Home Góc nhìn Nghệ thuật vị quan hệ và sợi dây giao tiếp ở thị thành

Nghệ thuật vị quan hệ và sợi dây giao tiếp ở thị thành

by Lê Ngọc Sơn

Chuyện đóng cửa Zone 9 làm tôi liên tưởng đến việc hình như người ta vừa cắt đi những sợi dây thông đạt sự nhân văn thị thành, điều mà những đô thị lớn trên thế giới đã trả giá không-hề-rẻ…

Độc lập và biệt lập…

Trong số báo này có nhắc đến chủ nghĩa công năng của thiết kế các đô thị. Rõ ràng, chúng ta đang mắc kẹt trong một hình thế đô thị gián cách con người. Ở những đô thị lớn trên thế giới, nhà ở và khu làm việc tách riêng nhau. Ban ngày làm việc, tối về nhà ngủ. Đặc điểm của các khu dân cư này là rất yên tĩnh, được tổ chức ngăn nắp, ai cũng giống ai, lập trình hóa… nhằm bảo đảm sự yên tĩnh, không ai được làm phiền ai. Phải tôn trọng sự độc lập, yên tĩnh cá nhân, mỗi người như một ốc đảo, dường như ít biết gì về nhau. Và thực tế có nhiều người chết trong nhà cả mấy tuần nhưng không được phát hiện. Cuộc sống ở những khu đô thị này dần trở nên đơn điệu, việc tôn trọng sự độc lập dẫn đến sự biệt lập của những cá nhân.

Ở Hà Nội, khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính là một điển hình của loại hình đô thị này. Một khu đô thị tưởng rằng là kiểu mẫu” nhưng lại không có công viên để con người có thể giao tế với nhau. Người ta ta chơi với nhau trong những hành lang, còn lại là quá xá. Cư dân giống như những cá thể ở trong những cái ô riêng biệt.

Người ta muốn phá vỡ thế biệt lập này bằng cách rủ nhau đến các rạp chiếu phim, nơi tưởng rằng khả dĩ tăng tính kết nối. Tuy nhiên, thương thay, người đô thị lại lạc vào một thế cô lập khác của những ghế ô ngăn.

Sau chiến tranh lạnh, bên cạnh an sinh xã hội, người ta phải thực hiện các chương trình cộng đồng để kết nối lại các mỗi quan hệ. Trong giáo dục, người ta dạy phải biết quan tâm đến người khác; Những kĩ năng đơn giản như trong vài ngày nếu thấy người hàng xóm xuất hiện có thể qua gõ cửa để hỏi han, biết quan tâm nhưng không được làm phiền; dạy người trẻ cách viết thư hay gửi bưu thiếp cho nhau nhằm giữ sợi dây thông đạt v.v… Thế nên, nhiều người Việt rất ngạc nhiên khi gặp người Tây, họ thường chào và niềm nở trước, dù là gặp người lạ. Văn hóa thể hiện tình cảm đã thành nếp.

…Đến nghệ thuật vị quan hệ

Từ thế lưỡng nan của đô thị như vậy, trong nghệ thuật đã hình thành thuyết nghệ thuật vị quan hệ, tức là những hoạt động nghệ thuật hướng đến việc giúp cho mọi người tiếp xúc và gần nhau hơn. Từ đây, hình thành một loạt hình thức thuần túy chỉ để giải quyết việc tăng cường các mối quan hệ giữa người với người: Thay vì tổ chức triển lãm, người ta tổ chức nấu ăn tại một gallery, mọi người cùng mang thức ăn đến nấu nướng cùng nhau. Đứng đầu có thể là những nghệ sĩ – đầu bếp, trình bày đồ ăn theo lối tạo hình. Người ta nấu ăn với nhau trong một không gian tập thể, mọi thứ được lạ hóa để kích thích trí tưởng tượng, làm người với người gần gũi nhau hơn.

“Tổ hợp nghệ thuật – giải trí” Zone 9 (số 9 Trần Thánh Tông, Hà Nội) đã là một hiện tượng thu hút cư dân trẻ thị thành. Phải chăng, là họ – tự đáy bản thân mỗi cá thể trong đô thị, thấy khát một thứ nghệ thuật vị quan hệ như thế. Tiếc rằng, quyết định đóng cửa những hạ tầng kiến trúc ở Zone 9 lại không phải xuất phát từ những người có hiểu biết cơ bản về kiến trúc thượng tầng.

(Tháng 12/2013)

You may also like