Home Góc nhìn Zone 9 và xã hội dân sự kiểu thị thành

Zone 9 và xã hội dân sự kiểu thị thành

by Lê Ngọc Sơn

Ở Zone 9 (số 9 Trần Thánh Tông), còn là một ví dụ về việc: nơi nào có sự xuất hiện của xã hội dân sự, nơi đó có sự thành công riêng trong việc tự cấu trúc lấy đời sống riêng của những nhóm cư dân.

Rất có thể Zone 9 làm nhiều người liên tưởng đến khu Insadong ở Seoul (Hàn Quốc), một khu làng nghệ thuật của thanh niên Hàn Quốc. Ở đấy cũng quy tụ lại các shop, studio, gallery và quán xá của đám trẻ. Duy chỉ có điều khác là Insadong có những khu nhà mới, tươm tất hơn Zone 9 ở ta. Nhưng Zone 9 đã suýt trở thành một khu ký ức của thành phố bị… bỏ quên, nếu không có bàn tay những nhà đầu tư và cũng là những nghệ sĩ. Những dãy nhà cũ được thiết kế lại, với những dãy hàng quán tiện lợi, phục vụ đúng thị hiếu. Chẳng phải ngẫu nhiên mà những ngày “Berlin sống trong lòng Hà Nội” lại được Đại sứ quán Đức chọn tổ chức ở đây, chả phải ngẫu nhiên mà sự kiện giao lưu văn hoá lại được Đại sứ quán Pháp chọn Zone 9 là nơi tổ chức họp báo… Và hơn hết, chẳng phải vô lý khi giới trẻ thị thành Hà Nội lại thích la cà, tụm ba tụm bảy chốn này.

Trước đây, chúng ta cũng có những không gian được cho là nơi sẽ dành cho người trẻ, nào là công viên Thống Nhất, hay vườn hoa Thủ Lệ nổi tiếng một thời, và giờ đây những địa điểm này là những nơi tập thể dục của các cư dân sống lân cận. Chúng ta đã bỏ hàng trăm tỷ đồng để xây nên công viên Hoà Bình nhưng nó lại hoang vắng người trẻ đến chơi. Hà Nội có một công viên với ước muốn dành cho người trẻ, ước muốn cháy bỏng đến mức đặt tên luôn công viên đó là Tuổi Trẻ, nhưng trên thực tế chốn đó là nơi của… các nhà hàng. Có lẽ, trong tư duy của những người làm quy hoạch đô thị kiểu cũ, địa điểm cho giới trẻ phải chỉ là những công viên có ghế đá ngồi tâm sự, những hàng cây dạo bộ,v.v…  Thế nên tư duy quy hoạch theo lối truyền thống và cách nghĩ về lợi ích một cách quan liên của “người lớn” khác với nhu cầu thực sự mà giới trẻ chốn thị thành mong muốn. Một cấu trúc đô thị sẽ lệch chuẩn khi chuẩn các chính sách cho đô thị do ai đó đặt ra mà không bám sát nhu cầu thực sự của thị dân.

Trong bối cảnh đó, có lẽ Zone 9 là một sản phẩm ra đời từ việc các nhóm cá thể thấy vô vọng với không gian đô thị ngày càng thiếu bản sắc bởi dân số và phương tiện cơ giới, và họ tự cấu trúc lấy không gian sống của mình. Đó cũng có thể là một ngoa dụ của việc người trẻ cãi lại sự chán chường thiếu bản sắc của một đô thị trong quá trình đuổi theo công nghiệp hoá. Ở Zone 9, ta không thấy sự sang chảnh, cũng chẳng nhân danh dự án nghìn tỷ, không dùng ngân sách, và dĩ nhiên cũng không có những diễn văn dài dài ngoằng tuyên bố nó dành cho giới này, giới nọ. Zone 9 tự thân nó là một “hub” giải trí – nghệ thuật để những người trẻ ký thác sự căng thẳng và xúc cảm nhiều chiều của mình. Đó là một không gian có sức sống riêng, có hồn vía và giữ sự gián cách với cái ồn ào thường nhật của Hà Nội, dù nó ở giữa lòng Hà Nội. Đó là không gian mang bầu không khi thế hệ với dấu ấn văn hoá đặc trưng có chọn lọc. Những người thường xuyên lui tới khu này định vị ra một giới trẻ có văn hoá riêng. Sự lành mạnh của nó không chỉ về mặt tinh thần, mà lành mạnh của cả một triết lý tổ chức. Do đó, cũng chẳng là quá lời khi có người nói rằng, giới trẻ ở Zone 9 có một tuyên ngôn riêng, ở đó họ sẽ định vị họ là ai, họ như thế nào? Tạo nên một sự quần cư riêng cho giới trẻ. Vậy nên, thật nực cười khi có người chưa từng đến đây thưởng thức, nhưng đã lớn tiếng phán xét. Chưa tận mắt ngắm một bức tranh đẹp của Picasso, mọi lời cảm thuật đều vô nghĩa mà thôi.

(tháng 11/2013)

You may also like