GS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales (Úc), đã phân tích về tầm quan trọng và các điệu kiện cần thiết để người trẻ có thể phát triển tư duy sáng tạo…
Sáng tạo là thước đo của tiến hoá
Theo ông, như thế nào là tư duy sáng tạo? Nó có vai trò như thế nào trong sự phát triển của mỗi con người?
GS. Nguyễn Văn Tuấn: Sáng tạo là một khái niệm tương đối mới. Định nghĩa tương đối hoàn chỉnh của tư duy sáng tạo hình như được xuất hiện vào cuối thập niên 1950 và xuất phát từ nhà tâm lí học J. P. Gilford. Theo Gilford, sáng tạo có nghĩa hẹp là những hoạt động sáng chế, thiết kế, và phân loại sự việc một cách có hệ thống. Ngày nay, trong khoa học, sáng tạo được định nghĩa là tạo ra những tri thức và kĩ thuật mới và có ích nhưng chưa từng được biết đến trước đây hay gây ngạc nhiên.
Hiểu theo nghĩa trên thì sáng tạo là một thước đo của quá trình tiến hoá và văn minh. Lịch sử tiến hoá của nhân loại thật ra là quá trình chinh phục thiên nhiên và cải tiến cuộc sống, và đó chính là quá trình sáng tạo và thích nghi với môi trường. Ngày nay chúng ta tiến hoá đến nền kinh tế tri thức, và sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tri thức. Thật vậy, một trong những chỉ tiêu để đánh giá thứ bậc của một quốc gia trong nền kinh tế tri thức toàn cầu là khả năng sáng tạo của quốc gia đó. Khả năng này được thể hiện qua nhiều chỉ số, nhưng chủ yếu vẫn là số bài báo nghiên cứu khoa học và bằng sáng chế.
Và ở các nước phát triển, tư duy sáng tạo của người trẻ được khuyến khích bằng cách nào?
Tôi quan sát thấy ở các nước kĩ nghệ hoá, xã hội chẳng những khuyến khích mà còn tạo điều kiện để nuôi dưỡng tính sáng tạo độc lập. Ngay từ tiểu học, học trò đã được khuyến khích tính độc lập trong suy nghĩ. Học trò thường được giao cho những đề tài nghiên cứu, và các em phải tự mình đi tìm dữ liệu, viết báo cáo, và trình bày báo cáo trước đồng môn. Đến bậc trung học, học sinh được rèn luyện critical thinking, kĩ năng phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề. Tôi đã từng gặp học sinh trung học trình bày báo cáo khoa học một cách tự tin (vì các em biết các em nói gì) chẳng khác gì những nhà khoa học chuyên nghiệp. Đến bậc đại học, sinh viên được tự do theo đuổi đề tài nghiên cứu, và được khuyến khích chất vấn ngay cả giáo sư. Thật ra, các giáo sư chấm điểm dựa vào những câu hỏi khó và sáng tạo của sinh viên.
Ở các xã hội phương Tây, có thể có người ngạc nhiên là tại sao một xã hội sung túc và giàu có mà báo chí lại rất ít có những “tin lành”; ngược lại họ toàn đăng đầy rẫy những tin “tiêu cực”, những phê phán chính khách, và đặt hết vấn đề này đến vấn đề khác. Phải sống trong xã hội phương Tây một thời gian dài mới nhận ra rằng thái độ phê phán đó chính là cách phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề. Thái độ đó rất khác với xã hội Việt Nam nơi mà người ta thích những gì truyền thống, thích nghe tin lành hơn là đặt vấn đề. Theo tôi thấy sở dĩ người phương Tây có khả năng sáng tạo tốt hơn người châu Á là do môi trường xã hội của họ lúc nào cũng ở trạng thái động (còn châu Á thì ở trạng thái tĩnh) và lúc nào cũng nghĩ đến chinh phục thiên nhiên (còn châu Á thì tìm cách sống hài hoà với thiên nhiên).
Ở các trường ĐH của những nước phát triển, như các trường mà ông hay đến giảng dạy, sinh viên được phát huy tư duy sáng tạo của mình thứ thế nào?
Tuỳ theo giai đoạn học vấn, họ có những chiến lược riêng. Chẳng hạn như ở bậc cử nhân, ngoài việc luyện kĩ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, nhà trường còn khuyến khích sinh viên làm nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học là một qui trình sáng tạo. Dĩ nhiên, viết văn và sáng tác nghệ thuật cũng là sáng tạo, nhưng ở đây tôi nói về khoa học nhiều hơn. Rất nhiều trường có những diễn đàn khoa học (dưới dạng hội thảo chuyên đề) dành cho sinh viên trình bày nghiên cứu của họ và trao đổi ý tưởng. Ở bậc sau đại học, nghiên cứu sinh được hướng đến mục tiêu độc lập. Do đó, sau những chương trình đào tạo tiến sĩ, người ta có những chương trình nghiên cứu hậu tiến sĩ để định hướng cho các tiến sĩ trở thành những nhà khoa học độc lập.
Ngoài ra, các đại học có rất nhiều giải thưởng để khuyến khích tinh thần sáng tạo. Những cá nhân nào có công trình công bố trên các tập san danh giá thì được thưởng tiền khá cao. Chẳng hạn như ở Thái Lan, một nhà khoa học công bố công trình trên các tập san hàng đầu được thưởng đến cả ngàn USD.
Để sáng tạo, cần loại bỏ “chủ nghĩa Me too”
Một nền giáo dục giáo điều và đóng khung, sẽ làm triệt tiêu tư duy của những sản phẩm của chính nó – ở đây là các em học sinh, sinh viên. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Tôi nghĩ quan điểm đó quá đúng. Không thể nào sáng tạo trong môi trường giáo dục giáo điều và đóng khung. Trong môi trường giáo điều, những ý tưởng mới không phù hợp với một chủ thuyết nào đó cũng có nghĩa là không được chào đón, thậm chí còn bị bác bỏ ngay từ đầu. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi các đại học danh giá trên thế giới đặt nặng vấn đề tự do học thuật. Phải có tự do học thuật thì mới có sáng tạo tốt.
Có một thực tế mà nhiều người thường nhắc đến, khi sinh viên Việt ra các nước, một bộ phận thường rất khó khăn để bộc lộ chính kiến của mình, hoặc khá cứng nhắc trong các cách nghĩ. GS có thấy điều này đúng không? Và nếu đúng thì vì sao có chuyện đó?
Kinh nghiệm tôi cho thấy quả đúng như thế: sinh viên Việt Nam thường nhút nhát, không dám bày tỏ chính kiến của mình. Trong các buổi họp lab, sinh viên Việt Nam thường ít có ý kiến. Mà, không hẳn chỉ sinh viên, ngay cả trong giới giáo sư Việt Nam cũng có nhiều người không bày tỏ chính kiến trong các hội nghị quốc tế. Tôi nghĩ một phần là do họ không nắm vững vấn đề từ gốc (nên thiếu tự tin), một phần khác là họ cảm thấy không phải là những nhân vật trong cuộc, những người trực tiếp sáng tạo ra tri thức mới, nên cảm thấy khiêm tốn trước các đồng nghiệp khác.
Tôi thấy sinh viên Việt Nam chúng ta khi ra ngoài, họ học khá giỏi những môn học theo công thức hay theo những cái khung định sẵn, nhưng khi làm nghiên cứu đòi hỏi tính sáng tạo thì kém hơn hẳn so với sinh viên bản xứ. Do đó, trong những năm đầu đại học, sinh viên Việt Nam học giỏi, nhưng đến bậc sau đại học thì phần lớn họ rất vất vả do chưa quen với văn hoá khoa học và thiếu tính độc lập trong học tập.
Ông có nghĩ rằng, năng lực sáng tạo quyết định năng suất lao động của một quốc gia?
Điều này thì đương nhiên rồi. Ngân hàng thế giới từng có những phân tích mối tương quan giữa các chỉ tiêu về năng suất kinh tế và chỉ tiêu về tính sáng tạo, và đi đến kết luận rằng nước nào có độ sáng tạo cao cũng là nước có năng suất tốt. Một người nông dân có thể làm ruộng quanh năm, “bán mặt cho đấy, bán lưng cho trời”, và thu nhập 1000 USD một năm, nhưng nếu biết cơ giới hoá thì năng suất chắc chắn phải cao hơn và thu nhập cao hơn. Một đất nước chỉ dùng iPhone hay phần mềm của người khác chế tạo ra mà không tự mình chế tạo được gì thì đất nước đó rất dễ bị động.
Là một GS trong lĩnh vực y học, theo ông tộc tính có quyết định năng lực sáng tạo không?
Rất khó nói về một quần thể dân tộc, vì rất khó định lượng vấn đề. Tôi nghĩ dân tộc nào cũng có những tập tục kiềm hãm tính sáng tạo, và người Việt chúng ta chẳc cũng không phải là một ngoại lệ. Một trong những yếu tố tôi nghĩ đến là tính phục tùng cấp trên. Trong văn hoá Á Đông, kính trọng và phục tùng cấp trên có khi được xem là một nét văn hoá hay, nhưng trong khoa học lại là một yếu tố kiềm hãm tính sáng tạo. Vì phục tùng cấp trên, nên phải tuân thủ một cách máy móc, không dám chất vấn thẩm quyền, và khó có thể sáng tạo được.
Tính đố kị cố hữu của người Việt cũng là một rào cản lớn cho sáng tạo. Đồng nghiệp thay vì ủng hộ thì lại dèm pha và bôi nhọ những cá nhân có sáng kiến tốt. Những ai có sáng kiến gì mới thường bị mang nhãn hiệu “điên”, “khùng”, “mad”. Lại có khi bị đồng nghiệp cho là “chơi nổi”. Trong môi trường như thế là tính sáng tạo đã tử vong ngay từ giai đoạn đầu.
Tôi thấy người Việt rất hay bắt chước mà không chịu khó sáng tạo, không tôn trọng sáng tạo. Trong kinh doanh, khi thấy một doanh nghiệp nào đó làm ăn khá, người ta nhái thương hiệu một cách trắng trợn, thậm chí nhái cả màu sắc logo. Đó không còn là bắt chước mà là ăn cắp.
Về cơ bản, theo GS, làm thế nào để phát triển tư duy sáng tạo của người trẻ Việt?
Trước đây, có vài ý kiến cho rằng người Việt không hẳn thông minh, mà chỉ láu cá vặt thôi. Tôi nghĩ nhận xét đó có lẽ quá khắt khe, và muốn nghĩ rằng người Việt không đến nổi tệ về sáng tạo, nhưng vì cơ chế làm cho tính sáng tạo của người Việt “lùn” đi. Do đó, tôi muốn đặt vấn đề ngược lại: những yếu tố nào làm giảm tính sáng tạo của người Việt. Tôi nghĩ đến những yếu tố như hành chính hoá, thiếu khuyến khích sáng tạo, và môi trường tự do học thuật.
Tập trung hoá, hành chính hoá, và giai tầng hoá là yếu tố kiềm hãm tính sáng tạo. Hành chính hoá là một biện pháp tuyệt vời nhất để làm nản lòng nhà khoa học và kiềm hãm sự sáng tạo. Có những người nông dân sáng chế ra máy bay (dù chỉ là loại máy bay giải trí), nhưng các cơ quan Nhà nước đã hành chính hoá, thậm chí quân sự hoá vấn đề, đến nổi họ chẳng làm gì thêm được. Có những sáng kiến trong y khoa mà khi đương sự mới trình bày là bị bác bỏ bởi những người có học hàm. Đó là một sự hẹp hòi đáng tiếc, nhưng rất phổ biến. Có khi sự kiềm hãm xảy ra ngay từ khâu duyệt đề cương nghiên cứu, mà trong đó hội đồng bình duyệt thường là những người hoặc không có kinh nghiệm chuyên ngành, hoặc không sẵn lòng chào đón các ý tưởng mới.
Việt Nam rất thích những “trung ương” và người ta nhìn những người làm việc ở trung ương như là những bậc thiên tài, chuyên gia hàng đầu, và thế là bao nhiêu tài lực dồn về các cơ quan trung ương. Đó là một suy nghĩ rất lạ lùng. Đó cũng là một cách phân bố ngân sách rất tuyệt vời để kiềm hãm tính sáng tạo của các nhà khoa học. Thật vậy, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những xã hội phân biệt giai tầng từ cao đến thấp, hay nặng về quản lí và hành chính cũng là những xã hội kém sáng tạo.
Nhiều trung tâm ở Việt Nam không/chưa có chính sách đãi ngộ sáng tạo và nghiên cứu khoa học, nên nhà khoa học không có động cơ để sáng tạo. Có nhiều nhà khoa học công bố nghiên cứu trên tập san hàng đầu thế giới, mà lãnh đạo không hề hay biết hay có biết thì cũng dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra! Ngược lại, những hình thức “chiến sĩ thi đua” thực chất chỉ khuyến khích người ta làm những công trình nghiên cứu “me too” (bắt chước người khác) hay làm cho có làm, chứ không nhắm đến tính sáng tạo.
Như vậy, tư duy sáng tạo thường phát huy trong môi trường tự do học thuật?
Đúng vậy! Tự do học thuật như đề cập trên là một cách nuôi dưỡng tính sáng tạo. Chẳng phải ngẫu nhiên mà các đại học phương Tây rất quan tâm đến tự do học thuật và xem đó là yếu tố số 1 trong văn hoá khoa học.
Sáng tạo không thể nào phát huy trong môi trường thiếu tự do. Một xã hội mà người ta sợ hãi (có khi chỉ là sợ hãi vô hình) làm cho người ta phải tuân thủ một cách máy móc, bắt chước, và chịu phục tùng. Đó chính là những yếu tố làm kiềm hãm tính sáng tạo của con người. Môi trường sáng tạo phải là môi trường mà người ta sống không phải lo sợ.
Những đại học hay trung tâm nghiên cứu chuyên biệt về một vấn đề thường có khả năng sáng tạo thấp hơn những trung tâm đa ngành và có tương tác tốt giữa các nhà khoa học. Quá chuyên biệt hoá giữa các ngành khoa học. Sáng tạo thường xảy ra trong môi trường tương tác giữa các nhóm khoa học. Những trung tâm quá chuyên biệt về một vấn đề thường kém khả năng sáng tạo vì thiếu sự tương tác với các đồng nghiệp từ các chuyên ngành khác.
Xin cảm ơn ông!
Lê Ngọc Sơn (Thực hiện)
(Đây là bài nằm trong chuỗi chuyên đề “Phát triển tư duy sáng tạo cho người trẻ” đăng trên báo Sinh viên VN. Đọc bài này đã được biên tập trên SVVN số 21/2013)
Đọc lại 2 bài trước:
Bài 1: Từ quả táo Newton đến quả táo Steve Jobs
Bài 2: Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức