Home Góc nhìn Dạy lịch sử Hoàng Sa để tự hào dân tộc

Dạy lịch sử Hoàng Sa để tự hào dân tộc

by Lê Ngọc Sơn

Trước tin Sở Giáo dục Đào tạo Đà Nẵng sẽ chính thức đưa lịch sử, địa lý, văn hóa về Hoàng Sa vào chương trình giảng dạy chính khóa trong trường học từ đầu năm học 2009 – 2010 hẳn sẽ có rất nhiều người rưng rưng xúc động.

Có thể ta chưa từng đặt chân tới đó, nhưng nhắc đến những từ Trường Sa, Hoàng Sa như là chạm đến những xúc cảm thiêng liêng!

Con gà sinh ra đã biết nghe tiếng diều hâu phải cảnh giác, con thỏ sinh ra đã biết tự vệ với cáo chồn. Bản năng tự vệ luôn giúp ta ý thức và bảo vệ mình trước những nguy cơ rình rập. Nhưng nếu chỉ để bản năng thức tỉnh thì hẳn chưa đủ, mà đó còn là nhờ sự dạy dỗ, nhắc nhở tiếp nối từ thế hệ này với thế hệ khác. Môn lịch sử sinh ra để làm sứ mệnh đó.

Lịch sử dạy cho ta biết những mưu lược của những thế hệ đi trước trong việc đánh đổ ách thống trị của ngoại bang; lịch sử nuôi cho ta ngọn lửa tự hào vì trong mình có dòng máu rồng tiên, nhắc cho ta biết đoàn kết vì tất cả người dân Việt từ một “bọc trứng” mà ra, và từ đó mới có 2 từ đồng bào thân thương.

Để có được thế núi, hình sông này ngay từ thời khai phương mở cõi, 100 người con của cha Lạc, mẹ Âu đã chia nhau xuống biển, lên rừng khẩn hoang bờ cõi.

Và sự thật là, lịch sử đã dạy cho ta cần cảnh giác trước một Lê Chiêu Thống “cõng rắn cắn gà nhà, rước voi giày mã tổ”, dạy cho ta phải yêu cái quyết tâm của người phụ nữ Việt Nam “còn cái lai quần cũng đánh” bọn xâm lược ngoại bang.

Mỗi bước ta đi trên mảnh đất chữ S này đều đượm những cổ tích. Cổ tích nào cũng là những bài học tự vệ từ nước mắt, từ xương máu, từ đau thương.

Lịch sử như một hồ sơ bệnh án, nếu ta quên đi một quãng nào đó của “sức khoẻ” ở thì quá khứ, thì ta đã vô tình từ chối cách “chữa bệnh” cho chính mình ở thì hiện tại, và chẳng ai biết rồi chuyện gì sẽ xảy ra ở thì tương lai.

Do vậy, việc học sử “ôn cố tri tân” luôn cần được coi trọng. Không những thế hệ tương lai của đất nước cần được biết chuyện gì đã xảy ra với dân tộc này, mà họ cần được biết chuyện gì đang xảy ra với đất nước của họ, để mỗi chủ nhân tương lai ý thức được việc giữ vẹn thế núi hình sông này.

Có thể trong quá khứ, lịch sử ấy đầy hoan ca hay bi thương đầy nước mắt, nhưng lịch sử phải là lịch sử. Lịch sử là người phán xét trung thành nhất của thời đại, cho dù việc chép sử không phải là chuyện dễ dàng.

Chính lịch sử giúp ta tự vệ tốt hơn trước những mối nguy cơ rình rập, giúp ta sống có tự trọng hơn, tự hào hơn và tự tôn dân tộc hơn.

Chính nó dạy cho ta phải biết rằng mỗi việc làm hôm nay đều được lịch sử phán xét ở ngày mai, mỗi phán quyết của ta là do ta tự chấm cho mình là có CÔNG hay có TỘI với đất nước này.

* Lê Ngọc Sơn

Bài Sơn viết cho Tuần Việt Nam

You may also like