Home Chuyện trò TRIẾT LÝ “BẢO TOÀN” CỦA MỘT NGƯỜI TÀI HOA

TRIẾT LÝ “BẢO TOÀN” CỦA MỘT NGƯỜI TÀI HOA

by Lê Ngọc Sơn

Hội đồng Thi đua – Khen thưởng T.P Hà Nội vừa họp, xét và đề nghị thành phố xét tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2013 cho 10 cá nhân, trong đó có nhà sử học Lê Văn Lan. Nhân dịp này, SVVN có cuộc trò chuyện với ông về một thời trẻ tuổi hào hoa và đào hoa của ông…

Thiếu gia chơi ghi-ta…

Thưa ông, thời điểm ta tiếp quản Thủ đô, ông đang làm gì?

Thời điểm đó, tôi là học sinh nội thành tạm chiếm và là học sinh khóa tú tài (tòan phần) cuối cùng. Lúc đó Thủ đô giải phóng (nhưng thời điểm ấy không gọi là “giải phóng”, mà gọi là “tiếp quản”), giải phóng trong hoàn cảnh cay nghiệt: gia đình tôi sống trong vùng tạm chiếm nhưng chia đôi, một nửa đi kháng chiến, một nửa ở lại. Thằng con út như tôi thì sống trong tạm chiến với mẹ, còn các anh đi kháng chiến. Sau khi ký kết Hiệp định Genève 1954, đất nước chia đôi, gia đình tôi lại một nửa gia đình vào Nam, một nửa ở lại Hà Nội. Tôi ở lại Hà Nội, gia đình khá giả, tên tài sản của gia đình (do tôi đứng tên) có 7 cái nhà ở Hà Nội, và không phải là nhà thường mà toàn là nhà 3 – 4 tầng, biệt thự, cửa hàng,… Lập tức ngay sau khi giải phóng, gia đình tôi được nhận là thành phần tư sản. Sau đó nổ ra phong trào cải tạo tư sản.

Trong cuộc đời mình, ông thấy giai đoạn nào để lại ấn tượng nhiều nhất?

Đó là thời mười tám đôi mươi. Năm 1956 tôi vào Đại học Tổng hợp khóa đầu, lúc ấy chỉ có 4 hệ/khoa chứ không nhiều như bây giờ. Khoa thứ nhất là khoa Sử, nhưng không gọi là khoa mà gọi là hệ Sử, thứ 2 là hệ Văn, thứ 3 là hệ Sinh – Hóa, khoa thứ 4 là hệ Toán – Lý. Mà hệ Sử của chúng tôi lúc đó, chủ nhiệm là Giáo sư Trần Đức Thảo. Khóa ấy có 80 người “đánh trống ghi tên”, ai muốn vào thì vào, không phải thi cử gì cả vì lúc ấy trường mở nhiều quá, thiếu người học. Trong lớp còn có thêm cả những cán bộ có thành tích nên được đi học, nhưng bắt các ông ấy ngồi nghe những bài học cao siêu như của cụ Cao Xuân Huy giảng về triết học thì các ông ấy ngủ. Thế nên có những kỷ niệm rất vui: Một hôm, hệ trưởng Trần Đức Thảo, gọi tôi – là cán bộ lớp – lên văn phòng hệ/khoa, vừa bước vào phòng câu đầu tiên thầy bảo: “Này Lan, lớp em có ai là Tạ Đình Đồng không?”. –“Thưa thầy có ạ”, tôi trả lời. – “Trò về bảo với trò Đồng rằng giờ học cụ Huy có ngủ thì cứ ngủ nhưng không được ngáy to như thế, nghe chưa?”. Học hành thời ấy vui như vậy. Về sau Tạ Đình Đồng vẫn ra trường và tốt nghiệp, trở thành Phó Giám đốc nhà xuất bản Sự Thật (Cười). Đó là những kỷ niệm trong trẻo, đáng nhớ của thời sinh viên, tuổi trẻ.

le van lan

Với ông tại nhà riêng – Ảnh: Phương Lê – Phượng Ớt

Gia đình ông được ghi nhận là từng rất giàu có. Tôi tò mò là gia đình ông làm nghề gì mà giàu đến vậy?

Tôi đã từng ngồi trong cái thúng theo mẹ đi tản cư, rồi trở về sống trong tạm chiến, lúc ấy bố tôi không còn. Bố tôi là học trò cụ Can (Lương Văn Can), nhưng sau phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục thất bại, cụ quay sang làm nghề thuốc đông y, cụ mở một của hàng ở phố hàng Đậu. Bây giờ cái cửa hàng mà trước đây là nhà của tôi trở thành trụ sở của ngân hàng Bắc Á khá đồ sộ. Tôi còn nhớ, vì lúc bé tuổi thơ tôi gắn với căn nhà ấy. Cái nhà ấy, có biển hiệu là Xuân Sinh. Bố tôi giỏi chữ Nho, trong 8 chữ: Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu thâu, Đông tàn (mùa xuân thì sinh sôi, hạ lớn lên, thu thì thu hoạch, đông thì cất giữ), thân phụ của tôi nảy ra ý định ghép 2 cái chữ Xuân Sinh, làm tên hiệu của cụ. Còn mẹ tôi là chủ của một cửa hàng kinh doanh ngũ cốc: gạo, đậu, ngô, đều ở cái phố Hàng Đậu cả.

Vì thế mới có chuyện: mải làm ăn buôn bán, giàu có, nên khi 48 tuổi mới mang thai tôi, cụ rất ngại, cụ nén bụng lại đi hoạt động kinh doanh. Đến lúc đau đẻ dữ dội cụ mới chạy từ phố Hàng Đậu sang phố Hàng Cót và sinh tôi ở đấy. Bây giờ vẫn còn cái giấy khai sinh ghi rõ chỗ đẻ tôi là số 40 phố Hàng Cót. Như vậy kinh doanh từ cái thời trước cách mạng đã là giàu như thế rồi và với cái sự giàu sang đấy, khi cách mạng cần, thì rất giống trường hợp ông Trịnh Văn Bô (một doanh nhân nổi tiếng thời đó – PV), đem tài sản cho Nhà nước.

Thế rồi, đến thời ta tiếp quản Thủ đô, gia đình tôi lại quay lại làm trên cái nghề ấy và giàu lắm. Tôi có riêng một cái ôtô hiệu Renault 4 mã lực lái đi học. Đi thi tú tài, mà mang guốc gỗ mặc áo the, tự lái xe rất là… “ngổ ngáo” (Cười). Hồi đó cả 2 phần: vấn đáp và viết. Tôi lừng lững như thế vào buồng thi, ông thầy thấy cái thằng “ngổ ngáo” như tôi là ông ấy ghét, muốn đánh trượt rồi, nhưng mà cuối cùng tôi vẫn đỗ ưu. Năm đó tôi 18 tuổi (1954).

 Vậy thời sinh viên của một thiếu gia ắt phải hào sảng lắm…

Hồi tôi học năm thứ nhất, rất thích những bài giảng triết học của thầy Cao Xuân Huy. Say mê lắm. Đến giờ giảng triết (thực ra là nói chuyện chính trị) của mấy thầy ở Đại Học Bắc Kinh qua giảng thì tất cả 4 khoa/hệ kéo nhau lên đại giảng đường (bây giờ là hội trường Ngụy Như  Kon Tum  ở phố Lê Thánh Tông). Tôi bao giờ cũng trèo lên ngồi tầng trên lẫn lộn với các khoa khác, để cho trưởng lớp ghi tên sau đó 15 phút thì lén lén chuồn ra khỏi giảng đường, ở ngoài đã có mấy thằng bạn chờ sẵn rồi. Trong đó có ông bạn sau này là nhiếp ảnh gia rất nổi tiếng làm cho Thông tấn xã VN, cậu ấy ôm Contrabass (đại hồ cầm) chờ sẵn. Mấy cậu khác thì cầm hộ cho tôi cái đàn guitar Hawaii (phiên âm sang tiếng Việt lúc đó là “hạ uy cầm” – PV), và tôi là sếp – nhạc trưởng của một dàn nhạc. Hồi đấy tôi lập ra dàn nhạc có tên Hương Nam (tức là “hương sắc của Phương Nam”), nhưng có mấy thằng xỏ lá nào đó đã thêm dấu sắc trên chữ Hương ở cái pa-nô đặt quảng cáo của dàn nhạc, thành “Hướng Nam”. Lập tức công an đến hỏi ngay, trong hoàn cảnh đất nước chia cắt như thế này, “Hướng Nam” của các anh là có ý nghĩa gì?” Thế là phải đi giải thích… Ngày đó, tôi đánh 30 phút ở Rạp EDEN (tức là Rạp Công Nhân trên đường Tràng Tiền bây giờ – PV). Khi ấy rạp này có chương trình chiếu phim ban ngày vào 3h chiều, trước 3h chiều rạp có nửa tiếng chơi nhạc để gọi khách, thế là họ thuê dàn nhạc của tôi (toàn là sinh viên) đánh nhạc trong 30 phút.

Một thời hào hoa lắm. Tôi với Qúy Dương, Trần Hiếu và một người bạn nữa tên thường gọi là Hải Chảy. Bốn anh em sáng lập đoàn hợp xướng, bây giờ vẫn còn nhiều kỷ vật lưu ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Lúc ấy Văn Cao, Đặng Đình Hưng (chồng của Thái Thị Liên, bố của Đặng Thái Sơn) viết nhạc cho đoàn hợp xướng của tôi. Sau đó, đến lúc Nhà nước mở các trường thì Quý Dương và Trần Hiếu vào trường âm nhạc, còn tôi vào  ĐH Tổng hợp.

Nghĩa là ở thời trẻ căng tràn đó, ông đã là một tay guitar chuyên nghiệp và kiếm được tiền rồi?

Hồi đó tôi chơi Guitar Hawaii, nhưng trong đoàn không có ca sĩ, nên phải thuê cô Huyền Nga, lúc ấy cô là danh ca của Đoàn Văn công Hà Nội. Cô ấy đẹp lắm. Ra sân khấu chớp chớp mắt một cái rồi thì “Em đến thăm anh một chiều mưa”, tôi thì vuốt guitar theo, cả người cả rạp mê mẩn ngẩn ngơ. Nhưng mà khi xong thì lĩnh tiền được 7 đồng. Cô Huyền Nga bảo là: “Tôi là ca sĩ chính, tôi lấy 4 đồng còn 5 người các anh chia nhau 3 đồng”. Thế  là mỗi thằng chỉ có mấy hào thôi, nhưng một bữa ăn chỉ có 3 hào thôi, nên dù có mấy hào cũng sống được.

http://www.youtube.com/watch?v=wztcgWRCads

Tôi đạp xe xuống tận khu Thái Ấp (khu vực phố Thái Hà ngày nay) hồi ấy trường học sinh miền Nam do vợ ông Nguyễn An Ninh là Hiệu trưởng. Bà thuê tôi vào dạy bổ túc văn hóa cho các giáo viên miền Nam tập kết cũng được 16 đồng 5 hào. Như vậy, tổng cộng mỗi tháng tôi kiếm được khoảng hơn 20 đồng, mà ăn một tháng chỉ hết cỡ 18 đồng thôi, vậy là còn thừa tiền tiêu! (Cười)

Cứ “toàn quân” đi, xôi chè còn phía trước

Hồi đấy đã là một nghệ sĩ guitar chuyên nghiệp, hẳn ông phải đào hoa và không ít cô gái theo đuổi?

Thời ấy cũng có nhiều cô theo, nhưng vì là con nhà giàu lại học giỏi, tôi thấy hơi “mắc bệnh”… “Yết Kiêu” (từ này ra đời khoảng mươi năm sau đó, chỉ những người kiêu không thèm để ý đến sự quan tâm của người khác giới). Tôi còn nhớ kỉ niệm như in: Tôi hay bị ốm vì “vỡ da” để chuyển từ thiếu niên sang thanh niên, nên đến khám bệnh ở một phòng mạch tư của một ông bác sĩ tên là Lê Nhân Nghĩa trên phố Hàng Điếu. Trong phòng mạch có một cô y tá phục vụ. Tôi đến khám bệnh và tiêm thuốc ở đấy. Một hôm, khám bệnh và tiêm thuốc xong rồi thì trời mưa sầm. Tôi phải đứng ở cửa vịn tay vào cái cửa sắt có kính. Cô ấy tới và áp cả cái bầu ngực vào tay. Cửa kính lạnh thế này mà cái tay cứ giữ nguyên không dám cựa quậy chút nào. Tôi vẫn còn nhớ cái nóng bỏng của thời khắc ấy. Nhưng thanh niên lúc ấy khác bây giờ. Hồi đó cái đạo lý nam nữ thụ thụ bất thân vẫn còn thịnh hành lắm, nên sau tôi về viết nhật ký và tự hỏi sao ả ta lại như thế nhỉ?. Tôi thấy mình là đại biểu gàn dở cho cái thời gàn dở (Cười).

Thế ông hành xử thế nào nếu… thất tình?

Thất bại trong tình yêu rồi thì đừng có cầm dao đi giết tình địch để trả thù, đừng có chửi bới hay ăn vạ. Hãy “Toàn quân”. Tức là bảo toàn được cái sự tồn tại của mình rồi thì sau này biết đâu người tình mà bây giờ mình mất, sau này sẽ lại trở về bên mình?! Và rồi lại bao nhiêu chuyện tình khác rồi sẽ đến. Chứ việc gì vì một cơn giận mà đánh mất những cơ hội ngọt ngào ở tương lai. Người xưa có câu: “Trời còn để sống thì thôi/ Rồi ra có lúc no xôi chán chè”. Cứ “Toàn quân” đi, “xôi chè” còn ở phía trước.

Có vẻ ông là người đào hoa hơn vẻ bề ngoài người ta đang thấy. Ông có thể kể về một mối tình khiến ông khó quên?

Tôi có một thời gian ở tù, tôi vào Hỏa Lò, Trại 13. Nằm đúng vào cái buồng mà ông anh thứ tư của tôi hoạt động cách mạng bị Tây bắt cũng nhốt vào đây. Tôi bị bắt vào phòng tù đó từ năm 1965-1966. Lúc đó, tôi là thằng mặt trắng gầy guộc mới hai mấy tuổi, các ông quản giáo nhìn mặt của tôi rồi chọn cho làm Trại trưởng. Bây giờ tôi vẫn khai lý lịch chức vụ cao nhất đợt đấy là Trại trưởng Trại 13. Ở nhà tù có một y sĩ trưởng xinh đẹp lắm, là con của một quan chức cấp cao hồi đó. Cứ mỗi sáng cô ý đến khám bệnh cho các tù nhân. Cô ý ngồi ghế cao. Trước mặt cô cũng là một cái bàn cao còn những người tù phải ngồi những ghế thấp, và ngước mắt lên gọi cô ấy: “Thưa bà, tôi thế này thế kia…”, đấy là công thức, là qui định. Tôi ở tù được đến tháng thứ 2 thì ốm liệt một chỗ ở bể xi-măng. Trong tù, mỗi khi cửa sắt sập xuống là đêm tối dằng dặc. Anh em không ngủ được thì tôi kể chuyện lịch sử, nên họ rất phục và quý Trại trưởng 13. Họ báo cho y tá trưởng biết có một tù nhân ốm nằm nhưng không ra khám bệnh. Thế là cuối cùng cô ấy phá nội qui đi vào trong trại giam và đến chỗ tôi. Câu đầu tiên hỏi là: “Tại sao anh không ra khám bệnh?”. Vẫn còn cái tính “Yết Kiêu” của một kẻ hào hoa, nên tôi trả lời: Tôi không ra khám đơn giản vì tôi không thích gọi một cô gái trẻ  xinh đẹp bằng “bà”. Thế là hình như vì thế cô ấy có vẻ “choáng” và từ đấy thường xuyên vào chăm sóc. Là con một quan chức, nên cô ấy tạo điều kiện cho tôi gửi một bức thư bí mật bé xíu, và chính tay cô ấy cầm ra rồi chuyển cái thư ấy đến ông Phạm Văn Đồng. Sau đó tôi được ra tù, và với tình nghĩa như thế chúng tôi đến với nhau, dù rằng lúc đó tôi đã có vợ con rồi, cô ấy còn cách tôi đến cả chục tuổi. Một mối tình rất… ghê gớm.

Yêu nhau được 5-6 năm, cho đến lúc cô ấy 28 tuổi, thì cô ấy nói rằng: “Một là anh bỏ vợ và lấy em, hai là em phải đi lấy chồng”. Và tôi đành để cô ấy đi lấy chồng, vì tôi là người theo đạo Tin lành, và đạo có 10 điều răn trong đó chồng không được bỏ vợ, vợ không được bỏ chồng. Cô ý cũng thấy điều đó là hợp lý và đi lấy chồng. Nhưng từ đó về sau, cứ đến ngày sinh nhật của tôi (28 tháng 5), thì cô ấy lẳng lặng cho người mang quà đến. Còn tôi cũng không muốn can thiệp vào gia đình của cô ấy. Theo tôi, đã là yêu thì phải yêu cho hết mình, đầy đủ và trách nhiệm thậm chí mất tình yêu cũng là vì trách nhiệm.

Ông có “giải mã” được vì sao mình đào hoa đến vậy?

Yêu là yêu nhưng phải kèm theo các phẩm chất khác, trong đó có trách nhiệm. Tôi là người nổi tiếng chiều chuộng phụ nữ. Đi công tác với các trợ lý, hay các nghiên cứu sinh nữ của tôi, tôi thường dặn trước là đến chỗ này sắp có mưa nên phải mang áo mưa. Nhưng họ không mang cái gì cả, đến lúc mưa xuống mới kêu thầy. Lúc đó, tôi luôn có áo mưa cho từng người một.

Thế có nghĩa rằng đã từng có những mối tình với học trò của mình?

Cực nhiều! Nhưng mà không có điều tiếng gì, và tôi nếu bị vấp ngã trong tình yêu thì cũng không có một sự trách cứ nào. Triết lý “bảo toàn” mà (Cười).

Nếu ông không ngại, thì có thể chia sẻ cảm nhận của ông về chuyện tình cảm thời nay…?

Tôi thấy khủng khiếp quá. Nó khác hẳn cái thời của bọn tôi: yêu nhưng mà phải kèm một số phẩm chất trong đó có trách nhiệm. Bây giờ họ vô trách nhiệm khủng khiếp. Yêu là yêu đúng rồi, nhưng mà còn kèm với cái yêu đó là yêu thể xác của nhau. Yêu là dứt khoát phải ngủ với nhau cơ. Và sau đó là bỏ nhau, chẳng có trách nhiệm gì với nhau cả.

Đời sống tình cảm hiện tại của ông như thế nào?

Tôi bây giờ hoàn toàn là người tự do. Bà vợ tôi mất rồi, bà ấy vẫn được tôi hương khói với tất cả tấm lòng. Tôi vẫn có trách nhiệm với con cháu. Và vẫn có trách nhiệm với những người mà 20 năm hoặc hơn 20 năm trước dở dang. (Cười). Bí quyết là “bảo toàn”!

 Lê Ngọc Sơn (Thực hiện)
Rải băng: Phương Lê – Phượng Ớt

P/S: Bài đã đăng trên SVVN số 40/2013. Mời bạn đọc bản đã được biên tập trên báo.

You may also like