Home Chuyện trò KHÔNG CÓ NỀN VĂN HÓA KÉM CỎI

KHÔNG CÓ NỀN VĂN HÓA KÉM CỎI

by Lê Ngọc Sơn

Sinh Viên Việt Nam tiếp tục trao đổi về chủ đề chất lượng nền văn hóa cùng TS Nguyễn Phương Mai, ĐH Amsterdam, Hà Lan. Chị cho rằng, trong câu chuyện này, cái chúng ta cần du nhập, hay chúng ta muốn “chữa chạy” không phải là các giá trị văn hóa gốc mà chỉ là những hành vi.

Không có nền văn hóa kém cỏi

Ảnh

Theo chị, có “văn hóa tốt đẹp” và “văn hóa xấu xí” không? Và vì sao?

Câu trả lời cho hai khái niệm này tùy thuộc vào người làm nghiên cứu có theo quan điểm “văn hóa tương đối” (cultural relativism) hay không. Những người theo quan điểm này cho rằng, không có nền văn hóa nào kém cỏi hay cao siêu hết. Bất kỳ một nền văn hóa nào cũng cần được nhìn nhận khách quan và chỉ có người của chính nền văn hóa đó mới có quyền được phán xét và đổi thay. Ví dụ như tục lệ bốc mộ của người Việt. Tôi có người bạn (Tây) gặp ác mộng cả tuần liền chỉ vì một lần chứng kiến cảnh gia đình người chết lội trong vũng bùn mò những khúc xương trong quan tài mủn rữa rồi lấy dao cạo đi lớp thịt da còn bám bên trên. Nếu không theo quan điểm “văn hóa tương đối” thì bốc mộ đáng bị coi là hủ tục. Tuy nhiên, bạn tôi dù ăn cơm mất ngon cả tuần vẫn nhận định rằng: “Đó là văn hóa của Việt Nam, tôi chỉ có quyền tìm hiểu lý do tại sao chứ không có quyền phán xét nó đúng hay sai, hủ tục hay là phong tục”.

Tất nhiên là có cả một trường phái phản đối quan điểm này, trong đó có Ayaan Hirsi Ali, một phụ nữ gốc Somalia rất nổi tiếng, từng chạy trốn cuộc ép hôn của gia đình, lánh nạn đến Hà Lan và trở thành một trong những nghị sĩ làm rung chuyển chính trường bởi những phát ngôn phê phán Hồi giáo. Bà bảo, một nền văn hóa cho phép người lớn cắt bộ phận sinh dục của trẻ em gái vì cho rằng điều đó sẽ giữ các thiếu nữ khỏi vòng ham muốn nhục dục trái đạo đức, một nền văn hóa coi phụ nữ kém cỏi hơn đàn ông, một lời làm chứng trước tòa của phụ nữ cũng chỉ bằng một nửa đàn ông, thì không thể là một nền văn hóa ngang bằng với nơi mà phụ nữ hay đàn ông đều được tôn trọng như một con người.

Còn quan điểm của chị?

Là một nhà nghiên cứu về văn hóa, quan điểm của tôi khá trung dung. Tôi cho rằng, có những giá trị văn hóa mang tính toàn cầu. Đó là tự do, sự tôn trọng, dân chủ, bình quyền, lòng yêu thương… Tuy nhiên, cái khó của vấn đề là tự do đến đâu, tôn trọng đến mức nào. Ví dụ, nhân viên ai cũng phải tôn trọng sếp. Cái đó là đương nhiên ở đâu cũng thế. Nhưng có những nền văn hóa mà cái sự tôn trọng ấy đi xa đến mức sếp có quyền quát nạn, thậm chí đánh đập, xỉ vả nhân viên mà nhân viên chỉ dám cúi đầu lắng nghe. Ai hay xem phim Hàn Quốc hẳn thấy quen quen. Theo tôi, văn hóa công sở như vậy là đã vượt quá cái ranh giới giữa giá trị toàn cầu (nhân viên kính trọng sếp) và cái gọi là văn hóa hủ lậu. Người Hàn biết điều đó và họ đang tích cực thay đổi. Những công ty Hàn Quốc tham gia các khóa đào tạo của tôi đều lĩnh hội rất nhanh điều này, rằng sự nóng nảy của các ông chủ Hàn Quốc không dễ dàng được chấp nhận ở Việt Nam, nơi văn hóa quy định rằng, sếp có quyền sinh quyền sát nhưng đồng thời cũng phải là một người anh/chị cả, một người cha, người mẹ, người thầy tốt, biết thương yêu và bảo vệ nhân viên dưới quyền.

Hiện nay, khi nhắc đến văn hóa, không ít người thấy toàn nhược tật, phải chăng đó là một sự tự ti về văn hóa?
Nước nhỏ thì hẳn nhiên là sẽ có tự ti văn hóa. Rất nhiều nước bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa và Khổng giáo, cũng từng có sự tự ti này: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Tuy nhiên, họ đã vươn lên về mặt kinh tế và chắt lọc những nét văn hóa khác biệt, dù nhỏ bé của mình để kiêu hãnh và tự hào.

Cái cần thay đổi là hành vi

Chị giải thích thế nào, khi ở ta, văn hóa (như biểu hiện qua các lễ hội, ứng xử…) lại bộc lộ sự kém cỏi khó chấp nhận?

Chúng ta có những biểu hiện văn hóa khó coi vì nhiều lý do nhưng tôi chỉ nêu một lý do quan trọng nhất, đó là yếu tố lịch sử. Việt Nam là một đất nước liên tục trong tình trạng loạn lạc suốt nhiều nghìn năm. Để đối phó với sự bất an đó, người Việt đã hình thành một cách sống khá linh hoạt, “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”. Chúng ta du nhập hành vi, tập tục ngoại lai rất nhanh, chúng ta cũng mau chóng mất đi bản sắc rất nhanh, cái gì cũng có thể thay đổi, ứng biến, thêm vào, rút ra cho hợp với thời thế, cho nhanh kiếm được lợi nhuận (ngắn hạn), cho xong việc, cho mau mau chóng chóng có lãi, rồi sau này thế nào không cần biết và có lẽ cũng không thể biết. Cuộc sống bất an mà!

Chúng ta hay nghe nói đến chuyện chữa các khuyết tật văn hóa, du nhập điều tốt… Điều này trên thực tế có làm được?
Làm được! Bởi cái chúng ta cần du nhập, hay chúng ta muốn chữa chạy không phải là các giá trị văn hóa gốc mà chỉ là những hành vi. Hành vi tạo nên thói quen, thói quen tạo nên tính cách, tính cách tạo nên số phận. Tôi sẽ lấy ví dụ từ đảo quốc Singapore. Capital Land là một công ty địa ốc rất nổi tiếng của Singapore. Tổng Giám đốc Liew Mun Leong có thói quen mỗi Chủ Nhật lại gửi toàn thể nhân viên một bức e-mail dài chia sẻ lòng mình. Trong hàng trăm bức thư ông gửi, có một điểm mà ông không mệt mỏi nhắc đi nhắc lại: “Công ty chúng ta nói KHÔNG với tham nhũng”. Singapore từng bị nạn tham nhũng hoành hành khủng khiếp đến nỗi, như người ta bảo, đến ông đưa thư cũng vòi tiền rồi mới trao thư báo đều đặn. 50 năm sau, Singapore trở thành một trong những quốc gia có môi trường kinh tế sạch nhất thế giới. Điều đáng nói là dân số Singapore được tạo dựng bởi 3 nhóm dân tộc, từ 3 đất nước nổi tiếng tham nhũng (Trung Quốc, Ấn Độ, Mã Lai). Liệu chúng ta có thể từ đó mà suy ra rằng, tham nhũng không phải là một phần của gốc văn hóa, rằng cái cách sống trọng tình không nhất thiết phải ràng buộc với tham nhũng, rằng tham nhũng chỉ là thói xấu nhất thời và hoàn toàn có thể triệt bỏ tận gốc?

Và phải chăng vì thế, ở một mặt nào đó, văn hóa quyết định số phận một quốc gia?
Từ ngày về nước, tôi đã có hàng chục cuộc phỏng vấn và ai (Tây cũng như Ta) đều nói rằng, ở Việt Nam, tham nhũng không còn là “quốc nạn” nữa. Nó đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống, không có nó mới là điều lạ. Chủ tịch một trường ngoại ngữ của Úc hốt hoảng kể cho tôi nghe rằng, một nhân viên mới của anh đã dàn xếp để lấy tiền hoa hồng từ các tài xế taxi gọi cho công ty ngay trong ngày đầu tiên đi làm. Như vậy, người Sing đã thay đổi hành vi của mình, rồi từ đó thay đổi tính cách và tự tạo dựng nên số phận một cường quốc Singapore mạnh mẽ, đáng tự hào. Chúng ta cũng vậy, trước hết, cần có một chính sách kiên quyết để thay đổi hành vi, dần dần ý thức sẽ thay đổi. Thay đổi số phận của một đất nước bắt đầu bằng sự thay đổi từ chính những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt nhất hằng ngày.

 Xin cảm ơn chị!

TS Nguyễn Phương Mai giảng dạy Giao tiếp đa văn hóa và văn hóa doanh nghiệp tại ĐH Amsterdam, Hà Lan. Chị đã từng sống, làm việc, và đặt chân đến gần 80 quốc gia. Bộ sách của chị Lên đường với trái tim trần trụi viết về triết lý du hành và cách nhìn nhận văn minh với các nền văn hóa khác nhau. Phần 1 mang tên “Tôi là một con lừa” sẽ ra mắt bạn đọc vào đầu tháng 5/2013. Mời các bạn trao đổi với tác giả tại www.culturemove.comhoặcwww.facebook.com/dr.nguyenphuongmai

“Sông Hằng với độ ô nhiễm khủng khiếp, là nơi vứt tro xác người chết nhưng đồng thời cũng là dòng sông thiêng để các tín đồ đến trầm mình rửa tội. Cách cô gái này chỉ chừng vài chục mét là giàn thiêu xác lớn nhất Varanasi với xương người nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Tính chất văn minh và hành động mông muội, đôi khi xoắn xuýt kết nối vào nhau đến không thể tách rời, không thể phân biệt” (TS Nguyễn Phương Mai).

Lê Ngọc Sơn(Thực hiện)

You may also like