Home Chuyện trò TỪ QUẢ TÁO NEWTON ĐẾN QUẢ TÁO STEVE JOBS

TỪ QUẢ TÁO NEWTON ĐẾN QUẢ TÁO STEVE JOBS

by Lê Ngọc Sơn

Thời “quả táo Newton” đã mở màn và đặt nền móng cho một thời kỳ  khoa học phát triển, và đến thời “quả  táo Steve Jobs” đã có những bước đột phát về  khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, để có sự chuyển biến đó, loài người đã thực sự oằn mình tư duy và sáng tạo… TS vật lý học Chu Hảo, có cuộc trò chuyện cùng SVVN về chủ đề này…

GS Chu Hảo

GS Chu Hảo

“Cây sậy biết suy nghĩ”

Lê Ngọc Sơn: Thưa ông, theo ông, loại tư duy nào là quan trọng nhất đối với một người trẻ?

TS. Chu Hảo: Theo tôi, đối với sinh viên có hai loại tư duy thiết thực này là quan trọng: tư duy phản biện (TDPB) và tư duy sáng tạo (TDST). TDPB là tư duy giúp cho người ta nhận thức được vấn đề và lựa chọn được niềm tin hay hành động. Cái đó lúc nào cũng cần, ai cũng cần nó. Chỉ trong xã hội mà không khuyến khích tư duy độc lập, chỉ muốn mọi người nghĩ giống nhau hoặc nghĩ theo cái người khác đã bày cho, phục tùng một cách thụ động thì mới không cần đến tư duy phản biện.  Thế nhưng, phàm đã là một xã hội phát triển, nếu không có TDPB thì đã là “chết lâm sàng”.

TDST nhằm tạo ra những giá trị mới, chẳng hạn: một bức tranh hay một bản nhạc là một giá trị mới của nghệ thuật; một sản phẩm công nghệ cao là giá trị mới của khoa học và công nghệ…. Do vậy, TDST là tư duy dẫn người ta đến việc tạo ra cái giá trị mới của văn hóa nghệ thuật hoặc là khoa học – công nghệ.

Lê Ngọc Sơn: Vào thế kỷ  15, Blaise Pascal nói: “Con người là cây sậy biết suy nghĩ”, mở đầu cho việc lòai người nhận thức được giá trị khác biệt của mình so với muôn loài khác, tự vấn về mình giữa vũ trụ bao la. Thông qua một câu chuyện này, ông có chia sẻ gì?

TS. Chu Hảo: Pascal cho rằng con người hết sức mong manh, hết sức nhỏ bé, hết sức yếu đuối trong vũ trụ mênh mông, đầy bất trắc này. Con người giống như cây sậy, nó hơn tất cả những vật thể khác tồn tại trên trái đất này là biết suy nghĩ. Vì biết suy nghĩ nên dù yếu đuối như thế nhưng nó hiểu được thiên nhiên và nó tận dụng được tiềm năng của thiên nhiên để phát triển bản thân và đồng loại. . Đấy là một câu nói hết sức nổi tiếng để thấy rằng trong tất cả các loài thực vật, động vật, kể cả động vật cao cấp thì chỉ có con người là biết suy nghĩ hoặc tư duy, tuỳ vào ngữ cảnh.

Lê Ngọc Sơn: Theo ông, đâu là sự khác biệt giữa suy nghĩ và tư duy?

TS. Chu Hảo: Descartes thì nói : “Tôi tư duy ( suy nghĩ ) tức là tôi tồn tại”. Câu nói của Pascal và của Descartes là hai phát biểu hết sức nổi tiếng. Một câu nói khẳng định con người hơn hẳn các động vật khác là biết suy nghĩ (tư duy). Câu thứ hai cho rằng, khi ta tư duy ( suy nghĩ ) thì ta mới là con người. Nếu là một con người mà không biết tư duy, không biết suy nghĩ thì không có thiên chức của con người. Vậy tư duy và suy nghĩ khác nhau thế nào? Có rất nhiều định nghĩa tư duy khác nhau, nhưng để dễ thảo luận về chủ đề này chún ta hãy tạm thời thoả thuân: suy nghĩ là các hoạt động tâm sinh lý xảy ra trong bộ óc của con người, còn tư duy là suy nghĩ một cách có phương pháp và có chủ đích. Chủ đích ấy là để phản biện hay sáng tạo ra một cái gì đó.

Tư duy quyết định thành tựu

Lê Ngọc Sơn: Nhưng để có TDST hay TDPB thì phải có những phương pháp tư duy nào được coi như là công cụ, thưa ông?

TS. Chu Hảo: TDPB và TDST là tư duy cần thiết để cho ta phản biện hay sáng tạo. Muốn có TDPB và TDST phải có một số công cụ tư duy cơ bản như tư duy logic, tư duy biện chứng, tư duy trừu tượng, tư duy phân tích, tư duy tổng hợp… Nhưng muốn có TDPB, TDST thì điều quan trọng nhất để sử dụng những công cụ tư duy có hiệu quả là người đó phải độc lập tư duy, mình dám chịu trách nhiệm trước mình, dám nghĩ những điều khác với những gì đã tồn tại. Tư duy là của mình, không dựa dẫm vào người khác. Thêm nữa, dám nghi ngờ một cách lành mạnh, nghi ngờ không có giới hạn, bất kể vấn đề gì đều có thể đặt vấn đề nghi ngờ. Hoài nghi lành mạnh để xem liệu vấn đề đó có đúng hay không. Ví dụ, nếu Einstein coi Newton là thánh thì không bao giờ đặt lại vấn đề. Nhưng ông dám đặt lại vấn đề là vật lí Newton có thể đúng trong trường hợp này nhưng lại không đúng trong trường hợp khác thì sao? Và những thành tựu ra đời từ những kiểu hoài nghi lành mạnh đó.

Lê Ngọc Sơn: Nhân tiện ông nhắc  đến Newton, làm tôi liên tưởng thành tựu tư duy của con người với hình tượng quả táo. Thành tựu của tư duy con người có những bước tiến rõ rệt qua việc kể lại qua câu chuyện của quả táo Newton đến kể câu chuyện “quả táo cắn dở” của Steve Jobs…

TS. Chu Hảo: Vật lí Newton là vật lí cổ điển, chỉ đúng cho vật thể vĩ mô, có kích thước  từ phân tử trở lên là . Kích thước từ nguyên tử trở xuống  là thế giới vi mô.. Định luật của Newton đúng từ quả táo cho tới các thiên hà. Nhưng ở các kích thước kích thước vi mô  là lĩnh vực của cơ học lượng tử. . Ở đấy mới có những hiệu ứng  quang điện hết sức tinh tế  có thể ứng dụng để sản xuất những linh kiện bán dẫn dùng trong các sản phẩm của Steve Jobs.

Tuy nhiên, khoa học là sự tiếp nối, ngưòi vĩ đại đi sau  phải đứng trên vai những người khổng lồ đi trước. Không có thành tựu  của vật lý họcNewton thì khó dẫn đến những sản phẩm công nghệ thông minh “quả táo cắn dở” của Steve Jobs –  những thành tựu của vật lí học lượng tử.

Lê Ngọc Sơn: Qua câu chuyện này ta thấy sự phát triển của xã hội loài người là kết quả của quá trình loài người trăn trở, luôn tìm cho mình những phương pháp tư duy mới?

TS. Chu Hảo: Đúng vậy! Nhu cầu con người là luôn luôn muốn biết và giải thích những sự việc, hiện tượng xung quanh mình.  Thời ký tiền khoa học có những hiện tượng như sấm chớp, bệnh tật… không giải thích được, thì coi đó là do thần linh. Cho nên tư duy của loài người đã bắt đầu phát triển từ những tư duy tiền khoa học, những kiểu tư duy gắn với thần thoại, thần linh. Sau đó là thời kì tư duy gắn với cơ học Newton và được gọi là tư duy cơ giới. Sau thời đại của tư duy cơ giới, gắn với những thành tựu của cơ học lượng tử và thuyết tương đối, được gọi là tư duy hệ thống. Còn bây giờ đang tiến sang thời kì người ta gọi là tư duy phức hợp.

Lê Ngọc Sơn: Như vậy, không có một chân lý nào là tuyệt đối, và  không có bất cứ một phương pháp tư duy nào có thể giải quyết được mọi bài tóan đặt ra?

TS. Chu Hảo: Nếu coi một chân lý nào là tuyệt đối thì khoa học sẽ không phát triển được. Quá trình nhận thức là một quá trình tiệm cận , hiểu biết dần dần. Thế nhưng mà liệu con người có thể hiểu biết hết được những gì của thiên nhiên –  vũ trụ hay không? Chưa chắc!  Cho đến đầu thế kỷ 20 những thành tựu của Khoa học – công nghệ đã làm cho loài người choán ngợp, tưởng rằng mình có thể hiểu biết được tất cả mọi vấn đề, và tất cả mọi thứ trong vũ trụ này đều có quy luật xác định, và các quy luật ấy đều được phát hiện bằng trí tuệ của con người. Nhưng tiếc thay đó lại là một ngộ nhận tai hại ! . Tư giữa thế kỷ 20 đến nay loài người tỉnh ngộ ra rằng mình ngộ nhận: hoá ra Thiên nhiên là hỗn độn , là bất định, là không thể hiểu biết đến tận cùng của vạn sự. Những cái phải tìm hiểu thì còn mênh mông, và điều đó thách thức tư duy của cả nhân loại văn minh này.

Xin cảm ơn  ông!

Lê Ngọc Sơn (Thực hiện)

Rải băng: Kiều Loan

(Bài này đã đăng báo SVVN số ra tuần qua)

Đón đọc bài 2: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức”, trò chuyện với nhà giáo Phạm Toàn về cách để người học có tư duy sáng tạo.

You may also like