Ngồi một góc ở một quán cà phê hoài cổ ở Erfurt, Thủ phủ bang Thüringen, CHLB Đức, nhà báo, nhà nghiên cứu truyền thông Lê Ngọc Sơn đã có những chia sẻ với tôi về ý nghĩa của khoảnh khắc hiện tại này: Làm bạn với sự một mình.
Nhà báo, nhà nghiên cứu truyền thông Lê Ngọc Sơn nổi tiếng không chỉ bởi đã viết, dịch nhiều quyển sách giá trị về lĩnh vực truyền thông như Bốn học thuyết truyền thông, Đối thoại chính khách, Hiệu ứng lan truyền, Những ngày đợi nắng, hay chuyên gia tư vấn quản trị khủng hoảng cho nhiều chính trị gia nổi tiếng… anh còn được biết đến là người Việt Nam đầu tiên nghiên cứu bậc tiến sĩ chuyên ngành Truyền thông và Quản trị Khủng hoảng, khoa Khoa học Kinh tế và Truyền thông, Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức. Với những góc nhìn đầy độc đáo trong các tham luận hội thảo chuyên ngành ở Đức, Áo, Czech… Lê Ngọc Sơn xuất hiện trên nhiều kênh truyền hình trong ngoài nước. Hiện nay, anh cũng là chuyên gia tư vấn chiến lược cho nhiều tờ báo tại Đức, đặc biệt là các tờ báo tiếng Việt tại đây.
Thời gian gần đây, Lê Ngọc Sơn đang trong giai đoạn dốc sức hoàn thành chương trình nghiên cứu “Xây dựng một mô hình quản trị các khủng hoảng và thảm họa cho các nước Đông Nam Á“. Anh chia sẻ, lúc này là lúc anh đối diện với sự một mình lớn nhất với những stress, trách nhiệm trong công việc. Trong bài viết này, nhà báo, nhà nghiên cứu truyền thông Lê Ngọc Sơn trò chuyện với Phatgiao.org.vn xung quanh chuyện triết học vô thường và công việc nghiên cứu của anh, về cuốn sách sắp tới anh đang ấp ủ.
Quan niệm của Ngọc Sơn về nghề nghiên cứu truyền thông, đặc biệt trên con đường nghiên cứu ở nước ngoài của anh là thế nào?
Thực ra làm nghiên cứu sinh về bản chất là học cách nghiên cứu, học làm nghề nghiên cứu. Với tôi, chắc hẳn đó là biết làm bạn với “sự một mình” – một cách gọi khác của việc chủ động chọn cô đơn làm bạn. Kể cả trong cuộc sống, tôi lấy sự bình yên làm trọng.
“Sự một mình” trong nghiên cứu học thuật không phải điều gì đáng thương hay chịu đựng, ngược lại đó là cảm giác và trải nghiệm thú vị. Đôi khi một mình không nhất thiết phải tách khỏi đám đông một cách vật lý, mà là dành riêng một không gian tâm tưởng cho mình tự nghĩ suy, chiêm nghiệm, đối thoại với vũ trụ quan của chính mình.
Tôi rất thích một câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh, đại ý: “Mọi người nghĩ rằng sự náo nhiệt là hạnh phúc. Nhưng khi hưng phấn với sự náo nhiệt, bạn không còn bình yên. Trong khi, hạnh phúc thực sự lại dựa trên sự bình yên”.
Hay như Goethe, người Đức được coi là vĩ đại trong lịch sử, vào một buổi chiều 6/9/1780, ông viết trên khung cửa sổ túp lều gỗ trên vùng núi cao Kickelhaln ở Ilmenau câu thơ bất hủ: “Trên tất cả những đỉnh cao là bình yên”. Đó như là một tuyên ngôn triết học của tiền nhân về ý nghĩa thực sự của cuộc sống này vậy! Với tôi, bình yên còn quan trọng hơn là hạnh phúc hay thành công.
Ở trạng thái “một mình”, người ta điềm tĩnh hơn, có thời gian chuyên tâm giải quyết khó khăn trong cuộc sống và học tập: Có khi là một hướng nghiên cứu đang bị tắc ở đâu đó, hay một cuốn sách đang đọc dở. Cũng có thể đó là sự vẩn vơ những ý niệm mình tâm đắc.
Với anh, anh có nghĩ là mình bình yên không?
Trong tử vi Tây phương (Horoscope), mùa sinh của tôi rơi vào cung Thiên Bình. Cung này có biểu tượng là 2 cán cân – một hình ảnh tượng hình đầy ý nghĩa. Đó là hình ảnh của cán cân công lý: Thích sự chính trực, lẽ công bằng. Đó cũng có thể được hiểu là cái cầu bập bênh: Người sinh cung này có xu hướng săn tìm cái tĩnh, tìm sự bình yên, hài hoà; nhưng càng cố đuổi theo hài hoà hay bình yên thì càng động – chạy về phía nào cũng thấy chơi vơi (Cười).
Nhưng rồi chẳng nhẽ lại vuốt ve sự chơi vơi hay ta thán về nó? Nhìn ở một góc độ khác, hoá ra ý nghĩa cuộc sống là trên từng chặng ta đi và săn đuổi lý tưởng sống của mình. Đúng như ai đó nói, hạnh phúc không phải là đích đến, nó là một hành trình. Dừng hành trình, có nghĩa là hạnh phúc khuất núi.
Nhà báo Lê Ngọc Sơn có thời gian cho thiền không ạ, đó là cách nhiều người dùng khi ở một mình?
Thật sự tôi không biết nhiều về thiền lắm. Tôi chỉ làm những gì từ trong sâu thẳm tôi thích thôi. Tôi là người thích sống sâu sắc, thích chiêm nghiệm chính mình nhưng (tự thấy) cũng là người khá hiện đại và trẻ trung trong suy nghĩ.
Tôi thấy tôi như cây cỏ ngoài bìa rừng, thích cô đơn vệ đường, đôi lúc lại nghĩ mình là hạt bụi chơi vơi trong vũ trụ vô thường này… Với tôi, nếu phải lựa chọn lao xao phố thị và tĩnh tại nơi thôn dã, tôi sẽ chọn điều thứ hai. Hiện tại có đau khổ hay sung sướng, tôi vẫn trân quý và sống cho nó.
Vậy, anh muốn đón nhận điều gì khi xem mình là cây cỏ ạ, liệu có phải là nước, gió và mặt trời?
Là: “Mọi thứ vô thường”.
Muốn làm hoa sặc sỡ thì sẽ có người mong ước có, nhưng cũng có thể bị hái làm của riêng của ai đó trong phòng khách của họ. Rồi hoa cũng chỉ là vật bài trí của kẻ khác mà thôi.
Muốn làm mặt trời thì cũng chẳng phải. Người ta thường nhìn vẻ hào nhoáng của mặt trời, mà quên đi sự khổ đau tột cùng của nó. Chẳng phải cái giá của sự toả sáng là phải đốt chính mình cả triệu năm trời đó sao?
Vậy nên, hãy cứ là cây cỏ như bao cỏ cây khác. Ở đó ta là ta, giản đơn và vô thường. Đến có thể làm cây, đi có thể làm hạt bụi.
Chọn là cây, ta có thể bị những vết bầm dập của ai đó dẫm đạp, vết xước của những hòn đá cuộc đời lăn. Nhưng rồi ta – cây cỏ lại vươn lên để tiếp tục ngẩng đầu.
Muốn làm hoa sặc sỡ thì sẽ có người mong ước có, nhưng cũng có thể bị hái làm của riêng của ai đó trong phòng khách của họ. Rồi hoa cũng chỉ là vật bài trí của kẻ khác mà thôi.
Muốn làm mặt trời thì cũng chẳng phải. Người ta thường nhìn vẻ hào nhoáng của mặt trời, mà quên đi sự khổ đau tột cùng của nó. Chẳng phải cái giá của sự toả sáng là phải đốt chính mình cả triệu năm trời đó sao?
Vậy nên, hãy cứ là cây cỏ như bao cỏ cây khác.
Phải chăng đó là cách để anh tôi luyện chính mình!?
Tôi là người thích sự yên bình, thích yên tĩnh để chiêm nghiệm, hơn là hoan hỉ với đám đông. Dù rằng, công việc của tôi – như một nhà báo và nhà nghiên cứu truyền thông – là làm việc với đám đông, hiểu đám đông và tìm cách giao tiếp hiệu quả với họ!
Chọn làm ngọn cỏ bìa rừng, cũng là cách chọn cỏ cây làm thầy của mình. Cỏ cây dạy ta nhiều điều: Dạy ta khiêm nhường, dạy ta tự chữa lành vết thương, và dạy ta sống chung với sự cô đơn hiện hữu.
Có những đoạn đời, tôi bị tổn thương và đau khổ cùng cực, nhưng rồi tôi nói với chính mình: Ê này, ngươi là ngọn cỏ, mà cỏ cây nào cũng có thể tự làm lành vết thương của mình.
Có những đoạn đời, tôi cảm giác cô đơn, trơ trọi chống với bao bão giông, nhưng tôi cũng bảo với chính mình: Ê này, ngươi là cái cây cô đơn bìa rừng, ngọn cỏ ở bìa rừng ngày này qua tháng còn ngẩng cao đầu, vậy cớ sao ngươi lại gục ngã?!
Là một người có nhiều trải nghiệm sống, theo anh, để sống một cuộc sống có ý nghĩa, người trẻ Việt Nam cần phải làm gì?
Về chuyện này, tôi không muốn đưa ra khuyên cho ai cả bởi mỗi người có một lựa chọn cho cuộc sống của mình. Người muốn làm cây cỏ bìa rừng, người muốn làm hoa, kẻ muốn làm cây đại thụ. Đó là lựa chọn của từng cá nhân. Không có mẫu hình nào cho tất cả. Bắt ai đó làm theo thứ người khác muốn, thì chỉ tạo ra đau khổ mà thôi.
Tôi là người thích được trải nghiệm nhiều cuộc sống, vì thế tôi làm khá nhiều nghề. Ngoài những nghề nhiều người biết, chắc ít ai biết ngoài giờ nghiên cứu ở lab, tôi làm bồi bàn hay pha chế trong quán bar. Bởi khi đó, ngoài việc kiếm tiền, ta được trải nghiệm một cuộc sống khác.
Tôi rất thích ngồi quán cà phê này để trò chuyện với chị, vì bên kia là chị bồi bàn – chị ấy cũng là một cảnh sát tư pháp ở thành phố này, chị chọn đi làm bồi sau giờ làm công sở cũng chỉ để muốn sống thêm một cuộc đời khác, thú vị hơn, và bớt chán chường hơn!
Khác hẳn với những thú vui ồn ào, nhiều bạn trẻ đang tìm đọc các sách nói về Phật giáo để có cái nhìn bao dung hơn về cuộc sống. Ngọc Sơn có thích đọc sách Phật giáo không, và tại sao?
Với tôi, đọc sách cũng như thở, phải thở mới sống được nên tôi đọc sách mỗi ngày, thế nên chẳng có gì để nói về việc đọc. Trong dòng sách về triết lý Phật giáo, tôi đặc biệt yêu thích tác gia, Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Với tôi, Phật Giáo được nhìn ở góc độ triết học hơn là một tôn giáo. Phật Giáo như một trường suy nghiệm triết học và ở đó tôi có thể tìm thấy các công cụ lý giải cuộc sống. Theo tôi, Phật Giáo cần được hiểu sâu hơn, nó là công cụ bác học cứu rỗi chúng sinh.
Đọc sách giống như thở, vậy thì viết sách với anh giống như điều gì?
Là cảm giác được chia sẻ điều mình nghĩ, suy tư, chiêm nghiệm. Những câu chữ là là thứ được kiểm định bởi những thang đo và chuẩn mực được kiểm nghiệm của cá nhân. Ở đó, tôi nghĩ đã làm được gì đó có ích vì được chia sẻ kiến thức, quan điểm hay cảm xúc tích cực của mình!
Những ngày cuối năm này, Ngọc Sơn có đang viết cuốn sách nào không và anh yêu mến điều gì nhất ạ?
Tôi đang tập trung viết luận án tiến sĩ, đồng thời có viết một dở cuốn sách chuyên ngành về quản trị khủng hoảng.
Xin cảm ơn Nhà nghiên cứu!
Minh Tuệ (Thực hiện)
(Theo báo Phật Giáo, 12/2019)