Home Chuyện trò Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan:

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan:

by Lê Ngọc Sơn

CẢ CUỘC ĐỜI TÔI LÀ TỰ HỌC

Tôi sinh năm Sửu lại long đong vất vả nên anh em thường gọi vui là “con trâu kéo cày”. Dạo còn làm ở Bộ Ngoại giao tôi được phân một chiếc xe La-da màu đỏ, giống xe của lực lượng cứu hoả, nên mọi người gán cho tôi biệt danh là “ông chữa cháy”. Đó là “số phận” rồi, chẳng nên thắc mắc làm chi, được giao việc gì cũng làm, chưa biết thì lao vào mày mò tự học và cố làm bằng được. Tự học để làm việc- đó là điều cho đến nay tôi tâm đắc nhất. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã tâm sự như vậy khi trò chuyện với PV SVVN.

CHUYỆN VỀ NHỮNG “HÀN THỬ BIỂU”

Thưa ông, cuộc sống hiện nay của ông ra sao?

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: Sau Đại hội 10 của Đảng, tôi không còn tham gia Ban Chấp hành Trung ương, và sau đó tôi xin không tham gia Chính phủ tuy còn nhiệm kỳ. Hiện nay tôi không tham gia công tác chung gì của đất nước nữa và đã về hưu hẳn, sống cuộc sống của một người dân bình thường! Thi thoảng, nếu được mời, tôi tham gia một số hội thảo khoa học, đi thuyết trình, giảng bài về những gì mà tôi hiểu biết cho các cơ quan, tổ chức hữu quan… Ngoài ra, có một hoạt động tôi rất thích thú là giao lưu, tiếp xúc với các bạn sinh viên, thanh niên… Vì vậy tôi đã nhận lời mời của Trung ương Đoàn tham gia chương trình “Thắp sáng ước mơ”…

Công việc thường nhật hiện nay của ông là gì?

Mỗi sáng tôi đều lên mạng internet, vào các trang thông tin của các hãng thông tấn, các cơ quan thông tin đại chúng lớn ở trong và ngoài nước đọc xem trên thế giới và ở trong nước xảy ra chuyện gì. Chiều đi bách bộ. Mỗi tuần cố đánh cho được một trận golf để rèn luyện cho sức khoẻ… Ngoài ra tôi đang ghi lại những kinh nghiệm về đối ngoại mà tôi thâu lượm được trong đời để anh chị em trẻ trong ngành ngoại giao tham khảo nếu quan tâm.

Trong những lần tiếp xúc với các bạn trẻ, ông nhận ra được điều gì ở họ?

Cá nhân tôi rất thích được gặp gỡ, chia sẻ với các bạn trẻ, vì ở đó mình được sống lại tuổi trẻ sôi động, nhưng điều quan trọng là lắng nghe xem tâm tư của các bạn trẻ ra sao.

Thanh niên bây giờ khác hẳn thời trước Đổi mới. Họ mạnh dạn hơn nhiều trong việc nêu vấn đề, kể cả những vấn đề gai góc, họ hiểu biết hơn thế hệ chúng tôi nhiều vì họ được tiếp cận nhiều thông tin và kiến thức mới. Tư duy của họ đã vươn lên tầm quốc gia, quốc tế… chứ không bó hẹp trong những băn khoăn riêng tư hay các vấn đề của thế hệ mình…. Có người nói là giới trẻ ngày nay không có lý tưởng, ít quan tâm đến vận mệnh đất nước, hay có chuyện này chuyện kia… Nhưng tôi thấy không phải hoàn toàn như vậy. Nhiều bạn trẻ rất quan tâm tới những vấn đề lớn như vận mệnh của đất nước, thời cuộc trên thế giới, trăn trở về sự tụt hậu của Việt Nam, những bức súc về kinh tế, xã hội…., chứ không chỉ những chuyện vụn vặt.

Phản ứng của ông thế nào trước một “cú” “lật vấn đề” của một bạn sinh viên, tất nhiên là lúc ông còn đương chức?

Với cá nhân tôi, phản ứng đầu tiên là rất thích thú. Bởi vì những câu hỏi “ngược” gợi lên trong đầu mình suy tư: “À, như vậy là có chuyện rồi đây. Phải xem lại vấn đề này như thế nào? Phải trái ra sao? Chỗ nào chưa thật chuẩn, chưa hết nhẽ”. Tóm lại, những “pha lật ngược vấn đề” đó bổ sung cho tư duy của mình. Có nhiều lý do để tôi đối thoại với các bạn trẻ, nhưng một trong những lý do đó là tôi muốn thu nhận chất xám từ lớp trẻ. Những câu hỏi lật ngược vấn đề đã dạy cho tôi rất nhiều điều. Không bao giờ tôi tự ái trước những câu hỏi như vậy cả.

Dù ở cương vị nào thì anh cũng đừng nghĩ rằng mình hiểu hết và biết đúng mọi chuyện. Khi ngồi bệ vệ trên đoàn chủ tịch cuộc họp hay đứng trên bục phát biểu thì cũng không nên chỉ có rao giảng một chiều mà hãy lắng nghe cử tọa vì một mình làm sao thông minh hơn hàng trăm người đối thoại.

Ông nhận định thế nào khi có người nói rằng: Những suy nghĩ và hành động của sinh viên, thanh niên là “hàn thử biểu” của thời cuộc?

Thanh niên, sinh viên cũng là một bộ phận của dân tộc. Tâm tư của mỗi người trong số họ là tấm gương phản chiếu thời cuộc của đất nước. Vả lại, Việt Nam là đất nước rất trẻ, thanh niên chiếm đa số, nên những ý kiến của thanh niên, sinh viên là bức tranh phản chiếu tâm tư của đa số các thành viên trong cộng đồng dân tộc.

Ai cũng nói tương lai của đất nước là của thanh niên. Vậy không để họ nghĩ, cho họ quyết định thì tương lai ấy sẽ ra sao đây, chẳng lẽ thế hệ trước cứ sống mãi để làm hộ thanh niên hay sao?! Loài người có một quy luật muôn đời là thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, tương lai phải do người của tương lai quyết định trên di sản do người quá khứ làm nên… Và muốn nhìn được tương lai thì hãy nhìn vào lớp người làm nên tương lai đó. Nếu không coi trọng lớp người làm nên tương lai thì làm sao có tương lai! Đó là tâm tư thật của tôi.

Có bao giờ ông nghe ý kiến của một người trẻ. Sau hôm ấy về, ông thấy mình trằn trọc mãi không?

Nhiều chứ. Cách tôi giao lưu, tiếp xúc với các bạn thanh niên sinh viên là tôi để cho các bạn tự do bày tỏ chính kiến và hỏi han thoải mái, rồi cùng các bạn ấy trao đổi, bàn bạc thẳng thắn, không né tránh. Có những cuộc trò chuyện có hàng trăm thanh niên sinh viên tham dự, nhiều cuộc kéo dài từ 8 giờ sáng cho đến 12 giờ trưa.

Nhiều ý kiến của các bạn thanh niên, sinh viên làm tôi suy nghĩ rất nhiều, để lại trong tôi ấn tượng không bao giờ quên. Ví dụ có bạn hỏi: Trên mặt trận ngoại giao, lúc nào các bác cũng nói là mình thắng lợi, liệu có lúc nào thất bại không? Hay cái gì làm nên thành công, cái gì đưa đến thất bại? Cái kiểu thi bằng cách chép bài mẫu có sẵn thì có nên không?… Đó là những thắc mắc, suy tư rất chính đáng. Tôi không thích những ý kiến xuôi chiều, tôi trân trọng những ý kiến ngược chiều vì chúng buộc ta phải nghĩ! Xuôi chiều thì dễ, ngược chiều mới khó (Cười)

Lắng nghe “những thứ ngược chiều” phải chăng là một phẩm chất của ông?

Trong cuộc đời tôi, dù ở cương vị Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, hay Bộ trưởng Thương mại rồi Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng…, tôi không bao giờ áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình. Tôi thường chỉ nêu vấn đề, đặt ra những khía cạnh cần bàn sâu để tất cả mọi người trao đổi. Tốt nhất là lật đi lật lại vấn đề, lật ngược lật xuôi… rồi mình gợi lại, ghi nhận những ý kiến hợp lý, chỉnh sửa những ý kiến còn chưa hoàn chỉnh. Chân lý sinh ra từ những cuộc tranh luận và thực tiễn cuộc sống chứ không phải trong đầu một người nào.

Ở các nước phát triển, chính khách đến nói chuyện với sinh viên các trường đại học là chuyện “như cơm bữa”, và đã thành một nét văn hoá. Còn ở ta thì…

Thực ra mỗi nước, mỗi dân tộc đều có văn hoá riêng. Bên cạnh yếu tố văn hoá còn có ảnh hưởng của cơ chế nữa; hai cái đó trộn với nhau tạo nên một thứ tạm gọi là “văn hoá” mới. Văn hoá gốc của ta là văn hoá của người Á Đông, luôn kín đáo, khiêm tốn, tế nhị… Thêm vào đó, trong một thời gian dài đất nước ta trải qua cơ chế mệnh lệnh quan liêu, làm cho nhiều người co mình lại. Mỗi câu mỗi chữ thường phải cân nhắc đi cân nhắc lại cho kín kẽ, phải viết ra giấy rồi đọc như kiểu các cháu tập đọc trên lớp… Tôi rất băn khoăn khi gặp các em thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu hay các buổi khai giảng năm học mới, các em học sinh cấp một cũng cầm giấy đọc bài viết sẵn tràng giang đại hải. Các chú, các bác cứ nói, các cháu ở dưới cứ việc nói chuyện, nghịch ngợm, chòng ghẹo nhau.

Nhưng bây giờ xã hội ta cởi mở hơn, đồng thời nước ta lại mở cửa, nên ta có điều kiện chắt lọc những cái hay của thiên hạ. Đối thoại trực tiếp là một nét văn hoá chính trị của phương Tây, trong văn hoá đó có những điều hay, nên học hỏi. Một trong những cái hay của nếp văn hóa ấy là tạo nên sự gần gũi giữa người nói và người nghe, đáp ứng ngay những vấn đề nảy sinh chứ không theo kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”, tạo nên kênh thông tin hai chiều. Ngày nay thói quen đối thoại trực tiếp đã bắt đầu nhen nhóm ở ta, nhưng cái gì cũng cần có thời gian chứ không phải thích là được ngay.

Riêng tôi, do làm công tác ngoại giao nhiều năm, nên được chứng kiến nhiều nền văn hóa khác nhau, thậm chí bị “tiêm nhiễm” nhiều tác phong của người ngoài. Vả lại, khi tiếp xúc với người nước ngoài mà không hiểu văn hóa của họ thì chẳng tranh thủ được họ.

CUỘC ĐỜI TÔI LÀ TỰ HỌC

Trong quá trình học tập của ông, việc tự học như thế nào?

Đường học hành của tôi không mấy suôn sẻ. Thời tôi không giống như các bạn trẻ bây giờ, nhiều người không có điều kiện học hành đến nới đến chốn. Do nhiều lý do nên tôi chỉ học đến lớp 7 rồi được cử sang Liên Xô học tiếng Nga, học được 9 tháng thì được điều ra Đại sứ quán làm phiên dịch. Trời ơi, tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác hoảng hốt toát mồ hôi mỗi khi nghe tiếng điện thoại reo lên vì không thạo tiếng Nga, nghe không hiểu thì chết! Khi dịch các bản tin, bà thư ký người Nga chữa đỏ cả trang giấy, nhưng tôi vẫn nghiến răng dịch, và màu đỏ giảm dần, giảm dần cho đến khi hết hẳn. Sau đó, năm 1964, tôi được vào học tại Học viện Quan hệ quốc tế Liên Xô, nhưng chưa học xong đã phải quay về phục vụ đất nước. Tóm lại, tôi là người vô học nếu nói về bằng cấp. Tôi rất phục một số quan chức hiện nay có tới vài ba bằng đại học, thậm chí cao học, đằng trước tên ghi cả học vị tiến sỹ rất hoành tráng. Không biết họ có phép màu gì mà học giỏi như vậy?

Do hoàn cảnh như vậy nên khi được giao bất cứ việc gì mới đều phải học từ đầu. Đơn cử, khi được giao phụ trách quan hệ với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tôi không biết tiếng Anh, nên phải tự mày mò học. Cách học của tôi là chịu khó đọc sách tiếng mình học, nghe radio, xem vô tuyến, cố hiểu, thậm chí dịch đuổi theo. Gặp người nước ngoài thì bắt chước cách họ nói…, nhờ vậy dần dần tự hiểu được, tự nói được, đàm phán được…

Cuộc đời tôi là tự học, học thực hành chứ ít học văn phạm, ngữ pháp. Đó là ngoại ngữ. Còn các chuyên môn khác thì cố gắng tìm hiểu đến chân tơ kẽ tóc việc mình được giao, chịu khó tham vấn các chuyên gia để họ dạy cho mình, đồng thời chịu khó rút kinh nghiệm sau mỗi đợt công tác để làm tốt hơn. Nói chung phải tò mò!

Kinh nghiệm nào để ông tự học thành công?

Nói ngoại ngữ thì đừng sợ, phải liều nói, hoặc cứ nói bừa sau đó sửa sau. Tiếng mẹ đẻ nói dở thì mới đáng trách, chứ ngoại ngữ nói sai thì chẳng ai trách cả. Đừng ngại ngần bắt chước như các chú vẹt!

Ai để lại ấn tượng nhất trong ông về tấm gương tự học?

Đó là Bác Hồ, Người đã làm tôi rất ngạc nhiên. Bác biết 9 thứ tiếng, nhưng tiếng Nga Bác nói không thạo lắm. Một lần tôi được gọi lên dịch cho Bác gặp nhà báo Liên Xô. Lúc ngồi chờ khách tôi thấy Bác lấy thuốc hút và kèm theo là một mảnh giấy con rồi Bác nhẩm đọc. Tôi tò mò hỏi là Bác đang nhẩm gì? Bác bảo đang nhẩm tiếng Nga, vì mỗi ngày Bác hút hết một hộp thuốc, phải mở 20 lần. Cứ nhẩm thế thì ít nhất Bác cũng thuộc được 10 chữ. Tôi rất ấn tượng và tự hỏi: sao Bác già rồi lại ở cương vị có thể dùng phiên dịch mà vẫn học, còn mình trẻ thì tại sao lại lười, không tự học? Và cứ thế, tôi đã cố tự học. Ngày nào ta cũng nói học tập theo gương Bác Hồ nhưng liệu đã mấy ai làm theo gương Bác trong những việc cụ thể như vậy?

KHÔNG BIẾT CÁCH LÊN, NHƯNG PHẢI BIẾT CÁCH XUỐNG

Nhắc đến tên ông, người ta thường nghĩ đến những đóng góp lớn của ông cho đất nước. Suy nghĩ của ông thế nào sau mỗi lời khen?

Ai nghĩ thế thì không phải chút nào. Tôi rất ngượng khi ai đó gọi tôi bằng những mỹ từ như “ông nọ ông kia”… Không phải vì khiêm tốn mà tôi nói thế đâu, mà là vì tôi biết rất rõ rằng mỗi một công việc lớn của đất nước luôn quy tụ trí tuệ của rất nhiều người. Mỗi một cuộc đàm phán có sự tham gia của rất nhiều ngành, của hàng chục người chứ đâu chí có một người? Vả lại, bao giờ cũng vậy, đằng sau mọi sự việc có một bức tường vững chắc là cả một dân tộc! Nếu bảo rằng một người nào đó có công trạng này hay công trạng khác là điều không nên. Không phải tôi nói thế để cho đúng khuôn mẫu đâu! Nay tôi đã ngoài 70 tuổi, trải qua nhiều công việc nên có căn cứ để nói như vậy. Tất nhiên việc nào cũng có người chịu trách nhiệm chính nhưng đằng sau việc nào cũng có rất nhiều người tham gia, cũng giống như điện ảnh đâu chỉ có một mình đạo diễn làm nên?

Cho đến bây giờ, khi đã về hưu, ông tâm đắc nhất với việc gì ông đã làm được?

Thật sự không nói được việc gì tôi tâm đắc nhất. Việc tâm đắc nhất là những gì đã thành công, tức là đã hoàn thành và đem lại lợi ích cho đất nước. Ngay cả với những việc chưa thành công như mong muốn thì cũng đáng tâm đắc vì nó đem lại cho mình nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm quý báu.

Còn với những gì làm được lúc đương nhiệm, ông thấy thành công nhất của mình là gì?

Kể ra rất khó, vì lịch sử đất nước ta đầy những sự nghiệp mà thế hệ chúng tôi được vinh dự tham gia phần nào… Ví dụ một việc ít người nhắc đến nhưng tôi cho là có ý nghĩa lớn lao, đó là đàm phán để hình thành đường biên giới pháp lý xung quanh đất nước ta. Bắt đầu là các vùng biển với Malaysia, Thái Lan, Indonexia; đường biên giới trên bộ và phân định Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc. Việc đàm phán để gia nhập ASEAN cũng rất hay, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ với các nước láng giềng phía Đông Nam Á. Chuyện kết thúc đàm phán thương mại với Mỹ đầy kịch tính nhưng đã mở ra một thị trường xuất khẩu lớn nhất cho nước ta, tạo nên biết bao công ăn việc làm. Tham gia chỉ đạo đàm phán gia nhập WTO, tổ chức thành công APEC… cũng đều lý thú cả. Mỗi việc đều có cái lý thú riêng của nó.

Có khi nào ông cảm thấy có việc gì đó mà nhẽ ra nếu còn đương chức mình sẽ làm tốt hơn…

Không. Tôi thường nói với gia đình và bạn bè rằng: “Lên” thì không nên biết cách “lên”, nhưng “xuống” cần biết thời điểm và cách “xuống”. Đấy là cái tôi tâm niệm và cố làm như vậy. Có việc gì mình làm chưa xong thì hãy để người khác làm tiếp, có khi họ còn làm tốt hơn mình. Đến tuổi nào đó thì mình nên lùi ra để thế hệ khác tiếp theo… Cuộc sống là không ngừng, bao giờ cũng có những việc không xong!

Xem lại mình thì ông thấy tính cách của ông thuộc týp người sống nội tâm hay hướng ngoại?

Nghề ngoại giao của tôi thì buộc phải sống nội tâm. Làm “ngoại” nhưng phải sống “nội”… (Cười)

Nói là sống nội tâm nhưng khi tiếp xúc với thanh niên, sinh viên tôi luôn rộng mở tâm lòng, cố tìm sự đồng điệu về tâm hồn với họ, chỉ có như vậy mới có được nhuỵ sống của đời, mới đỡ bị lão hoá. Qua báo SVVN tôi mong các bạn trẻ hãy tận dụng tuổi trẻ để học, để biết, để hiến dâng sức lực và trí tuệ cho đời.

Xin cảm ơn ông!

LÊ NGỌC SƠN (Thực hiện) – Ảnh: Trọng Tài

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

– Sinh năm: 1937

– Quê quán: Hải Dương

– Có thể nói thạo các tiếng Nga, tiếng Anh, hiểu và nói được tiếng Trung

– Năm 1990: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

– Năm 2000: Bộ trưởng Bộ Thương mại

– Năm 2001: Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ

You may also like