Home Chuyện trò Không phải cứ là người trẻ thì dễ hư hỏng

Không phải cứ là người trẻ thì dễ hư hỏng

by Lê Ngọc Sơn

Đó là khẳng định của TS Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Tp.Hồ Chí Minh, trong cuộc trò chuyện cởi mở với PV SVVN.

TS Lê Mạnh Hà: Thời nay các bạn trẻ có nhiều thông tin hơn, kiến thức sâu rộng hơn… thì sự tác động của thông tin vào từng cá nhân cũng khác nhau, và mỗi cá nhân có một cách xử lý riêng về thông tin. Tất nhiên là có những thông tin xấu, nhưng không có nghĩa là các bạn trẻ hoàn toàn thụ động.

Các bạn trẻ bây giờ đủ thông minh để tự lọc thông tin cho mình. Trên mạng Internet thông tin nhiều chiều, không thể ngăn được những thông tin đó. Có thể có những bộ phận giới trẻ bị thông tin xấu tác động, nhưng tôi tin chắc đa phần các bạn  biết chọn lựa thông tin để hoàn thiện mình tốt hơn.

Thế hệ trước thường phê bình thế hệ sau rằng: thiếu lý tưởng, dễ hư hỏng sa ngã… Thế hệ chúng tôi cũng bị thế hệ trước “nhắc nhở” về chuyện đó. Rồi biết đâu thế hệ mình cũng nói con cháu mình kiểu như vậy… (Cười). Cho nên mọi thứ là tương đối, không nên đổ lỗi cho người trẻ, và cũng không phải cứ là người trẻ thì dễ hư hỏng.

Thưa anh, anh thấy thái độ của thanh niên hiện nay thế nào trước các vấn đề quốc gia đại sự?

Thực ra thì ở thời điểm nào cũng vậy, người trẻ quan tâm rất nhiều đến các vấn đề lớn lao của đất nước. Ngày xưa thông tin ít hơn vì sách báo ít, nhưng người ta vẫn quan tâm đến các chuyện quốc gia đại sự. Tôi hay vào mạng và nhận thấy phản ứng của thanh niên trên mạng đa phần là tích cực, mang tính xây dựng.

Chúng ta đừng lo người trẻ sẽ giảm nhiệt huyết yêu nước đi. Vấn đề là cách thể hiện của các thế hệ khác nhau. Có thể thế hệ chúng tôi đi trước thì tập trung hơn, ít ý kiến nhiều chiều hơn… còn bây giờ thì nhiều chiều hơn nhưng vẫn cùng một mục đích chung.

Điều gì khiến anh chưa hài lòng về cách tranh luận hiện nay?

Có nhiều cuộc họp tôi thấy chưa hài lòng. Tôi biết chắc là đồng ý rồi thì họp làm gì cho mất công. Tâm thế mà đi nghe ý kiến cùng một kiểu thì oải lắm. Kể cả bảo là đúng rồi thì phải đúng đến đâu, chứ không phải là đúng 100% được.

Theo tôi, cần luôn luôn khuyến khích những ý kiến nhiều chiều trong giới trẻ. Càng nhiều chiều càng tốt, thậm chí càng nghịch tài càng tốt. Không phải cái gì đúng cũng dễ xuôi tai cả, cái gì khác bao giờ cũng khó nghe, đừng khẳng định người ta sai vội.

Tranh luận và trao đổi rất khó khẳng định người ta sai, chỉ nên nói ý kiến của tôi khác ý kiến của anh thôi chứ đừng nói ý kiến của anh là sai, vì cái đó không phải là toán học. Cùng một vấn đề nhưng có thể có nhiều nhận định khác nhau, đừng khẳng định người khác sai trong khi không có cái gì kiểm chứng cả.

Theo anh, làm sao để người trẻ xử lý tốt thông tin, trong thế giới đa dạng thông tin như hiện nay?

Muốn người ta xử lý tốt thì mình phải cung cấp thông tin nhiều hơn chứ không phải cung cấp chỉ vài thông tin. Cho người ta càng nhiều thông tin người ta mới xử lý tốt được, càng ít thông tin xử lý càng dễ sai. Muốn mua một món hàng tốt như ý cần phải có rất nhiều thông tin để chọn lựa.

Điều mà anh học được khi còn ngồi ở giảng đường Harvard là gì?

Môi trường ở đó khiến cho việc tranh luận là một kỹ năng bắt buộc. Mình phải tham gia, phải có ý kiến riêng của mình chứ không phải cứ nghe là được, chỉ nghe thôi thì chưa đủ… Mình có ý kiến, nhưng người khác cũng có ý kiến riêng của họ. Nó là một nét văn hoá của đại học.

Xin cảm ơn anh.

Lê Ngọc Sơn (Thực hiện)

You may also like