Vụ của Mr. Tam Asanzo từng có vài người đề nghị tôi xử lý giúp Mr. Tam không, lúc đó vụ việc mới xảy ra 1-2 ngày. Tuy nhiên, tôi từ chối vì một phần lúc đó kế hoạch phải trở lại Đức gấp do công việc. Một phần nữa là vài lí do cá nhân.
Quan sát cách xử lý vấn đề thì có thấy những nỗ lực lớn của nhóm truyền thông của Mr. Tam trong việc xử lý khủng hoảng. Đó là những nỗ lực to lớn, cần được sự ghi nhận của Asanzo.
Tuy nhiên, Mr. Tam đã có những lỗi chết người khi xử lý vụ này.
Trước hết, để nói về xử lý các khủng hoảng mang đặc thù bối cảnh sinh quyển văn hoá chính trị truyền thông của Việt Nam, nhất là dính đến yếu tố pháp luật, thì nếu chỉ đánh trống khua cờ trên truyền thông là không ăn thua, và dựa vào cơ may. Nó chỉ là giải pháp hà hơi thổi ngạt, hay giơ cờ hiệu của những con tàu chết máy trôi trên đại dương.
Quan trọng hơn, cần có giải pháp chiến thuật, và nó phải là thứ khác. Thứ này khó nói, ta tạm gọi là vận động sự ủng hộ ? Nhưng đơn giản và dễ hình dung thì có thể nói như này: Khủng hoảng là lúc bạn mất dần khả năng sinh tồn và chống chịu. Giống như một người bị mất nước do tiêu chảy (là một cuộc khủng hoảng) vậy. Việc đầu tiên phải làm là bù nước.
“Bù nước” trong trường hợp này là gì?! Là gia cường các khả năng tự vệ, củng cố các nhân tố có thể làm mình mạnh trở lại.
“Gia cường” bằng cách nào?! Nguyên tắc nhớ nằm lòng là “lúc lũ lớn, cá không được bơi ngược dòng”. Đánh lại là cách tiêu hao tài nguyên và năng lực tự vệ lớn nhất.
Một trong những lực gia cường sức mạnh được gọi tên là “chính trị” hoặc “sự ủng hộ mang tính chính trị”. Từ “chính trị” ở đây không phải mô phạm hay “không dính dáng gì đến doanh nghiệp tư nhân”. Nó vận cả vào nhau đấy!
Chính trị vận hành bằng nguyên lý “đúng-sai”, nhưng nó cũng vận hành bằng cảm xúc, sự thiện cảm, và bị điều khiển bởi tâm lý “đám đông chủ đạo”. Chính trị dựa vào đám đông. Đám đông vận hành bằng xúc cảm (Gustave Le Bon nói). Do đó, đóng vai nạn nhân, với chiến thuật khác, sẽ phù hợp hơn là aggressive tranh cãi đúng – sai.
Trong trường hợp của Mr. Tam, không chỉ Asanzo mới bị áp lực, các cơ quan chức năng phụ trách lĩnh vực có liên quan cũng áp lực. Đánh lại sẽ làm cho tiêu hao sự ủng hộ và tin tưởng của những cơ quan này. Mọi nỗ lực lobby hay “kêu cứu” sẽ thất bại. Không ai chấp nhận chơi với người mà hôm trước đến xin đàm, hôm sau lại muốn đánh úp đối tác.
Những diễn biến vừa qua cho thấy, hình như nhóm của Mr. Tam mạnh về truyền thông xã hội, nhưng lobby lại là một gót chân Achille!
Nhớ rằng, một trận đánh không có chiến thuật là một trận gây lộn đầy mạo hiểm với sinh mạng của mình.
Những đơn thư kiểu này, trong trường hợp này, là sự cuồng quay trong tuyệt vọng. Nhẽ ra, thời gian qua nên âm thầm để làm việc khác cần hơn.
Do vậy, tôi không tin vào kết quả tươi sáng nào cho Mr. Tam và Asanzo trong vụ này. Dù rằng, tôi thực tâm muốn VN có nhiều doanh nghiệp mạnh!