm của mình là gì, dịch vụ cung cấp ra sao, ai là đối thủ cạnh tranh, lợi thế cạnh tranh của tôi là gì, tôi có những thế mạnh gì,… phải chi tiết, phải thực tế, đừng hoang tưởng.alan (1)

 Kế hoạch rất chi tiết sẽ giúp cho người trẻ ra quyết định sáng suốt hơn?

Đúng vậy! Sau khi có kế hoạch rõ ràng, tiếp đó sẽ phân tích việc mình phải đối mặt với cái gì, phân tích tài chính chi tiết. Tôi có bao nhiêu tiền, tôi hy vọng sẽ kiếm được bao nhiêu doanh thu sau bao nhiêu tháng?! Vì nếu làm ăn mà không có lợi thì đi… làm công chức cho rồi. Ý tôi nói là phải có một phân tích tài chính, không ảo tưởng, mù mờ. Sau khi có đam mê thì đặt kế hoạch đi từ A đến B, sau đó tìm mạng lưới để hợp tác phát triển. Mạng lưới gồm những đối tác mà họ có thể giúp bù đắp những cái mình còn thiếu. Mạng lưới gồm những người lớn tuổi, họ có thì giờ, họ sẽ tư vấn cho mình, cho mình những lời khuyên tốt đẹp. Mạng lưới là những mối quan hệ (những người giỏi về IT, giỏi về tài chính…) sẽ nâng đỡ mình.

Sau đó là kiến thức, làm gì cũng phải có kiến thức. Đi tìm, học, đọc…. Tiếp nữa là sức khỏe. Làm gì cũng phải có sức khỏe. Sau gần hai chục năm sống bên Trung Quốc, tôi muốn về Mỹ vì nghĩ ở đó còn nhiều cơ hội. Tôi gặp lại những bạn cũ, và quả đúng, tôi thấy Mỹ có quá nhiều cơ hội, rất năng động, sáng tạo. Phải nói là sáng tạo khủng khiếp. Cuối cùng tôi không ở Mỹ, vì sức khỏe tôi không còn nữa. Tôi không thể làm những chuyện như cách đây mấy chục năm nữa.

Làm việc với những người trẻ ở ta, ông thấy đâu là điểm cần khắc phục nhất ở họ?

Khi trở về Việt Nam làm việc, tôi nhận thấy thấy 3 yếu điểm nhất của một bộ phận không nhỏ giới trẻ VN cũng như của giới doanh nhân VN, tôi muốn tư duy của các bạn tránh vết xe đổ này, bởi đó là kẻ thù của các bạn.

Thứ nhất là lười biếng. Chuyện copy-paste, chuyện lười học… là có thật. Đi đến các trường đại học Mỹ thấy sinh viên cầm sách đọc bất cứ lúc nào rảnh, còn mình thì không ít người thích la cà “chém gió”, tối đi nhậu. Đó là việc lười về tận dụng thời giờ, còn có cái lười tệ hại hơn là lười suy nghĩ. Người ta nói sao nghe vậy, không bao giờ đặt lại câu hỏi “tại sao nó lại như vậy”, và “nó thực sự có phải như vậy không?” Tất nhiên các bạn ở đây cũng có một điều kém may mắn là khi lớn lên đã nằm trong một cái hộp và được bảo “nằm im đó”. Gia đình đặt vào, bạn bè đặt vào, xã hội cũng thế… suốt ngày ở trong cái hộp. Hãy đứng dậy đi ra khỏi cái hộp suy nghĩ và tìm tòi. Hiện nay, cuộc cách mạng lớn nhất là Google, nó mang lại kiến thức cho bất kỳ những người nào muốn tìm tòi. Ngày xưa tôi đi tìm đề tài, tôi leo lên thư viện lục tìm sách rất mệt mỏi, nhưng bây giờ tôi chỉ cần nằm nhà bấm bàn phím là có cả ngàn dữ kiện về bất cứ đề tài nào, kể cả chuyện… tán gái (Cười).

Thứ hai kẻ thù khác là ỷ lại. Không ít bạn trẻ vì được bố mẹ nuông chiều, thành ra ỷ lại, đến khi ra làm việc ỷ lại vào nhà nước, cơ chế xin-cho, dựa vào những quan hệ… Các bạn mất rất nhiều để tạo dựng cái quan hệ, thay vì tạo dựng sản phẩm, tạo dựng niềm tin cho khách hàng… Thói ỷ lại là kẻ thù của các bạn trẻ.

Thứ ba là dễ thất vọng, và bỏ cuộc. Bất cứ hành trình nào cũng có khó khăn, cam go, thử thách, nhưng phải coi những thất bại là bạn bè, thay vì là kẻ thù. Tôi trân trọng sự thất bại, vì nó cho mình nhiều thứ. Mình thành công, say men chiến thắng, mình tưởng mình bất bại,… tạo cho người ta một tính cách tự kiêu, tự đắc, dễ hại mình. Trong khi thất bại cho mình sự suy nghĩ, làm cho mình một chút đủ nhục để kích thích lòng tự trọng, và khi mình chiến thắng thì cảm giác huy hoàng hơn. Cho nên đừng sợ thất bại. Thất bại là những người bạn chứ không phải là kẻ thù.

Tôi tin rằng, khắc phục được 3 điểm trên sẽ giúp cho sự nghiệp tương lai của các bạn trẻ đi rất xa.

Xin cảm ơn ông!

Lê Ngọc Sơn (Thực hiện)

Rải băng: Lệ Quyên

Khuyến khích đọc bài đã biên tập kỹ và đăng trên báo SVVN tuần vừa rồi.
Bài này nằm trong chuỗi bài “Động lực cho người trẻ”.
Xin mua báo đọc bài tiếp theo: “Động lực tích cực chỉ đến từ những giấc mơ cao cả”. Trò chuyện với 
ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED.

You may also like